Cà Mau Lo Dịch Bệnh Trên Tôm Bùng Phát

Năm nào cũng vậy, khi mùa mưa đến, dịch bệnh trên tôm lại có chiều hướng gia tăng, ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất, hiệu quả tôm nuôi. Riêng năm nay dịch bệnh có nguy cơ bùng phát cao hơn khi diện tích tăng quá nhanh trong khi sự trang bị về kiến thức để ứng phó của người nuôi còn quá “mỏng”.
Tính tới thời điểm này, diện tích nuôi tôm công nghiệp trên địa bàn huyện Ðầm Dơi (Cà Mau) đạt 2.661 ha, vượt 330 ha so với kế hoạch, đạt 126% so với chỉ tiêu cả năm.
Diện tích dịch bệnh trên tôm công nghiệp đến thời điểm này 199 ha. Chỉ trong vòng hơn 1 tháng sau khi mùa mưa bắt đầu, diện tích tôm bệnh tăng gần gấp đôi so với 4 tháng trước. Ðiều này cho thấy nguy cơ bùng phát dịch bệnh rất cao.
Ông Quách Văn Khẻn, ấp Chà Là, huyện Ðầm Dơi, than phiền: “Thấy người ta làm hiệu quả, tôi cũng thả nuôi 4.500 m2, nhưng từ đầu năm đến nay 2 lần đều thua trắng. Bỏ ra gần 200 triệu đồng chứ đâu có ít, nuôi được 30-40 ngày rồi đột nhiên tôm chết đột ngột, trở tay không kịp.
Có thể bán “vớt vát” chút đỉnh lấy lại đồng vốn nhưng do giá tôm rớt mạnh, thương lái không chịu mua, đợi không được nên một số hộ dân ở đây đành phải bỏ tôm chết trắng đầm”.
Không riêng gì Ðầm Dơi, huyện Cái Nước cũng đang rơi vào tình cảnh tương tự. Hiện nay, diện tích tôm công nghiệp bị bệnh của huyện khoảng 148 ha trên tổng số 1.362 ha nuôi công nghiệp.
Với tổng số vốn bỏ ra 120 triệu đồng để chăm sóc 6.000 m2 tôm công nghiệp gần 1,5 tháng, gia đình ông Nguyễn Văn Hoạch, ấp Ngọc Tuấn, thị trấn Cái Nước, chỉ kịp thu đủ tiền con giống, số tôm còn lại phải bỏ chết trắng ao. Ông Hoạch tâm sự: “Không hiểu sao mới sáng tôm còn khoẻ mạnh, vậy mà chiều xuống lại chết rất nhanh”.
Thê thảm hơn gia đình ông Hoạch là vuông tôm 7.000 m2 của anh Nguyễn Trọng Thuỷ, ở cùng xóm. Anh Thuỷ thở dài: “Mưa xuống chẳng bao lâu thì tôm chết rất nhiều. Nhiều nhà gần đây vớt bỏ hàng đống, gây hôi thối cả xóm”.
Còn ở huyện Phú Tân, các ngành chức năng cấp tỉnh, huyện cùng ngành chuyên môn tích cực tuyên truyền người dân cân nhắc thả tôm đúng lịch thời vụ, xây dựng ao nuôi phải nằm trong vùng quy hoạch và hội đủ yêu cầu về đường, điện và kỹ thuật nuôi để tạo điều kiện tốt nhất cho tôm nuôi phát triển, hạn chế dịch bệnh xảy ra. Thế nhưng, chỉ trong 2 tháng gần đây diện tích tôm nuôi bị dịch bệnh tăng nhanh hơn 128 ha.
Mặc dù nỗ lực trong quản lý nhưng 4/6 ao tôm thẻ chân trắng của ông Nguyễn Minh Luân, ấp Cái Ðôi Nhỏ, xã Nguyễn Việt Khái vẫn bị thiệt hại ở giai đoạn 22-30 ngày tuổi.
Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Phú Tân Trần Quốc Yên xác định, nguyên nhân xảy ra dịch bệnh là do nguồn tôm giống kém chất lượng, thời tiết thay đổi làm cho tôm nuôi mất sức đề kháng.
Bên cạnh đó, một số hộ nuôi chưa thực hiện đúng quy trình, nóng vội, không tuân thủ lịch thời vụ, khuyến cáo của ngành chuyên môn nên dịch bệnh tăng nhanh. “Hiện nay, những ao nuôi bị dịch bệnh đang được cải tạo, xử lý chờ khuyến cáo của ngành chức năng để thả nuôi vụ thứ hai”, ông Trần Quốc Yên cho biết thêm.
Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Cái Nước Ðoàn Văn Chính khuyến cáo, mùa mưa, môi trường nuôi sẽ biến động. Người nuôi tôm cần hết sức chú ý kiểm tra thường xuyên yếu tố môi trường ao nuôi, mật độ thả nuôi thưa hơn để bảo đảm sức khoẻ cho tôm.
Ðồng thời, Phòng Nông nghiệp huyện sẽ tăng cường tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật xử lý tình huống cho người nuôi, tăng cường vai trò của đội ngũ khuyến nông, khuyến ngư cơ sở hỗ trợ, tư vấn cho người dân kịp thời khi xảy ra sự cố.
Chi cục Nuôi trồng thuỷ sản Cà Mau cho biết, từ đầu năm đến nay, diện tích nuôi tôm công nghiệp bị bệnh 538,83 ha (đốm trắng 26,51 ha, gan tuỵ 421,48 ha, bệnh khác 70,6 ha), giảm 191,97 ha so cùng kỳ. Tỉnh đã xuất 137,04 tấn chlorine để xử lý dịch bệnh trên diện tích 372,08 ha. Tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi 6 tháng đầu năm giảm so với cùng kỳ năm 2013, tuy nhiên vẫn còn diễn biến phức tạp, chưa có giải pháp để ngăn chặn.
Có thể bạn quan tâm

Trong đó có 9 cơ sở nuôi cá tra thương phẩm (69ha) được chứng nhận GlobalGAP/ASC, 2 cơ sở sản xuất giống cá tra được chứng nhận GlobalGAP (diện tích 6,3 ha), 3 cơ sở nuôi cá tra thương phẩm (8,4ha) được chứng nhận VietGAP, và 1 cơ sở nuôi cá tra thương phẩm (3ha) được chứng nhận BMP.

Ao nuôi nên có vị trí thuận lợi cho việc cấp và thoát nước, vị trí ao nuôi phải có điện và gần đường giao thông để thuận tiện cho việc vận chuyển con giống, thức ăn và sản phẩm tôm. Ao nuôi nên có diện tích từ 2.000 - 4.000 m2, hình chữ nhật, chiều dài gấp 1,5 - 2 lần chiều rộng để thuận tiện cho việc chăm sóc.

Chuỗi liên kết dọc cá tra-Tafishco chính thức đi vào hoạt động từ tháng 8/2014, đến nay đã có 5/8 hộ liên kết và vùng nuôi Công ty TNHH SX-TM-DV Thuận An thực hiện ký kết hợp đồng tín dụng với Ngân hàng Nông nghiệp-Phát triển nông thôn An Giang, với tổng số tiền giải ngân là 138 tỷ 300 triệu đồng, đạt 58,92% tổng hạn mức được duyệt. Trong đó, diện tích thả nuôi là 30ha, và đã thu hoạch được 3.185ha, đạt 33,17% so với kế hoạch.

UBND tỉnh Đồng Tháp vừa ban hành kế hoạch hành động thực hiện Nghị định số 36 của Chính phủ về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững ngành hàng cá tra. Qua đó, góp phần hoàn thành mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh.

Trước tình hình dịch bệnh trên tôm nước lợ, đặc biệt bệnh đốm trắng và hoại tử gan tụy đang có xu hướng phức tạp trong năm 2014, hôm qua (10/12), Bộ NN-PTNT đã tổ chức hội thảo cùng các nhà quản lí, nhà khoa học tìm nguyên nhân và giải pháp kiểm soát.