Lão Nông Đam Mê Cây Gốc Ghép
Là một nông dân “chính hiệu”, quanh năm gắn chặt với ruộng đồng, khi đã ở vào cái tuổi “xưa nay hiếm”, ông vẫn trăn trở với niềm đam mê cây gốc ghép, mong muốn tạo ra những cây giống có chất lượng, phục vụ bà con nông dân. Ông là Nguyễn Văn Ngãi – thôn Nhật Chiêu 7, xã Liên Châu (Yên Lạc - Vĩnh Phúc).
Thoát nghèo từ cây gốc ghép
Chúng tôi tới thăm ông đúng vào dịp ông đang tất bật chuẩn bị cho việc xây dựng khu nhà lưới để sản xuất cây giống. Nhìn thân hình nhỏ nhắn, gương mặt đã nhuốm màu thời gian, nhưng qua những chia sẻ của ông về nghề, về những giống cây, chúng tôi không khỏi thán phục trước niềm đam mê của ông.
Ở tuổi 77, như nhiều người đã là lúc hưởng an nhàn, để con cháu phụng dưỡng, nhưng với ông, đây lại là cái tuổi để ông tiếp tục niềm đam mê của mình.
Từng là một người lính, trở về từ chiến trường miền Nam, trong khi bạn bè mỗi người một ngành nghề, ông lại gắn mình với đồng ruộng. Cũng đã từng trải qua những thời kỳ khó khăn của nền kinh tế bao cấp, rồi những khó khăn chung của một nền nông nghiệp vùng bãi quê ông.
Nhưng bằng tinh thần vượt khó vươn lên của người lính Cụ Hồ, cùng với sự ham học hỏi, ông đã bắt đầu biết đến cây gốc ghép, và làm giàu trên chính mảnh đất của mình từ sản xuất cây giống. Ông chia sẻ: “Trước đây, cũng như nhiều gia đình trong xã, quanh năm chỉ trồng ngô lúa, rồi dâu tằm, đời sống khó khăn, thiếu thốn đủ bề.
Bước sang thời mở cửa, năm 2007, tôi bắt đầu làm cây giống, chủ yếu chuyên về đu đủ, sang năm 2008, làm bưởi ghép và nhãn muộn”. Sản phẩm cây giống của ông Ngãi chủ yếu bán cho người dân trong xã và nhiều địa phương lân cận.
Được biết, các giống cây gốc ghép giúp người nông dân rút ngắn thời gian thu hoạch, đặc biệt là giống nhãn ghép còn cho thu muộn, sau khi nhãn Hưng Yên kết thúc vụ thu hoạch đem lại hiệu quả kinh tế cao được người nông dân rất ưa chuộng. Kinh tế gia đình ông Ngãi cũng bắt đầu khá lên từ đấy. Ông Ngãi cho biết: “Mỗi năm gia đình tôi xuất khoảng vài chục vạn cây giống các loại, thu nhập bình quân 200 -300 triệu đồng”.
“Dân có lợi, mình cũng có lợi”
Trở về từ chiến trường, không bằng cấp, không qua trường lớp đào tạo về nông nghiệp, song những kiến thức, kỹ thuật về sản xuất cây gốc ghép của ông khiến không ít người phải nể phục. Việc cung ứng ra thị trường nhiều loại cây giống có giá trị kinh tế cao đem lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình.
Song không dừng lại ở đó, trong mấy năm trở lại đây ông bắt đầu thử nghiệm nhiều loại cây gốc ghép có độ khó cao hơn, gây được sự chú ý không chỉ với người dân trong vùng mà còn với ngành nông nghiệp của tỉnh.
Từ việc ghép các cây ăn quả, dễ làm, ông bắt đầu tìm hiểu và thực hiện ghép các giống cây rau màu. Suốt buổi trao đổi, chúng tôi được ông chia sẻ nhiều về kỹ thuật thực hiện ghép cây, niềm đam mê, sự hiểu biết của ông về cây gốc ghép khiến chúng tôi liên tưởng tới một kỹ sư nông nghiệp hơn là một ông nông dân quanh năm gắn bó với ruộng đồng. Có thể thấy niềm say mê, sự tự hào qua từng chia sẻ của ông.
Ông nói: “Điểm quan trọng nhất trong việc ghép các giống cây rau màu trước hết là phải nắm bắt được thời gian ghép, đúng tuổi để cây có độ nhựa vừa phải, đảm bảo độ kết nối cho cây khi ghép. Khi thực hiện kỹ thuật ghép phải hết sức cẩn thận, tỉ mỉ, bởi các loại cây như: cây dưa, cà chua đều là các loại cây thân thảo, rất dễ gãy, hỏng”.
Với mỗi loại cây, ông đều thử nghiệm qua nhiều cách ghép, có những cách được làm theo hướng dẫn trong sách vở, lại có những cách ghép riêng mà ông vẫn gọi là “làm theo cách mà mình cảm thấy là hợp lý” để rồi tìm ra những cách ghép cho hiệu quả cao nhất.
Được biết, để có được những kiến thức, kỹ thuật vững chắc như vậy, ông đã trải qua một quá trình học tập, nghiên cứu tư liệu về cây gốc ghép từ nhiều nguồn, thông qua các chương trình truyền hình, sách báo, và cả những tài liệu tiếng Trung mà ông đọc được rồi làm khảo nghiệm.
Đến nay, ông đã ghép thành công giống cây dưa các loại (dưa hấu, dưa vàng kim cô nương, dưa chuột) trên gốc cây bầu, cà chua ghép trên gốc cà tím. Trong đó, dưa hấu và dưa vàng trên gốc cây bầu là 2 loại dưa đã được ông đưa vào sản xuất, chứng tỏ hiệu quả vượt trội của dưa gốc ghép.
Ông Ngãi cho biết: “Năm 2013, tôi bắt đầu đưa vào trồng khoảng 3 sào dưa gốc ghép. Kết quả cho thấy, năng suất dưa gốc ghép cao gần gấp đôi so với dưa trồng hạt, tỷ lệ dưa loại 1 cũng đạt khoảng 80%.
Không chỉ vậy, dưa gốc ghép có nhiều ưu điểm như dễ trồng, không kén đất, chống chịu được thời tiết khô hạn, chống mưa, ít bệnh tật hơn, và cây trồng trẻ lâu hơn do được ghép trên gốc cây bầu”. Vừa qua, ông Ngãi đã phối hợp với Khuyến Nông tỉnh, cung ứng khoảng hơn 1000 cây dưa ghép lên trồng thử nghiệm ở xã Triệu Đề (Lập Thạch).
Giống dưa ghép trên gốc cây bầu của ông Ngãi, đang nhận được nhiều sự quan tâm của ngành nông nghiệp huyện. Được biết, hiện nay, phòng Nông nghiệp huyện Yên Lạc đang hỗ trợ gia đình ông Ngãi trong việc xây dựng nhà lưới trồng rau ứng dụng công nghệ cao, nhằm mở rộng quy mô sản xuất cung ứng nguồn cây giống chất lượng tốt ra thị trường đặc biệt là cho vùng sản xuất hàng hóa trong huyện.
Nhìn vào những việc mà ông đã làm, không ít người tự hỏi, điều gì đã khiến cho một người nông dân khi đã gần 80 tuổi, điều kiện kinh tế cũng coi là có của ăn của để vẫn nặng lòng với ruộng đồng đến vậy.
Chia sẻ về điều này, ông nói: “Từ lúc biết về cây gốc ghép, tôi đã hình thành một đam mê về giống cây này, luôn muốn tìm hiểu, ghép và khảo nghiệm những giống cây mới. Làm cũng chủ yếu muốn phục vụ bà con, đưa tới bà con những giống cây mới, có hiệu quả kinh tế, chất lượng cao hơn. Dân có lợi, mình cũng có lợi”.
Có thể bạn quan tâm
Chuỗi liên kết triển khai có sự liên kết chặt chẽ giữa người dân với Hợp tác xã Tân Phú A1 và mối liên kết giữa Hợp tác xã và doanh nghiệp nên việc cung ứng giống lúa, vật tư nông nghiệp triển khai tốt. Dự án được triển khai mang lại hiệu quả cao hơn ngoài vùng dự án, và thể hiện tốt trách nhiệm của doanh nghiệp trong quá trình triển khai.
Ngày 23-4, tại TP.Bà Rịa, Chi cục Phát triển nông thôn đã tổ chức lễ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Hồ tiêu BR-VT” nhằm đảm bảo việc kiểm soát chất lượng, xúc tiến thương mại, nâng cao hiệu quả quản lý chất lượng sản phẩm, đồng thời nâng cao giá trị kinh tế của sản phẩm này.
Thời điểm này, người trồng ớt tại các huyện, thị xã phía Đông tỉnh Gia Lai đang bước vào giai đoạn thu hoạch giữa vụ. Mặc dù nắng hạn làm mất mùa khoảng 30%, song bà con địa phương rất phấn khởi vì ớt có giá khá cao.
Rốn lũ Tứ giác Long Xuyên (An Giang) từng chịu thiệt hại nặng khi lũ lớn. Sau khi có hệ thống đê bao kiểm soát lũ an toàn và sản xuất 3 vụ mỗi năm, nơi đây trở thành vùng sản xuất trọng điểm lúa, hoa màu và đi đầu về cơ giới hóa nông nghiệp.
Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) đã triển khai nhiều mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, trong đó cam đường canh là loại cây triển vọng của địa phương.