Mất 60 tỷ từ ngao

Người nuôi ngao, nuôi tôm ở Nghệ An gặp một năm thất bát
Ông Nguyễn Văn Thắng, một hộ nuôi ngao tại xã Nghi Quang (Nghi Lộc) cho biết, hồi tháng trước sáng 11/8, ông ra thăm bãi nuôi thì phát hiện ngao há miệng, chết rải rác.
Những ngày tiếp theo, 10 ha ngao 6 tháng tuổi chết hàng loạt, thiệt hại 40 - 50% sản lượng ước tính gần 100 tấn. Giá ngao thương phẩm thời điểm hiện tại là 20.000 đồng/kg, tính ra gia đình ông mất trắng gần 2 tỷ đồng.
Trước đó, vào đầu tháng 3/2015, cả 10 ha ngao 9 tháng tuổi của gia đình ông cũng bị chết khoảng 50 - 60% sản lượng ước thiệt hại gần 3 tỷ đồng.
Như vậy, chỉ tính trong vòng chưa đầy 1 năm, gia đình ông Thắng đã mất xấp xỉ 5 tỷ đồng. Hiện ông đang tập trung vệ sinh bãi nuôi chờ thời tiết thuận lợi thả ngao giống.
Tình trạng này cũng diễn ra tại xã Nghi Thiết (Nghi Lộc) khiến 10 ha ngao của xã này 2 lần chết trắng bãi.
Ông Trần Quốc Cường, Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Nghi Lộc cho biết, kết quả xét nghiệm 2 lần của Cơ quan Thú y vùng III đều âm tính với kí sinh trùng Perkinsus nên có thể loại trừ nguy cơ ngao chết do nhiễm dịch.
Trong đợt 1 có hiện tượng “thủy triều đỏ” (thủy triều mang theo rong rêu độc màu đỏ), các chỉ tiêu xét nghiệm về môi trường đều vượt mức cho phép. Vì vậy, cơ quan thú y cho rằng đây là nguyên nhân khiến ngao chết hàng loạt.
Ngành chức năng huyện Nghi Lộc đã khuyến cáo người dân thu gom hết ngao chết, làm sạch môi trường và đến tháng 4 thả bù ngao giống. Trong đợt 2, có thể do thời tiết nắng nóng kéo dài, độ mặn vượt mức cho phép nên ngao bị sốc mặn mà chết.
Bên cạnh đó, người nuôi ngao ở địa phương không tuân thủ đúng kỹ thuật, thả với mật độ quá dày (200 - 300 con/m2, theo đúng tiêu chuẩn là 150 con/m2) cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến ngao thiếu thức ăn, sức chống chịu kém…
Tại huyện Quỳnh Lưu, từ đầu năm đến nay cũng đã có 2 đợt ngao bị chết. Theo ông Nguyễn Xuân Dinh, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Quỳnh Lưu, ngao chết xuất hiện trên cả 105 ha nuôi của huyện.
Trong tháng 6/2015, ngao chết gây thiệt hại trên 1.500 tấn, chủ yếu tập trung tại các xã Sơn Hải (40 ha), Quỳnh Thuận (40 ha), Quỳnh Thọ (20 ha)…
Trước đó, vào đầu tháng 3, toàn bộ diện tích nuôi ngao của địa phương cũng chết hàng loạt, gây thiệt hại trên 1.000 tấn. Tổng cả hai lần ngao bị chết, địa phương này thiệt hại 50 tỷ đồng.
Nguyên nhân chủ yếu được xác định là do hiện tưởng thủy triều đỏ (đợt 1) và nắng nóng kéo dài, mưa đột ngột (đợt 2)…
Thị xã Hoàng Mai cũng có 8 ha ngao chết, thiệt hại gần 100 tấn. Người nuôi tôm cũng điêu đứng, 152/450 ha tôm bị nhiễm các bệnh đốm trắng, gan tụy; đa phần chết do hạn hán, một số chưa xác định được nguyên nhân.
Trong đó, đợt 1 từ giữa tháng 7 thiệt hại 100 ha, đợt 2 đầu tháng 8 thiệt hại 52 ha. Tôm nhiễm bệnh chủ yếu 40 - 50 ngày tuổi, đã có sản lượng nên bà con vẫn thu hoạch và vớt vát được đồng vốn. Hiện nay, người nuôi đang xử lý ao hồ để chuẩn bị xuống giống đợt 2.
Theo thông tin từ các địa phương, tính từ đầu năm đến đầu tháng 9/2015, tại Nghệ An đã có 2 đợt ngao chết với tổng diện tích trên 260 ha, thiệt hại ước tính trên 60 tỷ đồng. Người nuôi tôm cũng chịu thiệt hại nặng nề khi có hàng trăm ha tôm bị nhiễm bệnh, chết.
Có thể bạn quan tâm

Đam mê làm vườn, ham học hỏi, nghiên cứu từ thực tế công việc, ông Bùi Đức Long (SN 1967), phố Kép, xã Hồng Giang, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) đã tìm ra phương pháp cho cây cam Đường Canh ra quả theo ý muốn, thu lãi hàng tỷ đồng mỗi vụ.

Chuối quả tại xã Bản Lầu (Mường Khương, Lào Cai) thời điểm này được thương lái Trung Quốc thu mua với giá 7 hào/kg (2.500 đồng/kg), giảm 6 lần so với cùng kỳ năm trước.

Vừa qua, Sở Khoa học và Công nghệ đã tổ chức Hội đồng nghiệm thu Dự án "Xây dựng mô hình nhân giống và thâm canh chuối tiêu hồng bằng công nghệ nuôi cấy mô tế bào tại Yên Bái" do Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ tỉnh Yên Bái chủ trì thực hiện.
Hiện nay, xã Quảng Châu có diện tích trồng cam lớn nhất thành phố Hưng Yên. Vào thời điểm này, mùa thu hoạch cam đang chính vụ, tuy nhiên do thời tiết bất thường làm năng suất cam giảm mạnh, các hộ trồng cam thất thu.

Thời gian qua, việc triển khai chương trình bố trí sắp xếp dân cư vùng thiên tai tại Phú Thọ đã được nhân dân đồng thuận cao, giúp nhiều dự án thành công.