Làng Nuôi Cá Lăng Ở Xã Hòa Phú (Đắk Lắk)
Nằm bên dòng sông Sêrêpôk hoang dã, người dân thôn 5, xã Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) nổi tiếng với nghề đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là thành công trong việc đưa cá lăng đuôi đỏ vào nuôi trong ao nước tĩnh đã góp phần làm hồi sinh dòng cá bản địa quý hiếm trước nguy cơ bị tuyệt chủng.
Hồi sinh cá quý
Theo những người dân bản địa thì cá lăng đuôi đỏ là sản vật quý của sông Sêrêpôk, chỉ sống ở các khúc sông sâu, nước chảy xiết và lắm thác ghềnh. Trước đây, trên sông Sêrêpôk loại cá này nhiều vô kể, có con nặng vài chục kg. Tuy nhiên, do giá trị kinh tế cao, được người tiêu dùng ưa chuộng nên loài cá lăng đuôi đỏ sinh sống tự nhiên bị săn lùng ráo riết bằng nhiều hình thức đánh bắt, có cả đánh bắt theo cách hủy diệt đã khiến cá trong tự nhiên đang ngày càng vắng bóng và có nguy cơ mất hẳn.
Xót xa cho một loài cá quý đặc trưng của vùng bản địa đang mất dần, một số hộ dân ở thôn 5, xã Hòa Phú đã có sáng kiến đưa loài cá này từ sông tự nhiên vào nuôi trong ao hồ nước tĩnh vào năm 2005. Với lợi thế nằm cạnh dòng Sêrêpôk một số hộ đã tự đánh bắt con giống hoặc mua lại của dân chài lưới và mày mò nuôi thử trong ao cùng với một số loài cá khác. Ông Hoàng Quốc Bài, một trong số nông dân nuôi thử nghiệm cá lăng trong ao cho hay: ban đầu, gia đình mua cá giống từ những người đi câu với giá 30-40 nghìn đồng một con thả vào nuôi thử trong ao.
Gia đình vừa nuôi nhưng vừa lo lắng, không biết loài cá vốn sống ở dòng sông chảy xiết, lắm thác ghềnh có sống được trong ao nước tĩnh hay không? Sau nửa năm, những con cá lăng nuôi thử ban đầu đã nặng hơn một kg, lúc này gia đình mới thở phào vui mừng.
Những nông dân ở đây bắt đầu nhận thấy được những đặc điểm của loài cá này khá dễ nuôi, ăn tạp và sinh sống tốt trong môi trường nước tĩnh như ao hồ. Thời gian đầu cá lớn chậm, nhưng đến năm thứ 2 chúng lớn rất nhanh, trọng lượng từ 2 kg – 3 kg/con. Thức ăn của giống cá này chủ yếu là các loại cá nhỏ như lòng tong, cá trời, tôm tép, giun, cua…, ngoài ra cám nấu và thức ăn viên trộn lẫn cá vẫn ăn tốt.
Từ thành công bước đầu, Câu lạc bộ chăn nuôi của xã đã nhân rộng mô hình cho các hội viên, đồng thời tận dụng nguồn thức ăn có sẵn trên sông bằng cách xây dựng những mắt lưới thông từ hồ với dòng sông để cho các loài cá nhỏ khác bơi vào trong hồ làm thức ăn cho cá. Thành công này đồng thời cũng tạo được “tiếng vang” trong ngành nông nghiệp của thành phố, theo đó năm 2007 Trung tâm khuyến nông thành phố Buôn Ma Thuột xuống tham quan và quyết định hỗ trợ 10 triệu đồng, cùng với cử cán bộ kỹ thuật hướng dẫn từ khâu chọn giống đến khâu chăm sóc để xây dựng mô hình ở hai hộ ông Trần Văn Kiếm và Hoàng Quốc Bài, với số lượng 500 con giống, nuôi trong thời gian 2 năm. Chính nhờ thực tế thành công từ 2 mô hình này, người dân nuôi trồng thủy sản trong vùng đã mạnh dạn đầu tư, đưa giống cá lăng đuôi đỏ làm vật nuôi chính trong ao, hồ.
Phát triển nghề mới
Từ những bước đi tiên phong, đến nay toàn xã có trên 50 hộ nuôi cá lăng đuôi đỏ trong ao, riêng thôn 5 đã có 16 hộ với quy mô 8 ha, góp phần phục hồi loài cá quý và đem lại nguồn thu nhập rất lớn cho người dân nơi đây. Đến bây giờ, cứ nhắc đến xã Hòa Phú thì mọi người sẽ nhắc đến cá lăng đuôi đỏ như một đặc sản của riêng vùng.
Đó cũng là minh chứng cho thấy nỗ lực phát triển giống cá này của người dân địa phương. Theo đó, đã có rất nhiều nông dân làm giàu từ mô hình nuôi cá lăng trong ao nước tĩnh, điển hình như hộ ông Hoàng Quốc Bài, với quy mô 3 sào, trừ 1 sào nuôi cá lăng giống, còn lại mỗi năm bình quân cho thu nhập từ 60-65 triệu đồng/sào (đã trừ chi phí).
Theo anh Bài, nuôi cá lăng trong ao không khó, quan trọng phải chọn phương pháp nuôi phù hợp bởi đây là loài cá có giá trị kinh tế cao, nên không thể xuất bán một lúc cả tấn được mà chỉ bán theo đơn đặt hàng. Do vậy, phải nuôi ghép với các loại cá truyền thống và thu hoạch dần. Theo ông Nguyễn Văn Chi, tổ trưởng tổ hợp tác chăn nuôi cá lăng thôn 5: với quy mô 8 ha, năng suất bình quân 3 tạ/sào, hàng năm nông dân ở đây cung cấp một sản lượng khá lớn cá lăng cho các nhà hàng, khách sạn… trong và ngoài tỉnh.
Cá lăng ở đây chưa bao giờ ế bởi khi cá chưa đến kỳ thu hoạch, các nhà hàng, quán nhậu ở các nơi đã đến đặt hàng tại hồ với giá từ 250 - 270 nghìn đồng/kg. Ngoài bán cá thương phẩm, nhiều hộ còn nuôi cá giống để cung cấp cho thị trường, nhưng số lượng không nhiều vì nguồn cá giống ở đây chủ yếu được mua từ những người đi câu trên sông Sêrêpôk.
Việc phát triển nghề nuôi cá lăng trong ao nước tĩnh ở xã Hòa Phú đã thực sự tạo được dấu ấn về sản phẩm ẩm thực mang tên vùng miền, góp phần chuyển đổi cơ cấu giống vật nuôi trên địa bàn xã với mục đích bảo vệ loài cá quý hiếm và tăng thu nhập cho người dân.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn khiến người nông dân phải trăn trở là quy mô chăn nuôi còn nhỏ lẻ; từ nguồn giống đến thị trường nông dân vẫn “tự bơi” là chính… Vì vậy, để nghề nuôi giống cá mới này được duy trì và phát huy hiệu quả, tiến tới xây dựng thương hiệu cho loài cá đặc sản bản địa thì rất cần có sự tham gia của chính quyền và các ngành liên quan…
Có thể bạn quan tâm
Cá vẩu là đối tượng nuôi giúp nhiều hộ gia đình ở vùng đầm phá không những nâng cao hiệu quả kinh tế gia đình mà còn vươn lên làm giàu...
Nhờ phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng biển, năm 2015, toàn huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An đã sản xuất được gần 1.300 triệu con giống thủy sản các loại.
Sóc Trăng xác định, thủy sản (khai thác, nuôi trồng, dịch vụ) là ngành kinh tế mũi nhọn. Nhưng quanh đi quẩn lại đến nay chỉ mới có con tôm nước lợ khẳng định được vị thế này, còn những đối tượng nuôi khác của tỉnh hầu như chưa thể phát triển được.
Theo Phòng Nông nghiệp – Phát triển nông thôn huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau, từ đầu năm đến nay trên địa bàn huyện có trên 300 ha tôm nuôi công nghiệp bị thiệt hại ở nhiều mức độ khác nhau, qua việc lấy mẫu xét nghiệm có 150 ha tôm nuôi bị thiệt hại do nhiễm vi rút.
Tại Bà Rịa – Vũng Tàu, vào vụ đánh bắt nhưng nhiều con tàu vẫn còn đang nằm chờ được phê duyệt vay vốn theo Nghị định 67 của Chính phủ.