Không Có Chuyện Cấp Phép Kiểm Dịch 40 Nghìn Tấn Mật Ong Trong 6 Năm
Việc phản ánh của bà Nguyễn Thị Hằng là không có cơ sở và chỉ dựa vào quy định số lượng 200 kg để suy diễn ra.
* Suy diễn không có căn cứ của Hội Nuôi ong Việt Nam
Tại Diễn đàn doanh nghiệp của Bộ NN-PTNT tổ chức vào ngày 15/10/2014, Hội Nuôi ong Việt Nam đã nêu những bức xúc trong việc kiểm dịch mật ong và ong mật, phải cấp giấy phép kiểm dịch cho 40 nghìn tấn mật ong với thời gian 6 năm và mỗi giấy phép chỉ có thời hạn 1 ngày.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 23 của Pháp lệnh Thú y năm 2004: Động vật, sản phẩm động vật khi vận chuyển với số lượng, khối lượng lớn ra khỏi huyện phải được kiểm dịch một lần tại nơi xuất phát.
Căn cứ quy định của Pháp lệnh Thú y, Bộ NN-PTNT đã ban hành Quyết định số 47/QĐ-BNN ngày 25/7/2005 quy định cụ thể số lượng động vật, khối lượng sản phẩm động vật phải kiểm dịch khi vận chuyển ra khỏi huyện. Tại quyết định này có quy định khi vận chuyển trên 50 đàn ong mật và trên 200 kg mật ong ra khỏi huyện mới phải kiểm dịch.
Quy định này cũng phù hợp để truy xuất nguồn gốc, phát hiện nguy cơ để có biện pháp xử lý dịch bệnh kịp thời và quy định này đã thông báo cho các nước có nhu cầu nhập khẩu sản phẩm mật ong từ VN. Điều này đã tạo điều kiện thuận lợi cho VN xuất khẩu được sản phẩm mật ong sang các nước.
Chính vì vậy, cuối năm 2012 Ủy ban An toàn thực phẩm châu Âu đã cho phép mật ong của VN xuất vào thị trường này, và các nước khác cũng nhập khẩu mật ong từ VN tăng lên. Kết quả năm 2013, VN đã xuất trên 40 nghìn tấn mật ong sang các nước (gấp đôi so với năm 2012) và 9 tháng đầu năm 2014 đã XK được trên 40 nghìn tấn mật ong sang châu Âu và các nước khác.
Ngay sau khi có thông tin từ Hội Nuôi ong Việt Nam nêu tại hội nghị, ngày 16/10 Cục Thú y đã gửi công văn cho Hội Nuôi ong VN đề nghị cung cấp thông tin cụ thể xem tỉnh nào, trạm kiểm dịch động vật nào cấp phép vận chuyển mật ong chỉ có một ngày, gây phiền hà cho DN để xem xét, phối hợp xử lý theo quy định? Tuy nhiên cho đến nay Cục Thú y vẫn chưa nhận được thông tin phản hồi.
Cũng trong ngày 16/10, Cục Thú y đã gửi công văn cho 63 tỉnh, thành đề nghị báo cáo cụ thể về số lượng đàn ong, mật ong đã thực hiện kiểm dịch vận chuyển trong năm 2014.
Theo báo cáo của các Chi cục Thú y: Đối với việc kiểm dịch vận chuyển ong mật: Trong năm 2014 chỉ có khoảng 12 tỉnh nuôi ong trọng điểm ở vùng Đông Nam bộ và Tây Nguyên thực hiện việc kiểm dịch vận chuyển ong mật từ tỉnh này sang tỉnh khác, với số lượng hơn 400 nghìn đàn ong trên tổng số gần 3 triệu đàn và mỗi lần vận chuyển khoảng 300 đàn ong/lần. Như vậy cơ quan thú y địa phương chỉ cấp khoảng 130 giấy chứng nhận kiểm dịch để vận chuyển ong mật từ tỉnh này sang tỉnh khác;
Đối với việc kiểm dịch vận chuyển mật ong: Duy nhất chỉ có 2 tỉnh (Đăk Lăk và Gia Lai) thực hiện việc kiểm dịch vận chuyển mật ong với số lượng hơn 6 nghìn tấn mật ong từ đầu năm đến nay, đồng thời chỉ cấp khoảng 600 giấy chứng nhận kiểm dịch vận chuyển mật ong từ các tỉnh này đến các nhà máy chế biến mật ong ở tỉnh Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai… để chế biến XK (bình quân khoảng 10 tấn mật ong/lô hàng và chỉ cấp 1 giấy chứng nhận kiểm dịch vận chuyển); không phải là cấp giấy phép vận chuyển và chỉ cấp có 200 kg/giấy chứng nhận kiểm dịch, với thời hạn 1 ngày như phát biểu của bà Nguyễn Thị Hằng, Phó Chủ tịch Hội Nuôi ong Việt Nam nêu tại hội nghị.
Còn đối với các tỉnh khác không thực hiện việc kiểm dịch vận chuyển mật ong, vì các DN cũng không khai báo đăng ký kiểm dịch với các cơ quan thú y địa phương.
Như vậy, việc phản ánh của bà Nguyễn Thị Hằng là không có cơ sở và chỉ dựa vào quy định số lượng 200 kg để suy diễn ra hàng trăm nghìn giấy chứng nhận kiểm dịch phải cấp và thời gian cấp giấy chứng nhận kiểm dịch phải mất tới 6 năm, trong khi đó từ đầu năm đến nay đã XK sang các nước được trên 40 nghìn tấn mật ong.
Có thể bạn quan tâm
Đồng Tháp là tỉnh có nhiều tiềm năng về kinh tế. Ngoài sản lượng lúa ổn định hàng năm trên 2,8 triệu tấn, thủy sản là thế mạnh thứ hai với chủ lực là con cá tra, mỗi năm xuất khẩu sản phẩm đông lạnh trên dưới 120.000 tấn. Những năm gần đây, con tôm càng xanh được lãnh đạo các địa phương quan tâm với mô hình nuôi trên ruộng lúa mùa nước nổi. Diện tích nuôi tôm ngày càng gia tăng. Giá trị kinh tế từ con tôm càng xanh ngày càng được khẳng định.
Những năm gần đây, mô hình nuôi chồn hương được các hộ nông dân trên địa bàn tỉnh đầu tư, nhưng nếu chỉ nuôi đơn thuần chồn hương lấy thịt thì hiệu quả không cao. Tại xã Minh Lập (Chơn Thành - Bình Phước), anh Đặng Ngọc Tuân đã gây dựng mô hình nuôi chồn hương lấy thịt, giống, đặc biệt kết hợp sản xuất cà phê chồn mang lại tiền tỷ.
Điều kiện môi trường bất lợi, hàng trăm người nuôi tôm ở phường 12 (TP. Vũng Tàu) đã bỏ nghề, nhưng nhiều năm nay, tại ao nuôi của ông Lê Quang Hùng guồng quay máy sục khí vẫn hoạt động bền bỉ. Ao nuôi tôm của ông là một trong số ít những điểm sáng trên vùng đất nuôi thủy sản đã bỏ hoang nhiều năm của khu vực này.
Sở Khoa học và Công nghệ Long An vừa tổ chức hội nghị nghiệm thu kết quả điều tra “Tình hình chăn nuôi, đặc điểm ngoại hình gà tàu và đề xuất quy trình chăn nuôi gà tàu theo hướng an toàn sinh học sẽ thực hiện từ nay đến tháng 10/2013 tại huyện Châu Thành, tỉnh Long An” đây là giai đoạn 1 của đề tài nghiên cứu khoa học “Nghiên cứu xây dựng mô hình chăn nuôi gà tàu theo hướng an toàn sinh học tại huyện Châu Thành, tỉnh Long An” do phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Châu Thành đăng ký chủ trì thực hiện; tiến sĩ Đoàn Đức Vũ giám đốc Trung tâm Công nghệ Sinh học Nông nghiệp thuộc Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Miền Nam và kỹ sư Nguyễn Thị Đậm trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Châu Thành làm chủ nhiệm đề tài.
Từ lâu, các nhà khoa học đã khuyến cáo nông dân nên chuyển sang trồng các loại rau màu hoặc luân canh lúa màu trên đất lúa kém hiệu quả.