Lang Môn Đổi Thay Từ Cây Thuốc Lá

Mấy năm gần đây, bộ mặt nông thôn của xã Lang Môn (Nguyên Bình) đã dần đổi thay từ trồng cây thuốc lá. Sau vài năm trồng thử nghiệm, cây thuốc lá dần khẳng định được vị thế giúp bà con cải thiện cuộc sống, vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.
Năm 2011, cây thuốc lá được một số hộ dân ở các xóm: Lủng Hính, Nà Peo, Nà Lẹng đưa vào trồng thử nghiệm với diện tích khoảng 3.000 m2 và mang lại hiệu quả cao.
Đến vụ đông - xuân năm 2014, diện tích trồng thuốc lá của xã tăng lên 41,7 ha, được trồng tại các xóm: Lủng Hính, Nà Piao, Kẻ Già, Nà Po, Kẻ Si, Nà Lẹng 9 ha với 127 hộ dân tham gia trồng, chiếm 31% số hộ trong toàn xã. Năng suất đạt 17,4 tạ/ha, giá thu mua trung bình 47.000 đồng/kg; nếu vàng, đẹp có thời điểm được 50.000 đồng/kg; thuốc lá đen, xấu hơn thì có giá khoảng 40.000 - 42.000 đồng/kg.
Anh Tô Văn Cương, Trưởng xóm Lủng Hính, xã Lang Môn cho biết: Năm 2013, xóm có 50% số hộ trồng thuốc lá cho thu nhập từ 30 - 50 triệu đồng, tiêu biểu như các hộ: Hoàng Văn Bằng, Hoàng Văn Lại, Nguyễn Thị Xuân. Bà con thấy rõ cây thuốc lá mang lại hiệu quả thu nhập cao trên cùng một đơn vị diện tích, vì vậy, mỗi năm số hộ trồng thuốc lá trong xóm tăng nhanh, năm 2011 có 9 hộ, năm 2014 có 43 hộ.
Từ trồng thuốc lá, 80% số hộ trong xóm mua được máy cày bừa, xe máy đắt tiền và các phương tiện khác, đến nay, xóm chỉ còn 1 hộ nghèo.
So với cây lúa, cây thuốc lá không đòi hỏi phải sử dụng nhiều nước, phù hợp với đất đai, thời tiết và khí hậu; trồng thuốc lá ít gặp rủi ro và có giá trị kinh tế cao.
Anh Phạm Văn Dương, xóm Lủng Hính chia sẻ: Thấy rõ ưu điểm, thuận lợi trong quá trình trồng cây thuốc lá, năm 2013, gia đình tôi trồng 1.800 m2 thuốc lá. Sau vụ thu hoạch, trừ chi phí, công lao động, củi, phân bón, tiền xăng dầu, vận chuyển, lãi trên 28 triệu đồng, cao gấp 6 - 7 lần so với trồng lúa. Năm nay, gia đình tôi mở rộng diện tích trồng thuốc lá lên 3.000 m2.
Để đảm bảo cho cây thuốc lá phát triển tốt, tôi đầu tư thêm máy bơm nước, vòi dẫn để tưới nước khi thuốc lá gặp thời tiết khô hạn. Sử dụng thêm phân chuồng và dùng chất bã thải của hầm Bioga bón nên cây thuốc lá phát triển rất tốt.
Xác định cây thuốc lá là cây trồng mũi nhọn trong phát triển nông nghiệp, năm 2013, xã đã chọn làm cây trồng mũi nhọn trong chương trình sản xuất hàng hoá nông, lâm nghiệp do Huyện uỷ phát động theo Công văn số 397-CV/HU ngày 23/2/2013 của Ban Thường vụ Huyện uỷ về xây dựng mô hình sản xuất hàng hoá nông, lâm nghiệp giai đoạn 2011 - 2015.
Theo đó, Đảng uỷ, chính quyền xã tiếp tục vận động bà con tập trung mở rộng diện tích trồng cây thuốc lá, chuyển những mảnh ruộng không chủ động được nước tưới sang trồng cây thuốc lá, giúp người dân nâng cao đời sống, vươn lên làm giàu, góp phần đưa nền KT - XH của xã ngày càng phát triển.
Theo ông Hoàng Xuân Minh, Chủ tịch UBND xã Lang Môn, so với các cây trồng khác, trồng thuốc lá có nhiều thuận lợi hơn, lại được Công ty cổ phần Thuốc lá Cao Bằng cấp hạt giống không thu tiền, được tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, sấy, và cung cấp một số vật tư cần thiết, như: phân bón, túi bầu, thuốc bảo vệ thực vật.
Đồng thời, Công ty bao tiêu sản phẩm sau khi thu hoạch nên việc phát triển diện tích trồng thuốc lá của xã thuận lợi. Từ 2011 đến nay, xã có nhiều hộ trồng thuốc lá cho thu nhập từ 20 - 60 triệu đồng. Hiện nay, số hộ nghèo của xã đã giảm xuống còn 72 hộ, chiếm 18,1%.
Có thể bạn quan tâm

Tại Sóc Trăng, hiện nay, bưởi da xanh đang được thương lái thu mua với giá từ 50.000 - 60.000 đồng/ kg và từ 43.000 - 50.000 đồng/kg bưởi Năm Roi, cao hơn từ 15 - 20% so với cùng kỳ năm trước. Theo các nhà vườn ở huyện Kế Sách, nguyên nhân bưởi liên tục tăng giá do năm nay thời tiết không thuận lợi, gây ra nhiều dịch bệnh trên cây và trái, làm giảm năng suất và có thể sẽ gây khan hiếm cho thị trường Tết sắp tới.

Theo thông tin từ Hội Sinh vật cảnh thành phố Đà Lạt, khá nhiều nhà vườn trong thành phố đang trồng, chăm sóc loại chanh cho trái khổng lồ và hiện đã ra trái rất đẹp. Cây chanh không quá to, chiều cao chỉ khoảng 1,20m nhưng cho trái chanh rất lớn, có trái nặng tới 1kg, dáng tròn, lúc còn non trái màu xanh, khi chín trái vàng ươm rất đẹp. Cùi và vỏ của trái chanh khổng lồ có vị ngọt the, ruột vàng chua dịu và thơm. Hiện chanh giống có giá 200 ngàn đồng/cây.

Nói về những tấm gương nông dân làm giàu, tích cực tham gia công tác xã hội, giúp bà con xung quanh cùng vượt khó thoát nghèo trên vùng ngập lũ phía Tây của tỉnh Tiền Giang, mọi người hay nhắc đến ông Trịnh Đông Hải, sinh năm 1951, hiện cư ngụ tại ấp Hiệp Nhơn, xã Hiệp Đức, huyện Cai Lậy.

Ước tính năng suất vụ nghịch này khoảng 4 tấn. Hiện có thương lái tới tận vườn nhà ông để đặt mua với giá rất cao. Thanh long loại 1 để xuất khẩu, giá 56.000 - 58.000 đ/kg, loại 2 giá 30.000 đ/kg (tăng 8.000 - 10.000 đ/kg so với dịp tết năm ngoái). Với mức giá trên, ông sẽ thu về từ 65 - 80 triệu đồng.

Huyện Sơn Động có hơn 68,5 nghìn ha đất lâm nghiệp (đất có rừng và chưa có rừng). Trong đó, diện tích rừng tự nhiên hơn 38 nghìn ha gồm rừng gỗ, rừng tre nứa và rừng hỗn giao tre nứa. 18.657,7/38.188,2 ha đã được quy hoạch thành rừng sản xuất. Đây cũng là diện tích rừng bị xâm hại nhiều nhất năm qua.