Lang Môn Đổi Thay Từ Cây Thuốc Lá
Mấy năm gần đây, bộ mặt nông thôn của xã Lang Môn (Nguyên Bình) đã dần đổi thay từ trồng cây thuốc lá. Sau vài năm trồng thử nghiệm, cây thuốc lá dần khẳng định được vị thế giúp bà con cải thiện cuộc sống, vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.
Năm 2011, cây thuốc lá được một số hộ dân ở các xóm: Lủng Hính, Nà Peo, Nà Lẹng đưa vào trồng thử nghiệm với diện tích khoảng 3.000 m2 và mang lại hiệu quả cao.
Đến vụ đông - xuân năm 2014, diện tích trồng thuốc lá của xã tăng lên 41,7 ha, được trồng tại các xóm: Lủng Hính, Nà Piao, Kẻ Già, Nà Po, Kẻ Si, Nà Lẹng 9 ha với 127 hộ dân tham gia trồng, chiếm 31% số hộ trong toàn xã. Năng suất đạt 17,4 tạ/ha, giá thu mua trung bình 47.000 đồng/kg; nếu vàng, đẹp có thời điểm được 50.000 đồng/kg; thuốc lá đen, xấu hơn thì có giá khoảng 40.000 - 42.000 đồng/kg.
Anh Tô Văn Cương, Trưởng xóm Lủng Hính, xã Lang Môn cho biết: Năm 2013, xóm có 50% số hộ trồng thuốc lá cho thu nhập từ 30 - 50 triệu đồng, tiêu biểu như các hộ: Hoàng Văn Bằng, Hoàng Văn Lại, Nguyễn Thị Xuân. Bà con thấy rõ cây thuốc lá mang lại hiệu quả thu nhập cao trên cùng một đơn vị diện tích, vì vậy, mỗi năm số hộ trồng thuốc lá trong xóm tăng nhanh, năm 2011 có 9 hộ, năm 2014 có 43 hộ.
Từ trồng thuốc lá, 80% số hộ trong xóm mua được máy cày bừa, xe máy đắt tiền và các phương tiện khác, đến nay, xóm chỉ còn 1 hộ nghèo.
So với cây lúa, cây thuốc lá không đòi hỏi phải sử dụng nhiều nước, phù hợp với đất đai, thời tiết và khí hậu; trồng thuốc lá ít gặp rủi ro và có giá trị kinh tế cao.
Anh Phạm Văn Dương, xóm Lủng Hính chia sẻ: Thấy rõ ưu điểm, thuận lợi trong quá trình trồng cây thuốc lá, năm 2013, gia đình tôi trồng 1.800 m2 thuốc lá. Sau vụ thu hoạch, trừ chi phí, công lao động, củi, phân bón, tiền xăng dầu, vận chuyển, lãi trên 28 triệu đồng, cao gấp 6 - 7 lần so với trồng lúa. Năm nay, gia đình tôi mở rộng diện tích trồng thuốc lá lên 3.000 m2.
Để đảm bảo cho cây thuốc lá phát triển tốt, tôi đầu tư thêm máy bơm nước, vòi dẫn để tưới nước khi thuốc lá gặp thời tiết khô hạn. Sử dụng thêm phân chuồng và dùng chất bã thải của hầm Bioga bón nên cây thuốc lá phát triển rất tốt.
Xác định cây thuốc lá là cây trồng mũi nhọn trong phát triển nông nghiệp, năm 2013, xã đã chọn làm cây trồng mũi nhọn trong chương trình sản xuất hàng hoá nông, lâm nghiệp do Huyện uỷ phát động theo Công văn số 397-CV/HU ngày 23/2/2013 của Ban Thường vụ Huyện uỷ về xây dựng mô hình sản xuất hàng hoá nông, lâm nghiệp giai đoạn 2011 - 2015.
Theo đó, Đảng uỷ, chính quyền xã tiếp tục vận động bà con tập trung mở rộng diện tích trồng cây thuốc lá, chuyển những mảnh ruộng không chủ động được nước tưới sang trồng cây thuốc lá, giúp người dân nâng cao đời sống, vươn lên làm giàu, góp phần đưa nền KT - XH của xã ngày càng phát triển.
Theo ông Hoàng Xuân Minh, Chủ tịch UBND xã Lang Môn, so với các cây trồng khác, trồng thuốc lá có nhiều thuận lợi hơn, lại được Công ty cổ phần Thuốc lá Cao Bằng cấp hạt giống không thu tiền, được tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, sấy, và cung cấp một số vật tư cần thiết, như: phân bón, túi bầu, thuốc bảo vệ thực vật.
Đồng thời, Công ty bao tiêu sản phẩm sau khi thu hoạch nên việc phát triển diện tích trồng thuốc lá của xã thuận lợi. Từ 2011 đến nay, xã có nhiều hộ trồng thuốc lá cho thu nhập từ 20 - 60 triệu đồng. Hiện nay, số hộ nghèo của xã đã giảm xuống còn 72 hộ, chiếm 18,1%.
Related news
Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, chuyển đổi từ mô hình nuôi con năng suất thấp sang mô hình cho hiệu quả kinh tế cao hơn, xã Liên Châu, huyện Thanh Oai, TP.Hà Nội đã triển khai thành công mô hình thí điểm nuôi cá chép lai cho năng suất cao.
Ngay đầu vụ nuôi năm 2014, tình hình dịch bệnh trên các hồ tôm ở Phú Yên nói chung và huyện Đông Hòa nói riêng diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến kinh tế của các hộ nuôi. Riêng ông Lê Thanh Hải ở thôn Thọ Lâm, xã Hòa Hiệp Nam (Đông Hòa), nhờ áp dụng công nghệ sinh học Semi Biofloc vào nuôi tôm nên mang lại kết quả cao, thu lãi hàng trăm triệu đồng.
Nuôi ong lấy mật là nghề không còn xa lạ đối với người dân trên địa bàn tỉnh Yên Bái, nhiều hộ dân trong tỉnh chủ yếu nuôi với hình thức nhỏ lẻ, sản phẩm để phục vụ nhu cầu gia đình là chính. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, một số hộ dân đã biết tận dụng diện tích vườn đồi, rừng và trang trại để phát triển nghề nuôi ong và đem lại nguồn thu nhập cao.
Đại Từ được coi là “vựa chè” của tỉnh Thái Nguyên với tổng diện tích chè cho thu hoạch hơn 6.000 ha, chiếm 1/3 diện tích của tỉnh Thái Nguyên, và là huyện có diện tích chè đứng thứ hai so với cả nước, chỉ sau huyện Bảo Lộc của tỉnh Lâm Đồng.
Trái dừa xiêm sau khi hái xuống được gọt sạch và xử lý bằng tia laser với nắp khui cắm vào vỏ quả dừa, khi uống chỉ việc bật nắp như bật lon nước ngọt.