Phập Phồng Xuống Giống Lúa Đông Xuân
Những ngày này, tại một số cánh đồng lúa trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, nông dân đang tất bật các công đoạn bơm nước, ngâm ủ giống và đã bắt đầu xuống giống vụ lúa Đông xuân 2013-2014. Tuy nhiên, việc xuống giống lúc này của người dân cũng đang tiềm ẩn nhiều rủi ro trước tình hình diễn biến phức tạp của thời tiết hiện nay.
Tiến độ xuống giống chậm
Vào thời điểm này của mấy năm trước, đã có nhiều diện tích lúa được người dân xuống giống vì nước đã rút. Nhưng năm nay, do lũ cao, việc xuống giống vào đầu vụ của bà con gặp không ít khó khăn, dẫn đến tiến độ chậm. Mặc dù, ngành nông nghiệp tỉnh đã đưa ra lịch thời vụ xuống giống đợt 1 từ ngày 9 đến 15-11, nhưng đến nay, toàn tỉnh chỉ xuống giống được hơn 2.500ha, trong tổng diện tích dự kiến là 79.000ha, tập trung ở 2 huyện Vị Thủy và Châu Thành A.
Vừa sạ xong 3 công trong tổng số 6ha lúa của gia đình, ông Nguyễn Văn Triều, nông dân ở ấp 3A, xã Vị Đông, huyện Vị Thủy, cho biết: “Thời gian này mọi năm, tôi đã xuống giống được hơn phân nửa diện tích, nhưng năm nay, do nước ngập sâu, trời còn mưa nhiều nên bà con chưa dám sạ, chỉ một số nơi có đê bao khép kín người dân mới làm liều sạ đại vì đã quá lịch mùa vụ”.
Mặc dù lúa đã được sạ xuống ruộng nhưng trong lòng ông Triều cũng như hàng trăm hộ dân ở khu vực này đều phập phồng lo sợ với tình hình thời tiết bất thường như hiện nay. Mấy ngày qua, trời luôn âm u và mưa nhiều trên diện rộng, nhưng theo nhận định của ngành nông nghiệp tỉnh, từ nay đến cuối tháng 11 là thời gian cao điểm xuống giống, do đó, hiện người dân đang cầu mong trời ngưng mưa để tránh tình trạng phải sạ lại.
Vụ lúa Đông xuân năm nay, ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo bà con nên tập trung sản xuất một số loại giống đạt năng suất và chất lượng cao nhằm đảm bảo đầu ra và giá cả sau này, đặc biệt là 3 loại giống: OM 5451, OM 4218 và Jasmine. Tuy nhiên, qua tìm hiểu thực tế, hiện vẫn còn không ít người dân sạ giống IR 50404 và đa phần là sử dụng lại nguồn giống dự trữ từ vụ Thu đông trước, diện tích sạ giống xác nhận giảm đáng kể.
Lý giải vấn đề này, ông Triều cho biết thêm: “Hai vụ lúa vừa qua giá rẻ, nên nông dân không bán lúa hàng hóa mà để lại làm giống sạ trong vụ này để giảm bớt chi phí đầu tư. Ngoài ra, việc xuống giống vào thời điểm này đã trễ hơn 10 ngày so với mọi năm nên người dân đành chọn sạ giống lúa IR 50404 nhằm rút ngắn thời gian sinh trưởng, kịp với lịch thời vụ cho mùa Hè thu năm sau”.
Ngoài lo lắng về thời tiết, hiện nông dân còn chịu áp lực về giá thuê bơm nước. Do bà con sạ lúa trong điều kiện nước lũ còn cao (0,5-0,6m), từ đó kéo theo giá công bơm nước đã tăng mạnh trong những ngày qua và đang dao động ở mức 140.000-160.000 đồng/công, tăng 40.000-80.000 đồng/công so với cùng kỳ. Ông Nguyễn Văn Xưa, ở ấp 12, xã Vị Trung, huyện Vị Thủy, chia sẻ: “Biết là giá cao nhưng bà con cũng đành chấp nhận mướn bơm để xuống giống cho kịp mùa vụ. Nếu tiếp tục đợi thì không biết đến bao giờ nước mới cạn”.
Giảm gánh nặng cho nông dân
Bên cạnh giá các loại lúa giống nguyên chủng hay xác nhận đang giảm trong những ngày qua thì giá các loại phân bón hiện nay cũng giảm so với vụ lúa Đông xuân năm trước. Điều này, khiến cho người dân cảm thấy phần nào an tâm khi mùa vụ sản xuất mới đang bắt đầu. Cụ thể, phân urê Trung Quốc có giá bán hiện tại 405.000 đồng/bao 50kg, giảm 95.000 đồng/bao; phân đạm Cà Mau 395.000 đồng/bao, giảm 105.000 đồng/bao; phân DAP 635.000 đồng/bao, giảm 85.000 đồng/bao… Hiện chỉ có giá phân giảm, còn giá các loại thuốc bảo vệ thực vật đều ổn định so với mùa vụ trước.
Nhận định về nguyên nhân giá phân bón giảm, ông Nguyễn Văn Vo, Chủ cửa hàng vật tư nông nghiệp Nguyễn Văn Vo, ở đường Trần Hưng Đạo, khu vực 1, phường III, TP.Vị Thanh, cho rằng: “Năm nay, có thể do nguồn cung từ các nhà máy sản xuất phân bón trong nước dồi dào, nhất là Nhà máy phân đạm Cà Mau, đồng thời, cộng với hàng nhập khẩu từ bên ngoài nhiều nên dẫn đến tình trạng cung vượt cầu, từ đó giá phân giảm”.
Cũng theo nhận định của nhiều chủ cửa hàng bán vật tư nông nghiệp trên địa bàn TP.Vị Thanh, một nguyên nhân khác làm cho giá phân giảm là do, mùa lũ năm nay lớn, lượng phù sa đem về khá nhiều nên khả năng người dân sử dụng phân sẽ giảm so với cùng kỳ. Nếu như vụ lúa Đông xuân năm trước, nông dân phải dùng 50kg phân bón/công lúa thì nay giảm xuống còn khoảng 40-45 kg/công. Trước nhu cầu xài phân của nông dân có phần hạn chế nhằm tiết giảm chi phí sản xuất, để tránh tình trạng hàng tồn kho quá tải buộc lòng các công ty phải hạ giá bán theo thị trường.
Mặc dù giá phân bón đã giảm mạnh, nhưng sức mua của người dân tương đối chậm. Ông Vo cho hay: “Trong vụ lúa Đông xuân này, cửa hàng tôi nhập về khoảng 2.000 tấn phân bón các loại để phục vụ nhu cầu bà con. Hiện tại, tiến độ tiêu thụ phân tại cửa hàng rất chậm, mỗi ngày xuất bán khoảng 50 tấn, nếu như cách nay khoảng 10 ngày thì không bán được tấn nào, khả năng do bà con hiện nay chưa xuống giống nhiều nên chưa mua phân. Trong những ngày tới đây, hy vọng tình hình tiêu thụ sẽ được sáng sủa hơn khi bà con bước vào cao điểm xuống giống”.
Giữa lúc kinh tế nông nghiệp đang gặp khó khăn, nhưng với việc giảm giá một số mặt hàng như: lúa giống, phân bón là một tín hiệu vui cho vụ Đông xuân sắp tới. Tuy nhiên, nông dân cũng nên cân nhắc kỹ lưỡng trong việc lựa chọn cửa hàng mua phân bón, lúa giống nhằm tránh sử dụng hàng kém chất lượng. Ngoài ra, việc lựa chọn, sử dụng lúa giống và đầu tư phân bón trong quá trình sản xuất phải được tính toán một cách có hiệu quả để có thể đem lại nguồn lợi nhuận sau này...
Có thể bạn quan tâm
Cửa hàng bán thịt heo đạt tiêu chuẩn VietGAP đầu tiên trên cả nước đã chính thức ra mắt tại chợ Hòa Bình (Q. 5, TPHCM) vào ngày 9-10 vừa qua, thu hút khá nhiều người tiêu dùng.
Phó chủ tịch Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam vừa lên tiếng cảnh báo đang có tình trạng nhiều thị trường đầu cơ nông sản.
Để vững bước gia nhập TPP, Việt Nam phải tìm cách liên kết vào chuỗi giá trị và ứng dụng công nghệ nông nghiệp hiện đại.
Thời vụ thích hợp trồng chuối tiêu hồng vào mùa xuân (tháng 2 - 4) và mùa thu (tháng 8 - 10). Mật độ trồng: Hàng cách hàng 2,2 m, cây cách cây 2,5 m, tương đương 60 - 70 cây/sào (sào Bắc bộ 360 m2).
Bà Lê Thị Ngọc Lan, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Hương Giang (huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) cho biết, toàn xã hiện có trên 50% số hộ chăn nuôi đủ điều kiện đã được xây dựng, lắp đặt bể khí biogas.