Mô Hình Cánh Đồng Mía Mẫu Hướng Đến Sản Xuất Bền Vững
Sở NN-PTNT Phú Yên đang triển khai mô hình cánh đồng mía mẫu tại 3 huyện miền núi Đồng Xuân, Sơn Hòa và Sông Hinh với tổng diện tích 40ha. Mô hình được áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất đồng bộ từ các khâu làm đất, trồng, thu hoạch; sử dụng phân bón phù hợp với chất đất và chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật, hướng đến một nền nông nghiệp bền vững và bảo vệ môi trường.
Mô hình được triển khai tại các xã Ea Chà Rang (Sơn Hòa), Ea Ly (Sông Hinh), Xuân Quang 1 (Đồng Xuân) trên diện tích đất liền vùng, liền thửa, sử dụng các giống mía K95-84, K95-156… Theo đó, mô hình này có sự liên kết giữa 4 nhà, trong đó Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Hoàng Long Vina hỗ trợ phân bón; Công ty TNHH KUBOTA Việt Nam hỗ trợ máy móc trong quá trình triển khai mô hình và cử cán bộ kỹ thuật tập huấn hướng dẫn kỹ thuật vận hành các loại máy móc;
Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam và Công ty cổ phần Mía đường Tuy Hòa chịu trách nhiệm cung cấp giống mía, đầu tư và bao tiêu toàn bộ mía nguyên liệu cho các hộ tham gia mô hình. Đây là mô hình mẫu đầu tiên được triển khai tại các xã miền núi nhằm khuyến khích nông dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, giảm chi phí, tăng năng suất và sản lượng trong sản xuất mía.
Ông Hà Châu Ánh tham gia mô hình cánh đồng mía mẫu tại xã Ea Chà Rang trên diện tích 10ha, giãi bày: “Mô hình áp dụng kỹ thuật trồng mía hàng đôi. Sau khi xuống giống, bước đầu cho thấy trong điều kiện thời tiết nắng hạn nhưng cây mía vẫn nẩy mầm khỏe và sinh trưởng tốt. Hiện cây mía phát triển tốt, dễ chăm sóc, quản lý so với trồng mía theo hàng đơn.
Vì ứng dụng cơ giới hóa trong khâu trồng, làm cỏ, bón phân nên giảm được chi phí trong sản xuất mía từ 30 đến 40% so với làm thủ công”. Ông Huỳnh Tấn Vinh, phụ trách Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện Sơn Hòa cho hay, mô hình cánh đồng mía mẫu lớn ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất nhằm góp phần hoàn thành các mục tiêu xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống cho người nông dân.
Tại xã Ea Ly, cánh đồng mía mẫu của ông Nguyễn Ngọc Mỹ được trồng các giống ROC 10, ROC 16 mới du nhập vào Việt Nam. Ông Mỹ cho biết: “Mô hình triển khai từ tháng 3/2013, được áp dụng khoa học kỹ thuật đồng bộ nên mía phát triển tốt, không phải như trước đây cùng chung khu gò đồi nhưng có đám cây thấp, đám cây cao”. Niên vụ mía 2013-2014, lần đầu tiên ở Phú Yên, ông Mỹ “liên kết 4 nhà” trồng mía bằng cơ giới hóa, áp dụng kỹ thuật chăm sóc theo mô hình cánh đồng mía mẫu lớn. Mô hình này được người dân quanh vùng tham quan học tập.
Theo nhận định của Phòng NN-PTNT huyện Sông Hinh, sắp đến vụ thu hoạch mía niên vụ 2013-2014 ở vùng đất Ea Ly sẽ “xuất hiện” cánh đồng 100 tấn mía/ha, trong khi đó hiện năng suất mía trung bình toàn tỉnh chỉ đạt 65 tấn/ha. Ông Nguyễn Khắc Sự, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Sông Hinh cho biết: “Mô hình được rất nhiều người dân tham gia học tập, đến nay bước đầu mang lại kết quả khả quan, hứa hẹn sẽ cho năng suất và sản lượng cao”.
Còn tại cánh đồng mía mẫu triển khai tại xã Xuân Quang 1, sử dụng tưới nước nên người trồng mía chủ động trong việc bón phân đã giúp cây mía phát triển nhanh. Do áp dụng đồng bộ kỹ thuật làm đất, chăm sóc, bón phân nên ruộng mía liền vùng, liền thửa rợp một màu xanh, không có sâu bệnh.
Ông Nguyễn Hồng Phong, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Hoàng Long Vina cho biết: Triển khai mô hình cánh đồng mía mẫu, công ty hỗ trợ 30% giá trị phân bón NPK và 100% thuốc bảo vệ thực vật (nếu mía bị sâu bệnh), đồng thời hỗ trợ chi phí tập huấn kỹ thuật, hội thảo tổng kết mô hình...
Theo đánh giá của Sở NN-PTNT, bước đầu mô hình đã mang lại kết quả đáng khích lệ, giúp bà con nông dân thay đổi cách làm, hướng đến sản xuất nông nghiệp bền vững. Sở khuyến khích các địa phương thực hiện liên kết 4 nhà, nhân rộng mô hình này để mang lại thu nhập cao cho nông dân.
“Việc triển khai mô hình sản xuất cánh đồng mía mẫu sử dụng giống mới có khả năng kháng sâu bệnh cao nên đảm bảo được tính bền vững trong sản xuất nông nghiệp, bảo vệ môi trường sinh thái do không phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nhiều. Vì vậy trong thời gian đến, các đơn vị trong ngành mở rộng diện tích cánh đồng mía mẫu để nâng cao thu nhập cho người nông dân”, ông Nguyễn Trọng Tùng, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh nói.
Có thể bạn quan tâm
Theo đánh giá của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gò Công Đông, tình hình nuôi nghêu trên biển Tân Thành năm nay thuận lợi, không xảy ra tình trạng nghêu chết hàng loạt gây thiệt hại nặng cho địa phương như các năm vừa qua.
Lần theo địa chỉ được anh bạn giới thiệu, tìm về đúng khóm Tây Khánh 7, phường Mỹ Hòa (Tp. Long Xuyên, An Giang), chúng tôi hỏi thăm suốt dọc đường mà nghe tên ông Ba Kim ai cũng lắc đầu ngơ ngác. Nhưng chỉ cần “quá bộ” vài bước xuống cánh đồng ngay kế lộ, thì người nào cũng biết và nhiệt tình chỉ đường về “trại tép Ba Kim”.
Nơi có sản lượng đạt cao là Yên Dũng, Tân Yên, Lạng Giang, Việt Yên do nông dân đầu tư mở rộng diện tích nuôi thâm canh; công tác kiểm soát chất lượng thức ăn thủy sản, giống và phòng chống dịch bệnh trên cá được chú trọng đã hạn chế rủi ro cho người chăn nuôi.
Trong những năm gần đây, ngành chăn nuôi của huyện Dầu Tiếng có tốc độ tăng trưởng cao, đóng góp khá lớn cho lĩnh vực sản xuất nông nghiệp của huyện. Cùng với việc phát huy thế mạnh chăn nuôi trong nông nghiệp, hiện Dầu Tiếng (Bình Dương) đang tập trung phát triển ngành này theo hướng công nghiệp.
Với diện tích canh tác trên 740ha; trong đó đất 2 lúa có 445ha, đất chuyên màu trên 293ha, Yên Đồng là một trong những xã có diện tích đất sản xuất nông nghiệp lớn của huyện Ý Yên (Nam Định). Triển khai chương trình hỗ trợ nông dân sản xuất rau an toàn của Hội Nông dân (HND) tỉnh từ năm 2009, HND xã đã đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ nông dân chuyển đổi hơn 150ha đất 2 lúa ở các cánh đồng thôn Cốc Dương, An Trung sang trồng rau sạch nhằm tăng giá trị thu nhập trên diện tích đất canh tác.