Làng Chài Tỷ Phú
Có những làng chài các thế hệ nối tiếp nhau đi biển, gắn chặt cuộc đời mình với những dập dềnh của sóng, mặn mòi của biển và cả những cơ cực, hiểm nguy khi vươn khơi giữa đại dương mênh mông.
Biển không phụ lòng người, những cần cù, chịu khó của họ được đền đáp lại bằng những khoang thuyền đầy tôm cá, có nhiều ngư dân trở thành tỷ phú khi còn rất trẻ… Thôn Thạnh Đức 2, xã Phổ Thạnh (Đức Phổ - Quảng Ngãi) là một trong những làng chài như vậy!
Đất cằn!
Đưa chúng tôi đi qua những con đường làng, hai bên ken dày những ngôi nhà khang trang kiểu dáng như những biệt thự, lão ngư Phan Văn Cúc – Bí thư Chi bộ thôn Thạnh Đức 2 kể về làng chài của mình với giọng đầy hãnh diện. Mà không hãnh diện sao được, khi ở nơi miệt biển này số lượng nhà cao tầng lại nhiều đến thế. Nó chưa thể nói hết lên được mọi điều, nhưng là minh chứng cho sự cần cù, chịu thương, chịu khó, vượt qua những hiểm nguy của biển cả, vươn ra biển lớn để khai thác kinh tế biển, làm giàu cho gia đình và cho quê hương của người dân nơi đây.
Dừng lại nơi cây cầu vắt ngang qua cửa Sa Huỳnh, ông Cúc trầm ngâm nhớ lại: “Trước đây nơi này hoang vu và rất nhiều thú dữ sinh sống trên những núi đồi giáp biển. Cư dân lánh xa khu vực này chuyển đến sinh sống ở những nơi khác. Ông Tổ của chúng tôi cùng một số người di cư từ miền Bắc đến đây sinh sống, khai khẩn vùng đất mới phải chống chọi, xua đuổi thú dữ và mưu sinh bằng nghề câu trên biển, vì nơi đây chỉ toàn đất cát cằn cỗi, bạc màu nên rất khó khăn trong việc trồng trọt”.
Ngừng chốc lát, nhìn những con sóng gối đầu nhau không ngừng nghỉ trên mặt cảng Sa Huỳnh ông Cúc tiếp: “Thế hệ trước nối tiếp thế hệ sau sống trong nghèo khó. Phàm ở đời, cái gì bị bủa vây thì người bên trong càng vẫy vùng muốn thoát ra. Vậy là công cuộc chinh phục biển để thoát ra khỏi cái nghèo bắt đầu”!
Ông Võ Ngọc Duyên- Trưởng thôn Thạnh Đức 2, biểu lộ sự vui mừng không kém, thêm vào: “Mang tiếng làng chài nằm sát Biển Đông nhưng qua bao đời, người dân đều không giàu lên được. Cả thôn chỉ có vài chục chiếc thuyền câu nhỏ bé, chỉ quanh quẩn đánh bắt ven bờ, chứ có ai dám nghĩ đến chuyện vươn khơi ra biển lớn.
Hơn chục năm qua, từ khi Nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ ngư dân, nắm lấy cơ hội này, nhiều người đã vay mượn vốn liếng để đầu tư cải hoán, đóng mới nhiều phương tiện có công suất lớn để vươn ra khơi xa, nhờ đó mà nhiều người trở thành tỷ phú. Biển cả đã ban cho họ cuộc sống no đủ, làng chài ngày thêm trù phú, đông vui vì có thêm nhiều người tìm đến sinh cơ lập nghiệp”.
“Nở hoa”!
Ông Cúc bảo ở thôn này những tỷ phú trẻ đếm không xuể! Tôi cà khịa lại ông rằng các ngư dân có kê khai tài sản cho ông đâu mà ông biết? Ông chẳng những không phật ý mà còn bảo thêm: “Khi tôi đi họp chi bộ, mọi người cũng bảo căn cứ vào đâu mà nói thôn ta có đến gần 300 tỷ phú trẻ?
Nói xong ông Cúc cười móm mém, lý giải rất đơn giản nhưng hiệu quả: “Cả thôn có 702 hộ gia đình thì có đến hơn 90% dân số sống bằng nghề biển với trên 300 tàu cá, chủ yếu từ 90 – 500CV tham gia đánh bắt ở vùng biển xa. Tính trung bình mỗi nhà có một cặp tàu, giá trị từ 1-3 tỷ đồng, như vậy họ là tỷ phú rồi còn gì”! Nói rồi, ông lại cười, âm vang của nụ cười hào sảng như lan tỏa cùng những con sóng đang đùa nghịch xô nhau dưới vịnh biển Sa Huỳnh!
Xuất thân làm bạn chài khi 14-15 tuổi với đôi tay trắng, chưa đầy 20 năm Võ Thu đã trở thành ông chủ ở tuổi 55 và sở hữu đội tàu sáu chiếc có công suất từ 120-480CV, với tổng giá trị gần 7 tỷ đồng. “Cái chính là nhờ biển cho mình, còn lại là mình chịu khó làm ăn, biết tính toán, biết đầu tư đúng lúc đúng chỗ” - ông Thu giải thích. Cũng từ một bạn chài tay trắng được thôi thúc bởi khí thế làm ăn của người dân biển quê mình, ông Trần Đức Minh đã ra khơi trên chiếc thuyền 10CV rồi tiến lên xây dựng nhà cửa, năm 2004 tậu hai chiếc tàu lớn loại 420CV.
“Ở làng biển này, khí thế làm ăn hăng hái lắm. Người đi trước truyền nghề cho con cháu đi sau. Lớp trẻ lớn lên lại “cạnh tranh” nhau làm giàu dữ lắm. Chẳng thế mà trong những tỷ phú, có nhiều người thuộc thế hệ 7X”, ông Phan Hiển-Chi hội trưởng Chi hội Nghề cá Phổ Thạnh tự hào nói thêm. Ngư dân Phan Cam mới 38 tuổi nhưng đã sở hữu lượng tài sản trên 3 tỷ đồng gồm 2 chiếc tàu cá và căn nhà hai tầng cùng với nhiều tài sản giá trị trong gia đình.
Chẳng giấu giếm, anh Cam thật thà: “Năm 15 tuổi, bỏ học đi bạn cho chủ tàu cá. Sau nhiều năm dành dụm tui mới mua được chiếc tàu cá công suất 60CV hành nghề câu bủa trên vùng biển Đà Nẵng - Quảng Bình”. “Cần câu cơm” của anh giờ là 2 chiếc tàu cá QNg – 44580TS (100 CV) và QNg – 94527TS (120CV) hành nghề giã cào đôi. Mỗi năm, biển cả “ban tặng” cho anh từ 400 – 500 triệu đồng, những ngư dân đi bạn được chia từ 40 – 50 triệu đồng. “Nhiều người mua một lúc mấy căn nhà ở Sài Gòn chứ như tôi đã thấm vào đâu” – anh Cam hãnh diện nói.
Hay như ngư dân Phan Bền, Trung đội trưởng dân quân xã Phổ Thạnh được xếp hạng tỷ phú trẻ khi ở tuổi 30 với số tài sản trên 1,5 tỷ đồng. Tài sản cố định của anh Bền là 2 chiếc tàu cá công suất 90CV và 250CV trị giá hơn 2 tỷ đồng hành nghề giã cào trên vùng biển quê hương, mỗi năm đem về khoản thu nhập cho gia đình khoảng 700 triệu đồng.
“Khác với thời trước, chuyện làm ăn bây giờ đòi hỏi người đi biển phải tính toán thật kỹ, thật chắc. Không ai bỏ ra 500-700 triệu hay 2-3 tỷ đồng để sắm một tàu cá nếu không lường trước được đường làm ăn của mình” - ông Huỳnh Minh, chủ hai con tàu 350CV, phân tích. Nhiều chủ tàu cho rằng nghề cá ở Thạnh Đức 2 cũng như Phổ Thạnh phát đạt có nhiều yếu tố, nhưng đáng nói là ở sự năng động, đoàn kết của ngư dân.
Một trong những sáng tạo của họ là cách đánh bắt “đi cặp” - hai tàu cùng đánh chung một mẻ lưới. Chủ tàu Võ Thu giải thích ưu điểm này: “Hai tàu cùng đi tìm đàn cá để thả giàn lưới to xuống rồi cùng nhau kéo hai đầu lưới lên, đến khi có cá hai tàu chia nhau chở cũng được nhiều hơn, đi cặp có lợi là vậy. Rồi khi có trắc trở gì thì cùng nhau lo liệu, xử lý, lỡ tàu này hư sửa không được thì tàu kia dìu kéo về”.
“Trong số 16 tàu công suất lớn (loại 400-600CV) của xã Phổ Thạnh được đóng mới trong năm 2013, thôn Thạnh Đức 2 chiếm 7 tàu, để thấy nghề đánh bắt ở thôn này vẫn rất ăn nên làm ra”, ông Nguyễn Duy Trinh - Phó Chủ tịch UBND xã Phổ Thạnh giọng đầy tự hào khi nói về nghề đánh bắt của thôn Thạnh Đức 2.
Có thể bạn quan tâm
Từ ngày 1/1 đến ngày 30/9, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 4,351 triệu tấn, trị giá FOB 1,81 tỷ USD, trị giá CIF 1,86 tỷ USD.
Nếp là sản phẩm chủ lực của huyện Phú Tân, với tổng diện tích khoảng 20.000 héc-ta trên địa bàn. Nhãn hiệu tập thể “Nếp Phú Tân” đã có mặt trên thị trường (2009) được UBND huyện triển khai nhiều hoạt động để đưa danh tiếng của loại đặc sản này vươn xa.
Được sự điều phối từ Trung tâm Khuyến nông (TTKN) Quốc gia, TTKN tỉnh An Giang đã triển khai thực hiện dự án “Áp dụng 3 giảm 3 tăng và kỹ thuật trồng lúa SRI nhằm nâng cao hiệu quả và góp phần giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa”.
Sau khi bón một loại phân hỗn hợp, vườn cây của một số hộ dân tại xã Châu Pha (huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu) có hiện tượng vàng lá, thun đọt và xì mủ ở trái. Người dân nghi ngờ do phân bón giả, nhưng cơ quan chuyên môn vẫn chưa xác định rõ nguyên nhân.
Hiện nay, nông dân thị trấn Tràm Chim và các xã: Phú Thọ, Phú Cường, Phú Đức, Phú Hiệp (huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp) rất phấn khởi khi thu hoạch dưa hấu vụ thu đông năm 2015 bán được giá cao.