Gia Nghĩa Đẩy Mạnh Thực Hiện Ứng Dụng Khoa Kỹ Thuật Vào Sản Xuất Nông Nghiệp
![Gia Nghĩa Đẩy Mạnh Thực Hiện Ứng Dụng Khoa Kỹ Thuật Vào Sản Xuất Nông Nghiệp](/temp/resize/400x300/upload/news/09-2014/san-xuat-nong-nghiep-01-5387113.jpg)
Trong thời gian qua, việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp đã được các ngành, người dân trên địa bàn thị xã Gia Nghĩa quan tâm triển khai thực hiện.
Nhiều giống cây trồng, vật nuôi mới, đem lại năng suất, chất lượng cao được đưa vào sản xuất tại địa phương, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa nông sản trên thị trường và tăng thu nhập cho người dân.
Thực tế cho thấy, trong giai đoạn từ năm 2012-2014, để khuyến khích và hỗ trợ người dân trong việc ứng dụng khoa học kỹ thuật và phát triển sản xuất nông nghiệp, địa phương đã thực hiện hỗ trợ một phần kinh phí cho 37 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn, với tổng số tiền là hơn 2,5 tỷ đồng.
Trong đó, đối tượng thụ hưởng chủ yếu là các hợp tác xã, tổ hợp tác và các trang trại để mở rộng sản xuất, đầu tư hệ thống nhà kính, nhà màng, hệ thống tưới tự động trong sản xuất rau, hoa, cây ăn trái, hệ thống chuồng trại khép kín trong chăn nuôi…
Nhìn chung, các mô hình đã sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí mà UBND thị xã hỗ trợ để đầu tư mở rộng sản xuất, mua sắm trang thiết bị phục vụ sản xuất. Nhiều mô hình đã mang lại hiệu quả rõ nét trong sản xuất, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn thị xã Gia Nghĩa như trồng rau trong nhà lồng, trồng cà chua ghép tại xã Đắk R’moan, phường Nghĩa Phú; trồng hoa trong nhà lồng, trồng cây mắc ca tại xã Quảng Thành; ứng dụng hệ thống tưới nhỏ giọt trong sản xuất cà phê, hồ tiêu tại phường Nghĩa Phú…
Riêng về lĩnh vực trồng hoa, trong một số năm trở lại đây, nhiều hộ dân trên địa bàn thị xã triển khai thực hiện và bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao và tập trung chủ yếu tại phường Nghĩa Phú và xã Quảng Thành, với quy mô khoảng 5-6 ha.
Theo đó, trong năm 2012, UBND thị xã đã hỗ trợ 185 triệu đồng cho Tổ hợp tác trồng hoa phường Nghĩa Phú để đầu tư hệ thống nhà màng, mở rộng sản xuất với quy mô khoảng 2.000 m2. Mô hình này cũng đã được đầu tư hệ thống tưới tự động cùng hệ thống chiếu sáng nhằm điều chỉnh quá trình ra hoa. Nhờ đó, sau khi trừ các khoản chi phí, mô hình đã có lợi nhuận khoảng 150 triệu đồng/năm. Việc triển khai thực hiện các mô hình này cũng đã góp phần khuyến khích người dân đầu tư mở rộng sản xuất và mua sắm trang thiết bị để hướng tới việc tự động hóa trong sản xuất nông nghiệp…
Về lĩnh vực trồng rau an toàn, tuy cũng mới được hình thành và phát triển, nhưng bước đầu, các mô hình cũng đã mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực cho người dân trên địa bàn thị xã. Đơn cử như trong năm 2012, để khuyến khích các hộ dân phát triển sản xuất rau an toàn, UBND thị xã đã hỗ trợ cho các hợp tác xã, tổ hợp tác trồng rau an toàn với tổng kinh phí là trên 490 triệu đồng. Ước tính, lợi nhuận hàng năm đưa về cho các hộ là khoảng gần 70 triệu đồng/ha.
Trong các năm 2013 và 2014, UBND thị xã cũng đã tiếp tục sử dụng một phần nguồn vốn sự nghiệp kinh tế để hỗ trợ người dân xây dựng 7.472 m2 nhà màng, với hệ khung bằng thép mạ kẽm, mái phủ nilon chống tia cực tím để trồng rau an toàn và hoa cao cấp…
Ở mô hình trồng cây ăn trái, những năm gần đây, thị xã cũng đã tăng nhanh cả về quy mô và số lượng. Nhằm khuyến khích các hộ dân đầu tư các trang thiết bị để mở rộng quy mô sản xuất, hướng tới việc cơ giới hóa, tự động hóa trong sản xuất nông nghiệp, năm 2012, UBND thị xã cũng đã hỗ trợ kinh phí cho 6 mô hình trồng cây ăn trái để đầu tư cơ sở vật chất (xây dựng hệ thống tưới tự động), mở rộng quy mô sản xuất, với kinh phí 331 triệu đồng.
Một số mô hình tiêu biểu như mô hình trồng sầu riêng của trang trại Gia Trung, mô hình trồng măng cụt và bơ ghép của trang trại Gia Ân và mô hình trồng cam sành, quýt đường của hộ ông Lầu A Sy ở xã Đắk Nia; trang trại Nguyễn Ngọc Vân, ở phường Nghĩa Phú… Trong đó, mô hình trồng sầu riêng hạt lép của trang trại Gia Trung có quy mô 45 ha đã được UBND thị xã hỗ trợ 100 triệu đồng để đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt cho vườn cây.
Năm 2013, mô hình đã cho sản lượng khoảng gần 200 tấn. Sau khi trừ các khoản chi phí, lợi nhuận của mô hình đạt khoảng 1,1 tỷ đồng. Các năm tiếp theo, dự kiến lợi nhuận của trang trại sẽ tăng khoảng 30%/năm. Hiện nay, mô hình cũng đã được Sở Nông nghiệp-PTNT cấp chứng nhận sản xuất theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt (VietGap) cho sản phẩm sầu riêng hạt lép…
Theo UBND thị xã Gia Nghĩa thì trong giai đoạn 2011-2013, ngoài việc hỗ trợ xây dựng một số mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, địa phương cũng đã tổ chức được 74 lớp tập huấn về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật cho người dân.
Qua các lớp tập huấn, người dân đã từng bước nắm bắt được những kiến thức khoa học kỹ thuật để áp dụng vào thực tiễn sản xuất và thông tin về thị trường hàng hóa nông sản góp phần nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi và hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp.
Song song với đó, hiện nay, UBND thị xã cũng đang triển khai lập quy hoạch vùng sản xuất hoa và rau an toàn và quy hoạch vùng trồng cây ăn trái trên địa bàn. Công tác này sau khi quy hoạch hoàn thành sẽ góp phần định hướng cho người dân trong việc sản xuất rau, hoa, vùng trồng cây ăn trái, góp phần nâng cao thu nhập cho nông hộ và phát triển kinh tế địa phương…
Có thể bạn quan tâm
![Thu Nhập Cao Nhờ Nuôi Heo Giống](/temp/resize/75x75/upload/news/04-2014/nuoi-heo-nhan-giong-3210210.jpg)
Hơn 12 năm gắn bó với nghề nuôi heo nhân giống, bà Võ Thị Nành, khóm 7, thị trấn Thới Bình gặp không ít thất bại, nhưng nhờ kiên trì, đến nay, nghề này đã mang lại thu nhập khá cho gia đình.
![Cựu Chiến Binh Đặng Chiến Thuật Vươn Lên Từ Ý Chí](/temp/resize/75x75/upload/news/04-2014/thu-hoach-ca-3001712.jpg)
Ông Đặng Chiến Thuật sinh năm 1951, quê gốc ở tỉnh Nam Định. Ông nhập ngũ năm 1975, đơn vị Cục Hậu cần Quân khu 7, đến năm 1977 tham gia chiến đấu ở chiến trường Campuchia. Ông xuất ngũ năm 1981 với thương tật một bên chân (thương binh 4/4).
![Đắk N’Drót, Nhiều Hộ Đồng Bào Làm Kinh Tế Giỏi](/temp/resize/75x75/upload/news/04-2014/trong-tieu-2330825.jpg)
Với việc mạnh dạn đầu tư, mở rộng diện tích, áp dụng nhiều biện pháp khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thời gian qua, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ ở xã Đắk N’Drót (Đắk Mil) đã nỗ lực vươn lên làm giàu và có cuộc sống ổn định.
![Rau An Toàn Ở Tâm Thắng Đang Gặp Khó](/temp/resize/75x75/upload/news/04-2014/trong-rau-an-toan-5407410.jpg)
Với tâm huyết và nỗ lực để đưa sản phẩm rau đảm bảo an toàn đến bàn ăn của người dân tại địa phương, năm 2011, xã Tâm Thắng đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Chư Jút chọn 10 hộ dân chuyên sản xuất rau xanh tại thôn 4 để triển khai mô hình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn Viet GAP.
![Krông Nô Được Mùa Cây Lương Thực Vụ Đông Xuân](/temp/resize/75x75/upload/news/04-2014/thu-hoach-lua-2354753.jpg)
Trong những ngày này, về xã Nam Đà, ở các thôn, xóm, sân nhà nào cũng ngập một mùa vàng của lúa. Còn ngoài cánh đồng, không khí ngày mùa càng rộn rã hơn bởi tiếng máy nổ, tiếng guồng quay của máy gặt lúa.