Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Làng cá cơm Mũi Né

Làng cá cơm Mũi Né
Ngày đăng: 06/06/2015

Một thời hoàng kim

Thấy tôi đến, lão ngư Bùi Hữu Nghĩa (70 tuổi, khu phố 5, phường Mũi Né) mồ hôi nhễ nhại bước ra khỏi lò chế biến cá cơm của mình rồi chỉ tay về phía trước xưởng nói giọng ồm ồm: “Qua đó ngồi đi! Chú vào đây có mà thành heo quay”. Khều tay lấy chiếc nón lá quạt liền tay để “đuổi” những dòng mồ hôi đang chảy dài trên trán, ông Nghĩa chậm rãi kể: “Nghề khai thác cá cơm nơi đây đã có truyền thống từ trước giải phóng.

Còn nghề hấp cá cơm xuất hiện sau đó từ năm 1997, bởi khi đó cá cơm nhiều vô kể, người dân làm nước mắm không hết nên đem cá đi hấp rồi phơi khô để tăng thêm thu nhập”. Giai đoạn này, cá cơm biển phơi khô của Mũi Né nức tiếng thơm ngon, không những được tiêu thụ ở nhiều nơi trong nước mà còn xuất khẩu.

Với kinh nghiệm hơn 30 năm làm nghề biển, ông Nghĩa chia sẻ, mùa cá cơm ở đây bắt đầu từ tháng ba đến tháng tám âm lịch, có giai đoạn tàu thuyền chỉ cần ra khơi khoảng một hải lý, nếu may mắn gặp luồng cá thì một mẻ lưới có thể kiếm được hàng tấn cá cơm.

“Ăn không thể hết được rồi, vậy là cá cơm được chế biến làm nước mắm rồi đem hấp mang phơi khô bán ra thị trường. Khi đó, dọc làng chài Mũi Né có đến hàng trăm cơ sở chế biến cá cơm hấp, lao động khắp nơi đổ về làm thuê, không khí rất nhộn nhịp”, ông Nghĩa nhớ lại.

Tạm rời lò cá của ông Nghĩa, tôi ghé cơ sở chế biến cá cơm Bà Cẩm (khu phố 8, phường Mũi Né), nơi được mệnh danh có sản phẩm cá cơm khô ngon nức tiếng trong vùng. Ở tuổi lục tuần, bà Cẩm nhìn còn rất khỏe mạnh và nhanh nhẹn khi vẫn tất bật cùng với công nhân chế biến những mẻ cá cơm tươi rói mới đưa từ biển lên. Nhấc bổng sọt cá cơm nặng chừng hơn 10kg cho vào nồi hấp, bà Cẩm quay sang tôi, nói: “Bác làm nghề này đã hơn 10 năm nay rồi. Ở vùng này, cách đây khoảng 5 năm người ta làm cá cơm dọc kín bãi biển, nhiều cơ sở lúc nào cũng có thường xuyên không dưới 20 lao động, thu nhập khá lắm”.

Khắc khoải với nghề

“Thế còn bây giờ nghề cá cơm ra sao rồi bác?”, tôi tiếp lời bà Cẩm. “Nghề này giờ bạc như cá cơm vậy đó. Nguồn cá cơm ngày càng cạn kiệt, người làm quá vất vả, đầu ra bấp bênh, lời lãi chẳng bao nhiêu nên họ đã bỏ nghề nhiều lắm rồi”, bà Cẩm trả lời. Đến đây tôi đã hiểu lời của ông Nguyễn Nam Long, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Mũi Né tâm sự trước khi tôi xuống làng chài: “Trước đây quả thật nghề này đã đem về thu nhập rất lớn cho người dân, nhưng đến nay nhiều cơ sở đã bỏ nghề, hoặc chỉ hoạt động cầm chừng”.

Để minh chứng, ông Long đưa cho tôi xem danh sách thống kê các cơ sở chế biến cá cơm biến động qua từng thời kỳ. Năm 2010, toàn phường có tới gần 130 cơ sở chế biến cá cơm khô với sản lượng khoảng 5.000 tấn cá tươi mỗi năm, giải quyết công ăn việc làm cho khoảng trên dưới 2.000 lao động. Nhưng đến thời điểm hiện tại, toàn phường chỉ còn khoảng 80 cơ sở hoạt động với sản lượng khiêm tốn.

Tiếp tục câu chuyện, bà Cẩm cũng thẳng thắn công nhận, ngoài chuyện ngư trường đang dần thu hẹp, nguồn cá ngày càng cạn kiệt, giá thành thứ gì cũng tăng thì cách làm của chúng ta còn quá lạc hậu nên chất lượng cá cơm chưa đạt tiêu chuẩn để vươn ra thị trường nước ngoài.

“Cơ sở của tôi cũng từng có khách từ Hàn Quốc ghé tham quan, đặt vấn đề mua sản phẩm nhưng phải theo một quy trình nghiêm ngặt. Nhưng để đầu tư được một lò sản xuất cá cơm khô đạt tiêu chuẩn xuất ngoại lên đến hàng tỷ đồng thì người dân lấy đâu ra kinh phí mà làm”, bà Cẩm than thở. Tranh thủ ngồi nghỉ chờ mẻ cá mới, chị Nguyễn Thị Lan, công nhân có thâm niên hơn 10 năm trong nghề làm cá cơm nơi đây, trăn trở: “Trước đây làng nghề này nhộn nhịp lắm, nhưng giờ cá ngày càng ít, tiền công thấp và làm vất vả nên người dân đã bỏ nghề nhiều”.

Nỗ lực cứu làng nghề

Mang tâm sự của những người dân làng chài làm nghề cá cơm gặp lại ông Nguyễn Nam Long, tôi còn được biết, chính quyền sở tại cũng đang rất lúng túng về vấn đề này. Hiện tại, sản phẩm cá cơm hấp phơi khô Mũi Né chủ yếu được xuất qua Trung Quốc, nhưng người dân thường xuyên bị thương lái ép giá, giá cả hoàn toàn phụ thuộc vào phía bên họ. Thế nhưng, có một điều khiến nhiều người tiếc nuối cho làng nghề cá cơm nơi đây, đó là với vị trí làng nghề vô cùng thuận lợi khi nằm sát ngày cạnh “thiên đường du lịch” Mũi Né, nhưng lại không khai thác được du lịch gắn với làng nghề truyền thống của địa phương.

Mặc dù, theo ông Long, địa phương cũng đang tìm mọi cách để đầu tư làng nghề và tìm hướng đi thích hợp để các làng nghề truyền thống phát triển, gắn với du lịch theo hướng bền vững. Nhưng làm thế nào, bắt đầu từ đâu thì lại chưa có phương án phù hợp.

Vì vậy, người làm nghề đang cần cơ quan chức năng vào cuộc hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho sản phẩm cá cơm, để từ đó nâng cao giá trị sản phẩm nhằm giúp bà con bán được giá, sản phẩm có sức cạnh tranh. Bên cạnh đó là những cơ chế, chính sách hỗ trợ để người dân thay đổi hình thức sản xuất theo hướng hiện đại để cá cơm có nhiều sản phẩm phong phú hơn, đáp ứng được những yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường.

Rồi nữa, xu hướng du lịch trải nghiệm cộng đồng, gần với người dân đang ngày càng nở rộ, thì việc làng nghề cá cơm Mũi Né sẽ trở thành điểm đến lý thú của du khách là điều hoàn toàn có thể nếu được chính quyền và ngư dân quan tâm đầu tư. Bởi, khi làng nghề được vực dậy sẽ giải quyết được công ăn việc làm ở khu vực nông thôn, đồng thời giữ được cái hồn và nét văn hóa truyền thống của làng nghề.

Rời làng nghề cá cơm Mũi Né, bà Cẩm dúi cho tôi một gói cá cơm khô mặn mòi hương vị của biển kèm lời dặn: “Cháu cầm chút quà biển về trên dùng với bạn bè cho vui. Không chừng lần sau ghé lại Mũi Né có thể bác sẽ không còn làm nghề này nữa!”. Tôi lững thững bước đi nhưng không tin sẽ “có ngày” như bác Cẩm nói.


Có thể bạn quan tâm

Khánh Hòa Thông Báo Lịch Thời Vụ Nuôi Tôm Năm 2014 Khánh Hòa Thông Báo Lịch Thời Vụ Nuôi Tôm Năm 2014

Đối với nuôi tôm sú quảng canh cải tiến, ở các khu vực không nuôi bán thâm canh và thâm canh được nên nuôi kết hợp tôm sú với cua, hải sâm, hoặc cá rô phi, rong câu... Thời gian thả giống từ tháng 3-8, mật độ thả 5 - 10 con Post 15/m2, thả giống và thu hoạch theo phương thức đánh tỉa thả bù hoặc thu toàn bộ tùy thuộc vào từng mô hình thực hiện.

23/01/2014
Bình Thuận Khôi Phục Nuôi Thủy Sản Nước Ngọt Bình Thuận Khôi Phục Nuôi Thủy Sản Nước Ngọt

Những năm qua, tình hình nuôi thủy sản ở Bình Thuận gặp nhiều khó khăn, một số mô hình hiệu quả nuôi thấp, không có lãi. Nuôi thủy sản nước ngọt của tỉnh chủ yếu tập trung ở 2 huyện Đức Linh, Tánh Linh, một số ít nuôi ở Bắc Bình, Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc, La Gi và Hàm Tân.

23/01/2014
Năm 2014 Phấn Đấu Khai Thác, Nuôi Trồng 17.300 Tấn Thủy Sản Năm 2014 Phấn Đấu Khai Thác, Nuôi Trồng 17.300 Tấn Thủy Sản

Để đạt mục tiêu tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản của huyện Hoằng Hóa (Thanh Hoá) năm 2014 là 17.300 tấn, trong đó khai thác 12.780 tấn, nuôi trồng 4.520 tấn, huyện Hoằng Hóa đã triển khai nhiều giải pháp nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế vùng ven biển.

23/01/2014
Kiểm Tra Nhanh EMS - Hy Vọng Mới Cho Người Nuôi Tôm Thái Lan Kiểm Tra Nhanh EMS - Hy Vọng Mới Cho Người Nuôi Tôm Thái Lan

Nhóm các nhà khoa học Thái Lan đã tìm ra cách kiểm tra nhanh dấu hiệu của EMS (Hội chứng tôm chết sớm) trên tôm nuôi và hy vọng có thể giảm thiểu rủi ro cho người nuôi tôm nước này.

23/01/2014
Thiết Lập Chuỗi Thực Phẩm An Toàn Trong Chăn Nuôi Thiết Lập Chuỗi Thực Phẩm An Toàn Trong Chăn Nuôi

Trong năm 2013, Chi cục thú y đã thực hiện việc quản lý theo chuỗi từ trại chăn nuôi - cơ sở giết mổ - cơ sở kinh doanh thịt cho hai cơ sở chăn nuôi heo và gà trên địa bàn tỉnh.

23/01/2014