Kỳ vọng giống thủy sản sạch
Khuyến khích đầu tư
Các hạng mục xây dựng của Khu sản xuất và kiểm định giống thủy sản Quảng Nam vừa hoàn thành. Hệ thống giao thông, thoát nước, bể chứa và xử lý nước thải, hệ thống điện đều đã kiện toàn. Điều kiện vật chất khang trang của cơ sở này đảm bảo cho quá trình sản xuất và kiểm định giống thủy sản sẽ diễn ra thuận lợi trong thời gian đến. Ông Ngô Tấn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, Quảng Nam đang tạo mọi điều kiện thuận lợi để mời gọi các doanh nghiệp đầu tư sản xuất giống thủy sản tại đây.
Nhiều cơ chế khuyến khích sẽ được áp dụng khi doanh nghiệp đi vào hoạt động. Nhà đầu tư sẽ được giảm 50% tiền sử dụng đất phải nộp vào ngân sách nhà nước. Doanh nghiệp sẽ được áp dụng mức giá thuê đất thấp nhất trong các loại đất được dùng cho mục đích phát triển nông nghiệp. Nhà đầu tư cũng sẽ được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước trong 11 năm đầu kể từ ngày dự án hoàn thành và đi vào sử dụng. Ngoài ra, các cơ sở sản xuất giống thủy sản cũng sẽ được hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, phát triển thị trường và áp dụng khoa học công nghệ trong sản xuất giống thủy sản.
“So với các cơ chế, chính sách thu hút, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào các Khu sản xuất và kiểm định giống thủy sản ở các địa phương trên toàn quốc thì cơ chế của Quảng Nam có một số ưu tiên nhất định. Trong khi đó, các thủ tục, hồ sơ, quy định được thực hiện trong quá trình đầu tư và sản xuất của doanh nghiệp cũng sẽ được tinh giản tối đa, giúp quá trình đầu tư, sản xuất giống thủy sản được thuận lợi nhất có thể” - ông Ngô Tấn nói.
Khu sản xuất và kiểm định giống thủy sản Quảng Nam có vị trí cách quốc lộ 1 khoảng 8km, cách TP.Tam Kỳ 10km, cách TP.Đà Nẵng khoảng 60km. Tổng diện tích sử dụng cho sản xuất và kiểm định giống thủy sản tại đây là 20,76ha. Quảng Nam kỳ vọng sẽ sản xuất được khoảng 2,5 - 3 tỷ con giống thủy sản sạch bệnh, đạt chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu sản xuất lớn tại Quảng Nam. |
Quảng Nam đang chủ động thu hút doanh nghiệp đầu tư sản xuất giống thủy sản tuy nhiên vẫn có vướng mắc về mặt bằng trong quá trình thực hiện. Dọc theo Khu sản xuất và kiểm định giống thủy sản vẫn còn tồn tại nhiều ao nuôi tôm tự phát có diện tích gần 3ha của các hộ dân trên địa bàn thôn Phương Tân, xã Bình Nam. Một số doanh nghiệp trong quá trình khảo sát đầu tư cho rằng, việc nuôi tôm tự phát không chỉ làm vướng quá trình lấy nước từ biển vào mà còn khiến cho môi trường xung quanh khu sản xuất giống bị ô nhiễm. Điều đó dễ khiến cho tôm giống bị nhiễm bệnh.
Trao đổi với chúng tôi, một trong các hộ nuôi tôm tự phát là ông Nguyễn Tri Phương cho rằng, lâu nay khu sản xuất giống chưa hoạt động nên gia đình tận dụng diện tích ven biển để nuôi tôm, cải thiện sinh kế. Khi khu sản xuất giống thủy sản đi vào hoạt động thì gia đình sẽ ngưng sản xuất, trả lại hiện trạng đất đai như ban đầu. Đối với các hộ dân khác chưa đồng thuận trả lại diện tích đất nuôi tôm đang chiếm hữu thì ông Trần Văn Tốt - Chủ tịch UBND xã Bình Nam cho rằng sẽ thực hiện cưỡng chế theo quy định, đáp ứng nhu cầu sản xuất giống thủy sản tại địa phương.
Vì con giống “sạch”
Quảng Nam có hơn 5.000ha nuôi thủy sản, cả nước ngọt lẫn nước lợ. Tuy nhiên tiềm năng này chưa được tận dụng trong thời gian qua. Các loài cá, tôm, cua ở cả 2 vùng nuôi liên tục bị chết trong quá trình nuôi. Theo phân tích của các địa phương ven biển thì nguyên nhân cốt lõi dẫn tới bệnh và dịch bệnh trên động vật nuôi thủy sản là vì nguồn giống không đảm bảo. Còn Sở NN&PTNT thì thừa nhận việc quản lý giống thủy sản chưa được toàn diện trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua. Quảng Nam chưa kiểm soát được chất lượng cũng như nguồn gốc sản xuất giống thủy sản. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thủy sản tồn tại trên địa bàn tỉnh cố tình không thực hiện khai báo kiểm dịch với cơ quan chức năng trước khi xuất bán mặc dù đã được tuyên truyền, nhắc nhở.
Trong khi đó, cách thức vận chuyển con giống của bên cung ứng lẫn người mua bằng nhiều tuyến đường, thời điểm khác nhau để trốn tránh lực lượng kiểm tra. Chỉ riêng về giống tôm thẻ chân trắng, nhu cầu của người nuôi trên địa bàn tỉnh rất lớn, mỗi năm cần đến 4 tỷ con giống. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh chưa có cơ sở sản xuất giống tôm thẻ có đủ uy tín, năng lực, đáp ứng nhu cầu sản xuất của người nuôi. Bởi vậy, một khi đã thu hút được các doanh nghiệp có uy tín đầu tư cũng như quy tập được các cơ sở cung ứng giống thủy sản về sản xuất tại Trung tâm sản xuất và kiểm định giống thủy sản Quảng Nam thì có thể kỳ vọng vào chất lượng giống thủy sản trong thời gian đến.
Một trong những doanh nghiệp tiên phong tích cực hoàn thiện hồ sơ đăng ký đầu tư vào Khu sản xuất và kiểm định giống thủy sản Quảng Nam là Công ty TNHH một thành viên Thủy sản Long Thịnh Hưng. Ông Nguyễn Hoàng Phú Cường, Giám đốc công ty này cho biết, với các ưu điểm về địa thế, cơ sở hạ tầng của khu sản xuất giống thủy sản cộng với cơ chế khuyến khích phù hợp của tỉnh, doanh nghiệp rất mong được sớm đầu tư vào đây. Quy mô đầu tư của doanh nghiệp này là có thể sản xuất và cung ứng ra thị trường mỗi năm khoảng 1 tỷ con giống chất lượng cao. Theo khảo sát của chúng tôi, rất nhiều người nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh đều háo hức trông chờ vào hoạt động của Trung tâm sản xuất và kiểm định giống thủy sản Quảng Nam.
“Hơn ai hết, người nuôi tôm thẻ chân trắng chúng tôi hiểu rằng, chất lượng tôm giống tốt thì mới có thể hy vọng vụ nuôi thành công. Nếu các doanh nghiệp có uy tín như Công ty CP Việt Nam hay Công ty Việt Úc đầu tư sản xuất tôm giống tại Quảng Nam thì người nuôi tôm chúng tôi sẽ đỡ phải vất vả đặt hàng rồi vận chuyển tôm giống về Quảng Nam từ tận các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận” - ông Ngô Văn Tiến, đại diện cho Tổ nuôi tôm cộng đồng thôn Hóc Rộ (xã Cẩm Thanh, TP.Hội An) nói.
Có thể bạn quan tâm
Chỉ với 60 triệu đồng vốn đầu tư ban đầu, đến nay mô hình nuôi ba ba của ông Vũ Văn Tuấn ngụ ấp 6, xã Minh Thắng, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước đã cho thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Mô hình hiệu quả này được các hộ nông dân ở xã Minh Thắng học tập.
Hàng ngàn dân nghèo sống ở đôi bờ sông Hậu thuộc địa bàn các tỉnh An Giang và Đồng Tháp sẽ có công ăn việc làm sau khi nhà máy chế biến thức ăn thủy sản Sao Mai đi vào hoạt động.
Cà Mau là một trong những vùng kinh tế thủy sản trọng điểm của cả nước, với vị trí địa lý, điều kiện thổ nhưỡng đã tạo nên tiềm năng và lợi thế phát triển thủy sản cho tỉnh Cà Mau, đặc biệt là nuôi tôm.
Sau 3 ngày 3 đêm thực hiện chuyến biển thực nghiệm khai thác, xử lý bảo quản cá ngừ đại dương (CNĐD) dưới sự hướng dẫn trực tiếp của 4 chuyên gia Nhật Bản, ngày 9.10, ba tàu cá của các ngư dân đã cập Cảng cá Quy Nhơn.
Ngày 07/10/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định 89/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 07 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản