Làng Biển Nuôi Cá Nước Ngọt
Anh Ngô Văn Ngãi- Chủ tịch UBND xã Ngư Thủy Trung cho biết: Từ bao đời nay người dân nơi đây chỉ sử dụng nguồn nước từ trong những cồn cát, mạch nước ngầm chảy ra thành khe, suối... Gần đây, thấy các xã ở huyện Quảng Ninh lợi dụng những dòng nước ấy đào ao nuôi cá hiệu quả, nên họ cũng học tập làm theo.
Không ngờ việc đào ao nuôi các nước ngọt dọc theo các khe nước đã tạo ra một nghề mới, đem lại nguồn thu nhập cao. Năm 2007, toàn xã mới chỉ có 10 hộ đào ao nuôi các nước ngọt thì năm nay toàn xã đã có 60 hộ có ao cá với diện tích trên 10 ha. Người dân Ngư Thuỷ Trung chủ yếu thả các loại giống cả như trê phi, lóc, rô phi đơn tính... vì các loại giống này họ chủ động được nguồn thức ăn từ các loại các cá phế phẩm đánh bắt ngoài biển.
Trung bình mỗi hộ nuôi cá nước ngọt ở Ngư Thuỷ Trung thu hoạch được hơn 20 triệu đồng và đây thực sự là một nguồn thu không nhỏ đối với người dân. Thôn Nam Hải có 107 hộ, 521 nhân khẩu được xem là một trong những thôn khó khăn nhất xã Ngư Thuỷ Trung bởi bà con phần lớn không có tàu thuyền, ngư lưới cụ để ra khơi. Hai năm trở lại đây, người dân rất phấn khởi và hào hứng với nghề nuôi cá nước ngọt. Trưởng thôn Nguyễn Hữu Khuynh cho hay: “Toàn thôn có 42 hộ nuôi cá nước ngọt. Đây là một nghề cứu cánh giúp bà con xoá đói giảm nghèo...”.
Gia đình anh Ngô Minh Lãi có 5 đứa con, lại không có ngư lưới cụ để đi biển, 2 đứa đầu lớn lên không có việc làm đã đi miền Nam tìm việc. Từ năm 2007, anh Lãi đã đầu tư đào một ao rộng hơn 350m2 để nuôi cá trê phi, trắm cỏ. Năm ngoái anh đã thu hoạch được hơn tấn cá, thu được hơn 40 triệu đồng. Thấy chúng tôi đến, anh mang lưới kéo cá lên để khoe và hồ hởi: “Nếu bán hết cá dưới hồ cũng được hơn 7 triệu đồng và thả tiếp cá giống bán cho vụ tết tới. Nhờ nuôi cá mà lo được cho 3 đứa con đi học và sắm ti vi, xe máy...”.
Xã Ngư Thủy Bắc “nhập cuộc” phong trào nuôi cá sau nhưng lại có bước phát triển mạnh nhất. Theo ông Nguyễn Thanh Thoảng- Chủ tịch UBND xã thì hiện có hơn 100 hộ nuôi cá với tổng diện tích ao hồ trên 15 ha. Năm ngoái, tổng sản lượng cá nuôi đạt trên 170 tấn, thu về gần 10 tỷ đồng. “Người dân vùng biển nhưng lại phát mạnh về nuôi trồng chứ không mạnh về khai thác biển”-ông Chủ tịch xã nhấn mạnh.
Về thôn Bắc Hòa (xã Ngư Thủy Nam) thăm mô hình điển hình của nuôi trồng thủy sản. Gia đình anh Trần Kim Phi xin nhận mấy ha trên vùng cát trắng làm trang trại nhỏ. Anh Phi đầu tư đào 10 ao vừa nuôi cá thịt vừa sản xuất cá giống phục vụ cho bà con trong vùng. “Năm vừa rồi, thu từ bán cá thịt và cá gióng của gia đình được trên 100 triệu đồng. Thuận tiện ở vùng biển khi nuôi cá nước ngọt là tự chủ được nguồn nước tự chảy từ chân động cát quanh năm và không phải lo lắng về lũ lụt”, anh cho biết:
Sau nuôi cá là đến nuôi tôm. Trên cơ sở kinh nghiệm ao hồ nuôi cá, người dân vùng biển bắt đầu tích lũy và mạnh dạn đầu tư vào con tôm trên cát. Xã Ngư Thủy Bắc hiện có 6 mô hình với gần 30 ha. Trong đó, các DN về đầu tư 3 mô hình và người dân làm 3 mô hình. Anh Trần Quang Mãnh (thôn Tân Hòa) nhận 4 ha và đầu tư ao hồ trên diện tích 2 ha. Do chưa thể kéo được đường điện hạ thế về vùng hồ nên gia đình phải dùng máy nổ để quay sục khí. Anh Mãnh hồ hởi: “Năm vừa rồi, tôi làm được 2 vụ tôm càng xanh. Trừ chi phí còn lại được trên 60 triệu đồng. Năm tới, tôi đầu tư tiếp thêm hai hồ nuôi. Nếu áp dụng tốt kỹ thuật nuôi chắc chắn có lãi”.
Có thể bạn quan tâm
Để phục vụ SX vụ đông 2015, Trung tâm Chuyển giao công nghệ & khuyến nông (Viện Khoa học nông nghiệp VN) giới thiệu đến bà con gói kỹ thuật SX ngô trên đất 2 lúa để đạt năng suất trên 6 tấn/ha.
Cục Trồng trọt vừa có Công văn gửi Sở NN-PTNT các tỉnh miền Bắc về việc chỉ đạo thu hoạch lúa HT, bảo vệ lúa mùa; chỉ đạo quyết liệt SX vụ đông 2015.
Ưu điểm lớn nhất của công nghệ tưới nhỏ giọt cho cây nho là tiết kiệm nước, do nước tưới được cấp trực tiếp cho cây trồng, không bị thất thoát do bốc hơi và thấm sâu.
Qua kinh nghiệm nhiều năm, đa số nông dân các tỉnh đồng bằng Bắc bộ đã chọn phân đa yếu tố NPK Văn Điển chuyên dùng để bón cho khoai tây.
Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã mang lại làn gió mới, làm thay đổi diện mạo nông thôn, đặc biệt ở ĐBSCL, hầu hết các tỉnh đều xây dựng mô hình cánh đồng lớn (CĐL) để đột phá.