Vay tiền trồng sâm
Chúng tôi đến thôn 2 xã Trà Linh. Ban ngày, cả làng vắng bóng phụ nữ, chỉ có trẻ em chạy nô đùa bên vách nhà sàn. Các cháu cho biết, người lớn đi vào rừng chăm sóc cây sâm Ngọc Linh đến tối mới về. Chúng tôi quan sát, thấy các làng nóc nơi đây giờ đã khang trang hơn nhiều. Những mái nhà sàn lợp tôn sáng loáng nằm san sát nhau trên sườn núi Ngọc Linh. Các vật dụng gia đình được sắm sửa. Đời sống của nhiều hộ Xê Đăng được nâng lên rõ rệt. Con em trong làng đều đi học. Tất cả cũng đều nhờ vào cây sâm Ngọc Linh quý hiếm.
Theo hướng dẫn của trẻ em trong làng, chúng tôi tìm vào chốt trồng sâm của nóc Tắk Ngo. Tại chốt này, hiện có hơn 30 hộ trồng sâm Ngọc Linh. Hộ nhiều nhất, trên 5.000 gốc; hộ ít nhất, cũng hơn 2.000 gốc. Mùa này, những vườn sâm đang phủ một màu đỏ chói của hạt sâm chín rộ. Bà con phải tranh thủ thu hoạch hạt giống để đưa vào tỉa cho vụ sau. Chị Hồ Thị Biết ở nóc Tắk Ngo cho biết, chị đã vay 25 triệu đồng để đầu tư trồng sâm. Với số tiền này, gia đình chị đã trồng mới hơn một nghìn gốc sâm giống trên khu vườn rộng 250m2. Hiện vườn sâm đã được 3 tuổi. Nhờ chăm sóc tốt nên cây sâm phát triển khỏe. Chị Biết tâm sự, vườn sâm của chị có thể khai thác đem bán nhưng sâm còn non giá không cao, khoảng 2 năm nữa sâm sẽ được giá hơn.
Theo chị Hồ Thị Bâng - Chủ tịch Hội LHPN xã Trà Linh, ở thôn 2 có 110 hội viên, phụ nữ đứng ra vay vốn với số tiền hơn 2,3 tỷ đồng. Nhiều nhất là tại nóc Kon Pin có 77 hộ vay 1,5 tỷ đồng để trồng sâm. Nhờ dám nghĩ, dám làm và quyết tâm thoát nghèo nên hầu hết chị em đều trồng sâm Ngọc Linh đạt hiệu quả. Có những hộ vay vốn đầu tư trước đây giờ đã thu cả tỷ đồng nhờ vào giá trị siêu lợi nhuận của cây sâm. Như chị Hồ Thị Hai ở nóc Măng Lùng, nhờ sớm nhận biết giá trị của cây sâm Ngọc Linh, cách đây 5 năm gia đình chị đã mạnh dạn vay vốn để đầu tư trồng sâm. Mới đây, gia đình chị Hai đã bán bớt một phần sâm với số lượng hơn 24kg thu về hơn 700 triệu đồng. Vợ chồng chị Hồ Thị Hai được xem là tỷ phú ở vùng Trà Linh nhờ trồng sâm.
Từ chỗ biết sử dụng vốn vay đúng mục đích nên bây giờ nhiều chị em phụ nữ nơi đây đã có được cuộc sống khá giả. Hầu như nhà nào cũng đều đổi thay tích cực từ nếp ăn nếp ở đến cách nghĩ cách làm. Các đồ dùng sinh hoạt gia đình, rồi đến tivi, xe máy cũng được mua sắm. Nhà nào cũng có điện thủy luân để thắp sáng. Chị Bâng cho biết: “Trước đây, ở Trà Linh chỉ có vài hộ dám đứng ra vay tiền về trồng sâm thôi. Sau khi thu hoạch họ trở nên giàu có, vì thế chúng tôi vận động chị em thực hiện làm theo để thoát nghèo bền vững”.
Trò chuyện với chúng tôi, chị Hồ Thị Bâng cho biết thêm, Hội LHPN xã đang tiếp tục vận động hội viên ở các thôn khác tham gia vay vốn trồng sâm để làm giàu cho gia đình. Hiện ở thôn 2 đã có 35 hộ phụ nữ chính thức thoát khỏi đói nghèo và vươn lên làm giàu từ cây sâm, nhờ thế cuộc sống mới với sự ấm no sung túc đã và đang trở thành hiện thực qua những nóc nhà sàn trên đỉnh núi Ngọc Linh.
Có thể bạn quan tâm
Câu chuyện về những con cá ở hồ Tân Quang nặng tới 30 kg mà người dân ở vùng biên giới xã Trịnh Tường (Bát Xát - Lào Cai) bắt được vẫn còn được người già trong bản truyền tai nhau.
Nếu như lâu nay, bảo hiểm đối với ô tô, xe máy cũng như các phương tiện vận tải đường bộ khác đều đã áp dụng chính sách bảo hiểm bắt buộc thì bảo hiểm trên lĩch vực nghề cá đang bị xem nhẹ. Ngư dân không mấy mặn mà dù cho những rủi ro trên biển thường xuyên xảy ra...
Do đó, việc cần phải có nhiều giải pháp để giữ chân được khách hàng truyền thống, đồng thời mở rộng kênh tiêu thụ ra các thị trường mới, tiềm năng… đang được ngành chức năng, chuyên gia, doanh nghiệp quan tâm.
Thời điểm này, bà con nông dân ở nhiều địa phương đang gấp rút chuẩn bị hàng hóa cho thị trường Tết. Tuy nhiên, điều đáng lo là ở một số địa phương, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm vẫn đang diễn biến khá phức tạp.
Nông dân Giáp Văn Công, ngụ tổ 3, khu phố Suối Cam, xã Tiến Thành (TX. Đồng Xoài, Bình Phước) đã trồng xen cây ăn trái (măng cụt, sầu riêng) trong vườn tiêu gần 10 năm. Mô hình xen canh này đã giúp gia đình anh Công thu nhập cao.