Làm Sao Để Phát Triển Thanh Long Bền Vững?
Thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích thanh long toàn tỉnh Bình Thuận tiếp tục tăng mạnh. Năm 2014, thanh long tiếp tục trồng mới thêm 3.381 ha, đưa diện tích thanh long trên toàn tỉnh lên 24.000 ha, sản lượng ước đạt 500.000 tấn.
Tính đến tháng 11/2014, sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP với diện tích trên 8.500 ha. Thị trường tiêu thụ được duy trì và đã được xuất khẩu chính ngạch đến 15 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có cả những thị trường khó tính.
Thanh long Bình Thuận tiếp tục giữ vững uy tín trên thị trường trong và ngoài nước. Đến nay, Bình Thuận là nhà cung cấp thanh long lớn nhất cả nước về kim ngạch xuất khẩu chính ngạch. Năm 2013, xuất khẩu chính ngạch đạt 19.698 tấn, đạt kim ngạch 22,7 triệu USD. Năm 2014, giá cả tiêu thụ thanh long tương đối ổn định, sản xuất thanh long có hiệu quả, nhưng kim ngạch xuất khẩu chính ngạch thanh long có chiều hướng giảm, 10 tháng năm 2014, kim ngạch xuất khẩu chính ngạch chỉ đạt 9,6 triệu USD với số lượng 10.047 tấn…
Tuy nhiên, với việc tăng nhanh diện tích thanh long như hiện nay thì việc tìm kiếm thị trường xuất khẩu là rất nan giải. Đặc biệt, việc xuất khẩu thanh long chủ yếu theo hình thức tiểu ngạch là chính, phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc nên gặp nhiều rủi ro.
Trong khi đó, tỷ lệ tiêu thụ mặt hàng này tại thị trường nội địa chỉ chiếm khoảng 15 - 20%. Mặc dù, thị trường Trung Quốc là thị trường chiến lược và cũng là thị trường quyết định trái thanh long Bình Thuận, nhưng nếu cứ khai thác chính sách buôn bán tiểu ngạch, mà không tăng cường xuất khẩu chính ngạch thì rủi ro vẫn còn cao.
Ông Ngô Minh Hùng – Phó Giám đốc Sở Công Thương cho rằng: “Doanh nghiệp Bình Thuận chưa quan tâm thị trường tiêu thụ trong nước, xuất khẩu coi trọng thị trường Trung Quốc nhưng chính ngạch ít quan tâm.
Nguyên nhân, hầu hết doanh nghiệp trong tỉnh là doanh nghiệp nhỏ nên bản lĩnh thị trường còn nhiều hạn chế về năng lực mua bán quốc tế, thiếu tính chuyên nghiệp... nên việc tăng cường xuất khẩu chính ngạch vào thị trường tiềm năng này là điều doanh nghiệp cần phải nghĩ tới”. Mặt khác, trong thời gian gần đây, đã xuất hiện sâu bệnh hại trên thanh long, đặc biệt là bệnh đốm trắng, gây thiệt hại nghiêm trọng đến năng suất và chất lượng quả thanh long.
Các thị trường nhập khẩu thanh long Việt Nam đều đã áp dụng các rào cản về kiểm dịch thực vật tùy theo mức độ khác nhau. Vì vậy, các vùng thanh long trọng điểm của tỉnh, ngành chức năng cần áp dụng các biện pháp quản lý sinh vật gây hại phù hợp, đảm bảo yêu cầu của các nước nhập khẩu và uy tín quả thanh long Bình Thuận.
Trong những năm qua, sản xuất thanh long có những bước phát triển khá toàn diện, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế của tỉnh, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người trồng thanh long. Thanh long được coi là một cây hàng hóa, được tỉnh ưu tiên phát triển.
Tuy nhiên, trong sản xuất vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế khiếm khuyết cần nghiên cứu khắc phục, nhằm đi theo hướng nâng cao chất lượng và tăng tính cạnh tranh chủ yếu phục vụ xuất khẩu. Chính vì vậy, để cho cây thanh long phát triển bền vững, vừa có thị trường, vừa có hiệu quả và tăng được giá trị gia tăng xuất khẩu cần có các giải pháp phát triển bền vững từ vấn đề quy hoạch đến vấn đề tổ chức sản xuất, gắn kết giữa sản xuất với bảo quản và thị trường xuất khẩu, phát triển thanh long theo chuỗi giá trị.
Trong cuộc họp mới đây bàn về các giải pháp chủ yếu phát triển thanh long, Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: “Các ngành cần tập trung các giải pháp phát triển thanh long theo hướng bền vững, coi trọng đầu tư chiều sâu, nâng cao chất lượng và giá trị, giữ vững thương hiệu và ổn định đầu ra sản phẩm”.
Có thể bạn quan tâm
Đến đội 11, xã Thanh Chăn, huyện Điện Biên hỏi ông Trần Văn Tiệp thì ai cũng biết. Ông là người cựu chiến binh (CCB) vững chí, bền tâm, vượt khó thoát nghèo từ hai bàn tay trắng.
Về xã Gia Cát, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn hỏi thăm “vua” giống dưa hấu ghép bầu Hoàng Văn Nại ở thôn Pắc Nông không ai là không biết vì trong mấy năm gần đây nhà anh đã trở thành địa chỉ chuyên cung cấp cây giống dưa hấu chất lượng cao cho người trồng dưa khắp nơi.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Vũ Văn Tám cho biết, nuôi tôm hiện đang mang lại lợi nhuận cao nhất cho toàn ngành thủy sản. Tuy nhiên, người nuôi tôm đang gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là nguồn vốn sản xuất.
Hiện nay, huyện Cái Nước (Cà Mau) có tổng số hơn 2.210 hộ tận dụng gần 300 ha diện tích mương vườn để nuôi cá chình và cá bống tượng. Mô hình này phát triển mạnh ở các xã: Hưng Mỹ, Phú Hưng và Thạnh Phú.
Câu chuyện về mô hình nuôi lợn không tắm ở Hà Nam được Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nêu lên trong cuộc họp Chính phủ hôm (27.6) như một điển hình mà nhiều địa phương cần nhìn vào trong lúc kinh tế, cụ thể là sản xuất nông nghiệp, đang hết sức khó khăn.