Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Làm Giàu Từ Nghề Nuôi Vịt Ở Tây Ninh

Làm Giàu Từ Nghề Nuôi Vịt Ở Tây Ninh
Ngày đăng: 01/05/2012

Nuôi vịt là một trong những nghề có lãi nhưng nhiều rủi ro, bất trắc do thường xảy ra dịch bệnh phức tạp trong đó có dịch cúm H5N1. Thế nhưng, hơn 13 năm gắn bó với nghề nuôi vịt, anh Nguyễn Văn Hùng, chủ trại vịt Việt Hưng (ấp Long Yên, xã Long Thành Nam, huyện Hoà Thành) vẫn trụ vững với nghề bằng mô hình nuôi vịt theo hướng trang trại khép kín kết hợp nuôi cá.

Tốt nghiệp ngành chăn nuôi thú y, một thời gian dài anh Hùng làm trong cơ quan nhà nước. Một lần, thấy bà con nông dân điêu đứng với vịt chạy đồng vì dịch bệnh, anh Hùng quyết tâm tìm hiểu và nghiên cứu về nó, rồi từ đó bén duyên với nghề nuôi vịt lúc nào không hay. Ban đầu anh Hùng chỉ thí điểm nuôi 300 con vịt giống siêu thịt tại cầu kênh Tiêu thuộc xã Chà Là, huyện Dương Minh Châu. Khi đó nhờ sử dụng nguyên liệu rẻ của nhà máy xay lúa làm thức ăn cho vịt, sau 57 ngày, vịt đạt 3,5kg/con. Trừ mọi chi phí, anh Hùng thu lãi 4,5 triệu đồng. Phấn khởi với thành công ban đầu, anh mạnh dạn nâng tổng đàn lên khoảng 1.000 con và gắn bó với nghề cho đến nay.

Để phát triển nghề nuôi vịt, năm 2004, anh Hùng mạnh dạn mua 7,5 công đất ở khu vực gò Duối, thuộc ấp Long Yên xã Long Thành Nam, huyện Hoà Thành và mở trang trại chăn nuôi vịt kết hợp nuôi cá. Vì vùng đất này có nhiều điều kiện thuận lợi như chủ động nguồn nước từ sông Vàm Cỏ, lục bình khá nhiều là nguồn thức ăn tươi cho vịt, hơn nữa lại gần Trung tâm thương mại Long Hoa, thuận tiện cho việc vận chuyển và tiêu thụ vịt thương phẩm. Trang trại của anh Hùng được xây dựng khá kiên cố, xung quanh có hàng rào lưới B40 bao bọc. Bên trong đào 3 ao cá dài quanh trại với tổng diện tích mặt nước trên 4.500m2, độ sâu 2m. Tại mỗi ao đều xây bờ kè kiên cố và tạo độ dốc cho vịt lên xuống bơi lội, phía trên lót gạch thẻ để đảm bảo vệ sinh. Trên nền gạch có tạo khoảng sân nắng, hàng cây xanh bóng mát cho vịt phơi mình. Chính giữa trại anh cho xây 1 dãy chuồng có ngăn cách bằng lưới để nuôi vịt theo từng lứa tuổi. Hàng ngày chuồng trại được vệ sinh sạch sẽ bằng hệ thống cấp thoát nước bơm từ nước sông lên. Vịt nuôi khoảng 63 – 65 ngày, đạt trọng lượng khoảng 3,4kg/con là có thể xuất bán. Trung bình 1 tuần anh Hùng cho xuất chuồng 1 lần khoảng 800 – 1.000 con vịt. Với khoảng 4.000 con vịt thương phẩm, anh Hùng đã có khả năng thu lãi trên 100 triệu đồng.

Chủ trại vịt Việt Hưng chia sẻ, để nuôi vịt thành công và có lãi cao thì người nuôi cần nắm chắc kỹ thuật chăn nuôi, tiêm phòng đầy đủ và nhất là lựa chọn thời điểm nuôi để không đụng hàng với người nuôi vịt chạy đồng. Trong trang trại của anh lúc nào cũng dự trữ sẵn khoảng 40 tấn lúa cùng khoảng 10 tấn tấm làm thức ăn cho vịt. Ngoài ra, anh còn sử dụng thêm thức ăn công nghiệp chủ yếu trong giai đoạn đầu để vịt phát triển và giai đoạn thúc để xuất bán. Những đợt xảy ra dịch cúm gia cầm H5N1, nhưng đàn vịt của anh Hùng không bị bệnh con nào do được cách ly với bên ngoài và anh đã chủ động áp dụng các biện pháp phòng trừ, tiêm phòng dịch bệnh theo chu kỳ.

Ngoài ra, bên trong 3 ao cá, mỗi năm anh thả 15 ngàn con cá tra, 10 ngàn con cá Mùi, lấy chất thải và thức ăn thừa của vịt làm thức ăn cho cá nên chỉ hơn 1 năm là anh thu hoạch khoảng 13 - 14 tấn cá mà không tốn nhiều chi phí. Với giá cá hiện nay 17.000 đồng/kg anh thu về trên 200 triệu đồng tiền lãi. Tính chung, hàng năm anh Hùng lãi trên 250 triệu đồng từ mô hình nuôi vịt kết hợp nuôi cá.

Không chỉ nuôi vịt, tại nhà, anh Hùng còn đầu tư trên 10 triệu đồng để xây 2 lò ấp trứng chuyên nghiệp. Quy mô mỗi lò ấp 1 lần được 4.400 trứng. Với 400 con vịt mái đẻ và 80 con vịt trống, trung bình hàng tháng cung cấp cho lò ấp trứng khoảng 9.000 trứng, đủ để lò hoạt động thường xuyên liên tục. Tuy nhiên, hiện tại do giá vịt con thấp, chỉ khoảng 12.000 đồng/1 con nên không có lãi, vì vậy anh Hùng chủ yếu bán cho các mối quen ở địa phương và để lại nuôi. Nghề nuôi vịt đã đem lại cho gia đình anh có cuộc sống khá ổn định, 2 đứa con được học hành thành tài. Gắn bó với nghề đã nhiều năm, anh Hùng rút ra kinh nghiệm cho bản thân. Anh bảo nuôi vịt cũng rất dễ, chỉ cần biết yêu thương nó, nắm rõ đặc điểm sinh lý, môi trường sống của nó và nhất là biết kỹ thuật, quản lý tốt dịch bệnh là sẽ thành công.

Có thể bạn quan tâm

"Vượt rào" đưa nhãn, vải sang Mỹ

Việc Bộ Nông nghiệp Mỹ và Úc cho phép Việt Nam xuất nhãn, vải vào những thị trường này là một điều hết sức đáng mừng.

04/05/2015
Mùa tiêu ở Lộc An (Bình Phước) Mùa tiêu ở Lộc An (Bình Phước)

Với gần 1.000 ha tiêu, trong đó 70% đã cho thu hoạch của xã dân tộc thiểu số biên giới Lộc An chiếm 1/4 diện tích tiêu Lộc Ninh và gần 10% diện tích của tỉnh Bình Phước. Hữu cơ hóa vườn để sản xuất tiêu sạch bền vững, những “vua” trồng tiêu ở Lộc An đã góp phần dẫn dắt giá cả tiêu Việt Nam trên thị trường quốc tế. Và mùa thu hoạch năm 2015, người trồng tiêu ở Lộc An vui hơn bởi giá bán luôn ở mức trên 200 ngàn đồng/kg (tiêu trên 500g/lít)...

28/04/2015
Tháo gỡ khó khăn cho người trồng cây thuốc lá Tháo gỡ khó khăn cho người trồng cây thuốc lá

Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam vừa phối hợp với Hiệp hội Nông dân Thuốc lá Thế giới tổ chức “Diễn đàn Hiệp hội Nông dân Thuốc lá Thế giới (ITGA) – Khu vực Châu Á”. Đại diện của 8 quốc gia trong khu vực châu Á đã có mặt và tham dự diễn đàn này.

28/04/2015
Mô hình trồng đậu phụng xen mì cho năng suất, hiệu quả cao Mô hình trồng đậu phụng xen mì cho năng suất, hiệu quả cao

Ngày 24.4, Hội Làm vườn tỉnh Bình Định phối hợp với UBND xã Cát Hiệp (huyện Phù Cát) và xã Bình Tân (huyện Tây Sơn) tổ chức hội nghị đầu bờ mô hình trồng đậu phụng thâm canh xen mì vụ Đông Xuân với sự tham gia của hàng trăm hộ nông dân tại địa phương.

28/04/2015
Nông dân khổ sở vì bí mất mùa, mất giá Nông dân khổ sở vì bí mất mùa, mất giá

Theo tìm hiểu của chúng tôi, đa số người trồng bí tại làng Bung (xã Ya Hội, huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai) đều đến từ thị xã An Khê và huyện Đak Pơ. Họ phải thuê đất của người dân trong làng với giá từ 3 đến 8 triệu đồng/ha/vụ hoặc 3 triệu đồng/ha trong thời gian trên 2 năm. Hộ ít trồng 7 sào, hộ nhiều cũng trên 2 ha. Và việc trồng bí của họ cũng giống như 1 canh bạc, năm được, năm mất. Năm nay, ngoài một số ít hộ có lãi nhờ trồng sớm, còn lại đa số đều bị thua lỗ do bí vừa mất mùa, vừa mất giá.

28/04/2015