Đẩy Mạnh Xúc Tiến Thương Mại Tiêu Thụ Gà Đồi Yên Thế
Gà đồi Yên Thế đã trở thành thương hiệu nổi tiếng trong cả nước. Nuôi gà đồi đã trở thành một nghề đối với nhiều hộ nông dân, góp phần tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động. Để từng bước nâng cao công tác quản lý, giám sát chất lượng sản phẩm. UBND huyện Yên Thế đã thực hiện nhiều giải pháp cam kết đưa đến tay người tiêu dùng sản phẩm đảm bảo chất lượng.
Gà đồi Yên Thế có số lượng lớn, chất lượng thịt ngon, nên năm 2011 được sự quan tâm giúp đỡ của Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam, các sở ngành chức năng của tỉnh Bắc Giang, sản phẩm “Gà đồi Yên Thế” đã được Cục Sở hữu trí tuệ trao bằng chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa. Như vậy, gà đồi Yên Thế là con vật nuôi đầu tiên trong cả nước được công nhận thương hiệu.
Hiện nay, phong trào chăn nuôi gà đồi tại địa phương được phát triển mạnh ở hầu hết các xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Số lượng hộ chăn nuôi từ 1.000 con/lứa trở lên đã có trên 2.000 hộ; cá biệt đã có nhiều hộ nuôi từ 5.000 đến 7.000 con/lứa và nhiều lứa/năm. Nhờ phát triển mạnh mô hình nuôi gà đồi, bình quân hộ nông dân có thu nhập ổn định từ 50-100 triệu đồng/năm; nhiều hộ đã có thu nhập từ 250 - 300 triệu đồng/năm.
Do phong trào chăn nuôi gà đồi phát triển mạnh, với tốc độ tăng trưởng quy mô tổng đàn bình quân mỗi năm từ 25-30%. Toàn huyện đã có trên 120 thương nhân, doanh nghiệp thường xuyên tổ chức các dịch vụ thu mua và tiêu thụ sản phẩm Gà đồi Yên Thế đến các thị trường lớn trong cả nước, như Hải Dương, Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Thành phố Hà Nội, các khu công nghiệp lớn của các tỉnh phía Bắc.
Tuy nhiên, để việc tiêu thụ sản phẩm đảm bảo chất lượng theo các tiêu chuẩn đã công bố của nhãn hiệu thì UBND huyện đang tập trung nhiều giải pháp nhằm kiểm soát chặt chẽ quy trình sản xuất, cấp tem mác thì công tác xúc tiến thương mại được đặc biệt quan tâm chú trọng.
Đồng chí Thạch văn Chung - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Sau khi UBND huyện Yên thế được tiếp nhận việc quản lý thương hiệu gà đồi Yên Thế từ Sở Khoa học công nghệ tỉnh, UBND huyện đã ban hành kế hoạch quản lý sử dụng nhãn hiệu gà đồi Yên Thế trên địa bàn toàn huyện, trong đó xác định rõ trách nhiệm của từng cá nhân, từng cơ quan, đơn vị, các xã, thị trấn trong việc chăn nuôi tiêu thụ đàn gà.
UBND huyện cũng đã tiến hành các biện pháp như làm việc với Ban quản lý các chợ đầu mối lớn ở Hà Nội, các thương nhân thường xuyên thu mua gà trên địa bàn để có khung hợp tác cam kết về chất lượng sản phẩm gà đồi Yên Thế và cung ứng đầy đủ số lượng khi mà các thương nhân yêu cầu, không để tình trạng có lúc thì cung ứng nhiều, khi thì lại khan hiếm sản phẩm ở trên thị trường.
Tính đến hết tháng 8 năm 2013, tổng đàn gia cầm toàn huyện đạt trên 4,3 triệu con (trong đó đàn gà trên 3,8 - 4,0 triệu con). Số lượng xuất bán trên 7 triệu con gia cầm thương phẩm, giá trị sản xuất 7 tháng đầu năm ước đạt gần 1.000 tỷ đồng. Trung bình 1 ngày, huyện Yên Thế cung ứng ra thị trường từ 35 đến 40 tấn gà thương phẩm.
UBND huyện đã tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác quảng bá thương hiệu, thu hút đầu tư, tạo lập thị trường tiêu thụ ổn định, nhất là đối với thị trường thành phố Hà Nội, giảm thiểu rủi ro, thúc đẩy chăn nuôi gà đồi phát triển bền vững.
Tạo điều kiện và khuyến khích các thành phần kinh tế xây dựng các cơ sở chăn nuôi đàn gà bố mẹ, đầu tư cơ sở sản xuất con giống; Trên cơ sở đó, áp dụng rộng rãi quy trình chăn nuôi gà đồi an toàn sinh học, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm theo đúng bộ tiêu chí quy định của nhãn hiệu chứng nhận Gà đồi Yên Thế. Khuyến cáo các hộ chăn nuôi không xuất bán sản phẩm khi chưa đủ tuổi xuất chuồng.
Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của huyện thực hiện việc dán tem, nhãn để quy định rõ chất lượng cho từng loại gà; không cho dán tem, nhãn đối với các sản phẩm không đảm bảo chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất bán, không phù hợp với các tiêu chí đăng ký nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm "Gà đồi Yên Thế” đã được bảo hộ độc quyền.
Thành phố Hà Nội là thị trường tiêu thụ gà đồi Yên Thế mạnh nhất, hàng ngày tại các chợ đầu mối như: Hà Vĩ, Hữu Văn, Nam Điền, Chương Mỹ, Na Khê, Sơn Tây và chợ Bắc Thăng Long tiêu thụ từ 25 đến 30 tấn gà lông.
Trong đó, riêng chợ đầu mối Hà Vĩ (Thường Tín, Hà Nội) là chợ đầu mối chuyên kinh doanh các loại gia cầm lớn nhất Hà Nội với 130 gian hàng lớn nhỏ - là nơi trung chuyển hàng trăm tấn gia cầm các loại cho Hà Nội và một số địa phương phía Bắc. Trước đây, Hà Vĩ nổi tiếng là trung tâm của gà thải loại với hàng chục tấn/ngày được mua bán công khai.
Sau khi Thủ tướng Chính phủ quyết tâm ngăn chặn loại thực phẩm nguy hại này thì số hộ tham gia kinh doanh mặt hàng này cũng như số lượng gà thải loại vào Hà Vĩ được kiểm soát nghiêm túc đã chấm dứt hoạt động. Gà đồi Yên thế đã khẳng định được thương hiệu và nhiều tư thương đã chọn sản phẩm để cung cấp cho khách hàng trên địa bàn.
Anh Đặng Văn Ngàn - Hộ kinh doanh gà đồi Yên Thế - Chợ Hà Vĩ- Thường Tín- TP Hà Nội cho biết: Gà này nó cũng không kém gì gà ta mấy, khách thì họ mua coi như chất lượng gà ta này mình nuôi ngày xưa nó kém hơn một tý vì nó non ngày hơn thôi và giá thành rất hạ nên bà con tiêu thụ được tương đối nhiều. Cái này nó vừa rẻ mà không bị dịch bệnh nên mức tiêu thụ ở đây từ 8 đến 10 tấn/ ngày.
Tại thời điểm đoàn công tác của huyện Yên Thế tới kiểm tra, không khí mua bán tại Chợ Hà Vĩ vẫn diễn ra nền nếp. Tất cả các xe chở gia cầm vào chợ, xe tải xe máy đều phải xuất trình giấy kiểm dịch thú y. Trong chợ, các hàng bán gà phân loại rõ ràng giá cả theo nguồn gốc, phổ biến là gà đồi Yên Thế, Bắc Giang với giá là 70-80.000 đồng/kg gà lông; tiếp đến gà mía 80-85.000 đồng/kg… Mỗi đêm có khoảng 50-60 tấn gà nhập về đây, trong đó riêng gà đồi Yên Thế nhập về khoảng 4-6 tấn/ ngày, ngày cao điểm nhập về khoảng 10 tấn.
Ông Lê Xuân Viết - Trưởng BQL Chợ Hà Vĩ - Thường Tín- TP Hà Nội bày tỏ: Về thị trường ở đây hầu hết là các thương lái nhập hàng về đây với lượng bán hàng được toàn bộ khu vực của xã Lê lợi và các xã lân cận trên địa bàn thành phố Hà Nội, thậm chí tiêu thụ sang cả các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An. Gần đây số gà của Bắc Giang ưu điển là gà chân ngắn và tròn có thể chấp nhận được về chợ này, xong về số lượng và chất lượng con gà chúng tôi chỉ yêu cầu là nuôi thêm khoảng 30 ngày nữa thì tỷ lệ hao hụt gà ít.
Sau những nỗ lực cố gắng của chính quyền các cấp trong việc tạo lập thị trường tiêu thụ gà đồi Yên Thế tại thành phố Hà Nội, thời gian qua, sản lượng gà đồi của Yên Thế vào thị trường này đã tăng đột biến. Hiện tại nhiều hệ thống siêu thị lớn tại thủ đô đã có bày bán sản phẩm gà qua chế biến có nguồn gốc xuất xứ từ Yên Thế.
Siêu thị Hiway Hà Nội, bắt đầu đưa sản phẩm gà đồi Yên Thế vào bầy bán từ đầu năm nay, trung bình mỗi ngày tiêu thụ khoảng 40 đến 60 kg gà đã qua chế biến. Sản phẩm vào siêu thị được gắn Lôgo thương hiệu và có kiểm định về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm... qua đó đã nhận được sự quan tâm của nhiều người tiêu dùng thủ đô Hà Nội.
Bà Nguyễn Thị Ước - Phường Quang Trung- Quận Hà Đông- TP Hà Nội nói về cảm nghĩ của mình: Từ khi mà cô biết là có gà đồi Yên Thế Bắc Giang thì nhà cô thỉnh thoảng cũng ăn và cô thấy chất lượng của nó rất ngon, thịt đậm đà gần giống như gà ta nhưng thịt đậm đà, nó ngon hơn. Cô rất thích, thỉnh thoảng cô vẫn mua, hôm nay cô lại mua một con về để ngày mai thứ 7 cả nhà cùng ăn.
Hiện tại trên địa bàn thành phố Hà Nội đang có trên 10 điểm bán thuộc 5 hệ thống siêu thị lớn. Tất cả đều thông qua đầu mối cung ứng là Công ty cổ phần Giang Sơn - đơn vị trực tiếp tham gia thu mua chế biến giết mổ gia cầm tại huyện Yên Thế. Hiện trung bình mỗi ngày, văn phòng đại diện của công ty tại Hà Nội cung ứng khoảng 300kg gà đã qua chế biến tới các điểm bán lẻ trong đó có các siêu thị. Việc sản phẩm gà đồi Yên Thế vào được trong các siêu thị là một kênh bán lẻ chuyên nghiệp, văn minh và hiện đại có một ý nghĩa quan trọng góp phần nâng cao giá trị và uy tín của thương hiệu sản phẩm.
Anh Đào Văn Kỷ - Quản lý quầy thực phẩm- Siêu thị Ocean Mat cho biết: Từ ngày ban đầu khai trương ngày 26 tháng 7 tôi nhận được đơn đặt hàng của Yên Thế, tôi đưa vào bán hàng trong siêu thị cũng như khai trương khuyến mại các khách hàng tiếp đón rất là tốt, giá thành của nó so với các công ty thực phẩm gia cầm khác là ngang nhau và gà được đảm bảo chất lượng, uy tín, sản phẩm sạch, dân chúng tiêu thụ ở trong các siêu thị bán rất tốt.
Tuy đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng, song phong trào chăn nuôi gà đồi an toàn sinh học trên địa bàn huyện Yên thế vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập cần sớm khắc phục đó là: Phát triển chăn nuôi chưa thực sự bền vững, mặc dù dịch bệnh trên đàn gia cầm đã được quản lý chặt chẽ, khống chế có hiệu quả nhưng một số hộ chăn nuôi mới vào nghề vẫn còn thiếu kiến thức, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro về dịch bệnh.
Giá cả thị trường thường xuyên diễn biến phức tạp, nhiều thời điểm xuống thấp gây thiệt hại không nhỏ cho người chăn nuôi. Chất lượng con giống chưa đồng đều, cung cấp không kịp thời; tỷ lệ lai tạp còn nhiều, một số hộ gia đình chăn nuôi vẫn còn xuất bán non sản phẩm làm ảnh hưởng đến uy tín và chất lượng sản phẩm Gà đồi Yên Thế. Việc kiện toàn và thành lập mới các chi hội chăn nuôi ở cơ sở chưa được chỉ đạo quyết liệt.
Công tác quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm Gà đồi Yên Thế vẫn còn khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng. Mối liên kết 4 nhà, nhất là giữa các doanh nghiệp với người chăn nuôi chưa chặt chẽ. Vì vậy việc sản xuất tiêu thụ nhiều thời điểm còn bấp bênh, thiếu tính bền vững.
Đồng chí Thạch Văn Chung - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Về quan điểm của UBND huyện Yên Thế là xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nhập lậu gia cầm vào địa bàn, đồng thời chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tổ chức việc hướng dẫn nông dân chăn nuôi, chăm sóc và giám sát qúa trình chăn nuôi của nông dân theo quy trình gà an toàn và sản phẩm làm ra khi được xuất bán ra thị trường đều được dán tem, kẹp chì trước khi vận chuyển ra khỏi địa bàn huyện Yên Thế.
Để đảm bảo tính bền vững của thương hiệu “Gà đồi Yên Thế”, UBND huyện đang tăng cường công tác phối hợp, thực hiện đồng bộ các giải pháp, tập trung duy trì, nâng cao chất lượng sản phẩm; chú trọng công tác tuyên truyền sâu rộng tới đông đảo người tiêu dùng trong và ngoài nước về sản phẩm; kiện toàn bộ máy tổ chức các hiệp hội, chi hội chăn nuôi và tiêu thụ sản phẩm để tạo ra chuỗi chu trình khép kín (sản xuất - chế biến - tiêu thụ); kiên quyết ngăn chặn hoạt động vận chuyển, kinh doanh gia cầm nhập lậu… đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ, giữ vững thương hiệu “Gà đồi Yên Thế”, góp phần thực hiện thành công chủ trương phát triển nền nông nghiệp hàng hóa, nâng cao thu nhập cho người nông dân.
Có thể bạn quan tâm
Trước thông tin dịch bệnh xảy ra ở một số tỉnh miền Trung, phía Bắc và việc Trung Quốc cấm nhập khẩu thịt từ Việt Nam, giá heo hơi chỉ còn khoảng 3,6 triệu – 3,8 triệu đồng/tạ (giảm hơn 700.000 đ/tạ so cùng kỳ). Với mức giá này, người nuôi heo trong tỉnh An Giang lỗ từ 200.000 đ – 400.000 đ/tạ, do giá thành mỗi tạ heo khoảng 4 triệu đồng. Đây là nguyên nhân chính tác động đến phát triển nghề nuôi heo ở các địa phương, đến thời điểm 1-4, tổng đàn toàn tỉnh An Giang khoảng 167.000 con, giảm 6% so với cùng kỳ.
Ngày 27/5, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị cho biết, dịch bệnh trên tôm xảy ra ở nhiều hồ nuôi của các hộ gia đình, theo kết quả xét nghiệm thì nguyên nhân dịch bệnh ở một số hồ nuôi được xác định là do bệnh teo gan, số còn lại chưa rõ nguyên nhân.
Năm 2013, huyện Vạn Ninh thả nuôi trên 180 ha tôm chân trắng, trong đó nuôi thâm canh theo công nghệ cao chiếm 25%, còn lại nuôi trong ao đất. Đối với tôm nuôi trong ao đất, tình hình vẫn không khả quan do tôm bị dịch. Tuy nhiên, các hộ nuôi tôm theo công nghệ cao lại được mùa do đảm bảo được các yếu tố như thức ăn, nguồn nước, môi trường.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, ông Lê Văn Sử cho biết, sau thời gian thí điểm thành công chương trình bảo hiểm nông nghiệp, tỉnh Cà Mau tiếp tục đẩy mạnh chương trình theo hướng mở rộng quy mô cả hộ tham gia và diện tích đất sản xuất.
Nhiều doanh nghiệp sản xuất, chế biến thức ăn chăn nuôi cho rằng, việc tiêu thụ sản phẩm ngô, đậu tương tại ĐBSCL, theo đề án chuyển đổi đất trồng lúa, hiện còn nhiều khó khăn do thiếu hệ thống sấy, chế biến, giá cả không cạnh tranh…