Làm Giàu Từ Cây Ớt Sừng Vàng Châu Phi
(Khuyến Nông Sóc Trăng)
Tại ấp Xà Lan - xã An Ninh - huyện Châu Thành (tỉnh Sóc Trăng), nhiều hộ nông dân Khmer đã thoát nghèo vươn lên khá giàu từ cây ớt sừng vàng Châu Phi.
Ông Nguyễn Văn Thưởng - Phó Chủ tịch UBND xã An Ninh, cho biết: “Ở xã chúng tôi có 9 ấp, trong đó có 6 ấp là hộ người dân tộc Khmer. Tỉ lệ người Khmer chiếm gần 50% dân số toàn xã. Những năm trước, đời sống của bà con còn gặp nhiều khó khăn, nhưng mấy năm nay, bằng sự nỗ lực vươn lên của người dân và sự hỗ trợ của Nhà nước, nhiều hộ đã thoát nghèo bằng nhiều mô hình sản xuất như: Chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản hay trồng lúa, màu. Đặc biệt, một số hộ đã thành công với mô hình trồng ớt”.
Ông Lâm Văn Tha (ấp Xà Lan) kể: “Trước đây gia đình tôi cũng đã trồng ớt nhưng thu hoạch cũng bình thường. Năm trước, qua tìm hiểu ở các đại lý bán giống cây trồng, tôi được họ cho biết có loại giống ớt mới có tên là ớt sừng vàng Châu Phi trồng dễ, năng suất cao, đang được ưa chuộng trên thị trường.
Vậy là tôi đặt mua về trồng thử hơn 1 công (1.000m2) đất rẫy của gia đình. Lúc đầu cũng hồi hộp vì giống lạ, cách chăm sóc cũng không được hướng dẫn rành rọt. Trồng hai tháng là ớt cho thu hoạch. Mỗi tháng thu hoạch một lần được từ 600-700ký, năm ngoái giá ớt lên tới 30.000đ/ký, lời to so với trồng lúa. Bình quân mỗi công ớt cho thu nhập từ 35-40 triệu đồng/vụ, giá ớt hiện tại chỉ có 11.000đ/ký nhưng người trồng ớt vẫn lời so với trồng lúa”.
Ông Tha cho biết thêm: Ớt sừng vàng Châu Phi là giống ớt khi chín trái có màu hơi vàng, đỏ tươi chứ không đỏ sẫm như ớt sừng trâu bình thường và đang được tiêu thụ mạnh trên thị trường với giá khá khả quan. Trồng lúa chi phí ban đầu rất nặng, từ khâu làm đất, xuống giống, làm cỏ, bón phân, thuốc trừ sâu, thuốc kích thích…khi thu hoạch lại bấp bênh vì giá cả thất thường, nhiều khi lỗ nặng.
Còn trồng ớt chi phí nhẹ hơn rất nhiều, lại không phải mất thời gian chăm sóc, năng suất lại ổn định, cho thu hoạch liên tục, dù có rớt giá thì người trồng ớt vẫn có lãi so với trồng lúa. Chỉ cơ ngơi của mình và của mấy gia đình kế cận, vợ ông Tha hãnh diện: “Nhà cửa, xe cộ, tiện nghi sinh hoạt trong gia đình cũng được mua sắm từ tiền bán ớt cả. Nói chung nhờ cây ớt mà chúng tôi thoát nghèo”.
Còn gia đình ông Lâm Binh chỉ trồng thử khoảng 350m2 ớt nhưng đã thu được trên 8 triệu đồng từ cây ớt sừng Châu Phi. Nếu tính lợi nhuận qui ra sẽ đạt trên 150 triệu đồng/ha đất (chỉ trong vòng 4 tháng). Gia đình bà Lâm Thị Siêu, hàng xóm với ông Lâm Văn Tha, cũng chỉ trồng khoảng 2 công nhưng thu hoạch được gần 70 triệu đồng/vụ. Nhà cửa của bà Siêu được xây cất khang trang, rộng rãi, tiện nghi sinh hoạt đầy đủ cũng từ tiền bán ớt. Còn anh Lâm Bạch Thái năm nay cũng mạnh dạn trồng khoảng 1,3 công ớt sừng Châu Phi và đang cho thu hoạch lần đầu tiên. Anh Thái cho biết: “Thấy bà con trồng ớt có lãi hơn so với trồng lúa, tôi cũng mạnh dạn vay tiền mua giống trồng thử xem thế nào. Cách đây vài bữa, tôi hái thử được hơn 10ký đưa ra chợ nhập, lúc này ớt đang rớt giá, chỉ còn 11.000đ/ký nhưng vẫn lời hơn nhiều hơn so với trồng lúa. Hiện tại ở địa phương giá lúa là 4.700đ/ký, tính ra lãi mỗi công lúa chỉ hơn 1 triệu đồng, còn trồng ớt thì chắc chắn lãi hơn nhiều, mỗi ký ớt bằng gần 3 ký lúa đấy”.
Tuy nhiên, một vấn đề khiến cho mô hình trồng ớt ở địa phương còn gặp khó khăn mà bà con rất muốn chính quyền cũng như ngành Nông nghiệp quan tâm giúp đỡ. Ông Lâm Văn Tha cho biết: Việc trồng ớt sừng vàng Châu Phi ở đây bắt đầu từ sự tự phát của bà con chứ chưa được sự hướng dẫn của ngành Nông nghiệp.
Để có tiền mua giống, vật tư, bà con phải vay bên ngoài hoặc mua thiếu của các đại lý, sau khi thu hoạch bán ớt sẽ trả dần (có tính lãi suất). Vì vậy, bà con rất mong được chính quyền quan tâm giải quyết cho vay vốn từ ngân hàng để bà con chủ động sản xuất, phát triển mở rộng diện tích cây ớt và tìm nơi tiêu thụ sản phẩm cho người trồng ớt vì hiện tại chúng tôi trồng theo kinh nghiệm và tự đưa sản phẩm đi tiêu thụ nên rất bấp bênh.
Vấn đề thứ hai mà hiện nay bà con đang lo lắng là việc trồng ớt cũng chỉ dựa theo kinh nghiệm chứ chưa được hướng dẫn về kỹ thuật từ cán bộ ngành nông nghiệp nên khi cây ớt bị nhiễm bệnh bà con không biết đó là bệnh gì, phun thuốc phòng trừ ra sao… từ đó, dẫn tới có không ít hộ bị thiệt hại về diện tích do ớt bị bệnh như thối thân, gãy cành, rụng trái…. Anh Lâm Bạch Thái nói: “Nếu được cho vay vốn ngân hàng và được tư vấn hướng dẫn về kỹ thuật trồng cũng như cách phòng trừ sâu bệnh thì bà con chúng tôi sẽ mở rộng hơn việc trồng ớt và đạt hiệu quả cao”.
Hi vọng, cây ớt sừng vàng Châu Phi sẽ bén duyên, bén rễ trên đất Sóc Trăng nói chung, trên đất An Ninh nói riêng giúp người nông dân làm giàu một cách ổn định, bền vững.
Có thể bạn quan tâm
Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng trong SX nông nghiệp nhằm tăng thêm thu nhập cho bà con nông dân và tận dụng điều kiện thuận lợi của một vùng đất bãi phù sa sông Hồng rộng lớn, vụ ĐX năm nay xã Minh Châu, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây đã đưa nhiều loại cây trồng mới cho năng suất cao, cho hiệu quả kinh tế cao vào gieo trồng. Nhiều giống cây trồng mới như ngô lai, ngô rau bao tử, đậu tương, ớt cay cao sản, cà chua, dưa chuột v.v ...
Bệnh thường gây hại trên trái, nhất là trái non của ớt, dưa leo và mướp. Trái thường bị thối từ chớp trái thối lên, trên vùng thối, bào tử nấm tạo thành lớp mốc xám. Trái bị thối khô tóp lại.
Bà con nông dân ở vùng rẫy Long Hồ và Bình Minh có nhiều kinh nghiệm trong phòng trị các bệnh cho cây ớt- cây có giá trị kinh tế cao trong mùa mưa lũ như hiện nay. Trong mùa này, thủy cấp trong nhiều vùng ở đồng bằng dâng cao do đang vào mùa lũ và ẩm độ trong không khí cũng cao (mưa nhiều xen kẽ với nắng), nên không thích hợp với sự phát triển của cây ớt, vì là loại cây thích đất xốp thông thoáng. Bệnh gây thiệt hại lớn thường gặp trong lúc này của cây ớt là bệnh héo rũ khiến cây chết rất nhanh.
Trên cây ớt, bên cạnh một số đối tượng sâu bệnh hại thường gặp như bệnh thối trái, sương mai, rệp sáp, sâu ăn lá... thì bệnh thán thư (còn gọi là bệnh nổ trái) do nấm Colletotrichum spp. gây nên cũng có những tác hại nghiêm trọng.
Ớt là loại rau rất có giá. Nhằm kéo dài mùa vụ thu hoạch và bình ổn giá cả, một quy trình trồng ớt trái mùa bằng cách sử dụng plastic đen để phủ đất đã được triển khai ở nhiều địa phương.