Làm Giàu Từ Cây Nhãn Chín Muộn
Với ưu điểm quả ngon, cho hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với trồng lúa nên những năm gần đây, nhãn chín muộn đã trở thành cây làm giàu cho nhiều hộ dân trên địa bàn phường Phố Cò, T.X Sông Công (Thái Nguyên).
Vườn nhãn của gia đình ông Nguyễn Văn Chính, ở tổ dân phố Thành Ưng, phường Phố Cò (T.X Sông Công) mỗi năm cho thu lãi gần 200 triệu đồng.
Đến thăm vườn nhãn của gia đình ông Nguyễn Văn Chính, tổ dân phố Thành Ưng, chúng tôi thỏa mắt ngắm nhìn những chùm nhãn sai lúc lỉu, sa xuống sát tay người. Ông Chính vui vẻ cho biết, giờ đã là chính vụ nhãn rồi, nhưng quả của những cây nhãn muộn này mới chỉ bắt đầu căng vỏ, đến đầu tháng 9 dương lịch mới chín và cho thu hoạch. Nhãn trồng trong vườn nhà ông là giống HTM1 có nhiều ưu điểm như quả to, mọng, không bị nứt vỏ, cùi dày, ăn giòn, vị ngọt thanh đậm nên được rất nhiều người tiêu dùng lựa chọn.
Qua câu chuyện, chúng tôi được biết, ông Chính đã theo nghề trồng cây ăn quả hơn 20 năm nay. Trước kia, ông từng là chủ của cả vườn cam Canh. Nhưng trồng cam Canh cũng chỉ đủ ăn mà lại vất vả vì loại cây này đòi hỏi kỹ thuật cao, chăm sóc tỉ mỉ, vòng đời lại ngắn, nên ông đã dần chuyển sang trồng giống nhãn chín muộn.
Thời điểm đó là vào năm 2006, vợ chồng ông quyết định phá bớt một phần diện tích cam để trồng thử nghiệm trên 100 gốc nhãn muộn. Sau 4 năm chăm sóc theo quy trình hướng dẫn từ sách và kinh nghiệm của các hộ trồng nhãn đi trước, gia đình ông bắt đầu được thu hoạch trung bình 70kg quả/cây, với giá bán 30 nghìn đồng/kg.
Nhận thấy cây nhãn cho thu nhập gấp 7 lần trồng lúa nên cuối năm 2011, gia đình ông đã chuyển đổi toàn bộ hơn 7.000m2 vườn sang trồng nhãn muộn. Năm 2013 này, trên 100 gốc nhãn trồng đầu tiên trong vườn tiếp tục sai trĩu, sản lượng ước đạt gần 10 tấn quả, với giá bán trung bình khoảng 35 nghìn đồng/kg, gia đình ông Chính có thể thu lãi gần 200 triệu đồng.
Gia đình ông Trần Văn Hoàn, tổ dân phố Thanh Xuân 1, là một trong những hộ mới trồng nhãn chín muộn. Trước kia, trên 1 nghìn m2 vườn của gia đình ông chỉ trồng chuối và những cây ăn quả khác, nhưng không mang lại hiệu quả kinh tế. Sau khi nghiên cứu và hiểu về những ưu điểm của cây nhãn chín muộn, ông nhận thấy giống cây này phù hợp với đất vườn, khi được 10 năm tuổi trở lên, mỗi cây có thể cho thu hoạch 2 tạ quả/năm.
Bên cạnh đó, thời gian thu hoạch quả vào khoảng đầu tháng 9, muộn hơn nhãn chính vụ 1 tháng, là thời điểm nhiều giống cây ăn quả khác ở miền Bắc đã kết thúc vụ thu hoạch hoặc chưa tới thời điểm thu hoạch (như hồng, cam, quýt...), do đó quả nhãn chín muộn sẽ có giá thành cao và sức tiêu thụ mạnh. Thấy được tiềm năng như thế, ông đã mạnh dạn đầu tư gần 15 triệu đồng để mua 80 cây nhãn, trồng thay thế các cây trồng khác trong vườn.
Đến năm 2012, vườn nhãn cho ra lứa quả bói đầu tiên, với sản lượng 80kg/cây. Ông cho biết: Vụ nhãn muộn năm 2012, gia đình tôi bán với giá 35 nghìn đồng/kg, cao gấp 2,5 lần giá nhãn chính vụ mà vẫn đắt hàng. Cây nhãn chín muộn cho hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với các cây trồng khác.
Theo kinh nghiệm trồng nhãn của ông Chính và ông Hoàn thì trồng nhãn muộn không khó, tuy nhiên việc chăm sóc đòi hỏi sự cần mẫn, tốn nhiều công sức. Trong đó, đất trồng nhãn phải đảm bảo tơi xốp, đủ ẩm, bón phân đúng kỹ thuật và phải có rãnh thoát để chống úng kịp thời, tránh không để cho nhãn bị thối gốc. Muốn nhãn đạt chất lượng tốt và cho quả vào thời điểm đầu tháng 9, người trồng phải biết can thiệp vào quá trình ra lộc hoa của cây bằng cách tiện vỏ xung quanh gốc, nắm được kỹ thuật tỉa hoa, tỉa cành, tạo tán để ép nhãn ra hoa đúng thời điểm…
Trao đổi với chúng tôi về mô hình trồng nhãn chín muộn trên đất Phố Cò, ông Đào Thanh Giang, Phó Chủ tịch UBND phường cho biết, (giống nhãn HTM1 được người dân trong phường mua từ Viện Nghiên cứu Rau quả, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam có nhiều ưu điểm như: cây khỏe, ít bị sâu bệnh, tỷ lệ đậu quả cao, ổn định về chất lượng.
Qua quan sát trên thị trường, chúng tôi nhận thấy người tiêu dùng rất ưa chuộng sản phẩm này, nên đầu ra khá thuận lợi. Về giá bán, so với nhãn chính vụ, trong 2 năm gần đây, nhãn muộn cao gấp từ 2 đến 3 lần, đạt khoảng 35 – 45 nghìn đồng/kg, gần đây, nhiều tư thương còn về tận vườn nhãn của các hộ dân trong phường để thu mua.
Hiện tại, gần 100 hộ dân của phường đã tham gia trồng nhãn muộn, nâng diện tích từ gần 1ha (năm 2008) lên 3ha (2013). Xác định đây là cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân, chúng tôi đang nghiên cứu giải pháp để chủ động hơn nữa trong việc hỗ trợ người dân về kỹ thuật, nhằm phát triển ổn định cây nhãn muộn trên đất Phố Cò.
Có thể bạn quan tâm
Sau nhiều vụ nuôi tôm sú thất bại, Võ Văn Sóng ngụ ở ấp Cồn Cù, xã Dân Thành, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh đã quyết định đưa con sò huyết vào nuôi ngay trên diện tích ao nuôi tôm sú và đã thu được kết quả cao. Anh là người đầu tiên ở địa phương nuôi thử nghiệm thành công mô hình này.
Trung tâm Khuyến nông quốc gia (Bộ NNPTNT) vừa phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Nam Định tổ chức diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp, chuyên đề: “Nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón trong canh tác nông nghiệp ở miền Bắc”.
Hiện nay, bà con nông dân xuống giống vụ lúa hè thu được gần 30.000 ha. Tuy nhiên, mùa vụ sản xuất năm nay nông dân không chỉ gặp bất lợi về thời tiết mà còn chịu áp lực của giá lúa thương phẩm rẻ, chưa bán được để đầu tư cho sản xuất mà giá xăng dầu, vật tư nông nghiệp tăng cao.
Cách đây vài năm, xã Ngư Thủy Bắc (Lệ Thủy - Quảng Bình) được biết đến là một làng chài nghèo, quanh năm tất tả với cái ăn, cái mặc. Bây giờ thì khác, ông Nguyễn Thanh Thoảng - Chủ tịch UBND xã cho hay: “Riêng vụ cá lóc năm nay, cả xã có tổng sản lượng gần 500 tấn, nếu lấy giá bán trung bình là 50 ngàn đồng/kg thì có con số thu đến 25 tỷ đồng, trừ chi phí còn lãi khoảng 15 tỷ, chia ra, bình quân mỗi hộ có trên 20 triệu đồng”.
Ấn Độ buộc phải đóng một mức thuế nhất định khi xuất khẩu tôm sang Mỹ, cũng giống như một số nước châu Á khác. Tuy nhiên, trong khi hội chứng tôm chết sớm (EMS) làm giảm sản lượng sản xuất ở các nước khác, điều này cũng đồng nghĩa với việc Ấn Độ vẫn còn chỗ đứng trong cuộc chơi, theo các nguồn tin cho biết