Làm giàu nhờ nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Sơn La

Gia đình ông Lò Văn Khặn, bản Huổi Quẩy, xã Chiềng Bằng, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La là một trong những hộ nuôi cá đầu tiên ở bản. Thời điểm ban đầu rất khó khăn do không có vốn, lại thiếu kĩ thuật nên gia đình chỉ đầu tư được 2 lồng cá, chủ yếu là những giống bản địa. Qua thời gian, với kinh nghiệm và số tiền tích góp, nay ông Khặn đã có 10 lồng với nhiều loại cá đặc sản như: cá Lăng, cá Nheo mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Ông Lò Văn Khặn cho biết: “Từ khi tích nước thủy điện Sơn La, tôi nuôi cá lồng, từ năm 2010 đến nay. So với nuôi lợn, gà, vịt, nuôi cá cho thu nhập cao hơn, lại nhàn. Đến 2014, gia đình tôi thu nhập từ cá lồng cũng khá giả hơn, mỗi năm thu được 300 triệu đồng”.
Gia đình ông Khặn là một trong số 120 hộ dân tái định cư xã Chiềng Bằng phát triển nghề nuôi cá lồng trên vùng lòng hồ thủy điện Sơn La. Di chuyển đến nơi ở mới, không còn ruộng nước, giờ đây nghề nuôi cá lồng là nghề chính và đem lại thu nhập ổn định cho người dân từ 2 đến 2,5 triệu đồng/người/tháng.
Ông Tòng Văn Tám, Phó Chủ tịch UBND xã Chiềng Bằng, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La đánh giá: “So với trước đây chăn nuôi, trồng lúa là chủ yếu, thu nhập bình quân của người dân từ 1,5 – 2 triệu đồng/tháng, nay nuôi cá cho thu nhập 2 đến 2,5 triệu đồng/người/tháng”.
Tuy nhiên, để đầu tư một lồng cá, số tiền lên đến 20 triệu đồng, cùng với đó là giá cá giống khá cao, mỗi con cá Lăng giống lên tới 13.000 đồng, trong khi nguồn vốn đầu tư của người dân còn hạn hẹp. Đây là một trong những trở ngại trong phát triển nghề nuôi cá lồng. Nếu những loại cá đặc sản được tiêu thụ khá dễ dàng, những giống cá bản địa cũng gặp không ít khó khăn trong việc tiêu thụ.
Ông Lò Văn Khặn cho hay: “Gia đình tôi bây giờ đang muốn nhân rộng nhưng gặp khó khăn vì vốn thiếu; còn giống cá mang về thả như cá chép, cá rô không hiệu quả”.
Nghề nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Sơn La bước đầu đã cho thấy những hiệu quả tích cực về kinh tế. Tuy nhiên, chính quyền địa phương cần phối hợp với các đơn vị đầu mối, các cơ sở kinh doanh, dịch vụ để tìm đầu ra cho sản phẩm, giúp bà con vùng lòng hồ khai thác tốt lợi thế về mặt nước.
Theo ông Lưu Bỉnh Khiêm, Phó chủ tịch UBND huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La, “trong thời gian tới, huyện sẽ cho phát triển thủy sản trong lòng hồ qua các hợp tác xã và tổ hợp tác để nhân dân tập hợp được nhân lực, nguồn vốn...”.
Để phát triển nghề nuôi cá lồng bền vững, giúp đồng bào tái định cư giảm nghèo và làm giàu trên vùng quê mới, tỉnh Sơn La đã và đang tìm cơ chế chính sách liên kết giữa nông dân với nông dân và doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh; quy hoạch diện tích nuôi thủy sản ổn định cho bà con.
Có thể bạn quan tâm

Thống kê của Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), mỗi năm Việt Nam sử dụng 10 triệu tấn phân bón các loại và đang là một trong những nước sử dụng phân bón/đơn vị diện tích cao nhất trên thế giới. Trong 3 năm gần đây, Việt Nam đã nhập và sử dụng từ 70 nghìn đến 100 nghìn tấn hóa chất bảo vệ thực vật (BVTV) thành phẩm để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Điều này khiến một lượng lớn hóa chất BVTV tồn lưu, gây nguy hại cho sức khỏe con người cũng như môi trường.

Với trên 21km bờ biển cùng với hàng ngàn ha bãi triều, Đầm Hà (Quảng Ninh) thực sự giàu tiềm năng phát triển nghề nuôi trồng hải sản, đặc biệt là những loài hải sản có giá trị kinh tế cao như cá song, cá vược, cua, ngao, tu hài...

6 tháng đầu năm 2014, tổng sản lượng khai thác thủy sản của huyện Quảng Xương ước đạt 8.749 tấn, tăng 3% so với cùng kỳ, bằng 52,1% kế hoạch; sản lượng chế biến đông lạnh đạt 90.000 tấn, sản phẩm khô 7.500 tấn, nước mắm 8.400 lít, sản phẩm dạng mắm đạt 700 tấn. Tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt 2.367 tấn, tăng 25% so với cùng kỳ, đạt 56,4% kế hoạch.

Theo Chi cục Nuôi trồng thủy sản (NTTS), tổng diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn toàn tỉnh Thái Bình 6 tháng đầu năm 2014 ước đạt 14.462 ha, tổng sản lượng nuôi trồng ước đạt 47.890 tấn, tăng 1.778 tấn (3,86%) so với cùng kỳ năm 2013; giá trị sản xuất ước đạt 1.034 tỷ đồng, tăng 38.2 tỷ đồng (3,83%) so với cùng kỳ năm 2013.

Mùa ruốc bắt đầu từ tháng 10 đến tháng 3 âm lịch. Khi những con ruốc theo con sóng ngoài khơi trôi vào bờ, cũng là lúc bà con ngư dân vùng biển bắt đầu một mùa ruốc. Người khiến ruốc vào bờ, người cân ruốc, người phơi ruốc tạo nên không khí đông vui tấp nập tại vùng biển Mỹ Á trong những ngày qua. Theo các ngư dân, địa điểm đánh bắt là vùng bãi ngang cách bờ 100m, kéo dài 2km.