Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Mùa Khoai Mỡ Thắng Lợi

Mùa Khoai Mỡ Thắng Lợi
Ngày đăng: 07/03/2014

Với sản lượng gần 2.000 tấn khoai thương phẩm, bán với giá trên 5.000 đ/kg, mỗi ha nông dân Tân Phước đạt giá trị sản xuất 50 triệu đồng.

Sau những ngày vui xuân, nông dân Tân Phước vốn nằm trong vùng Đồng Tháp Mười, Tiền Giang lại nhộn nhịp bắt tay vào vụ thu hoạch nông sản vụ đông xuân, đặc biệt là khoai mỡ. Thời điểm thu hoạch rộ từ tháng 3 dương lịch trở đi.

Từ đầu vụ đến nay, bà con đã thu hoạch được gần 200 ha trong tổng diện tích xuống giống 785 ha khoai mỡ vụ đông xuân 2013 – 2014. Năng suất bình quân đạt 10 tấn/ha, sản lượng gần 2.000 tấn khoai thương phẩm, bán với giá trên 5.000 đ/kg, mỗi ha nông dân đạt giá trị sản xuất 50 triệu đồng, trong đó mức lãi từ 25 triệu đồng đến 30 triệu đồng/ha.

Khoai mỡ là cây trồng quan trọng của huyện Tân Phước, cho thu nhập cao hàng thứ hai sau cây dứa. Cây trồng này thích hợp với thổ nhưỡng vùng đất nhiễm phèn, dễ trồng, năng suất cao và đầu ra thuận lợi.

Hiện nay, khoai mỡ được trồng tập trung tại các địa phương: Xã Hưng Thạnh, Tân Hòa Đông, Thạnh Hòa, Thạnh Mỹ...thuộc huyện Tân Phước. Đây là những địa bàn nằm sâu trong Đồng Tháp Mười có truyền thống trồng cây khoai mỡ. Trong đó trồng nhiều nhất là Thạnh Mỹ với diện tích khoai mỡ vụ đông xuân 2013 – 2014 lên đến 420 ha, chiếm trên 50% tổng diện tích khoai mỡ toàn huyện Tân Phước.

Trước đây, do không có đê bao, việc sản xuất lệ thuộc vào thiên nhiên. Những năm lũ lớn và kéo dài, nông dân xuống giống trễ và thu hoạch trễ; phải đến tháng 4, 5 âm lịch mới bắt đầu vào chính vụ.

Gần đây, nhờ có mạng lưới đê bao ngăn lũ bảo vệ sản xuất hiệu quả, nông dân chủ động xuống giống sớm và cho thu hoạch sớm. Do vậy, những năm gần đây, vào thời điểm trước Tết đã có khoai đầu vụ cung ứng ra thị trường và từ sau Tết trở đi Tân Phước bắt đầu nhộn nhịp vào mùa thu hoạch rộ khoai mỡ.

Khoai mỡ ở đây có nhiều giống: Khoai tím than, tím bông lau, khoai phục linh (ruột trắng), khoai ngọt... ăn rất ngon, dễ chế biến các món ăn trong gia đình, được người tiêu dùng rất ưa chuộng.

Nhờ cây khoai mỡ, bà con vùng đất mới huyện Tân Phước đổi đời và nông nghiệp, nông thôn khởi sắc hẳn lên. Do vậy, vào mùa khoai mỡ không khí làm ăn tại đây thêm tất bật, nhộn nhịp.

Vụ đông xuân năm nay, trà khoai sớm ở Tân Phước trúng mùa, giá cũng đạt khá. Nhất là những ngày cận Tết, giá khoai mỡ tăng mạnh, có lúc đạt trên 10.000 đ/kg, gấp đôi hiện nay. Những nông dân có khoai mỡ sớm trúng mùa, trúng giá, mỗi ha đạt giá trị sản xuất trên 100 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi 50 – 60 triệu đồng, cuộc sống khấm khá hẳn lên.

Cây khoai mỡ là đầu cơ nghiệp, giúp nhiều nông dân mới vào khai hoang sản xuất nhanh chóng khắc phục khó khăn, trở thành triệu phú ở Đồng Tháp Mười. Đơn cử như nông dân Nguyễn Văn Đoàn, cư ngụ tại ấp Mỹ Lộc, xã Thạnh Mỹ, Tân Phước. Vụ đông xuân 2013 – 2014, anh Đoàn trồng 4 ha khoai mỡ. Năng suất khoai đạt 11 – 12 tấn/ ha, bán với giá gần 5.000 đ/kg, sau vụ khoai mỡ anh thu được trên 200 triệu đồng, trong đó lãi ròng khoảng 100 triệu đồng. Đây là một trong những tấm gương nông dân tiêu biểu thành công từ cây khoai mỡ.

Thời điểm Tân Phước nhộn nhịp vào vụ thu hoạch khoai mỡ, ghe thuyền từ các nơi nườm nượp đổ về ngã năm Bắc Đông, về kênh Lộ Mới, về Tân Hòa Đông...(những nơi trồng nhiều khoai mỡ của huyện Tân Phước) để chờ mua khoai tấp nập, đông vui như ngày hội lớn của toàn vùng.

Nhiều nhất là ghe thuyền của các thương lái nơi xa đến mua khoai và vận chuyển đi tiêu thụ bằng đường thủy – chi phí vừa rẻ vừa tiện lợi nhờ mạng lưới kênh rạch chằng chịt trong Đồng Tháp Mười đang phát huy hiệu quả đối với sản xuất và đời sống. Từ đây, sau khi tập kết, đưa lên phương tiện vận tải, khoai mỡ Tân Phước được chở đi tiêu thụ rộng rãi tại các thị trường lớn phía Nam như: TP. Hồ Chí Minh, TP Mỹ Tho, TP Tân An...


Có thể bạn quan tâm

Bí Quyết Nuôi Và Làm Giàu Từ Ếch Bí Quyết Nuôi Và Làm Giàu Từ Ếch

Ếch là loài lưỡng cư: “Lưỡng” là 2, còn “cư” là nơi ở. Có nghĩa là, ếch vừa ở dưới nước, vừa ở trên cạn. Trong thực tế, ếch ở trên cạn nhiều hơn. Để nuôi ếch, bà con phải xây dựng các khu nuôi. Nếu là ao thì xung quanh ao phải xây tường cao để ếch không nhảy ra

24/06/2011
Trại Nuôi Cá Tra Đầu Tiên Nhận GlobalGAP Trại Nuôi Cá Tra Đầu Tiên Nhận GlobalGAP

Ngày 23/2, tại Vĩnh Long, ông Phan Anh Vũ, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Long đã trao Giấy chứng nhận GlobalGAP của Tổ chức quốc tế Bureau Veritas cho trại nuôi cá tra 10 ha của Công ty Biofeed tại ấp Đông Hậu, xã Ngãi Tứ, huyện Tam Bình. Đây là trại nuôi cá tra đầu tiên của tỉnh được chứng nhận thực hành nuôi cá tra tốt toàn cầu.

14/06/2012
Bội Thu Dứa Ngọt Bội Thu Dứa Ngọt

Những ngày này, dọc tuyến Quốc lộ 14B, đoạn qua các xã Đại Hồng, Đại Sơn, Đại Lãnh (thuộc huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) luôn tấp nập cảnh người dân thu hoạch và mua bán dứa. Hàng trăm chiếc "xe trâu” chở dứa từ rẫy về tập kết tại nhiều điểm ven đường.

27/06/2012
Nuôi Nhím Sinh Sản - Mô Hình Mới Nuôi Nhím Sinh Sản - Mô Hình Mới

Hiện nay, nghề nuôi nhím vẫn còn khá mới, thị trường tiêu thụ có nhiều tiềm năng do thịt nhím ăn ngon, có thể chế biến thành nhiều món ăn đặc sản, làm thuốc chữa bệnh, cho thu nhập cao. Qua quá trình nuôi thử nghiệm, ông nhận thấy nhím là một loài động vật dễ nuôi, kháng bệnh tốt, thức ăn rất đơn giản, có sẵn trong tự nhiên như chuối, bắp, khoai, bí rợ, củ sắn... là đã đủ cho nhím sinh trưởng và phát triển tốt

29/06/2011
Mở Hướng Cho Nghề Nuôi Cá Tra Mở Hướng Cho Nghề Nuôi Cá Tra

Làm sao để con cá tra Hậu Giang phát triển bền vững, giúp người dân thực sự yên tâm sản xuất theo định hướng quy hoạch vùng nguyên liệu cá tra trong thời gian tới là điều cần phải bàn ngay từ bây giờ.

15/06/2012