Làm giàu nhờ nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Sơn La
Gia đình ông Lò Văn Khặn, bản Huổi Quẩy, xã Chiềng Bằng, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La là một trong những hộ nuôi cá đầu tiên ở bản. Thời điểm ban đầu rất khó khăn do không có vốn, lại thiếu kĩ thuật nên gia đình chỉ đầu tư được 2 lồng cá, chủ yếu là những giống bản địa. Qua thời gian, với kinh nghiệm và số tiền tích góp, nay ông Khặn đã có 10 lồng với nhiều loại cá đặc sản như: cá Lăng, cá Nheo mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Ông Lò Văn Khặn cho biết: “Từ khi tích nước thủy điện Sơn La, tôi nuôi cá lồng, từ năm 2010 đến nay. So với nuôi lợn, gà, vịt, nuôi cá cho thu nhập cao hơn, lại nhàn. Đến 2014, gia đình tôi thu nhập từ cá lồng cũng khá giả hơn, mỗi năm thu được 300 triệu đồng”.
Gia đình ông Khặn là một trong số 120 hộ dân tái định cư xã Chiềng Bằng phát triển nghề nuôi cá lồng trên vùng lòng hồ thủy điện Sơn La. Di chuyển đến nơi ở mới, không còn ruộng nước, giờ đây nghề nuôi cá lồng là nghề chính và đem lại thu nhập ổn định cho người dân từ 2 đến 2,5 triệu đồng/người/tháng.
Ông Tòng Văn Tám, Phó Chủ tịch UBND xã Chiềng Bằng, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La đánh giá: “So với trước đây chăn nuôi, trồng lúa là chủ yếu, thu nhập bình quân của người dân từ 1,5 – 2 triệu đồng/tháng, nay nuôi cá cho thu nhập 2 đến 2,5 triệu đồng/người/tháng”.
Tuy nhiên, để đầu tư một lồng cá, số tiền lên đến 20 triệu đồng, cùng với đó là giá cá giống khá cao, mỗi con cá Lăng giống lên tới 13.000 đồng, trong khi nguồn vốn đầu tư của người dân còn hạn hẹp. Đây là một trong những trở ngại trong phát triển nghề nuôi cá lồng. Nếu những loại cá đặc sản được tiêu thụ khá dễ dàng, những giống cá bản địa cũng gặp không ít khó khăn trong việc tiêu thụ.
Ông Lò Văn Khặn cho hay: “Gia đình tôi bây giờ đang muốn nhân rộng nhưng gặp khó khăn vì vốn thiếu; còn giống cá mang về thả như cá chép, cá rô không hiệu quả”.
Nghề nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Sơn La bước đầu đã cho thấy những hiệu quả tích cực về kinh tế. Tuy nhiên, chính quyền địa phương cần phối hợp với các đơn vị đầu mối, các cơ sở kinh doanh, dịch vụ để tìm đầu ra cho sản phẩm, giúp bà con vùng lòng hồ khai thác tốt lợi thế về mặt nước.
Theo ông Lưu Bỉnh Khiêm, Phó chủ tịch UBND huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La, “trong thời gian tới, huyện sẽ cho phát triển thủy sản trong lòng hồ qua các hợp tác xã và tổ hợp tác để nhân dân tập hợp được nhân lực, nguồn vốn...”.
Để phát triển nghề nuôi cá lồng bền vững, giúp đồng bào tái định cư giảm nghèo và làm giàu trên vùng quê mới, tỉnh Sơn La đã và đang tìm cơ chế chính sách liên kết giữa nông dân với nông dân và doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh; quy hoạch diện tích nuôi thủy sản ổn định cho bà con.
Related news
Sau khi thất thu ở vụ đầu năm, đây là thời điểm người dân nuôi tôm thẻ chân trắng ở huyện Tuy Phong (Bình Thuận) phấn khởi vì tôm thu hoạch được mùa lẫn được giá.
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Vĩnh Long, hiện đàn bò đang có xu hướng thu hẹp do quỹ đất trồng cỏ hạn chế, nguồn thức ăn tự nhiên khan hiếm. Bên cạnh, thu hoạch lúa chủ yếu bằng máy nên rất khó sử dụng phụ phẩm rơm.
Những ngày này, tại các chợ trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đầy ắp những loại trái cây được người dân từ trong vườn đem ra, hoặc được các tiểu thương lấy từ các tỉnh khác về bán lại. Sản phẩm rất đa dạng về chủng loại, chất lượng không thua hàng ngoại và giá bán cũng tương đối mềm.
Đề án thí điểm khai thác, thu mua, chế biến và xuất khẩu cá nóc bảo đảm an toàn thực phẩm giai đoạn 2013-2015 vừa được Bộ NNPTNT phê duyệt.
Nuôi cá trong ruộng lúa là một hình thức canh tác xen kẽ làm tăng thu nhập trên cùng một thửa ruộng. Mô hình này đã được một số địa phương thực hiện theo tập quán cũ, tuy nhiên, chỉ khi các hộ dân áp dụng đúng kỹ thuật nuôi trồng, hình thức nuôi cá-lúa mới thực sự phát huy hiệu quả.