Làm Cánh Đồng Mẫu Lớn Cho Cây Mía
Công ty cổ phần đường Biên Hòa đang xây dựng dự án cánh đồng lớn với cây mía tại huyện Vĩnh Cửu. Mục tiêu nhằm xây dựng vùng nguyên liệu theo hướng trồng mía tập trung, ứng dụng cơ giới hóa để tăng năng suất, tăng hiệu quả sản xuất cho cây mía.
Đây là một trong những dự án được UBND tỉnh quan tâm thuộc chương trình xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ nông sản nhằm tạo sức cạnh tranh cho ngành mía đường trong giai đoạn khó khăn hiện nay.
* Liên kết để giảm giá thành
Dự án xây dựng cánh đồng mẫu lớn với cây mía được cả doanh nghiệp và nông dân quan tâm. Ông Bùi Văn Lang, Tổng giám đốc Nhà máy đường Biên Hòa - Trị An, cho biết: “Năng lực chế biến mía cây của nhà máy đạt khoảng 375 ngàn tấn/vụ. Vụ sản xuất 2014-2015, sản lượng mía nguyên liệu cung cấp cho nhà máy chỉ ở khoảng 190 ngàn tấn, khoảng 51% công suất ép của nhà máy”.
Nhà máy luôn trong tình trạng hoạt động không hết công suất, khấu hao máy móc cao khiến sản phẩm không có lợi thế cạnh tranh về giá trong giai đoạn ngành mía đường đang khủng hoảng thừa như hiện nay. Theo báo cáo của Nhà máy đường Biên Hòa - Trị An, một trong những khó khăn không nhỏ của đơn vị là diện tích mía do nhà máy đầu tư còn phân tán. Trong đó, mía trồng tại các khu vực ngoại tỉnh chiếm khoảng 35% sản lượng mía cung cấp cho nhà máy.
Cách sản xuất manh mún, nhỏ lẻ này gây nhiều bất lợi cho năng suất, chất lượng mía. Cụ thể, giống mía trồng chưa được thay đổi và phù hợp vùng, miền; việc thực hiện các giải pháp đồng bộ về cơ giới, thâm canh, đầu tư cơ sở hạ tầng kém hiệu quả. Ngoài ra, chi phí vận chuyển cao là gánh nặng không nhỏ. Vì vậy, xây dựng vùng nguyên liệu mía gần nhà máy chế biến theo hướng chuyên canh, ứng dụng cơ giới... là lời giải cho bài toán khó khăn này.
Ông Nguyễn Công Châu, xã viên của Hợp tác xã sản xuất mía và dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Hiếu Liêm (huyện Vĩnh Cửu), chia sẻ: “Tôi đã gắn bó với Nhà máy đường Biên Hòa - Trị An từ thời gian đầu đến nay. Tuy tôi có diện tích mía rộng khoảng 20 hécta nhưng vẫn sản xuất theo hướng thủ công truyền thống vì còn gặp nhiều khó khăn trong ứng dụng cơ giới vào sản xuất.
Tôi mong nhà máy có những giải pháp linh động hơn về đầu tư cho nông dân trong việc cung cấp giống, phân, thuốc... Điều lo lắng không nhỏ của nông dân là tuy liên kết với nhà máy chế biến trong khâu tiêu thụ, nhưng mọi rủi ro đều do nông dân gánh vác”.
Ông Nguyễn Trọng Hiếu, Phó chủ nhiệm Hợp tác xã sản xuất mía và dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Hiếu Liêm, nhận xét: “Ngay cả một số xã viên của hợp tác xã cũng đang trồng tràm trên diện tích quy hoạch đất mía. Thiếu diện tích đất tập trung để chuyên canh cây mía là một trong những khó khăn lớn để hình thành các cánh đồng mẫu lớn”.
Ông Phan Biên, Chủ tịch Hội Làm vườn huyện Vĩnh Cửu, cũng cho rằng đang xảy ra tình trạng đất quy hoạch để phát triển cây mía bị bỏ hoang hoặc thay thế bằng cây trồng khác vì lợi nhuận từ cây mía chưa thuyết phục nông dân. Việc liên kết doanh nghiệp - nông dân trước đây đã hình thành nhưng trong thực tế vẫn mạnh ai nấy làm. Vấn đề là cần thay đổi ý thức ở cả doanh nghiệp và nông dân trong hợp tác”.
* Cần hỗ trợ thêm
Cũng theo ông Phan Biên, lợi nhuận của nông dân trồng mía đang “rải hết dọc đường” trong quá trình chở mía từ ruộng về nhà máy vì hạn chế của phương tiện vận chuyển. Ngoài ra, để cây mía có thêm lợi thế cạnh tranh rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước đầu tư vào cơ sở hạ tầng: đường, điện, thủy lợi... Trong xây dựng chuỗi liên kết cần tính đến sự cân bằng về lợi ích giữa các bên.
Theo ông Đỗ Hải, một trong những khách hàng lớn cung cấp nguyên liệu cho Nhà máy đường Biên Hòa - Trị An, so sánh việc trồng mía chuyên canh với quy mô lớn, ứng dụng cơ giới hóa có thể giảm được 50% chi phí sản xuất so với hiện nay. “Không ai giỏi trồng mía bằng nông dân. Khả năng nắm bắt kỹ thuật và ứng dụng cơ giới hóa của nông dân nước ta không thua gì các nước trên thế giới.
Thực tế, nhiều nông dân trồng mía của ta đã xây dựng được những cánh đồng lớn với quy mô hàng trăm hécta. Vấn đề là họ cần sự hỗ trợ về mặt cơ chế, chính sách, như: gỡ khó về vấn đề vận chuyển, về đồng vốn...” - ông Hải nói.
Có thể bạn quan tâm
Sau khi thu hoạch quả là thời kỳ cây nhãn bị tổn thương lớn nhất trong năm, giai đoạn này cây yếu nhất.
Trung tâm Khuyến nông Tuyên Quang vừa phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện Yên Sơn, UBND xã Mỹ Bằng tổ chức tổng kết mô hình chăn nuôi gà ri lai an toàn trên nền đệm lót sinh học.
UBND huyện Thuận Bắc (Bình Thuận) vừa phối hợp với Sở KH-CN tổ chức hội nghị đầu bờ đánh giá Đề án nhân rộng ứng dụng mô hình “1 phải, 5 giảm” SX lúa vụ HT năm 2015 tại xã Bắc Phong.
Hơn 10 năm qua, khi người dân thử nghiệm thành công mô hình nuôi tôm càng xanh (TCX) theo hướng thâm canh trên đất lúa ở xã Nhị Mỹ, mô hình đã tạo “cú hích” cho quá trình phát triển kinh tế vùng đất này.
Sản lượng khai thác và nuôi trồng trong tháng 7 tỉnh Kiên Giang đạt 67.595 tấn, tính chung 07 tháng sản lượng khai thác và nuôi trồng 382.767 tấn, đạt 59,15% kế hoạch và tăng 6,18% so cùng kỳ.