Ấn Độ Nhập Khẩu Gạo Lần Đầu Tiên Trong 1/4 Thế Kỷ
Ấn Độ, nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, đang chuẩn bị nhập khẩu gạo lần đầu tiên trong vòng gần một phần tư thế kỷ, nhằm cung cấp lương thực cho khu vực vùng sâu vùng xa.
Các khu vực cần gạo nằm ở miền đông bắc đất nước, nơi tuyến đường sắt đang được tu bổ khiến việc vận chuyển bị gián đoạn.
Các quan chức Ấn Độ cho biết, nước này sẽ nhập khẩu trên 100.000 tấn gạo từ nước láng giềng Myanmar trong vài tháng tới qua các cuộc đấu thầu với khối lượng mỗi gói khoảng 10.000 đến 30.000 tấn.
Gạo nhập khẩu và gạo dự trữ trong nước sẽ được phân phối cho khu vực miền bắc Ấn Độ qua cảng Ashuganj của Bangladesh.
Việc nhập khẩu và phân phối gạo là những thách thức đối với quốc gia đang nỗ lực trở thành cường quốc nông nghiệp trong khu vực. Tuy nhiên, khối lượng gạo nhập khẩu lần này của Ấn Độ quá nhỏ để có thể gây tác động đáng kể đến thị trường lúa gạo khu vực và thế giới.
Ấn Độ đã soán ngôi Thái Lan trở thành nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới vào năm 2012, với lượng xuất khẩu hàng năm từ đó tới nay luôn đạt khoảng 10 triệu tấn. Ấn Độ nhập khẩu gạo lần gần đây nhất là vào đầu những năm 1990.
Ấn Độ đang tiến hành cải tổ trên quy mô lớn hệ thống hạ tầng cơ sở, trong đó có hệ thống đường sắt – được xây dựng từ thời thuộc Anh khoảng gần 100 năm trước. Việc mở rộng kích thước đường sắt sẽ bắt đầu được tiến hành từ tháng 10 tới, và có thể hoàn thành vào tháng 4/2015.
Các bang Tripura, Mizoram, Manipur, và một số khu vực của bang Assam, nơi thường tiếp nhận ngũ cốc từ các cánh đồng lớn ở miền Bắc Ấn Độ, sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi cuộc cải tổ hệ thống hạ tầng cơ sở. Gạo là lương thực chính của khu vực này, với lượng tiêu thụ ước tới 80.000 tấn mỗi tháng.
Chuyển gạo qua Bangladesh, nơi chỉ cách khu vực vài trăm km, sẽ tiết kiệm được chi phí và thời gian hơn nhiều so với vận chuyển bằng ô tô qua đường bộ - phải mất trên 1000 km, phần lớn là đường đèo núi.
Tổng công ty Lương thực quốc doanh Ấn Độ (FCI), đơn vị thu mua ngũ cốc chính của quốc gia này, vẫn sử dụng đường sắt để chuyển gạo và các ngũ cốc khác tới các bang miền Đông Bắc. Song do hệ thống đường sắt nhỏ và cũ nên việc vận chuyển thường xuyên bị chậm trễ hoặc gián đoạn.
Có thể bạn quan tâm
Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), bất chấp những khó khăn, thách thức từ nội tại và thị trường nước ngoài, XK thủy sản năm 2014 vẫn đạt khoảng 7,8 - 7,9 tỷ USD, tăng khoảng 15% so với năm 2013. Có kết quả này là do ngành thủy sản đã nắm bắt được một số cơ hội thuận lợi cũng như tranh thủ đẩy mạnh xuất khẩu.
Phát huy lợi thế mặt nước, thực hiện đa dạng hóa cây trồng vật nuôi nhằm khai thác nguồn lực phục vụ phát triển, thời gian qua, lĩnh vực nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đang được nhiều hộ dân quan tâm, mở rộng quy mô, diện tích chăn nuôi, góp phần đáng kể trong nâng cao thu nhập cho người dân.
Cá lau kiếng còn gọi là cá dọn bể hay cá tỳ bà, loại cá nước ngọt, có xuất xứ từ Nam Mỹ được người chơi cá cảnh trong nước nhập về để nuôi làm cảnh, nhưng sau đó phát tán ra môi trường tự nhiên khiến chúng sinh sôi và xuất hiện tại hầu khắp các sông, rạch, ao, hồ tại nhiều địa phương vùng ĐBSCL trong những năm gần đây.
Nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân, các chủ cơ sở nuôi trồng thủy sản về nguy cơ, tác hại của bệnh dịch trong nuôi trồng thủy sản, góp phần phát triển nghề nuôi trồng thủy sản an toàn và bền vững, nhiều địa phương đã lên kế hoạch và chuẩn bị kinh phí cho công tác phòng, chống dịch bệnh cho động vật thủy sản nuôi năm 2015.
“Với kim ngạch xuất khẩu năm 2014 đạt 7,92 tỷ USD, vượt kế hoạch hơn 1 tỷ USD, đây là một năm rất thành công, nhưng cũng là năm đầy vất vả của cả nông dân và doanh nghiệp (DN)”, đó là nhận định của Tiến sĩ Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) tại buổi gặp gỡ báo chí TPHCM ngày cuối năm 2014.