Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Làm Ăn Lớn Từ Vốn Quỹ Hỗ Trợ Nông Dân

Làm Ăn Lớn Từ Vốn Quỹ Hỗ Trợ Nông Dân
Ngày đăng: 28/04/2014

Với 200 triệu đồng Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) T.Ư Hội đầu tư, các hộ trồng thanh long ruột đỏ xã Yên Lộc, huyện Kim Sơn, Ninh Bình đã có thêm nguồn lực để sản xuất hàng hóa.

Dự án Trồng thanh long ruột đỏ do T.Ư Hội NDVN phối hợp với Hội nông dân (ND) Ninh Bình thực hiện ở xã Yên Lộc. 11 hộ được vay (mỗi hộ 10 – 20 triệu đồng), trong 36 tháng, lãi suất 0,65%.

Làm giàu không còn là xa vời

Là người đầu tiên trong xã trồng thanh long ruột đỏ, ông Nguyễn Xuân Lai, xóm 7, chia sẻ: “Tôi là thương binh 2/4. Gia đình tôi có 6 sào đất vườn, chủ yếu trồng màu. Trồng thanh long ruột đỏ không giàu nhanh như trồng màu, nhưng cho thu nhập ổn định.

Tôi đã trồng 80 trụ loại thanh long này được hơn 3 năm, thấy thu nhập khá, tôi định chuyển hết diện tích trồng màu sang trồng thanh long ruột đỏ, nhưng ngặt nỗi lại thiếu vốn. Được Quỹ HTND cho vay 20 triệu đồng, tôi đầu tư 100 trụ thanh long ruột đỏ”.

Cách nhà ông Lai không xa là vườn thanh long của ông Nguyễn Văn Thanh. Ông Thanh chia sẻ: “Bà nhà tôi mất đã nhiều năm nay, một mình tôi làm 6 sào vườn màu nuôi 4 đứa con. Làm màu có thu nhập nhưng vất vả. Ở tuổi lục tuần này, tôi thấy mình không còn đủ sức khỏe để làm màu mãi.

Đang loay hoay tìm hướng đi mới thì Hội ND xã khuyến khích trồng thanh long ruột đỏ. Được tập huấn kỹ thuật lại được vay vốn Quỹ HTND, tôi tin làm giàu từ thanh long ruột đỏ không phải chuyện xa vời”. Hiện, thanh long còn nhỏ, ông Thanh trồng xen rau màu để lấy ngắn nuôi dài.

Theo ông Lai, để có 1 trụ thanh long cần đầu tư 200.000 đồng. Trồng 1 năm, thanh long cho quả, thu nhiều đợt trong năm, đến năm thứ 3 năng suất tăng gấp 3 lần năm thứ nhất và bắt đầu ổn định với 20 – 30kg/trụ. Với giá thanh long trên thị trường hiện nay từ 30.000 – 50.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, ông thu 1-1,2 triệu đồng/trụ. Ngoài ra, từ năm thứ 3 có thể cắt cành bán giống với giá 10.000 – 15.000 đồng/cành.

Giám sát chặt việc sử dụng vốn

Anh Mai Văn Dũng – Chủ tịch Hội ND xã Yên Lộc cho biết: “Trước khi giao vốn, các hộ ND được tập huấn kỹ thuật trồng thanh long. Năm nào, Hội ND xã phối hợp với Hội ND huyện Kim Sơn và Phòng Nông nghiệp huyện mở 2-3 lớp tập huấn kỹ thuật trồng thanh long ruột đỏ. Tham gia mô hình, các hộ được hỗ trợ giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và được tập huấn kỹ thuật làm trụ, trồng, chăm sóc thanh long đúng kỹ thuật”.

"Được tập huấn kỹ thuật, được vay vốn Quỹ HTND, tôi tin chuyện làm giàu từ thanh long ruột đỏ không phải xa vời”.

Ông Nguyễn Văn Thanh

Ông Mai Văn Dũng thông tin thêm: Ngay sau khi nhận được nguồn vốn ủy thác của T.Ư, Hội ND xã tiến hành bình xét công khai, ưu tiên những hộ thực sự cần vốn, có hoàn cảnh khó khăn, chí thú làm ăn để hỗ trợ. Đồng thời, Hội ND xã thành lập Ban điều hành Quỹ HTND, giám sát việc giải ngân cho các hộ ND, đảm bảo vốn vay đến đúng đối tượng và sử dụng đúng mục đích.

Ông Phạm Tuấn Dũng – Phó Chủ tịch Hội ND huyện Kim Sơn nhận xét: Nguồn vốn Quỹ HTND không chỉ giúp ND tiếp cận, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong sản xuất nông nghiệp, mà còn tận dụng tiềm năng lợi thế về điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội của địa phương để phát triển kinh tế, tăng thêm thu nhập góp phần xóa đói giảm nghèo.

“Từ thành công của 11 hộ vay, đến nay toàn xã có thêm 70 hộ trồng thanh long ruột đỏ. Thời gian tới, Hội ND xã sẽ thành lập CLB Trồng thanh long ruột đỏ để giúp ND làm giàu”- ông Phạm Tuấn Dũng thông tin.


Có thể bạn quan tâm

Hải Lộc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa Hải Lộc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa

Những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp của xã Hải Lộc (Hải Hậu) có những chuyển biến tích cực, trong đó đã tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật. Hiện nay, tại Hải Lộc đã hình thành được nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân.

18/05/2015
Tạo bước đột phá trong phát triển chăn nuôi Tạo bước đột phá trong phát triển chăn nuôi

Những năm qua, chăn nuôi luôn giữ vai trò, vị trí hết sức quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, đóng góp tích cực vào sự ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Phát triển chăn nuôi đã tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập, góp phần cải thiện đời sống cho người dân và xây dựng NTM.

18/05/2015
Hạ Hòa thực hiện nhiều mô hình lúa thuần chất lượng cao Hạ Hòa thực hiện nhiều mô hình lúa thuần chất lượng cao

Vụ xuân năm 2015, huyện Hạ Hòa triển khai nhiều mô hình lúa thuần chất lượng cao. Trong đó giống lúa J02 tại xã Minh Hạc và Hiền Lương, giống lúa Thiên ưu 8 tại xã Động Lâm và Hương Xạ với diện tích 15ha/xã. Đây là các giống lúa thuần có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, dễ canh tác, cho năng suất cao và giá thành cao.

18/05/2015
Đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp Đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đến tháng 5/2015, đã có 36/63 tỉnh, thành phố ban hành đề án hoặc kế hoạch hành động tái cơ cấu nông nghiệp của địa phương và tổ chức triển khai trong thực tiễn.

18/05/2015
Năng suất đậu phụng của Điện Bàn tăng 5 tạ/ha Năng suất đậu phụng của Điện Bàn tăng 5 tạ/ha

Đó là con số được đưa ra tại hội nghị sơ kết vụ đông xuân và triển khai kế hoạch sản xuất hè thu 2015, do UBND thị xã Điện Bàn vừa tổ chức.

18/05/2015