Lai Tạo Giống Dâu Năng Suất Cao
Theo tiến sĩ Lê Quý Tùy, cán bộ Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm Lâm Đồng, Trung tâm này đã nhân giống thành công các giống dâu năng suất cao, được lai tạo từ các giống dâu địa phương của Lâm Đồng cùng các giống dâu nhập từ Ấn Độ, Trung Quốc.
Quy trình lai tạo được tiến hành từ các cây dâu trồng trong chậu bằng các phương pháp điều chỉnh ra hoa, thu hoạch hạt phấn, bao cách ly tránh thụ phấn tự do, từ đó chọn ra các cá thể đầu dòng mới để trồng và chăm sóc từ vườn thực nghiệm rồi nhân rộng trồng đại trà bằng kỹ thuật giâm hom.
Kết quả sau gần 5 năm đưa vào trồng kinh doanh, các giống dâu lai tạo mới đã phát triển trên dưới 100 ha ở các vùng sinh thái Đạ Tẻh, Bảo Lộc, Lâm Hà, trong đó huyện Đạ Tẻh trồng diện tích nhiều nhất với 70 - 80 ha. Đối chứng cho thấy, giống dâu lai tạo mới với khả năng thích nghi điều kiện thời tiết, khí hậu, có sức đề kháng các bệnh dịch hại, nhất là đối với bệnh rầy hại lá, đạt chiều dài thân, cành tương đương với các giống dâu địa phương, nhưng so sánh trên 100 lá thì khối lượng tăng lên hơn nhiều. Cụ thể 100 lá dâu lai tạo ở Lâm Hà cân nặng đến gần 294g (tăng 125g), ở Bảo Lộc cân nặng đến 284g (tăng 134g); ở Đạ Tẻh cân nặng gần 290g (tăng 118g).
Tính ra năng suất lá dâu thu hoạch trên 1 ha/năm của các giống dâu lai tạo mới đạt từ 22,65 - 24,29 tấn, tăng cao hơn các giống dâu đối chứng từ 14 - 20% và 12,9 kg lá dâu giống lai tạo mới cho tằm ăn đã cho ra sản phẩm 1 kg kén. Như vậy sản lượng lá dâu giống mới trên 1 ha đã nuôi được 1.880 kg kén. Nhân với giá kén trung bình trong 3 năm gần đây là 110.000 đồng/kg, đạt tổng thu gần 207 triệu đồng/ha. Trừ tất cả chi phí đầu tư, ước đạt lãi hơn 85 triệu đồng/ha/năm trồng dâu lai tạo giống mới, đạt tỷ lệ lãi cao hơn so với các giống dâu đối chứng ở địa phương từ 18 - 28%.
Nông dân hiện vẫn nhân giống cây dâu tằm bằng phương pháp giâm hom. Tuy nhiên, qua điều tra của tiến sĩ Lê Quý Tùy, để cây giâm hom đạt tỷ lệ sống cao, người nông dân thường sử dụng giâm hom dài với từ 4 - 5 mầm cây, được chọn từ đồng dâu với độ tuổi từ 10 - 12 tháng. Nếu áp dụng phương pháp giâm hom nhân giống như vậy đối với giống dâu lai tạo mới thì “tiến độ” sẽ rất chậm so với yêu cầu mở rộng diện tích trồng mới ngày càng nhiều.
Bởi vậy, Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm nông lâm nghiệp Lâm Đồng đã nghiên cứu thành công việc giâm hom giống dâu lai tạo từ cây đầu dòng trên 6 tháng tuổi, chiều dài mỗi hom cây rút ngắn xuống còn 2 mầm cây và đạt tỷ lệ cây sống khi xuống giống trồng trên đồng dâu từ 91,6-94,6%. Đặc biệt, khi sử dụng thuốc kích thích ra rễ với những nồng độ thích hợp, Trung tâm còn giâm hom xanh (hom cây 4 tháng tuổi) của cây dâu lai tạo mới với kết quả tăng tỷ lệ cây sống lên đến từ 68-85%.
Thống kê hiện nay ở Lâm Đồng vẫn còn khoảng 70% diện tích trồng các giống dâu địa phương đang cần tiếp tục được thay thế các giống dâu mới đạt năng suất cao hơn, nhằm tạo điều kiện cho người nông dân sản xuất kén tằm đạt chất lượng và hiệu quả kinh tế ngày càng đi lên. Thành công từ các giống dâu lai tạo mới của Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm nông lâm nghiệp Lâm Đồng nói trên đã và đang góp phần thực hiện mục tiêu chuyển đổi giống dâu tằm mới này.
Có thể bạn quan tâm
Gần nửa năm nay, giá những loại dược liệu như: hoắc hương, cúc hoa khô trên thị trường bỗng nhiên giảm tới 50 -70%. Thậm chí có thời điểm không có thương lái đến mua. Tình trạng này khiến người trồng dược liệu tại nhiều địa phương ở Hưng Yên lo lắng.
Nhóm nghiên cứu Trần Văn Hậu, Nguyễn Chí Linh và Nguyễn Long Hồ, khoa nông nghiệp và sinh học ứng dụng đã thực hiện đề tài nghiên cứu xác định độ tuổi thu hoạch thích hợp của trái xoài cát Hòa Lộc ở vụ thuận (tháng 4 - 5), vụ muộn (tháng 7 - 9) và vụ nghịch (tháng 12 - 1).
Năm 2015, mặc dù diện tích bưởi diễn của Khoái Châu (Hưng Yên) tăng 25%, nhưng sản lượng quả lại không bằng năm ngoái. Nguyên nhân là do thời tiết không thuận lợi khiến bưởi diễn kém đậu quả, sản lượng giảm từ 40% – 60% so với năm 2014.
Những năm trở lại đây, nhiều nông dân ở Hướng Hóa (Quảng Trị) đã đưa giống cây thanh long ruột đỏ (TLRĐ) từ miền Nam về trồng thử nghiệm.
5 năm trước, khi giống thanh long ruột trắng gần như bị quên lãng trong suy nghĩ của nhiều nông dân, thì vợ chồng anh Mai Lam Phương (ấp Ngọc Tuấn, thị trấn Cái Nước, huyện Cái Nước) lại có ý tưởng phục tráng giống thanh long ruột trắng sinh thái, chịu mặn, chất lượng cao.