Lại đối phó vụ đông xuân ấm
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia; El Nino năm 2015 có cường độ tương đương với El Nino mạnh kỷ lục 1997-1998, song là đợt El-Nino dài nhất trong vòng 50 năm gần đây, 90% khả năng sẽ kéo dài đến hết vụ ĐX 2015-2016.
Mặc dù là gần cuối chu kỳ, nhưng El Nino sẽ tiếp tục với những tác động: Nền nhiệt độ trung bình ở hầu hết các khu vực trên cả nước có xu hướng cao hơn trung bình nhiều năm (TBNN).
Trong những tháng mùa đông, hiện tượng rét đậm - rét hại thường ít hơn TBNN và không kéo dài.
Mùa mưa đến muộn và kết thúc sớm, tổng lượng mưa phổ biến thiếu hụt so với TBNN ở các khu vực của nước ta.
Tại khu vực Bắc bộ lượng mưa phân bố không đồng đều.
Lượng mưa ở Trung bộ có thể thiếu hụt đến 30 - 60%. Như vậy, dự báo tình hình vụ ĐX tới ở miền bắc là: Ấm rõ rệt đầu vụ; hạn hán, thiếu nước gay gắt xảy ra ở nhiều vùng, nhất là Bắc Trung bộ và trung du, miền núi phía Bắc.
Vụ ĐX 2014-2015 cũng là một vụ ấm, tuy nhiên thiếu nước thì không đến mức gay gắt như dự báo của vụ này, ấm 2 vụ ĐX kế tiếp nhau cũng là trường hợp rất hiếm gặp, vì sau vụ ấm hoặc rất ấm do El Nino, thông thường là vụ rét.
Chu kỳ này theo quy luật sẽ lặp lại sau 4 - 6 năm do giữa El Nino và La Nina có các hình thái chuyển tiếp để rồi lặp lại chu kỳ El Nino và La Nina.
Cũng do El Nino kéo dài nhất trong lịch sử mà có những 2 vụ ĐX ấm liên tục.
Lịch sử những vụ ĐX ấm
Như vậy, trong SX nông nghiệp, nhất là lĩnh vực trồng trọt những năm gần đây, chúng ta đã và đã từng phải ứng phó với vụ xuân ấm không ít lần.
Vụ ĐX 1987-1988, năm đó mùa đông chỉ thoảng qua, miền Bắc với cơ cấu chủ yếu các giống dài ngày trà lúa chiêm và xuân sớm như VN10, M2, 424 mất mùa nặng do lúa giai đoạn mạ không được “qua đông”. Khi đó năng suất của tỉnh lúa Thái Bình bình quân cũng chỉ đạt gần 20 tạ/ha; giảm tới 65 - 70%.
4 năm sau, vụ ĐX 1991-1992; lại một vụ xuân ấm, cơ cấu giống lúa giai đoạn này vẫn còn 60 - 70% các giống dài như VN10, một số vùng đã đưa vào nhóm trung ngày như C70, C71, NN8.
Vụ này khi cấy xuống (tuần 3 tháng 1), nhiệt độ “gần như mùa hè” và lúa cứ vậy lên vùn vụt, ăn tết âm lịch lúa nhiều vùng đã kín đất, trổ tập trung đầu tháng 4, gặp rét, mặc dù bông cũng to, nhiều hạt nhưng lép lửng 65 - 70%.
Đi trên đường nhìn lá lúa vàng sáng cứ tưởng được mùa, xuống đầu bờ thì khác và lội xuống ruộng mới ngã ngửa người vì bông lúa chỏng chơ, chỉ được chục hạt mẩy.
Năng suất lúa năm này cũng chỉ đạt gần 24 tạ/ha, mức thụt giảm 50 - 55%.
Vụ ĐX 1997-1998, 6 năm sau, một chu kỳ El Nino mạnh lại đến và ngành nông nghiệp lại “gồng mình” chống ấm.
Năng suất lúa vụ này cũng chỉ đạt trên dưới 40 tạ/ha, giảm 35 - 40%.
Cơ cấu giống cũng đã nhiều thay đổi, tỷ lệ giống dài ngày giảm, X21, Xi23 thay VN10.
Giống lúa thuần ngắn ngày như CR203 (IR8423), lúa thuần, lúa lai Trung Quốc đã phổ biến ngoài SX.
Như vậy, với tiến bộ kỹ thuật về giống và canh tác hiện nay, chúng ta chuyển từ vụ lúa chiêm xuân sang vụ lúa xuân.
Với các giống ngắn ngày chúng ta có vụ xuân muộn (có thể gọi là vụ xuân hè).
Với vụ này, rõ ràng rét cũng chẳng ngại mà ấm cũng chẳng sợ.
Các vụ ấm gần nhất như vụ ĐX 2001-2002, vụ ĐX 2006-2007, năng suất lúa giảm gần 10 tạ/ha so với vụ liền kề trước đó.
Vụ ĐX 2014-2015 cũng là một vụ ấm điển hình.
Tuy nhiên miền Bắc vẫn được mùa, nhiều tỉnh năng suất cao không kém những vụ xuân rét, năng suất bình quân gần 62 tạ/ha, giống BC15 vẫn đạt 72 - 75 tạ/ha; lúa lai 75 tạ/ha.
Cơ cấu trên 90% giống lúa ngắn ngày và giống lai.
Một số vùng trà sớm cũng được gieo lùi lại, phương thức canh tác thay đổi với gieo sạ gieo vãi, mạ khay, mạ nền là phổ biến.
Những giải pháp
- Thông tin, truyền thông: Sớm, nhanh và kịp thời.
Trước hết các địa phương cần tuyên truyền sâu rộng, mạnh mẽ nhất về sự biến đổi khí hậu, về một vụ xuân ấm và hạn ở miền Bắc, nhất là hạn ở Bắc Trung bộ, TDMNPB và giải pháp kỹ thuật.
Các kênh thông tin cần được huy động và ưu tiên thời lượng cho công tác cảnh báo này: Báo hình, báo viết, báo mạng và phát thanh, truyền thanh tỉnh, huyện, xã phát liên tục, nói ra rả để thấm vào từng người dân.
Vì dân là người làm, người quyết định lựa chọn gieo trà nào, giống nào, khi nào với sự hướng dẫn cụ thể của cơ quan quản lý và kỹ thuật.
Hình thức có thể là tọa đàm, trao đổi, phỏng vấn…
- Cơ cấu giống: Vụ xuân ấm, hạn, thiếu nước cách lựa chọn thông minh, hiệu quả nhất là giống lúa ngắn ngày, giống lúa ưu thế lai (gồm cả nhóm giống năng suất và chất lượng, giống Japonica).
Nếu các giống trung và dài ngày từ khi gieo đến thu hoạch phải từ 170 - 190 ngày, các giống ngắn ngày hiện nay chỉ từ 125 - 135 ngày.
Về khoa học, để có năng suất cao, các giống dài ngày phải qua đông, phải gieo cấy sớm và tiêu tốn nước cũng sẽ nhiều hơn.
Nếu không có mùa đông, không có những đợt rét đậm, rét hại, nhóm dài ngày thường bị già sớm, phân hóa sớm, trổ sớm và năng suất sẽ thấp, sẽ càng thấp hơn khi trổ bông, phơi màu lại gặp rét muộn cuối tháng 4.
Làm mạ khay ở huyện Phúc Thọ (Hà Nội)
Các giống ngắn ngày, gieo cấy khi đã lập xuân (giống không cần qua đông), vì thế mùa đông dù có lạnh hay ấm cũng ít bị ảnh hưởng đến sinh trưởng và năng suất, chẳng sợ các giống này phân hóa đòng mà lại gặp rét nàng Bân.
Cái lợi nữa là tốn ít nước, năm hạn thì nước luôn được xem như “vàng”.
Cần chủ động, sâu sát và làm quyết liệt để vụ lúa xuân 2016 giành thắng lợi, và nó chính là thước đo sự tin cậy của nông dân với ban lãnh đạo mới sau kỳ đại hội
Khi cơ cấu các giống dài ngày còn nhiều, chúng tôi đã có một nghiên cứu và điều tra trong 5 năm liền, cả vụ ấm và rét.
Kết quả cho thấy giống dài ngày giảm năng suất trầm trọng và biến động rất mạnh khi gặp năm ấm, còn giống ngắn ngày gieo vào lập xuân vẫn cho năng suất đến trên 70 tạ/ha, lúa ưu thế lai như D.ưu 527, Syn 6, HYT100, ZZD001… cho năng suất đến 80 tạ/ha.
-Thời vụ: Năm ấm nên tuyên truyền vận động nông dân đồng loạt sử dụng giống ngắn ngày, gieo xung quanh tiết Lập xuân (4/2 DL), đó là cách để có thể xây dựng lịch lấy nước, xả nước thủy điện tập trung, kết hợp tính toán triều cường hiệu quả mà vẫn đảm bảo được cả mục tiêu SX nông nghiệp lẫn việc tích nước cho phát điện phục vụ công nghiệp và dân sinh.
- Phương thức gieo cấy: Vụ ấm cần phát triển mạnh hình thức gieo sạ, gieo vãi, gieo thẳng hàng bằng dụng cụ cải tiến, làm mạ nền cứng, mạ khay để giảm chi phí và tập trung trong khung thời vụ tốt nhất.
- Phân bón và nước tưới: Vụ ấm, phân bón bị phân giải nhanh, sẽ tốn phân hơn vì vậy để có năng suất cao cần đầu tư cao hơn bình thường, tuy nhiên nguyên tắc chung vẫn phải là bón phân cân đối và tập trung, nặng đầu nhẹ cuối.
Vụ xuân lúa vừa trổ vừa tốt, nhất là gặp mưa cuối vụ bổ sung thêm đạm từ khí trời, vì vậy không nên bón muộn sẽ gây thừa đạm, dễ bị sâu bệnh hại.
Nước được ví như “áo” của lúa xuân, và “xuân thì chết khô còn mùa chết úng”, do vậy cần giữ nước đều cho giai đoạn sau cấy và đẻ nhánh để lúa không bị chết mất khoảng, sau khi đẻ kín đất thì rút nước theo cách “nông, lộ, phơi”, tiết kiệm và tránh lãng phí nước.
- Thủy lợi: Các địa phương cần huy động nông dân tập trung làm thủy lợi nội đồng sớm sau thu hoạch lúa mùa nhất là ở những vùng không làm cây vụ đông, tu sửa, nạo vét kệnh mương, ao đầm chứa nước, nhất là vùng Bắc Trung bộ và trung du miền núi phía Bắc.
Tỉnh, huyện cần có kế hoạch kiểm đếm nguồn nước sớm và tính toán trữ nước đệm suốt vụ phục vụ đổ ải làm đất gieo cấy và cả tưới dưỡng giai đoạn lúa đẻ nhánh rộ, trổ bông.
- Sâu bệnh hại: Vụ ấm diễn biến sâu bệnh cũng được tiên lượng sẽ phức tạp, bệnh đạo ôn lá sẽ phát sinh ngay từ sớm, giai đoạn mạ và lúa đẻ nhánh, sâu cuốn lá, đục thân, rầy các loại, do ấm sẽ không ngủ đông hoặc ngủ đông ngắn, vòng đời nhanh hơn, nguồn thức ăn lại dồi dào sẽ là cơ hội cho phát sinh thành dịch.
Vì vậy cần tăng cường cán bộ kỹ thuật khuyến nông, bảo vệ thực vật, bám sát đồng ruộng cùng bà con nông dân phát hiện nhanh, kịp thời và khoanh vùng, diệt gọn không để nguồn sâu bệnh phát tán gây hại.
- Chuyển đổi mạnh mẽ tất cả các vùng, khu vực khó khăn về nước tưới, trồng lúa chi phí cao, kém hiệu quả sang trồng các cây trồng cạn như ngô xuân với các giống ngô cao sản, ngô kháng sâu đục thân, đục bắp, kháng thuốc trừ cỏ; đậu tương xuân, khoai lang, khoai tây xuân làm giống, dưa bí và rau các loại.
Tạo điều kiện cho doanh nghiệp hợp đồng bao tiêu nông sản, nhất là rau màu, tổ chức SX theo quy trình đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao giá trị cho nông dân.
- Sớm xây dựng kế hoạch và bố trí ngân sách cho công tác đào tạo, tập huấn nông dân ngay từ trước khi vào vụ gieo trồng; tăng cường hình thức huy động nguồn lực hỗ trợ từ các doanh nghiệp cung ứng vật tư nông nghiệp đầu vào (giống, phân bón, thuốc BVTV…) để nhiều nông dân được học, được huấn luyện cũng như hiểu rõ được họ đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức về biến đổi khí hậu như thế nào.
Có thể bạn quan tâm
Ở tuổi 48, ông Nguyễn Tiến Nam, ngụ ấp B2, xã Phước Minh (Dương Minh Châu - Tây Ninh) đã là một chủ trang trại nuôi gà và heo với lợi nhuận là 850 triệu đồng/năm. Điều đáng nể hơn là ông Nam đã khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng.
Theo một số thương lái, hiện giá heo hơi đang giảm khoảng 600.000 đ/tạ so với 2 tháng trước. Nguyên nhân là do nguồn cung vượt cầu, đồng thời nhiều người lo ngại thịt heo còn tồn dư hóa chất khiến sức mua giảm.
Với 300 cặp bồ câu Pháp, mỗi năm anh Ngô Tùng Sơn (SN 1990) ở thôn An Mỹ, xã Mỹ Cát (Phù Mỹ, Bình Định) thu lãi ròng hơn 100 triệu đồng.
Khoảng 2 tuần trở lại đây giá heo hơi liên tục giảm sâu, hiện chỉ còn 3,6 - 4 triệu đồng/tạ (100kg). Với mức giá này người chăn nuôi bị lỗ vốn từ 200 - 300 ngàn đồng/tạ. Tuy nhiên, thị trường heo thịt vẫn không có dấu hiệu “hạ nhiệt” tương ứng đã gây không ít bức xúc cho cả người tiêu dùng lẫn người chăn nuôi.
Tổ hợp tác sản xuất nấm xã Phú Hưng (Phú Tân - An Giang) mới thành lập chưa đầy hai năm, nhưng hiệu quả mang lại rất khả quan vì tìm được đầu ra ổn định để tiêu thụ sản phẩm, giúp giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho nhiều hộ gia đình ở nông thôn.