Kỳ Vọng Trúng Vụ Cá Bổi
Cuối tháng 11 - thời điểm người dân vùng ngọt hóa của tỉnh Cà Mau vào mùa thu hoạch cá sặc rằn (còn gọi cá bổi) cung ứng nhu cầu làm khô dịp Tết Nguyên đán 2014. Người dân đang kỳ vọng giá cá bổi ổn định ở mức cao, để có một cái Tết đầm ấm.
Khảo sát một vài chợ nông sản tại TP Cà Mau như phường 8, phường 7, phường 4, cá bổi tươi được bày bán khá phổ biến. Cá to khoảng 3 ngón tay chập lại giá từ 50.000-60.000 đồng/kg. Theo các tiểu thương, nguồn cá bổi tươi này lấy từ vùng ngọt hóa Trần Văn Thời, U Minh Hạ. Huyện Trần Văn Thời là vùng nguyên liệu cá bổi lớn nhất tỉnh Cà Mau, diện tích vùng nuôi liên tục mở rộng. Cuối năm 2011, đặc sản khô bổi U Minh Hạ (Cà Mau) được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận Nhãn hiệu tập thể, vùng nuôi cá bổi được nhà nông huyện Trần Văn Thời mạnh dạn đầu tư nhiều hơn. Vùng nuôi của huyện tập trung nhiều ở thị trấn Trần Văn Thời và các xã Trần Hợi, Khánh Hưng, Khánh Bình Tây. Dọc tuyến lộ nhựa từ trung tâm thị trấn Trần Văn Thời về Trần Hợi, Khánh Hưng, vài hộ dân đang tranh thủ phơi cá bổi khô. Theo người nuôi, cá bổi nuôi công nghiệp làm khô ngon hơn cá nuôi lan tự nhiên vì cá đủ thức ăn.
Huyện Trần Văn Thời hiện có trên 11.000ha nuôi cá đồng tự nhiên các loại, riêng diện tích nuôi cá bổi hình thức thâm canh trên 200ha (tăng trên 90ha so với cùng kỳ năm 2012) với trên dưới 400 hộ nuôi, năng suất khoảng 15 tấn/ha. "Nếu một ký cá bổi tươi bán với giá từ 60.000-80.000 đồng/kg (tùy loại), sau khi trừ chi phí, người nuôi thu lời bình quân khoảng 20.000 đồng/kg. Còn làm khô, người nuôi lời thêm khoảng 10%. Dịp Tết, nhu cầu mua sắm trên thị trường cao, đặc biệt là mặt hàng khô, nên người nuôi cá bổi trụ vững, vùng nuôi liên tục phát triển, hộ nuôi thu nhập ổn định" – kỹ sư Sử Văn Minh, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Trần Văn Thời, cho biết.
Chú Ba Đức (Lê Minh Đức, khóm 7, thị trấn Trần Văn Thời) có hơn 3ha mặt nước nuôi cá bổi công nghiệp, mỗi năm thu hoạch trên 35 tấn cá thương phẩm. Chú Đức cho biết: "Cá bổi được nuôi duy nhất một vụ trong năm, thả giống thời điểm đầu tháng 3 dương lịch và thu hoạch dần sau 8-9 tháng nuôi. Số lượng nhiều nên cá ở nhà chủ yếu làm khô để tăng giá trị và lợi nhuận, tôi còn mua thêm khoảng 15 tấn cá bổi của hộ dân trong xóm để đảm bảo đủ lượng khô cung ứng cho các tiểu thương, đặc biệt là dịp Tết đến". Cô Nguyễn Thị Hoa ngụ cùng khóm 7 hiện có trên 5 tấn cá bổi dự kiến thu hoạch cuối tháng 11-2013 này, cô nhẩm tính: "Nếu giá cá giữ mức ổn định như cùng kỳ năm trước, vụ này gia đình tôi thu lời không dưới 100 triệu đồng".
Những năm gần đây, huyện Trần Văn Thời tăng cường áp dụng cơ giới hóa trong nông nghiệp nên trồng lúa được 2 vụ/năm. Do vậy, diện tích nuôi cá bổi lan tự nhiên không nhiều như trước mà nhà nông tập trung nuôi công nghiệp trong ao đất. Nuôi lan phải thu hoạch sau khi thu hoạch lúa, thời gian nuôi ngắn, cá thiếu thức ăn không đủ sức lớn, còn nuôi công nghiệp chủ động được nguồn thức ăn. Tại xã Khánh Hưng-vùng giáp ranh với rừng tràm đặc dụng Vồ Dơi, hầu hết hộ nuôi cá bổi tự nhiên của xã này giờ đã chuyển qua nuôi dạng công nghiệp. Ông Hồ Thiên Chúa, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Hưng, cho biết: "Hơn 2 tuần nữa, vùng cá bổi nguyên liệu của xã sẽ thu hoạch đông ken. Nếu cá loại I (khoảng 8 con/kg) giữ mức giá trên 65.000 đồng/kg như hiện nay, người nuôi cá ở xã chắc chắn có một cái Tết sung túc". Hiện giá cá bổi tươi đang ổn định nhưng người nuôi cũng phập phồng do thời điểm thu hoạch rộ, giá cá thường chựng lại và có chiều hướng giảm.
Theo thống kê của Phòng NN&PTNT huyện Trần Văn Thời, giá cá bổi thường giảm vào vụ thu hoạch rộ, đặc biệt là thời điểm cận Tết, bình quân giá sụt khoảng 10% so với đầu vụ thu hoạch. Do đó, nhiều hộ nuôi cá bổi không bán cá tươi khi thu hoạch mà chủ động làm khô, vì nhu cầu mặt hàng cá khô cao vào dịp Tết. Mặt khác, bà con vừa trữ khô được lâu, bán giá cao và lời nhiều hơn bán cá tươi. Tết Nguyên đán sắp đến, nhà nông vùng quê Trần Văn Thời nói riêng, người nuôi cá bổi Cà Mau đang kỳ vọng có vụ cá may nhiều, rủi ít để có một cái Tết sung túc.
Có thể bạn quan tâm
Thời gian qua, các nhà khoa học trong nước đã chọn tạo thành công ba giống cam không hạt và đã được Bộ NN&PTNT cho phép chuyển giao vào sản xuất, bao gồm: cam mật không hạt, cam sành không hạt và cam V2.
Bình Thuận là tỉnh có diện tích trồng thanh long lớn nhất cả nước, trái thanh long được xem là “chìa khóa” xóa đói giảm nghèo, “bí quyết” để nông dân làm giàu. Tuy nhiên, hiện nay “cơn sốt” sản xuất, phát triển ồ ạt diện tích trồng thanh long trở thành “điểm nóng” đáng quan ngại.
Thị trường cà phê toàn cầu, gồm cả arabica and robusta, sẽ thiếu hụt khoảng 11,3 triệu bao trong giai đoạn 2014-2015 - mức cao nhất trong vòng một thập kỷ qua.
Cảng cá Quy Nhơn, Bình Định là một trong những cảng cá quy mô lớn khu vực miền Trung, mỗi ngày ở đây có đến hàng trăm tàu cá cập cũng như xuất bến. Dù trong thời gian qua, tàu Trung Quốc tìm cách xua đuổi, đâm tàu cá ngư dân Việt Nam nhưng ngày nào ở cảng cá này cũng hoạt động nhộn nhịp bởi ngư dân vẫn quyết tâm vươn khơi.
Trong thời gian tập huấn, các học viên cũng được chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức về kỹ thuật trồng cây cà phê, được thuyết trình, thảo luận nhóm. Sau khóa tập huấn các học viên sẽ là những tuyên truyền viên tích cực gương mẫu trong phong trào thi đua sản xuất giỏi giúp các bản, xã tại địa phương phát triển trồng cây cà phê mang tính bền vững lâu dài, có định hướng.