Kỹ Thuật Trồng Và Chăm Sóc Cây Mía
( www.binhdien.com )
Ngày nay cây mía đang bị cạnh tranh bởi nhiều cây trồng khác, diện tích mía khó có thể gia tăng thậm chí nhiều vùng còn có xu hướng bị thu hẹp dần. Chính vì vậy việc phát triển mía theo hướng thâm canh để đạt năng suất đường cao nhất trên một đơn vị diện tích là vần đề thiết thực và đúng đắn.
Để đạt được điều đó cần phải có biện pháp kỹ thuật tổng hợp từ làm đất, chọn giống, trồng, bón phân, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh.
1. Thời vụ, làm đất, chọn giống:
Do hầu hết diện tích mía ở nước ta trồng nhờ nước trời nên chỉ có 2 vụ trồng đó là đầu mùa mưa và cuối mùa mưa. Vụ đầu mùa mưa trồng trong tháng 4-5 để sau khi mía nảy mầm sẽ có đủ nước cho mía sinh trưởng, phát triển, kịp thu hoạch vào tháng 12 đến tháng 3 năm sau. Cuối mùa mưa nên trồng trong tháng 9-11 tùy theo vùng kết thúc sớm hay muộn. Vụ trồng này giúp mía kết thúc nảy mầm bắt đầu đẻ nhánh khi sang mùa khô và chịu đựng được khô hạn để đầu mùa mưa sẽ vươn cao nhanh, đảm bảo thu hoạch cho vụ ép sớm.
Mía là cây không kén đất nên có thể trồng được trên nhiều loại đất khác nhau như: đất phù sa, đất xám, đất đỏ, đất cát và cả đất phèn. Đất ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên thường cho mía có chữ đường cao hơn so với vùng ĐBSCL.
Cày đất là khâu quan trọng giúp bộ rễ mía ăn sâu, chịu hạn, chống đổ và tăng khả năng cung cấp dinh dưỡng cho cây. Cày lần đầu cần sâu khoảng 40-50cm, bừa kỹ, dọn sạch cỏ rác. Bón 1-1,5 tấn vôi bột/ha trước khi bừa lần cuối. Khoảng cách hàng trồng tùy theo điều kiện chăm sóc. Nếu xới bằng máy khoảng cách 1-1,2m, nếu chăm sóc thủ công có thể trồng dày hơn. Lượng giống trồng từ 8-10 tấn/ha tùy theo loại giống và chất lượng giống.
Giống mía có vai trò rất quan trọng trong thâm canh mía. Để có năng suất đường cao cần chọn những giống có chữ đường cao, năng suất cao như: ROC 25, ROC 27, ROC 16, MEX… Mía có thể trồng bằng hom ngọn hoặc toàn bộ cây tuy nhiên không nên trồng cây quá già mà chọn cây khoảng 6-8 tháng tuổi, sạch bệnh. Ruộng làm giống nên tưới, chăm sóc kỹ, bón phân đầy đủ và cân đối để có hom giống tốt, tỷ lệ nảy mầm cao.
2- Bón phân cho mía:
Cây mía có nhu cầu kali cao nhất sau đó đến đạm và lân, ngoài ra, mía còn có nhu cầu một số nguyên tố với lượng ít hơn, gọi là các chất trung và vi lượng (TE). Các nguyên tố trung và vi lượng có ảnh hưởng nhiều đến khả năng sinh trưởng và phát triển của cây mía là magiê, canxi, kẽm, bo. Khi cung cấp không đủ dinh dưỡng, cây mía sẽ có các triệu chứng như sau:
- Thiếu đạm: Lá non nhỏ, ngắn, xanh lợt, lá già vàng, nếu thiếu nặng, lá bị chết khô từ chóp lá vào giữa gân chính, hoặc vàng hay khô một bên lá, cây mọc yếu đẻ nhánh ít, thân nhỏ, thấp... năng suất kém.
- Thiếu lân: cây con có lá màu xanh dương ửng tím, thiếu nặng có những vết tím dọc trên lá và bẹ lá. Ở cây mía trưởng thành, thiếu lân làm cho lá ngắn, phiến lá hẹp, khả năng chịu hạn kém. Thiếu nặng mía đẻ nhánh kém, những nhánh mía đẻ muộn thường bị chết, cây yếu, lóng nhỏ và ngắn, năng suất thấp.
- Thiếu kali: mặt trên gân chính của lá xuất hiện những vệt đỏ, nếu thiếu nặng lá bị khô từ chóp lá trở xuống, mép lá trở vào, thân cây nhỏ, yếu, dễ bị bệnh, năng suất và chữ đường đều thấp.
- Thiếu magiê: lá có những vệt sọc trắng sau lan rộng làm mất màu phần thịt lá, gân lá vẫn còn xanh, năng suất thấp.
- Thiếu canxi: cây thấp, dễ bị nứt vỏ và đổ ngã, năng suất thấp.
- Thiếu sắt: hàm lượng đạm trong lá giảm trong khi lân, kali, canxi và magiê tăng, cây kém phát triển, năng suất và chất lượng thấp.
- Thiếu kẽm: cây còi cọc, lá mọc sít nhau, cây tù ngọn. Thiếu kẽm thường dẫn tới hàm lượng đạm và magiê trong lá giảm, năng suất thấp.
- Thiếu bo: cây kém phát triển, hàm lượng kali trong lá tăng và magiê giảm.
- Thiếu đồng: cây kém phát triển, khả năng chống chịu sâu bệnh kém. Thiếu đồng cũng dẫn đến hàm lượng magiê trong lá thấp, năng suất và chữ đường thấp.
- Thiếu mangan: cây còi cọc, hàm lượng đạm trong lá giảm. Khi có triệu chứng thiếu dinh dưỡng cũng là lúc cây mía đã thiếu nghiêm trọng và ảnh hưởng nhiều đến năng suất mía cây cũng như chữ đường. Để tránh tình trạng này biện pháp chẩn đoán dinh dưỡng qua lá để biết trước tình trạng dinh dưỡng trong lá và đề ra biện pháp khắc phục rất cần thiết (xem bảng bên dưới).
Bảng chuẩn đoán dinh dưỡng qua lá mía | |||
Chất/đơn vị tính | Hàm lượng chất dinh dưỡng qua lá mía ở các ngưỡng | ||
Thiếu | Trung bình | Thừa | |
N (%) | 1,5 - 1,75 | > 2 | |
P (%) | 0,18 - 0,22 | > 0,26 | |
K (%) | 1,25 - 1,75 | > 2 | |
Mn (ppm) | 40 - 250 | > 400 | |
Zn (ppm) | 20 - 100 | - | |
Cu (ppm) | 5 - 15 | - | |
B (ppm) | 5 - 15 | - | |
Mo (ppm) | 0,04 - 0,08 | 0,08 - 0,8 | - |
Nguồn Colden và Ricaud 1965; Evans 1965 |
Các giống mía khác nhau có nhu cầu phân bón khác nhau. Tuy nhiên, trong từng thời kỳ sinh trưởng cây thì nhu cầu về tỷ các chất dinh dưỡng tương đối giống nhau giữa các giống. Giai đoạn trồng mới đến đẻ nhánh tối đa, cây mía cần nhiều đạm để đâm chồi đẻ nhánh, nhiều lân để phát triển bộ rễ, kali với lượng vừa phải giúp cho cây mía cứng cáp chống chịu sâu bệnh. Giai đoạn từ khi vươn lóng đến chín, thu hoạch, cây mía cần nhiều kali và đạm hơn so với lân. Chính vì vậy phân bón phù hợp với mía cần có 2 loại cho hai giai đoạn sinh trưởng phát triển. Hiện nay nhiều giống mía mới có nhu cầu dinh dưỡng giai đoạn đầu khá cao do vậy cần tập trung bón phân sớm để cây nảy mầm tốt, đẻ nhánh nhiều, vươn cao mạnh và tích lũy nhiều lượng đường trong cây.
Để tiện lợi trong khâu quản lý dinh dưỡng tổng hợp cho mía nhằm đạt năng suất cao, chữ đường cao và giữ được gốc nhiều năm, Công ty Bình Điền xin giới thiệu sản phẩm phân bón chuyên dùng cho mía:
Phân Đầu Trâu TE-Mía 1: là loại tổng hợp có chứa 20% N, 10% P2O5, 15%K2O và trung vi lượng (TE); với hàm lượng đạm cao giúp cho mía đâm chồi sớm, chồi khỏe, lân dễ tiêu có tác dụng phát triển bộ rễ, kali vừa đủ giúp cho cây mía cứng cáp chống chịu sâu bệnh và các chất trung vi lượng cho cây mía phát triển cân đối chống đổ ngã.
Phân Đầu Trâu TE-Mía 2: có 15%N, 7% P2O5, 20%K2O và trung vi lượng (TE), thích hợp bón ở giai đoạn mía vươn lóng, giúp cây vươn lóng nhanh, tích lũy đường nhiều sớm thu hoạch và đạt chữ đường cao. Phân Đầu Trâu CM1 có hàm lượng 16%N, 8%P2O5, 18%K2O, các chất trung vi lượng, thích hợp và tiện dụng để bón cho tất cả các thời kỳ từ lót, thúc 1 và thúc 2 cho mía, giúp mía phát triển mạnh, năng suất cao và chất lượng tốt.
Phân hữu cơ sinh học Biorganic Đầu Trâu có tác dụng cung cấp chất hữu cơ, cải tạo đất, làm đất tơi xốp, giúp cho rễ mía phát triển mạnh tăng hiệu suất hấp thu phân bón, thích hợp để bón lót cho mía, nhất là vùng đất xám, đất cát và đất nghèo hữu cơ.
Quy trình sử dụng phân bón Đầu Trâu cho cây mía như sau:
- Lót trước khi trồng hoặc sau khi đốn với mía gốc: Phân hữu cơ: bón 20-30 tấn bã bùn, phân hữu cơ hoai hoặc 2-3 tấn phân hữu cơ sinh học Biorganic Đầu Trâu. Phân chuyên dùng: bón 200-250kg Đầu Trâu TE-Mía 1 hoặc 250-300kg Đầu Trâu CM1/ha, vào rãnh sau khi rạch hàng, lấp một lớp đất mỏng 3-5cm rồi đặt hom.
- Thúc đẻ nhánh: 200-250kg Đầu Trâu TE-Mía 1 hoặc 250-300kg Đầu Trâu CM1/ha, sau khi làm cỏ lần 2, giúp cho mía đâm chồi đẻ nhánh sớm và tập trung. Cách bón, dùng cuốc hoặc trâu bò cày sâu 10-15cm vun nhẹ vào gốc.
-Thúc vươn lóng: 300-350kg Đầu Trâu TE-Mía 2 hoặc 350-400kg Đầu Trâu CM1/ha, kết hợp với vun gốc mía giúp chống đổ ngã, tăng chiều cao và mía sớm đạt chữ đường.
3- Chăm sóc:
Sau khi trồng 10-15 ngày nếu gặp mưa nên xới phá váng. Làm cỏ lần 1 kết hợp với dặm, khi mía được 4-5 lá. Làm cỏ lần 2 và bón thúc đẻ nhánh, dùng cuốc hoặc trâu bò cày sâu 10-15cm vun nhẹ vào gốc. Thúc vươn lóng, kết hợp với vun gốc giúp mía phát triển thuận lợi, chống đổ ngã.
Khi mía có lóng và cao trên 1m, nếu có chồi mới (mía mầm hoặc chồi nước) nên nhổ bỏ vì đây là những chồi vô hiệu sẽ cạnh tranh dinh dưỡng của những thân chính làm giảm chữ đường và là nơi trú ngụ và phát sinh sâu bệnh. Đối với mía gốc, sau khi thu hoạch cần tổng vệ sinh đồng ruộng, vùi lấp hoặc đốt sạch lá khô để diệt mầm sâu bệnh, sau đó dùng cuốc thật sắc xén lại các gốc còn cao và các chồi mầm còn sót lại.
Dùng cày hoặc cuốc hai bên hàng mía để bón 20-30 tấn hữu cơ/ha hoặc 2-3 tấn lân hữu cơ Đầu Trâu + 200-250kg Đầu Trâu TE-Mía 1/ha, sau đó lấp kín gốc, giữ cho mía nẩy mầm, các giai đoạn tiếp theo chúng ta chăm sóc như mía tơ.
4- Phòng trừ sâu bệnh:
Có thể tiến hành bóc lá để hạn chế sâu bệnh, rệp, chuột và hạn chế ra rễ trên thân. Một số sâu bệnh chính thường gặp như: bệnh thối đỏ, bệnh than đen, sâu đục thân, sâu hại gốc, rệp trắng... Phải thường xuyên theo dõi trên ruộng mía để kịp thời phòng trừ từng loại sâu bệnh và sử dụng thuốc cho thích hợp.
Có thể bạn quan tâm
Bệnh gây hại trên lá non, thoạt đầu là những đám màu trắng ở gốc lá non, dần dần xuất hiện thành đốm sọc nhỏ màu nâu và hợp lại thành vết to, do vết bệnh xoắn lùn làm cho phiến lá dị hình
Bệnh hại trên lá già ở cuối thời kỳ sinh trưởng của cây mía. Bệnh xuất hiện đầu tiên là những chấm hình thoi hoặc hình bầu dục. Kích thước từ 2-3, 5-10mm; mầu xanh thẫm, màu nâu sau chuyển sang màu đỏ nâu
Với đặc tính chín sớm, hàm lượng cao và chịu được khô hạn, trong vòng 10 năm trở lại đây giống mía VN84-4173 luôn là giống chủ lực ở vùng mía Nước Trong, tỉnh Tây Ninh
Bệnh hại chủ yếu ở mía cây đã lớn. Triệu chứng điển hình là khi chẻ dọc thân cây mía thì có các vệt đỏ nâu ở các mạch dẫn có mùi rượu
Để có thể ổn định và phát triển sản xuất mía đường có nhiều vấn đề về kinh tế và kỹ thuật cần phải giải quyết, trong đó biện pháp cơ bản hàng đầu là phải quy hoạch vùng nguyên liệu