Các Giống Mía Khuyến Cáo Sản Xuất Ở Đồng Bằng Sông Cửu Long
Từ kết quả nghiên cứu, khảo nghiệm giống trong giai đoạn 2006 - 2008 ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển mía đường đã kết luận rằng, hiện nay, ở khu vực ĐBSCL chỉ nên khuyến cáo nông dân tăng cường sử dụng các giống mía có nguồn gốc từ Việt Nam (như VN84 - 4137, VN85 - 1427, VN85 - 1859…) và Thái Lan (như K84 - 200, KK2, K88 - 65, K93 -236, K95 - 156, KU60 - 1, KU00 - 1-61, Suphanburi 7…). Sau đây, chúng tôi xin giới thiệu cụ thể về một số giống mía nhập nội tốt cho khu vực ĐBSCL:
1. Giống K95-156 (PL310 x U-Thong1)
- Nguồn gốc: Lai tạo tại tỉnh Suphan Buri, Thái Lan năm 1995. Được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Mía Đường nhập vào Việt Nam năm 2005.
- Đặc điểm nông nghiệp: Mọc mầm khỏe, đồng đều, đẻ nhánh khá, tốc độ vươn lóng nhanh, mật độ cây cao, có khả năng chống chịu sâu đục thân, bệnh than; chịu hạn, ít bị đổ ngã, lưu gốc tốt. Năng suất cao, kết quả khảo nghiệm ở Long An, Sóc Trăng và Hậu Giang đạt từ 121 – 162 tấn/ha.
- Đặc điểm công nghiệp: Hàm lượng đường cao, kết quả khảo nghiệm ở Long An, Sóc Trăng và Hậu Giang có chữ đường (CCS) đạt từ 11,53 – 12,73%.
2. Giống mía Suphanburi 7 (85-2-352 x K84-200)
- Nguồn gốc: Lai tạo tại tỉnh Suphan Buri, Thái Lan. Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Mía đường nhập nội năm 2005.
- Đặc điểm nông nghiệp: Mọc mầm khá, đẻ nhánh mạnh, tốc độ vươn lóng nhanh, có khả năng chống chịu sâu đục thân, bệnh than; chịu hạn, ít bị đổ ngã, lưu gốc tốt. Là giống mía chịu thâm canh, năng suất cao. Kết quả khảo nghiệm ở Long An, Sóc Trăng và Hậu Giang đạt từ 134 - 159 tấn/ha.
- Đặc điểm công nghiệp: Hàm lượng đường khá, kết quả khảo nghiệm ở Long An, Sóc Trăng và Hậu Giang có CCS đạt từ 11,44 – 12,17%.
3. Giống mía KK2 (85-2-352 x K84-200)
- Nguồn gốc: Lai tạo tại tỉnh Suphan Buri, Thái Lan. Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Mía Đường nhập nội năm 2005.
- Đặc điểm nông nghiệp: Mọc mầm khỏe, nhanh, tỷ lệ mọc mầm khá, đẻ nhánh khá, tốc độ vươn lóng nhanh, ít bị đổ ngã, lưu gốc tốt. Năng suất nông nghiệp cao, kết quả khảo nghiệm ở Long An, Sóc Trăng và Hậu Giang đạt trung bình từ 95 – 133 tấn/ha.
- Đặc điểm công nghiệp: Hàm lượng đường rất cao, kết quả khảo nghiệm ở Long An, Sóc Trăng và Hậu Giang có CCS đạt từ 13,95 -14,12%.
4. K93-236 (U-thong1 x Ehaew)
- Nguồn gốc: Lai tạo tại tỉnh Suphan Buri, Thái Lan năm 1993. Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Mía Đường nhập nội năm 2005.
- Đặc điểm nông nghiệp: Tỷ lệ nảy mầm khá, mầm mọc nhanh, khoẻ, sức đẻ nhánh trung bình, đẻ tập trung khả năng vươn lóng nhanh. Ít đổ ngã. Mức độ chịu sâu đục thân, bệnh than và bệnh thối đỏ tốt, chịu úng, chịu hạn khá. Khả năng cho năng suất cao, kết quả khảo nghiệm ở Long An và Hậu Giang đạt từ 96 – 121 tấn/ha).
- Đặc điểm công nghiệp: Hàm lượng đường cao, CCS đạt từ 12,60 – 13,94%.
5. KU00-1-61 (K84-200 x Đa giao)
- Nguồn gốc: Lai tạo tại Kasertsat University, Thái Lan năm 2000. Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Mía Đường nhập nội năm 2005.
- Đặc điểm nông nghiệp: Khả năng mọc mầm tốt, đẻ nhánh trung bình. Sức vươn lóng nhanh, ít đổ ngã. Khả năng chịu sâu đục thân, bệnh than và bệnh thối đỏ tốt. Khả năng chịu úng, hạn khá. Năng suất cao, chịu thâm canh cao, kết quả khảo nghiệm ở Hậu Giang đạt trung bình 108 tấn/ha.
- Đặc điểm công nghiệp: Hàm lượng đường cao, kết quả khảo nghiệm ở Hậu Giang CCS đạt 13,38%.
6. Giống mía K88-65 (Co775 x PL310)
- Nguồn gốc: Lai tạo tại tỉnh Suphan Buri, Thái Lan năm 1988. Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Mía Đường nhập nội năm 2005.
- Đặc điểm nông nghiệp: Mọc mầm khỏe, tỷ lệ mọc mầm khá, đẻ nhánh mạnh, tốc độ vươn lóng chậm ở giai đoạn đầu, giai đoạn sau nhanh hơn, có khả năng chống chịu sâu đục thân, không bị nhiễm bệnh than và bệnh thối đỏ, chịu hạn, chịu úng phèn, không bị đổ ngã, không hoặc ít trỗ cờ, khả năng tái sinh của mía gốc tốt. Năng suất cao, kết quả khảo nghiệm ở Long An và Sóc Trăng đạt từ 120 - 134 tấn/ha.
- Đặc điểm công nghiệp: Hàm lượng đường khá, kết quả khảo nghiệm ở Long An và Sóc Trăng có CCS đạt từ 11,5 – 12,31%.
7. Giống mía KU60-3 (Co775 x K84-200)
- Nguồn gốc: Là giống mía đột biến phóng xạ (Cobalt 60) do Trường Kasertsat University (Thái Lan) lai tạo và tuyển chọn. Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Mía Đường nhập nội chính thức năm 2005.
- Đặc điểm nông nghiệp: Mọc mầm khỏe, mầm to, đẻ nhánh mạnh, tốc độ vươn lóng nhanh, mật độ cây cao, có khả năng chống chịu sâu đục thân; kháng bệnh đốm vàng, gỉ sắt, kháng trung bình bệnh than; chịu hạn, chịu úng khá, không bị đổ ngã, ít trỗ cờ, khả năng tái sinh của mía gốc rất tốt. Năng suất cao, kết quả khảo nghiệm ở Sóc Trăng và Hậu Giang đạt từ 136 - 155 tấn/ha.
- Đặc điểm công nghiệp: Hàm lượng đường cao, quả khảo nghiệm ở Sóc Trăng và Hậu Gian có CCS đạt từ 11,72 – 13,41%.
8. Giống mía ROC27 (F176 x CP58-48)
- Nguồn gốc: Lai tạo tại Viện Nghiên cứu Mía Đường Đài Loan. Được nhập nội vào Việt Nam năm 2004.
- Đặc điểm nông nghiệp: ROC27 có đặc điểm là nảy mầm tốt, sinh trưởng nhanh và mạnh ở giai đoạn đầu và giữa vụ. Mật độ cây trung bình, lóng dài, khả năng đẻ nhánh trung bình, năng suất cao, lá đứng, bẹ lá dễ bong, chịu gió và chống đổ hơi kém, ít bọng ruột, hiếm khi thấy trổ cờ. ROC27 kháng bệnh than chủng 3, bệnh mốc sương, bệnh tàn lụi lá (blight) và bệnh gỉ sắt thường, nhiễm bệnh khảm lá virus, nhiễm trung bình bệnh than và bệnh khô mép lá. ROC27 thích hợp trồng trên vùng đất sét, sét nhiều mùn, sét bùn nhiều mùn, đất cát nhiều mùn, đất mùn, đất mặn có tưới và đất tốt trung bình hoặc rất tốt. Năng suất cao, kết quả khảo nghiệm ở Sóc Trăng và Hậu Giang đạt từ 80 - 136 tấn/ha.
- Đặc điểm công nghiệp: Hàm lượng đường khá cao, kết quả khảo nghiệm ở Sóc Trăng và Hậu Giang đạt từ 13,11 – 13,38%.
9. Giống mía VĐ85-177 (VĐ57-423 x CP57-614 & CP72-1312)
- Nguồn gốc: VĐ85-177 là giống mía có nguồn gốc từ Trung Quốc. Nhập vào Việt Nam khoảng vào năm 2000. Đây là giống mía đang khảo nghiệm rất có triển vọng, năng suất cao, chất lượng cao, ít trổ cờ, thích hợp với vùng đất thấp. Có thể trồng thay thế cho giống VĐ86-368.
- Đặc điểm nông nghiệp: Mọc mầm khỏe, nhanh, tập trung, đẻ nhánh khá. Tốc độ vươn lóng nhanh. Kháng sâu bệnh hại, chưa thấy trổ cờ, không bị đổ ngã. Năng suất cao, kết quả khảo nghiệm ở Long An, Sóc Trăng và Hậu Giang đạt từ 95 – 131 tấn/ha.
- Đặc điểm công nghiệp: Có hàm lượng đường khá, kết quả khảo nghiệm ở Long An, Sóc Trăng và Hậu Giang có CCS đạt từ 10,56 – 11,42%.
Có thể bạn quan tâm
Năng suất mía càng cao, giá thành càng hạ, lợi nhuận càng nhiều, đất càng được cải tạo, độ phì càng tăng. Mía càng tốt, chỉ số diện tích lá càng lớn, độ che phủ càng cao, bộ rễ càng nhiều; trong mùa mưa đỡ xói mòn, sau khi thu hoạch, chất hữu cơ tồn dư trả lại cho đất càng nhiều
Chọn giống thuần, sạch bệnh, tốt nhất nên lấy giống từ các ruộng nhân giống trồng vụ thu (6-8 tháng tuổi). Tùy theo từng địa phương mà chọn giống cho phù hợp, nên chọn các giống mía có tiềm năng cho năng suất, chất lượng cao, phù hợp với từng loại đất. Với đất đồi nên chọn ươm các giống như: VN 84-4137, Quế đường 15 dòng chín sớm (QĐ15), Quế đường 16 dòng chín muộn (QĐ 116), QĐ 94-114, VĐ63-237; đất bãi, đất ruộng, đất đồi thấp đủ ẩm nên chọn ươm trồng các giống như: ROC 10, ROC 16 , ROC 23.
Thời gian chiếu sáng và cường độ ánh sáng có ảnh hưởng mạnh đến năng suất và chất lượng của cây mía. Mía sinh trưởng mạnh nhất vào các tháng mùa hè có nhiệt độ cao, thời gian chiếu sáng dài. Lượng mưa yêu cầu đạt từ 1.500-2.000mm/năm, phân bố đều quanh năm. Chọn đất trồng bằng phẳng hoặc độ dốc thấp dưới 100, tầng canh tác dày, giàu mùn và các chất dinh dưỡng, khả năng giữ ẩm tốt, độ pH=6,5-7,5.
Ở hom giống, triệu chứng đầu tiên là trên đầu hom cắt có màu hồng nhạt rồi xuất hiện vết đen, sau đó mọc ra lớp nấm mốc đen như than. Ở trên thân, ruột mía có màu đen và mùi dứa thối, lâu ngày ruột bệnh chỉ còn trơ lại xơ đen.
Để có thể ổn định và phát triển sản xuất mía đường có nhiều vấn đề về kinh tế và kỹ thuật cần phải giải quyết, trong đó biện pháp cơ bản hàng đầu là phải quy hoạch vùng nguyên liệu, đi vào thâm canh tăng nhanh năng suất và chữ đường (CCS) trên cơ sở hạ giá thành đầu tư. Sau đây là 10 biện pháp kỹ thuật cần chú ý áp dụng.