Kỹ Thuật Nuôi Sinh Sản Nhân Tạo Cá Rô Đồng
1. Chọn cá làm đàn bố mẹ : Cá bố mẹ có thể được chọn từ cá thương phẩm từ vụ trước, muốn làm cá bố mẹ thì cá ít nhất cũng từ 10 – 12 tháng tuổi. Cá được chọn phải khỏe mạnh, không trầy xước, dị hình, trọng lượng tối thiểu là 50 gr/con.
Cách phân biệt đực cái như sau:
Cá đực: cỡ nhỏ hơn, thân thon dài, màu sậm hơn.
Cá cái: lớn hơn, thân tương đối tròn, mùa sinh sản bụng to.
2. Nuôi vỗ
- Ao nuôi có thể là ao đất hay ao lót bạt, diện tích tối ưu là từ 200 – 300m2, độ sâu nước ao từ 0,8 – 1,2m, chủ động trong cấp thoát nước, nếu là ao đất thì cũng được cải tạo kỹ như ao nuôi thương phẩm, xung quanh ao nên có lưới bao cẩn thận.
- Trước khi nuôi vỗ, nên tính trước lượng cá cần cho một lứa đẻ, theo kinh nghiệm của nhiều nơi, để có 1.000.000 cá bột thì cần khoảng 3 - 5kg cá cái (nếu đàn bố mẹ có cỡ lớn thì đẻ nhiều hơn), số cá đực nuôi vỗ bằng cá cái, cá đực và cá cái nuôi chung.
- Mật độ thả từ 1 – 1,5 kg/m2 mặt nước.
- Thức ăn khi nuôi vỗ phải là loại có đạm cao, có thể tự chế biến bằng bột cá lạt hay cá tươi xay nhỏ trộn với cám và gạo đã nấu chín, tỷ lệ cám và bột cá là 1:1.
- Thức ăn tự chế phải được cho ăn trong các sàn ăn đặt quanh ao.
- Lượng thức ăn trong ngày chiếm từ 5 – 7% trọng lượng đàn cá, một số hộ còn dùng lúa, các loại đậu,… ủ cho lên mầm và cho cá ăn thêm.
- Mỗi ngày cho ăn 2 bữa, vào lúc sáng sớm và chiều mát.
- Khi thấy nước dơ thì cần phải thay nước, mỗi lần thay không được quá 1/3 nước ao.
- Cách tuần lại trộn vào thức ăn các loại thuốc bổ như sau, cho ăn liên tiếp 3 ngày:
Supastock Fish: 100gr cho 3kg thức ăn
Grow Fish, Aqua C Fish: 100gr cho 3kg thức ăn
Aquazyme P: 100gr cho 3 kg thức ăn
Sau 1 tháng nuôi vỗ, có thể chọn cá cho sinh sản, tỷ lệ thành thục sau nuôi vỗ cao và đồng đều hay không còn phụ thuộc nhiều vào sự chăm sóc của người nuôi.
3. Kỹ thuật cho cá đẻ nhân tạo
Dụng cụ cho cá đẻ
Dụng cụ cho cá đẻ rất đơn giản, có thể là bể xi-măng, ao lót bạt hay thau nhựa,… mực nước từ 30 – 40cm và phải có lưới che, nơi cá đẻ phải yên tĩnh, sạch sẽ.
Chọn cá bố mẹ
Cá bố mẹ phải được đánh bắt và chọn lựa nhẹ nhàng, nên dùng lưới có cỡ mắt lưới nhỏ, cá bắt xong cho vào vèo (giai) rồi mới tiến hành lựa.
- Cá đực: Khỏe mạnh, không trầy xước, vuốt nhẹ về đuôi hơi nhám, vuốt nhẹ bụng thấy có tinh dịnh trắng sữa chảy ra (chỉ thử vài con),…
- Cá cái: Khỏe mạnh, không trầy xước, có bụng to nhô ra hai bên hông, bụng cá mềm đều, lỗ sinh dục có màu hồng.
- Tỷ lệ đực cái cho đẻ từ 1:1 đến 1,5:1
- Cá lựa xong cho vào vèo hay bể để cá nghỉ vài giờ trước khi tiêm kích dục tố.
- Số lượng cá cái chọn nên phù hợp với lượng cá bột cần có (khoảng 3 - 5kg cá cái/1.000.000 cá bột).
Tiêm kích dục tố:
Kích dục tố phổ biến cho cá là HCG và LHRHa, hiện nay một số cửa hàng thuốc thủy sản có bán (đặt trước) hoặc bà con liên hệ trực tiếp Viện NCNT Thủy Sản II, số 16 Nguyễn Đình Chiểu, Q3, TP Hồ Chí Minh, bà con vùng Bình Dương có thể liên hệ ở các trạm Khuyến nông.
Liều tiêm
- Đối với cá cái:
+ HCG: 1.500 – 2.000 UI/kg cá (lọ thuốc 10.000 UI).
+ Hoặc LHRHa: 0.2 mg + 2 viên DOM (hoặc 2 viên Motilium)/kg cá.
- Đối với cá đực:
Liều tiêm bằng ½ liều cá cái
Có thể dùng chung cả hai loại kích thích tố (KTT) trên.
Cách pha nước: Ví dụ cụ thể cho 10 kg cá cái, 12 kg cá đực, KTT là HCG.
- Lượng HCG cần: cá cái (10 x 2.000) + cá đực (12/2 x 2.000) = 32.000 UI (vì cá đực bằng ½ liều cá cái).
Đây là liều cao nhất nên nếu lọ HCG là 10.000 UI thì chỉ cần 3 lọ.
- Tính tổng lượng cá cần tiêm, ví dụ cá bình quân cỡ 25 con/kg, tổng lượng cá là: cá cái (10 x 25) + cá đực (6 x 25) = 400 con.
Mỗi con chỉ nên tiêm 0,1cc thuốc, do vậy lượng nước cần pha là 0,1 x 400 = 40cc.
- Nước pha là nước cất(có bán ở các cửa hàng thú y), KTT nếu dùng có thêm DOM thì phải nghiền mịn và trộn đều với nước pha.
- Chích cá cái trước, sau đó thêm 8cc nước vào hỗn hợp thuốc và chích cho cá đực cũng với liều 0,1cc/con.
Vị trí tiêm: Thường tiêm ở gốc vi ngực hoặc vi lưng, chỉ tiêm một lần duy nhất.
Thời gian hiệu ứng thuốc:
Sau khi tiêm khoảng 8 – 10 giờ thì cá đẻ, thời gian đẻ kéo dài 2 – 3 giờ.
Mật độ cá thả cho đẻ từ 4 – 6 cặp/m2, tỷ lệ đực : cái khoảng 1-1,5 : 1.
4. Kỹ thuật ấp trứng
Vớt trứng:
Sau khi cá đẻ xong, vớt trứng bằng vợt lưới mịn, thao tác vớt nhẹ nhàng. Rửa lại trứng bằng cách tưới nước sạch lên vợt.
Dụng cụ ấp:
Dụng cụ ấp có thể là bể xi-măng, ao lót bạt hay thau nhựa, các dụng cụ phải sạch.
Nước ấp trứng là nước sạch, đã được lắng lọc kỹ (nếu là nước máy thì phải để qua một đêm cho bay hết clor).
Mật độ ấp:
- 30.000 – 40.000 trứng/thau nhựa đường kính 60cm (một kg cá cái đẻ khoảng 200.000 –400.000 trứng).
- 90.000 – 100.000 trứng/1m2 bể ấp.
Nếu bể ấp có sục khí thì có thể tăng mật độ.
Chăm sóc, quản lý:
Nơi ấp trứng phải có mái che, thoáng mát.
Thường xuyên vớt trứng thối (có màu trắng đục), các tạp chất nếu có (rất dễ vớt, dùng một mảnh lưới mùng hoặc một que tre như là tăm bông).
Bệnh thường xảy ra khi ấp trứng là nấm bông gòn, xử lý bằng cách vớt trứng thối và không ấp trứng trong mùa có nhiệt độ thấp, nơi ẩm mốc.
Mỗi ngày thay 30% lượng nước trong bể ấp.
Trong điều kiện nhiệt độ 28 – 30oC sau từ 18 – 20 giờ thì cá nở. Sau khi nở 2 – 3 ngày thì chuyển đi ương (không cho ăn gì cả vì cá sống bằng noãn hoàng).
Mỗi 1cc cá bột chứa khoảng 3.000 con.
5.Thu hoạch cá bột:
Với các hộ cho ấp cá trong bể xi-măng, thao tác thu họach cá bột lần lượt như sau:
- Dùng vợt vải dù bắt cá, không bắt một vợt quá lâu và quá nhiều cá, thau đựng cá phải có sục khí.
- Khi lượng cá trong bể ít đi, mới tiến hành xả đáy bắt cá, thao tác nhẹ tránh đục nước.
- Cá theo cặn cuối cùng trong bể nên để riêng một thau, khi thả không cần tính số lượng.
Các thông số kỹ thuật cần tham khảo:
Theo Trung tâm Khuyến ngư Tiền Giang, trong mùa vụ chính:
Tỷ lệ cá đẻ từ 96 – 100%.
Tỷ lệ trứng thụ tinh 82 – 93%.
Tỷ lệ nở 87 – 98%.
6. Ương cá bột lên cá giống
Hiện nay, do điều kiện ao hồ ít, có một số hộ nuôi bỏ qua giai đoạn ương mà thả thẳng cá bột xuống ao và nuôi cho đến thu hoạch, điều này là không tốt vì thời gian nuôi quá dài sẽ làm cho ao trong các tháng sau cùng ô nhiễm không thể xử lý được. Do vậy, nếu không chủ động được ao thì nên liên kết nhiều hộ với nhau để ương chung.
Chuẩn bị ao ương
Ao ương là ao đất hay ao trải bạt, diện tích từ 300 – 1.000 m2 hay lớn hơn.
Tiêu chuẩn ao, cải tạo ao như nuôi cá thịt.
Lấy nước
Nước lấy qua lưới lọc mịn, sạch, trước thả cá khoảng 5 ngày.
Tạo thức ăn tự nhiên
Ngoài cách gây màu nước, để tăng thức ăn tự nhiên cho cá bột thì tiến hành bón cho ao bằng các loại tinh bột (làm ngay sau khi lấy nước), các loại bột có thể dùng được như sau:
- Bột mì: 10 kg/1.000m2(chỉ cần mua loại dùng cho thức ăn gia súc). - Bột đậu nành: 5 kg/1.000 m2.
Dùng một trong hai loại trên, hòa nước tạt liên tục mỗi ngày cho đến khi thả cá
Mật độ ương
Mật độ ương từ 400 - 500 con/m2.
Thả cá
Cá nên được thả vào buổi sáng sớm hay chiều mát, sáng sớm là tốt nhất.
Cá bột đựng trong bọc ni-lon hay thau, xô,… đều phải theo các nguyên tắc sau:
- Nếu khoảng cách từ bể ấp đến ao ương xa nhau, tốt nhất là đóng bao nilon có bơm oxy.
- Không nên đựng cá bột với mật độ quá dày đặc.
- Vị trí thả cá nơi đầu gió.
- Khi thả cá phải thả từ từ cho nhiệt độ nước ao và nhiệt độ nước chứa cá cân bằng, cho nước ao vào bao cá từ từ trước, sau đó mới thả hết ra ngoài.
Thức ăn
Khẩu phần thức ăn cho 100.000 cá bột/ngày như sau:
Loại thức ăn
3 – 7 (ngày)
Không cho ăn
Supastock Fish, 1kg/1.000m2/ngày, tạt quanh mé ao
Tạt 1 lần vào buổi sáng
7 – 10
4 lòng đỏ trứng + 400 gr bột đậu nành
Supastock Fish, 100 gr
3 lần
(7h, 1h, 17h)
10– 20
300 gr bột đậu nành + 300 gr cám + 300 gr bột cá
- Supastock Fish, 100 gr - Aqua C Fish, 20 gr
3 lần (7h, 1h, 17h)
20– 30
800 gr cám + 800 gr bột cá
- Aqua C Fish, 20 gr
- Aquazyme P, 20 gr
tập cho ăn sàn
3 lần (7h, 1h, 17h)
30– 60
50% cám + 50% bột cá
- Aqua C Fish, Aquazyme P 10gr/kg thức ăn
15% trọng lượng cá (2–5kg thức ăn)
3 lần
(7h, 1h, 17h)
* Ghi chú:
- Lòng đỏ trứng gà hay vịt đều tốt.
- Bột cá mua loại 60% đạm.
- Cám, bột đậu nành trước khi cho ăn nên nấu chín.
- Để thức ăn nguội mới trộn thuốc vào.
- Mỗi ao nên làm nhiều sàn ăn xung quanh, thức ăn không cho vào sàn thì hòa một ít nước rồi tạt đều ao.
Các lưu ý khi ương cá
- Trong khi ương hạn chế thay nước, tốt nhất là bơm thêm nước sạch bù lượng hao hụt.
- Vệ sinh sàn ăn mỗi ngày, kiểm tra lượng thức ăn còn dư trên sàn để điều chỉnh hợp lý.
- Cho ăn đúng, cung cấp đủ các dưỡng chất sẽ giúp cá mau lớn, tỷ lệ sống cao, chất lượng cá giống tốt.
- Sau 50 – 60 ngày ương, tỷ lệ sống trung bình từ 20 – 30%, cỡ cá trung bình 500 – 700 con/kg.
7. Thu hoạch và vận chuyển cá giống
- Khi cá đạt khoảng 500 – 700 con/kg thì tiến hành thu hoạch được.
- Trước khi thu cá một tuần, luyện cá bằng cách dùng lưới thưa hay sào tre khoáy đảo ao, làm từ ít tới nhiều vào buổi sáng (sau 9 giờ) cho cá quen dần.
- Khi thu hoạch dùng lưới mùng, thao tác nhẹ nhàng tránh trầy xước cá.
- Cá thu được cho vào vèo hay ao bạt, để 2 ngày cho cá khỏe mới chuyển đi.
- Cá được chuyển tốt nhất bằng bao ni-lon bơm oxy, lượng cá tối đa là 3kg/bao, nếu ao gần thì chuyển bằng xô nhưng không được chứa nhiều cá quá.
Có thể bạn quan tâm
Vào cuối vụ nuôi, cá rô đồng thường xuất hiện bệnh nấm nhớt làm ảnh hưởng đến giá trị thương phẩm và hiệu quả kinh tế.
Thí nghiệm trên cá mú vằn (zebrafish) cho thấy một lượng quá nhiều axit béo omega-6 có thể gây rối loạn sự cân bằng mỏng manh giữa sự hình thành và phân hủy xương là điều cần thiết cho sự phát triển của một bộ xương khỏe mạnh. Cả hai quá trình diễn ra liên tục và cả hai đều cần thiết cho xương phát triển bình thường và tối ưu.
Bệnh ký sinh trùng thường gặp trên cá nuôi bao gồm: Bệnh do trùng mỏ neo, rận cá, nấm thủy my, trùng bánh xe, bệnh do bào tử trùng
Cá rô đồng là loại cá được nhiều người ưa chuộng vì thịt ngọt thơm. Loài cá này dễ nuôi, nhất là ở trong ao đất cá phát triển rất nhanh.
Cá rô đầu vuông có kích thước lớn gấp nhiều lần so với cá rô đồng bình thường, loài cá này nhanh lớn nên cho năng suất cao.