Kinh nghiệm thâm canh cây mì phát triển bền vững
Cây mì là một trong những loại cây trồng chủ lực trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, có giá trị kinh tế cao, giúp nhiều nông dân xoá đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập. Do đó vấn đề mà nhiều nông dân quan tâm là làm thế nào để cây mì phát triển bền vững.
Anh Bùi Công Ngọc (ngụ ở ấp Tân Trường, xã Tân Hiệp, huyện Tân Châu), qua nhiều năm gắn bó với cây mì đã có thu nhập cao nhờ chú trọng thâm canh cây mì.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân, trước đây gia đình anh Ngọc luôn vất vả do sản xuất thủ công, kiến thức canh tác hạn chế, chưa có điều kiện tiếp cận và áp dụng những tiến bộ kỹ thuật… nên kết quả sản xuất rất thấp.
Từ đó, trong một thời gian dài anh đã chuyển đổi nhiều loại cây trồng khác nhau, nhưng vẫn không đạt được kết quả khả quan như mơ ước.
Qua nhiều lần chuyển đổi cây trồng, anh nhận thấy cây mì là cây tương đối dễ trồng, chi phí đầu tư thấp, thị trường tiêu thụ khá ổn định so với một số loại cây trồng khác. Chính vì vậy mà từ năm 2004 cho đến nay, ngoài tập trung trồng mì trên 12 ha đất của gia đình, anh còn thuê thêm 8 ha đất để trồng mì.
Với kinh nghiệm của bản thân và tiếp thu thêm kỹ thuật canh tác mới, anh sản xuất cây mì theo đúng quy trình. Kết quả là năng suất, sản lượng mì của anh luôn cao.
Theo anh Ngọc, mì là loại cây ít kén đất, ít vốn đầu tư, phù hợp với sinh thái và điều kiện kinh tế của nông dân. Tuy nhiên, để trồng thâm canh theo hướng bền vững thì người trồng cần có chế độ canh tác hợp lý. Cây mì nếu trồng liên tiếp nhiều vụ mà không có biện pháp cải tạo đất thì đất sẽ bạc màu, khô cằn, chứa nhiều nấm, bệnh gây hại.
Vì vậy, trong quá trình canh tác, anh Ngọc luôn chú trọng đến việc cải tạo đất trồng bằng cách hạn chế sử dụng các loại phân bón hoá học, thay vào đó là sử dụng phân bón có nguồn gốc hữu cơ, hữu cơ vi sinh hoặc trồng luân canh một số loại cây trồng khác như bắp, đậu phộng, đậu xanh…
Ngoài ra, việc lựa chọn giống mì thích hợp cũng là một trong những vấn đề rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất và chất lượng cây mì. Hiện nay, trên địa bàn huyện Tân Châu nói riêng và tỉnh Tây Ninh nói chung, nông dân sử dụng một số giống mì như KM94, KM98-5, KM419, MO101…
Đây là một số giống chủ lực hiện nay. Theo anh Ngọc, mỗi loại giống đều có những ưu điểm, hạn chế riêng. Giống mì chủ lực hiện nay của gia đình anh là KM419. Theo anh, giống này có một số ưu điểm vượt trội, phù hợp với đất đai của gia đình.
Bên cạnh đó, năng suất và độ bột của giống mì này tương đối cao, khi trồng ở khu vực đất gò, năng suất bình quân từ 45 - 50 tấn/ha, nếu chăm sóc tốt có khả năng đạt 70 - 80 tấn/ha, độ bột từ 28 - 30%; khi trồng ở vùng đất thấp, thời gian thu hoạch từ 6 - 7 tháng, năng suất đạt 40 - 45 tấn/ha, độ bột 25 - 26%.
Chia sẻ kinh nghiệm của mình, anh Ngọc cho biết, trước khi trồng cần phải làm đất thật kỹ, tơi xốp, tạo điều kiện để củ phát triển tốt. Khi trồng, anh cho đặt hom mì xiên.
Theo anh, trồng như vậy mầm cây phát triển nhanh hơn, gặp thời tiết mưa, bão, mì vẫn không bị đất vùi lấp, vẫn phát triển, tỷ lệ nảy mầm đạt từ 96 - 98%, hạn chế giặm hom sau này. Ngoài ra, năng suất mì trồng hom xiên cũng cao hơn do phần củ phát triển tròn quanh cây và được nhiều tầng củ.
Nhờ áp dụng thành công từ việc lựa chọn giống mì, cách trồng cũng như quá trình chăm sóc hợp lý mà nhiều năm nay, năng suất mì của gia đình anh Ngọc luôn đạt bình quân từ 55 - 60 tấn/ha. Sau khi trừ đi chi phí đầu tư (khoảng 30 triệu đồng/ha) thì mỗi năm, 20 ha mì của anh cho lợi nhuận khoảng 700 triệu đồng.
Hiện nay, anh đang thu hoạch mì vụ hè thu trên diện tích 5 ha, ước sản lượng khoảng 45 tấn/ha. Với giá 2.400 đồng/kg (30 chữ bột) thì vụ hè thu năm nay anh thu lời khoảng từ 50 - 60 triệu đồng/ha.
Được biết, anh Ngọc là một trong những nông dân ở Tây Ninh được mời tham dự Hội thảo quốc tế về phát triển cây mì bền vững, được tổ chức vào giữa tháng 1.2015 vừa qua.
Có thể bạn quan tâm
Đánh bắt và khai thác nguồn lợi thuỷ sản mùa nước nổi là nghề rất đặc thù của người dân vùng châu thổ ĐBSCL, nhất là vùng Đồng Tháp Mười và khu vực Tứ giác Long Xuyên.
Đối với nghề nuôi tôm biển (sú, thẻ chân trắng ) đặc biệt là nuôi thâm canh thì vấn đề như: môi trường, mầm bệnh, chăm sóc và quản lý,…là các yếu tố quyết định sự thành công của nghề nuôi tôm.
Yêu cầu cao hơn về tiêu chuẩn chất lượng thủy sản tại các thị trường như Mỹ, Nhật Bản đang thực sự gây khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam. Do đó, việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, trong đó có thị trường Bỉ là cần thiết.
Được sự hỗ trợ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre, trong vụ lúa trung vụ năm 2011, hộ anh Huỳnh Văn Sên ngụ tại ấp An Bình, xã An Hiệp, huyện Ba Tri đã thực hiện mô hình nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa.
Diện tích nuôi các loại nhuyễn thể ngày một tăng, tuy nhiên, trong khi doanh nghiệp và các hộ dân đầu tư lớn cho nghề nuôi nhuyễn thể thì nghề nuôi này lại luôn tiềm ẩn nguy cơ bị dịch bệnh, gây thiệt hại nặng nề nếu không được phòng bệnh kịp thời trong quá trình nuôi.