Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Kinh nghiệm thâm canh cây mì phát triển bền vững

Kinh nghiệm thâm canh cây mì phát triển bền vững
Publish date: Tuesday. April 21st, 2015

Cây mì là một trong những loại cây trồng chủ lực trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, có giá trị kinh tế cao, giúp nhiều nông dân xoá đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập. Do đó vấn đề mà nhiều nông dân quan tâm là làm thế nào để cây mì phát triển bền vững.

Anh Bùi Công Ngọc (ngụ ở ấp Tân Trường, xã Tân Hiệp, huyện Tân Châu), qua nhiều năm gắn bó với cây mì đã có thu nhập cao nhờ chú trọng thâm canh cây mì.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân, trước đây gia đình anh Ngọc luôn vất vả do sản xuất thủ công, kiến thức canh tác hạn chế, chưa có điều kiện tiếp cận và áp dụng những tiến bộ kỹ thuật… nên kết quả sản xuất rất thấp.

Từ đó, trong một thời gian dài anh đã chuyển đổi nhiều loại cây trồng khác nhau, nhưng vẫn không đạt được kết quả khả quan như mơ ước.

Qua nhiều lần chuyển đổi cây trồng, anh nhận thấy cây mì là cây tương đối dễ trồng, chi phí đầu tư thấp, thị trường tiêu thụ khá ổn định so với một số loại cây trồng khác. Chính vì vậy mà từ năm 2004 cho đến nay, ngoài tập trung trồng mì trên 12 ha đất của gia đình, anh còn thuê thêm 8 ha đất để trồng mì.

Với kinh nghiệm của bản thân và tiếp thu thêm kỹ thuật canh tác mới, anh sản xuất cây mì theo đúng quy trình. Kết quả là năng suất, sản lượng mì của anh luôn cao.

Theo anh Ngọc, mì là loại cây ít kén đất, ít vốn đầu tư, phù hợp với sinh thái và điều kiện kinh tế của nông dân. Tuy nhiên, để trồng thâm canh theo hướng bền vững thì người trồng cần có chế độ canh tác hợp lý. Cây mì nếu trồng liên tiếp nhiều vụ mà không có biện pháp cải tạo đất thì đất sẽ bạc màu, khô cằn, chứa nhiều nấm, bệnh gây hại.

Vì vậy, trong quá trình canh tác, anh Ngọc luôn chú trọng đến việc cải tạo đất trồng bằng cách hạn chế sử dụng các loại phân bón hoá học, thay vào đó là sử dụng phân bón có nguồn gốc hữu cơ, hữu cơ vi sinh hoặc trồng luân canh một số loại cây trồng khác như bắp, đậu phộng, đậu xanh…

Ngoài ra, việc lựa chọn giống mì thích hợp cũng là một trong những vấn đề rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất và chất lượng cây mì. Hiện nay, trên địa bàn huyện Tân Châu nói riêng và tỉnh Tây Ninh nói chung, nông dân sử dụng một số giống mì như KM94, KM98-5, KM419, MO101…

Đây là một số giống chủ lực hiện nay. Theo anh Ngọc, mỗi loại giống đều có những ưu điểm, hạn chế riêng. Giống mì chủ lực hiện nay của gia đình anh là KM419. Theo anh, giống này có một số ưu điểm vượt trội, phù hợp với đất đai của gia đình.

Bên cạnh đó, năng suất và độ bột của giống mì này tương đối cao, khi trồng ở khu vực đất gò, năng suất bình quân từ 45 - 50 tấn/ha, nếu chăm sóc tốt có khả năng đạt 70 - 80 tấn/ha, độ bột từ 28 - 30%; khi trồng ở vùng đất thấp, thời gian thu hoạch từ 6 - 7 tháng, năng suất đạt 40 - 45 tấn/ha, độ bột 25 - 26%.

Chia sẻ kinh nghiệm của mình, anh Ngọc cho biết, trước khi trồng cần phải làm đất thật kỹ, tơi xốp, tạo điều kiện để củ phát triển tốt. Khi trồng, anh cho đặt hom mì xiên.

Theo anh, trồng như vậy mầm cây phát triển nhanh hơn, gặp thời tiết mưa, bão, mì vẫn không bị đất vùi lấp, vẫn phát triển, tỷ lệ nảy mầm đạt từ 96 - 98%, hạn chế giặm hom sau này. Ngoài ra, năng suất mì trồng hom xiên cũng cao hơn do phần củ phát triển tròn quanh cây và được nhiều tầng củ.

Nhờ áp dụng thành công từ việc lựa chọn giống mì, cách trồng cũng như quá trình chăm sóc hợp lý mà nhiều năm nay, năng suất mì của gia đình anh Ngọc luôn đạt bình quân từ 55 - 60 tấn/ha. Sau khi trừ đi chi phí đầu tư (khoảng 30 triệu đồng/ha) thì mỗi năm, 20 ha mì của anh cho lợi nhuận khoảng 700 triệu đồng.

Hiện nay, anh đang thu hoạch mì vụ hè thu trên diện tích 5 ha, ước sản lượng khoảng 45 tấn/ha. Với giá 2.400 đồng/kg (30 chữ bột) thì vụ hè thu năm nay anh thu lời khoảng từ 50 - 60 triệu đồng/ha.

Được biết, anh Ngọc là một trong những nông dân ở Tây Ninh được mời tham dự Hội thảo quốc tế về phát triển cây mì bền vững, được tổ chức vào giữa tháng 1.2015 vừa qua.


Related news

Câu Lạc Bộ Trồng Lúa An Toàn, Đoàn Kết Câu Lạc Bộ Trồng Lúa An Toàn, Đoàn Kết

Câu lạc bộ (CLB) trồng lúa ấp Long Hòa B, xã Phước Lập, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang tuy mới thành lập trên năm nhưng tinh thần đoàn kết rất cao. CLB được thành lập trên tinh thần tự nguyện của các thành viên và được sự trợ giúp về kỹ năng sinh hoạt nhóm và sự hướng dẫn kỹ trồng lúa an toàn của Công ty Bayer Việt Nam.

Sunday. June 23rd, 2013
Tiêu Điểm Gieo Sạ - Xuân Khê Vực Phục, Nhân Nghĩa Thí Điểm Mô Hình Tiêu Điểm Gieo Sạ - Xuân Khê Vực Phục, Nhân Nghĩa Thí Điểm Mô Hình

Những ngày xuân ấm áp này, ở Hà Nam, bà con nông dân đang tranh thủ xuống đồng, gấp rút chuẩn bị các điều kiện cần thiết để bước vào khung thời vụ gieo cấy. Còn ít ngày nữa mới đến lịch gieo cấy bằng mạ, song hiện nay nhiều địa phương đã triển khai gieo sạ theo phương pháp cải tiến bằng nông cụ sạ hàng.

Sunday. June 23rd, 2013
Bảo Vệ Môi Trường Nuôi Để Hạn Chế Dịch Bệnh Thủy Sản Bảo Vệ Môi Trường Nuôi Để Hạn Chế Dịch Bệnh Thủy Sản

Nghề nuôi trồng thủy sản đã mang lại nguồn thu nhập khá lớn cho người dân ở Phú Yên. Tuy nhiên vì chưa áp dụng đúng kỹ thuật nên thời gian gần đây dịch bệnh trên thủy sản nuôi thường xuyên xảy ra, gây thiệt hại lớn cho người nuôi và kinh tế của địa phương.

Monday. June 24th, 2013
Triển Vọng Mới Cho Nghề Nuôi Tôm Triển Vọng Mới Cho Nghề Nuôi Tôm

Năm 2012 là năm khó khăn cho nghề nuôi tôm sú ở Cà Mau. Không chỉ dịch bệnh tràn lan mà giá cả bấp bênh, môi trường nuôi bị ô nhiễm nghiêm trọng… Trước những yếu tố bất lợi đó, những chủ trương, giải pháp mới đã kịp thời tháo gỡ khó khăn. Cùng với nhiều sáng kiến của người dân đã đưa nghề nuôi tôm bước sang giai đoạn mới.

Monday. June 24th, 2013
Nông Dân Không Lãi Trong Sản Xuất Lúa Vụ 2 Nông Dân Không Lãi Trong Sản Xuất Lúa Vụ 2

Hiện nay, nông dân trong tỉnh đang thu hoạch lúa vụ 2 nhưng nhà nông không vui bởi giá lúa giảm. Bên cạnh đó, do dịch bệnh xảy ra nhiều, chi phí cao nên nông dân Cà Mau đang đứng trước nguy cơ thua lỗ. Trong khi đó, giá lúa ở các tỉnh khác trong khu vực ĐBSCL đang có chiều hướng tăng và ổn định.

Monday. June 24th, 2013