Kinh Nghiệm Nuôi Trâu Vỗ Béo Ở Huyện Điện Biên Đông

Điện Biên Đông là một trong những huyện vùng cao còn nhiều khó khăn của tỉnh Điện Biên. Do điều kiện thời tiết khắc nghiệt, tập quán sản xuất lạc hậu, địa hình đồi núi chia cắt, diện tích đất canh tác ít… nên tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn tương đối cao.
Với mục tiêu khai thác tốt thế mạnh của địa phương, thời gian qua việc nuôi trâu vỗ béo đã thực hiện có hiệu quả, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn, đồng thời cũng là kinh nghiệm hay để các địa phương khác có thể tham khảo.
Với nguồn thức ăn sẵn có và các bãi chăn thả tự nhiên, được sự giúp đỡ của Trạm Khuyến nông huyện Điện Biên Đông, nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn đầu tư nuôi trâu vỗ béo. Điển hình tại xã Háng Lìa với 12 bản tham gia thực hiện mô hình. Bên cạnh Nhà nước hỗ trợ chi phí mua cám, tiêm phòng vắc xin, các hộ còn được tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách - Xã hội; Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật, kinh nghiệm nuôi trâu vỗ béo do các bộ khuyến nông trực tiếp hướng dẫn. Tham gia mô hình, các hộ đã thường xuyên liên kết, trao đổi những kinh nghiệm hay, cách làm hiệu quả trong chăm sóc trâu.
Hiện nay, không chỉ ở xã Háng Lìa mà việc nuôi trâu vỗ béo đã được nhân rộng ra nhiều xã khác ở huyện Điện Biên Đông như Phình Giàng, Chiềng Sơ, Luân Giói, Mường Luân, Phì Nhừ, Tìa Dình… Toàn huyện Điện Biên Đông có gần 1.000 con trâu đang được các hộ nuôi vỗ béo. Nhiều hộ gia đình đã có nguồn thu nhập cao từ việc phát triển nuôi trâu vỗ béo. Điển hình là các hộ ông Giàng A Chả ở bản Xa Vua C, xã Phình Giàng; anh Vàng Sia Sùng, bản Háng Lìa B, xã Háng Lìa…
Là một trong những hộ có nhiều năm kinh nghiệm nuôi trâu vỗ béo, gia đình ông Giàng A Chả hiện có 7 con trâu nuôi vỗ béo. Với thời gian nuôi từ 9 - 12 tháng thì xuất bán trâu, bình quân hàng năm, gia đình ông thu khoảng trên 100 triệu đồng từ bán trâu. Theo kinh nghiệm của ông Chả, nuôi trâu vỗ béo mang lại hiệu quả khá cao, song cần chú ý chọn mua con giống và kỹ thuật chăm sóc. Đối với con giống tuổi đời non (khoảng 2 tuổi) thì thời gian nuôi ít, trâu nhanh được xuất chuồng, người nuôi có thu nhập cao. Thực tiễn cho thấy, nuôi trâu vỗ béo là mô hình phù hợp, mang lại hiệu quả cao, mở ra hướng xóa đói giảm nghèo mới ở địa phương.
Tuy nhiên, quá trình phát triển nuôi trâu vỗ béo ở Điện Biên Đông còn gặp không ít khó khăn như thiếu đất sản xuất nông nghiệp; thiếu nước sử dụng trong mùa khô; khí hậu mùa đông thường giá rét kéo dài; việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nhìn chung còn nhiều hạn chế…
Từ thực tiễn hiệu quả kinh tế của mô hình nuôi trâu vỗ béo ở Điện Biên Đông thời gian qua có thể rút ra một số kinh nghiệm cơ bản:
Một là, người nuôi cần có kinh nghiệm chăn nuôi gia súc (tùy điều kiện, có thể nuôi nhốt hoặc nuôi bán chăn thả); chủ động nguồn thức ăn dự trữ trong mùa đông gắn với việc bảo đảm vệ sinh chuồng trại, nước uống và chống rét cho trâu.
Hai là, nhân lực phục vụ nuôi trâu vỗ béo tuy không cần nhiều song cần chú trọng việc tiêm phòng vắc xin và tẩy giun sán đúng theo định kỳ.
Ba là, cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân tích cực thực hiện mô hình nuôi trâu vỗ béo, phát triển đàn trâu hàng hóa gắn với trồng cỏ, tận dụng các nguồn thức ăn tự nhiên và phụ phẩm của nông nghiệp.
Bốn là, chú ý tuổi và nguồn gốc trâu giống. Trâu vỗ béo tốt nhất là khoảng 24 tháng tuổi vì lúc này trâu sinh trưởng nhanh, bộ răng chắc khỏe nên khả năng tiêu hóa, hấp thụ thức ăn và khả năng tích lũy mỡ, thịt khá cao.
Có thể bạn quan tâm

Ở những vùng ngọt ổn định, cây lúa được chuyên canh 3 vụ/năm, là nơi nông dân sử dụng nhiều thuốc BVTV nhất. Trung bình, cứ 10 ngày là bà con phải phun xịt thuốc một lần. Vì thế, chuyện nông dân ngộ độc thuốc BVTV là chuyện như cơm bữa. Tuy nhiên, không phải lúc nào nông dân cũng phát hiện mình bị ngộ độc.

Đã hơn 20 năm qua, người dân Vũng Liêm đã gắn bó và sinh sống cùng cây lác. Thu nhập kinh tế từ 1 công đất lác hơn hẳn 1 công đất lúa. Lác dễ trồng, một lần trồng có thể thu hoạch được trong 5 - 6 năm, cá biệt có diện tích tốt sẽ thu hoạch được gần 10 năm. Cứ 5 tháng thì thu hoạch một lần.

Đến cuối năm 2014, tổng diện tích cà phê trên địa bàn huyện Khánh Sơn là 536ha, trong đó, 320ha đang trong thời kỳ thu hoạch. Tuy nhiên, theo ông Lê Anh Quang, cán bộ khuyến nông xã Sơn Bình, do thời tiết diễn biến bất thường, cà phê lâu năm trổ bông đúng thời điểm nhiều mưa nên năng suất không cao, thậm chí giảm so với mọi năm.

Theo Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, diện tích gieo trồng lúa toàn tỉnh Bình Thuận hàng năm trên 100 ngàn ha, năng suất bình quân năm 2014 là 56,3 tạ/ha, sản lượng ước đạt trên 659 ngàn tấn. Vùng sản xuất lúa trọng điểm của tỉnh tập trung ở các huyện Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình, Tánh Linh, Đức Linh.

Đồng ruộng được dồn đổi, chỉnh trang, kiến thiết tạo nhiều thuận lợi cho thâm canh và áp dụng cơ giới hóa. Nhiều tiến bộ kỹ thuật mới về giống, nhiều mô hình và cách làm hay, hiệu quả đã được khẳng định trong thực tiễn qua nhiều năm là cơ sở để áp dụng và nhân rộng nhanh.