Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Kiểm Soát Dịch Bệnh Hiệu Quả Khi Có Vùng Nuôi An Toàn

Kiểm Soát Dịch Bệnh Hiệu Quả Khi Có Vùng Nuôi An Toàn
Ngày đăng: 14/07/2014

Tỉnh Cà Mau hiện có diện tích tự nhiên là 529.488ha, trong đó diện tích nuôi tôm 266.000ha (chiếm 40% cả nước, đứng đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long).

Sản lượng tôm nuôi hàng năm 134.000 tấn, chiếm 25% cả nước; xuất khẩu thủy sản chủ yếu là tôm, đạt trên 1 tỷ USD, chiếm 42% cả nước; giá trị kinh tế thủy sản chiếm 30% GDP của tỉnh.

Nghề nuôi tôm cũng đã giải quyết 140.000 việc làm cho người lao động. Nhưng thực tế hiện nay, tình hình dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp. Để kiểm soát tình hình dịch bệnh, Cà Mau đang hướng đến xây dựng những vùng nuôi an toàn.

Hội thảo khoa học "Đánh giá thực trạng, diễn biến tình hình bệnh tôm ở tỉnh Cà Mau và đề xuất biện pháp khắc phục" vừa được tỉnh Cà Mau tổ chức ngày 1-7.

Hiện trạng mô hình triển vọng

Với bề dày hơn 30 năm, nghề nuôi tôm ở tỉnh Cà Mau không ngừng phát triển về số lượng lẫn chất lượng, trình độ kỹ thuật. Ban đầu, chỉ lợi dụng tự nhiên để nuôi tôm quảng canh, sau đó nuôi tôm quảng canh cải tiến, bán thâm canh, thâm canh và hiện nay là nuôi tôm công nghiệp (NTCN) năng suất cao.

Từ khi có chủ trương chuyển đổi diện tích đất trồng lúa ở khu vực Nam Cà Mau thì nghề nuôi tôm sú (gần đây là đối tượng tôm thẻ chân trắng) phát triển rầm rộ và đã mang lại thu nhập đáng kể cho người dân. Hệ thống khuyến ngư được hình thành tới cấp xã, phường và đã tổ chức hàng ngàn lớp tập huấn kỹ thuật, xây dựng mô hình trình diễn, phòng trừ dịch bệnh tôm cho người dân.

Nhờ kết quả đó, cùng với lòng say mê sáng tạo kỹ thuật của nông dân đã từng bước hạn chế những rủi ro để nghề nuôi tôm không ngừng phát triển trong những năm vừa qua.

Tuy nhiên, do phát triển quá nhanh, việc quy hoạch cơ sở hạ tầng phục vụ nghề nuôi tôm chưa đồng bộ nên dịch bệnh trên tôm đã liên tục xảy ra cục bộ trên từng khu vực, gây thiệt hại lớn cho người nuôi. Hàng năm, tỉnh Cà Mau cũng đã dành từ 6 - 10 tỷ đồng để thực hiện công tác phòng và chữa trị bệnh trên tôm.

Mặt khác, để đạt được mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội lần thứ XIV Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2010-2015: Tiếp tục khẳng định thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn. Tổ chức lại ngành nghề, đầu tư phương tiện nhằm khai thác bền vững, có hiệu quả nguồn thủy sản và bảo vệ môi trường.

Xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng vùng nuôi đáp ứng yêu cầu phát triển mạnh nuôi trồng thủy sản, nhất là con tôm để đến năm 2015 đạt trên 10.000ha nuôi công nghiệp, và đưa kim ngạch xuất khẩu của tỉnh tăng bình quân 12,5%/năm, ngành thủy sản, nhất là nghề nuôi tôm, phải có kế hoạch ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật để ngăn ngừa dịch bệnh, nâng cao năng suất, chất lượng nghề nuôi theo hướng bền vững.

Tại Cà Mau, trong những năm qua tình hình dịch bệnh trên tôm diễn biến rất phức tạp, ngoài các bệnh thường gặp như đốm trắng, đầu vàng, đỏ thân, đóng rong… thì từ năm 2010 đến nay xuất hiện bệnh hoại tử gan tụy cấp, làm cho tôm nuôi chết hàng loạt, tập trung nhiều ở loại hình công nghiệp.

Cụ thể, trên tôm nuôi quảng canh và quảnh canh cải tiến, năm 2011 diện tích bị bệnh là 21.250,47ha, mức độ thiệt hại từ 10 - 45%; đến năm 2013 thì con số thiệt hại là gần 13.956,30ha, mức độ thiệt hại từ 7 - 55%. Đặc biệt, đối với loại hình NTCN thì con số này hơn gấp nhiều lần: Năm 2010 chỉ thiệt hại 237,57ha thì đến năm 2013 con số thiệt hại tăng lên hơn 4 lần so với năm 2010.

Diện tích NTCN trên địa bàn tỉnh Cà Mau đều tăng qua các năm, đặc biệt tăng nhanh trong 4 tháng đầu năm 2014. Nguyên nhân là cuối năm 2013 có nhiều hộ nuôi thành công, đặc biệt là một số hộ dân ở huyện Phú Tân trong năm qua nuôi thành công chiếm khoảng 70%.

Hơn nữa, vào những tháng cuối năm 2013 và những tháng đầu năm nay, giá tôm nguyên liệu tăng cao so với năm trước. Tuy nhiên, do giá tôm tăng cao và thời gian nuôi ngắn, ít rủi ro hơn tôm sú nên người dân mở rộng diện tích nuôi với đối tượng nuôi chủ yếu là thẻ chân trắng.

Có thể nói rằng bệnh nguy hiểm nhất hiện nay trên tôm là bệnh hoại tử gan tụy cấp (bệnh chết sớm) chủ yếu xảy ra cho tôm công nghiệp trong thời gian qua.

Đối với bệnh nguy hiểm này, mặc dù đã tìm ra tác nhân gây bệnh, nhưng tới nay vẫn chưa có phác đồ phòng trị bệnh hiệu quả mà chủ yếu phòng là chính. Còn bệnh đốm trắng và một số bệnh khác có xảy ra cho tôm nuôi nhưng tỷ lệ không cao so với bệnh hoại tử gan tụy cấp.

Sản lượng tôm của Cà Mau hàng năm 134.000 tấn, chiếm 25% cả nước; xuất khẩu thủy sản chủ yếu là tôm đạt trên 1 tỷ USD, chiếm 42% cả nước; giá trị kinh tế thủy sản chiếm 30% GDP của tỉnh.

Đồng bộ các giải pháp

Ngành Thú y tỉnh nhìn nhận, tình hình dịch bệnh và diện tích bị bệnh trên tôm có giảm so với diện tích nuôi qua các năm (năm 2010, diện tích tôm nuôi công nghiệp bị bệnh là 1.440ha, đến tháng 4-2014 giảm còn 7.500ha).

Qua đó cho thấy kiến thức nuôi tôm của người dân ngày càng được nâng cao, phần lớn do người dân được đào tạo tập huấn quy trình kỹ thuật, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, từ các lớp tập huấn do cơ quan chuyên môn như Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư, Chi cục Nuôi trồng thủy sản tổ chức.

Ngoài ra, người nuôi tôm còn ý thức được tình hình dịch bệnh và chủ động phòng chống cũng như có sự phối hợp với cơ quan Thú y: Báo ngay khi có dịch bệnh xảy ra, xử lý nước mang mầm bệnh trước khi xả ra ngoài môi trường và quản lý chặt, hạn chế lây lan dịch bệnh.

Khi Trung ương có chính sách hỗ trợ hóa chất cho người dân nuôi tôm để xử lý dịch bệnh, đến nay Chi cục Thú y đã cấp trên 450 tấn clorine xử lý dịch bệnh trên tôm nuôi công nghiệp (trong đó tỉnh đã xuất ngân sách mua gần 200 tấn, còn lại nguồn do Trung ương hỗ trợ).

Từ khi có nguồn hóa chất này để chống dịch làm cho dịch bệnh ít xảy ra hơn do sử dụng chống dịch có hiệu quả, được người dân đồng tình ủng hộ và mong chờ vào nguồn hóa chất này để xử lý dịch bệnh.

Cà Mau đang hướng đến những vùng nuôi an toàn.

Tuy vậy, nhiệm vụ chính và quan trọng nhất vẫn là quản lý an toàn dịch bệnh trong vùng nuôi. Công tác tuyên truyền được xác định là nhiệm vụ rất quan trọng, nhằm nâng cao ý thức cho mỗi người dân. Các hình thức thể hiện là cấp phát tờ rơi, phóng sự, phát thanh, truyền hình và phối hợp lồng ghép các chương trình phòng chống dịch bệnh tôm nuôi và chương trình tập huấn khuyến ngư cho người dân theo từng mùa vụ nuôi.

Tập huấn, hướng dẫn người nuôi nhận biết về các dịch bệnh nguy hiểm trên tôm nuôi thuộc danh mục các bệnh phải công bố dịch theo đúng quy định; phương pháp quản lý, kiểm tra, giám sát, chăm sóc sức khỏe cho tôm nuôi; sử dụng con giống có nguồn gốc rõ ràng, được kiểm dịch, xét nghiệm không mang bệnh nguy hiểm, đạt tiêu chuẩn chất lượng.

Khuyến khích áp dụng quy trình thực hành nuôi tốt (GAP) và mô hình nuôi an toàn dịch bệnh trong nuôi tôm theo khuyến cáo của các cơ quan chuyên môn. Tuyên truyền để tổ chức, cá nhân nuôi tôm cam kết thực hiện “3 không”: Không giấu dịch; không xả thải bể, ao, đầm nuôi tôm, sản xuất tôm giống bị bệnh chưa qua xử lý mầm bệnh ra môi trường; không xả bỏ xác tôm chết, tôm bệnh ra ngoài môi trường.

Từ kết quả tuyên truyền trên nhằm giúp nâng cao ý thức và trách nhiệm của người nuôi tôm đối với vùng nuôi, cộng đồng nuôi tôm và môi trường dịch bệnh để vùng nuôi an toàn dịch bệnh.

Công tác xây dựng và thực hiện quy hoạch còn chậm, đặc biệt là NTCN còn yếu kém, nhất là hệ thống điện, thủy lợi, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển hiện nay.

Những tác động bất lợi từ biến đổi khí hậu, thời tiết, môi trường vùng nuôi, dịch bệnh tôm nuôi ngày càng sâu sắc, gây trở ngại lớn cho nghề nuôi tôm. Dịch bệnh luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát cao; công tác phòng, chống còn nhiều hạn chế.

Chất lượng và giá cả các yếu tố đầu vào không ổn định; sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ, mang tính tự phát. Quan trọng nhất là vốn sản xuất còn rất khó, người dân rất khó tiếp cận. Công tác phối hợp quản lý còn thiếu tính chặt chẽ, chưa kịp thời, chưa đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất hiện tại.

Thiết nghĩ, nhiệm vụ then chốt nhất hiện nay là rà soát, củng cố, hình thành các tổ chức sản xuất để đi vào hoạt động thực thụ và có hiệu quả. Đẩy mạnh liên kết chuỗi sản xuất (liên kết 4 nhà) để giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả, phát triển bền vững.

Cần tiếp tục nhân rộng những mô hình sản xuất có hiệu quả; xây dựng thành công các cụm NTCN, xây dựng các vùng nuôi sạch có chứng nhận truy xuất nguồn gốc, gắn với thị trường xuất khẩu để nâng cao giá trị sản phẩm, phát triển bền vững.


Có thể bạn quan tâm

Bạc Liêu Bồi Thường Cho Các Hộ Nuôi Tôm Bị Thiệt Hại Hơn 11,7 Tỷ Đồng Bạc Liêu Bồi Thường Cho Các Hộ Nuôi Tôm Bị Thiệt Hại Hơn 11,7 Tỷ Đồng

Theo ngành Nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu, đến nay, có hơn 160 hộ nuôi trồng thủy sản tham gia bảo hiểm cho con tôm với tổng diện tích tham gia trên 180ha (gồm 256 hợp đồng). Tổng chi chí bảo hiểm cho con tôm hơn 9,44 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Nhà nước hỗ trợ gần 5,7 tỷ đồng.

09/07/2014
Năng Lực Sản Xuất Tôm Giống Chỉ Đáp Ứng 20% Nhu Cầu Thả Nuôi Năng Lực Sản Xuất Tôm Giống Chỉ Đáp Ứng 20% Nhu Cầu Thả Nuôi

Hiện nay, huyện Cái Nước (Cà Mau) có hơn 30.200 ha đất nuôi tôm; trong đó, có gần 1.500 ha nuôi công nghiệp, trên 8.000 ha tôm quảng canh cải tiến. Diện tích trên đòi hỏi lượng tôm giống rất lớn, nhưng toàn huyện chỉ có 17 trại sản xuất tôm sú giống, đáp ứng khoảng 20% nhu cầu của nông dân.

09/07/2014
Giá Hạt Tiêu Tăng Vọt, Người Dân Phấn Khởi Giá Hạt Tiêu Tăng Vọt, Người Dân Phấn Khởi

Các đại lý mua bán nông sản trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và Bình Phước cho biết, thời điểm hiện nay, giá hạt tiêu mua tại nhà của nông dân là 150.000 đến 152.000 đồng/kg.

17/06/2014
Hợp Tác Xã Bò Sữa Long Tân (Dầu Tiếng) Đồng Hành Cùng Người Chăn Nuôi Hợp Tác Xã Bò Sữa Long Tân (Dầu Tiếng) Đồng Hành Cùng Người Chăn Nuôi

HTX bò sữa Long Tân (xã Long Tân, huyện Dầu Tiếng, Bình Dương) thành lập ngày 6-8-2013, trên cơ sở tổ hợp tác chăn nuôi bò sữa Long Tân. Sau 1 năm thành lập, HTX đã có bước chuyển mình. Đàn bò sữa của HTX hiện có khoảng 420 con, trong đó có 280 con đang cho sữa, thuộc 44 hộ chăn nuôi.

09/07/2014
Trái Cây, Rau Củ... Sang EU, Ấn Độ Trái Cây, Rau Củ... Sang EU, Ấn Độ

Thay vì chỉ tập trung vào một thị trường Trung Quốc, thời gian gần đây, nhiều hiệp hội, doanh nghiệp, thương lái... ở nhiều lĩnh vực đang tăng tốc chủ động lên những kế hoạch khá bài bản để mở rộng sang những thị trường khác.

17/06/2014