Nuôi Cá Bống Bớp Xen Tôm Sú Cho Hiệu Quả Kinh Tế Cao
Những năm 2002 - 2005 trở về trước, tại các vùng nuôi mặn lợ, ven biển của huyện Nghĩa Hưng (Nam Định), tôm sú là con nuôi chủ lực.
Tuy nhiên, do phát triển tự phát, tôm sú lại là loài mẫn cảm với thời tiết nên hiệu quả sản xuất giảm dần. Từ năm 2006 trở lại đây, một số đối tượng nuôi mới được đưa vào khảo nghiệm, trong đó cá bống bớp đã dần khẳng định giá trị, tính phù hợp và được coi là đối tượng chủ lực trong nuôi trồng thủy sản của huyện. Đặc biệt mô hình nuôi cá bống bớp thả xen tôm sú cho hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn.
Dự án quai đê lấn biển Cồn Xanh hoàn thành tạo nên vùng nuôi trồng thủy sản tập trung có tổng diện tích 820ha, trong đó diện tích đưa vào khai thác nuôi thả là 523ha được chia làm 289 lô thuộc phạm vi quản lý hành chính của 4 xã: Nghĩa Hải, Nghĩa Lâm, Nghĩa Thành và Nam Điền. Vùng nuôi được thiết kế, xây dựng khá đồng bộ các hệ thống thủy lợi, giao thông và các công trình phục vụ sản xuất.
Ngay khi vùng nuôi trồng thủy sản Cồn Xanh đi vào hoạt động, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư quốc gia đã kết hợp với Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh triển khai mô hình nuôi cá bống bớp rộng 1ha với mật độ 5 con/m2 có thả ghép tôm sú.
Cá bống bớp phàm ăn, ít mắc bệnh, còn tôm nuôi ghép lại tận dụng dọn sạch những thức ăn thừa của cá bống bớp, giúp giảm thiểu chất thải trong ao, hạn chế ô nhiễm đáy ao, góp phần bảo đảm chất lượng và vệ sinh môi trường nước trong ao.
Điều này rất quan trọng, nhất là tại vùng nuôi Cồn Xanh, bởi đây là vùng nuôi mới đưa vào khai thác sử dụng, một phần diện tích mới được đào đắp, chất đáy chưa ổn định, quá trình phân giải các hợp chất hữu cơ từ cây sú, vẹt chưa hết nên vẫn còn ảnh hưởng, tiềm ẩn mầm bệnh tồn lưu từ trước.
Sau 5 tháng nuôi, năng suất cá bống bớp và tôm sú đạt khoảng 3,5 tấn/ha. Hiệu quả kinh tế của mô hình thấy rõ nên diện tích nuôi cá bống bớp xen tôm sú tại vùng nuôi trồng thủy sản Cồn Xanh ngày càng được mở rộng, hiện có gần 70 hộ nuôi theo hình thức này. Anh Lê Văn Tuẩn, xã Nghĩa Hải cho biết: “Tôi thuê 4ha mặt nước ở Cồn Xanh từ năm 2011. Lúc đầu nuôi cua rèm, tôm sú… nhưng đầu năm 2013, tôi đưa con cá bống bớp vào nuôi và cho hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, ao nuôi cá bống bớp nếu thả xen tôm sú với mật độ vừa phải thì hiệu quả đạt cao nhất. Năm nay, tôi thu lãi hơn 1 tỷ đồng”.
Hiện tại khu đầm nuôi cá bống bớp của huyện Nghĩa Hưng mỗi năm thả 2 vụ, vụ 1 từ tháng 3 trở đi, vụ 2 bắt đầu từ tháng 8 đến tháng 12. Giống cá bống bớp và tôm sú được mua từ các trại sản xuất trong vùng bảo đảm chất lượng, tiến hành ương trong ao khoảng 1 - 1,5 tháng để thuần hoá trước khi đưa ra ao nuôi đại trà, đảm bảo tỷ lệ sống cao. Sau khi thả giống cá bớp được khoảng 1 tháng tiến hành thả giống tôm sú. Tháng đầu sau khi thả cá giống, cho ăn bằng tép moi, cá tạp băm nhỏ, chia 2 lần/ngày; sau đó điều chỉnh tăng, giảm theo tốc độ tăng trưởng của đàn cá.
Khi cá đã lớn, sử dụng thức ăn tổng hợp bằng cá tạp xay lẫn với tấm cám, mỗi ngày cho cá ăn 1 lần vào lúc 15 giờ. Trong suốt quá trình nuôi phải thường xuyên theo dõi môi trường ao nuôi, kiểm tra bờ, cống để có biện pháp xử lý kịp thời, tránh tình trạng cá, tôm bị thất thoát. Định kỳ thay nước, cấp nước để môi trường nước trong ao luôn sạch, kích thích cá, tôm tăng trưởng.
Đồng chí Khương Duy Thám, phó Phòng NN và PTNT huyện cho biết: Để bảo đảm các vụ nuôi thành công, trước mỗi vụ, Phòng NN và PTNT huyện đã xây dựng lịch cải tạo ao đầm chi tiết, cụ thể; định hướng cơ cấu và đối tượng nuôi, phương thức nuôi cụ thể cho vùng tập trung hai đối tượng chính là tôm sú và cá bống bớp. Phòng đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh, Phòng Nuôi trồng Thủy sản (Sở NN và PTNT) mở các lớp tập huấn kỹ thuật và kinh nghiệm nuôi thả hai đối tượng trên cho người nuôi.
Do vậy, những năm gần đây, hầu hết các diện tích nuôi tại Cồn Xanh đều không xảy ra dịch bệnh. Theo hạch toán kinh tế của các hộ nông dân, mỗi ha nuôi cá bống bớp xen lẫn tôm sú cho thu lãi từ 200 - 300 triệu đồng; nhiều hộ có lãi lớn từ 300 - 600 triệu đồng như hộ các ông: Nguyễn Văn Vĩnh, Trần Văn Dũng, Đỗ Văn Bảo…
Mô hình nuôi cá bống bớp xen tôm sú đã nâng cao hiệu quả sử dụng đất, duy trì tính ổn định của vùng nuôi; hạn chế dịch bệnh do tác động của điều kiện tự nhiên, môi trường không thuận lợi giúp nâng cao thu nhập cho nông dân vùng nuôi Cồn Xanh, đồng thời nâng cao ý thức người dân về phát triển bền vững, bảo vệ môi trường vùng nuôi, bảo đảm thích ứng với biến đổi khí hậu.
Có thể bạn quan tâm
Đó là ý kiến được nhiều đại biểu tiếp tục tái khẳng định và nhấn mạnh tại hội thảo “Liên kết trong chuỗi cá tra-vấn đề tín dụng và hợp đồng” do Hiệp hội cá tra Việt Nam tổ chức tại TP Cần Thơ vào sáng 9-10-2013.
Làm gì để thay thế cây lúa vụ 3 (vụ thu đông) ở ĐBSCL, TS Nguyễn Công Thành - Viện KHKT nông nghiệp Miền Nam giới thiệu một số mô hình.
Thời gian gần đây, ở nhiều địa phương trong tỉnh Cà Mau xuất hiện một số nhóm người dùng các loại thuốc thú y thủy sản dỏm lừa bán cho nông dân với giá cao.
Có dịp đến huyện Đơn Dương hay TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, gặp gỡ các hộ nông dân trồng rau sạch cung cấp cho các siêu thị mới thấy nghề này tuy cực nhưng mang đến cơ hội làm giàu cao. Các hộ nông dân ở đây trồng rau theo mô hình chuỗi cung ứng rau sạch tiêu chuẩn Metro Requirement về thực hành nông nghiệp tốt, có đầu ra và thu nhập ổn định.
Thời gian qua, mô hình nuôi bò là một trong những mô hình làm ăn có hiệu quả của nhiều bà con nông dân xã Đăng Hưng Phước (Chợ Gạo - Tiền Giang).