Khuyến Cáo Nông Dân Không Bán Lúa Để Tránh Bị Ép Giá
Hiện ngoài sản lượng lúa tồn đọng, nông dân Hậu Giang đang cho thu hoạch rộ gần 50.000 ha lúa Thu Đông, ước tổng sản lượng khoảng 210.000 tấn.
Theo Sở Công Thương tỉnh Hậu Giang, hiện nông dân trong tỉnh còn tạm trữ hơn 47.000 tấn lúa thương phẩm, đây là sản lượng lúa tồn đọng từ vụ lúa Đông Xuân, Hè Thu từ đầu năm 2014. Tuy gần đây giá lúa trên thị trường tăng nhẹ, là thời điểm thích hợp bán ra nhưng gặp phải mưa bão liên miên trong những ngày qua, thương lái đã ép giá, khiến đầu ra hạt lúa thêm khó khăn.
Hiện ngoài sản lượng lúa tồn đọng, nông dân Hậu Giang đang cho thu hoạch rộ gần 50.000 ha lúa Thu Đông, ước tổng sản lượng khoảng 210.000 tấn.
Tuy nhiên, những ngày qua do mưa lớn, lũ lên nhanh, thiếu cơ giới, nhân công, cộng thêm giá lúa giảm… đã làm chậm tiến độ thu hoạch cũng như khâu tiêu thụ. Cùng với đó, lợi dụng thiên tai bất lợi, các thương lái bắt tay nhau ép giá thu mua. Cụ thể, giá lúa IR 50404 cắt máy được thương lái thu mua với giá khoảng 4.400 đồng/kg, lúa hạt dài khoảng 4.800 đồng/kg, lúa cắt tay có giá từ 3.500-3.800 đồng/kg tùy vào chất lượng lúa, giảm 200-300 đồng/kg so tuần trước.
Điều đáng nói, mặc dù giá lúa thu mua trong dân giảm nhưng tại kho của các công ty chế biến lúa gạo xuất khẩu giá không biến động nhiều.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá lúa khô tại kho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long loại thường dao động từ 5.650-5.750 đồng/kg, lúa hạt dài khoảng 5.900-6.000 đồng/kg. Giá gạo nguyên liệu loại 1 với 5% tấm hiện khoảng 7.500-7.600 đồng/kg, gạo nguyên liệu 25% tấm là 7.400-7.500 đồng/kg; giá gạo thành phẩm 5% tấm không bao bì hiện khoảng 9.100-9.200 đồng/kg, giảm khoảng 50 đồng/kg so với khoảng 2 tuần trước; gạo 15% tấm có giá 8.800-8.900 đồng/kg và gạo 25% tấm khoảng 8.250-8.350 đồng/kg tùy vào chất lượng và thu mua ở từng địa phương.
Trước hiện tượng thu mua giữa nhà máy và thương lái chênh lệch nhau, ngành chức năng khuyến cáo người dân không vội vàng bán lúa, gạo ở thời điểm này để tránh bị ép giá, giảm lợi nhuận. Đối với diện tích lúa Thu Đông đang cho thu hoạch, nông dân nên phơi, sấy khô trữ lại, không nên bán lúa tươi giá sẽ thấp.
Tuy nhiên, vấn đề khó khăn nông dân gặp phải hiện nay là phần lớn lúa, gạo bán ra phải thông qua thương lái, nông dân không có điều kiện, phương tiện bán trực tiếp với nhà máy, doanh nghiệp. Trong khi đó, gần đây thương lái không chịu mua lúa khô nên sản lượng lúa khô tạm trữ từ vụ trước khó bán. Theo các thương lái, họ thích mua lúa tươi về tự phơi, sấy theo ý thích, hơn nữa lúa tươi mua giá thấp, cho lợi nhuận cao hơn lúa khô.
Có thể bạn quan tâm
Là tỉnh phát triển mạnh về công nghiệp, Đồng Nai không chỉ thu hút nguồn lao động nông thôn của địa phương mà từ rất nhiều tỉnh, thành khác về làm công nhân tại các nhà máy. Sự chuyển dịch lao động từ nông thôn vào các khu công nghiệp khiến lĩnh vực nông nghiệp ngày càng thiếu lao động.
Cùng với nhiều sản vật đặc trưng khác, cam sành Hà Giang đã trở nên nổi tiếng trong cả nước, góp phần không nhỏ trong việc tạo thu nhập cho người dân. Theo mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, đến năm 2015 diện tích cây cam, quýt toàn tỉnh đạt 5.000 ha.
Trồng rau vụ Đông không còn là khái niệm mới ở xã Sảng Tủng, theo cán bộ khuyến nông xã, Hầu Mí Co cho biết: Qua mấy năm trồng rau vụ Đông cho thu nhập khá, bà con trong xã đã nhận thức được giá trị của cây rau vụ Đông nên ngày càng nhiều hộ tham gia trồng rau.
Để hoàn thành kế hoạch của tỉnh là cuối năm nay có 6 xã được công nhận nông thôn mới (NTM), hiện Đảng bộ, chính quyền và người dân của các xã này đang đẩy mạnh thực hiện các công việc còn lại, qua đây tạo phong trào thi đua sôi nổi trước khi về đích NTM ở các địa phương.
Giá mía giảm, tình hình tiêu thụ khó khăn, không ít nông dân lâm vào cảnh nợ nần, nhiều nơi mía đã trổ cờ do quá ngày thu hoạch,... Đó là những khó khăn mà người trồng mía trên địa bàn tỉnh nói chung và huyện Phụng Hiệp nói riêng phải gánh chịu và đang cần sự giúp đỡ từ các ngành chức năng.