Nuôi Cá Da Trơn Phải Bảo Vệ Môi Trường
Đó là kết luận của ông Trần Công Danh - Trưởng Ban Kinh tế ngân sách HĐND tỉnh Bến Tre sau khi giám sát môi trường nuôi cá tra - cá da trơn (CDT).
Mới đây, ông Trần Công Danh - Trưởng Ban Kinh tế ngân sách HĐND tỉnh Bến Tre, đến giám sát môi trường nuôi CDT ở xã Tiên Long (Châu Thành).
Ông Lê Quang Vịnh - Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành cho biết, tổng diện tích nuôi CDT trên địa bàn huyện hiện nay gần 107ha. Trong đó, nuôi tập trung chủ yếu ven sông Tiền, sông Hàm Luông tại các xã: Phú Túc, Phú Đức, Tân Phú, Tiên Long, Tiên Thủy, Phú An Hòa, An Phước và Giao Hòa. Từ năm 2006 đến nay, huyện đã cấp giấy cam kết bảo bệ môi trường cho 28 dự án. Trong quá trình nuôi, nước thải, cặn bã đáy ao được xả thẳng ra sông Hàm Luông và sông Tiền. Hầu hết nước thải, cặn bã đáy ao chứa nhiều dư lượng hóa chất vượt quy chuẩn môi trường cho phép. Các chủ dự án nuôi CDT sau khi ký cam kết bảo vệ môi trường nhưng không thực hiện đúng theo quy định. Bên cạnh đó, các chủ dự án mở rộng diện tích nuôi cũng không báo với cơ quan có thẩm quyền. Để xử lý nghiêm các trường hợp gây ô nhiễm do nuôi CDT, UBND huyện Châu Thành đã ban hành Kế hoạch số 74 ngày 15-2-2013 về việc kiểm tra, thanh tra môi trường trong toàn huyện. Trong các tháng cuối năm 2013, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện thường xuyên kiểm tra, thanh tra các cơ sở nuôi CDT.
Ba Tri cũng bị ô nhiễm môi trường do nuôi CDT. Diện tích nuôi CDT ở Ba Tri dù chỉ còn 2 khu gần 23ha bên dòng Ba Lai. “Tình trạng ô nhiễm môi trường do nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng, CDT chưa được xử lý triệt để. Riêng hoạt động nuôi CDT ven dòng Ba Lai có giảm diện tích nuôi, nhưng công tác xử lý chất thải chưa được các chủ cơ sở thực hiện đúng theo quy định hiện hành” - ông Nguyễn Văn Nghị - Phó Chủ tịch UBND huyện nói.
Chúng tôi đến hộ bà Nguyễn Thị Mậu, đang nuôi các CDT trên diện tích gần 20ha (bên ngoài Cống đập Ba Lai phía xã Tân Xuân - Ba Tri). Bà Mậu cho biết, trong vụ nuôi CDT năm 2014, để bảo vệ môi trường, bà chuẩn bị áp dụng những biện pháp hoàn thiện hệ thống ao nuôi đạt điều kiện vệ sinh thú y thủy sản. Từng bước áp dụng mật độ thả giống nuôi từ 20-40 con/m2. Đảm bảo các điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Trại của bà tiếp tục sử dụng các loại thức ăn, thuốc thú y, chế phẩm sinh học, hóa chất nằm trong danh mục được phép lưu hành theo quy định của Bộ NN-PTNT. Đặc biệt, áp dụng các quy phạm thực hành nuôi trồng thủy sản tốt VietGAP, Global GAP, ASC... Đến ngày 31-12-2014, trại của bà Mậu phấn đấu đạt chứng nhận Quy phạm nuôi trồng thủy sản tốt VietGAP.
Để đảm bảo môi trường nuôi CDT, không gây ô nhiễm nguồn nước bên ngoài, ông Nguyễn Văn Buội - Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng Thủy sản Bến Tre khuyến cáo các hộ nuôi CDT nên thay nước cho ao nuôi hàng ngày, mỗi ngày khoảng 25% - 30% lượng nước ao. Có thể kết hợp sục khí cho ao, sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý và giữ ổn định môi trường ao nuôi. Nước thải từ ao nuôi phải được xử lý trước khi thải ra môi trường. Trong khi nuôi, tiến hành khử trùng nước ao bằng cách dùng vôi bột hòa nước rồi tạt đều khắp mặt ao với liều lượng 1,5-2 kg/100m3 nước ao. Có thể dùng chế phẩm vi sinh hoặc formalin xử lý và khử trùng nước ao nuôi để phòng bệnh cho cá. Thường xuyên theo dõi, kiểm tra môi trường nước ao nuôi để đảm bảo giữ nguồn nước trong sạch.
Để bảo vệ môi trường khi nuôi CDT, ông Trần Công Danh nhấn mạnh: UBND các huyện khẩn trương rà soát, thống kê hiện tại có bao nhiêu cơ sở nuôi CDT đã cam kết bảo vệ môi trường. Bao nhiêu cơ sở thực hiện đúng cam kết và không đúng cam kết. Sở Tài nguyên và Môi trường phải thường xuyên kiểm tra các cơ sở nuôi CDT, buộc công khai thông tin về môi trường theo quy định tại Điều 23, Nghị định số 80/2006 của Chính phủ. Qua đó, có thêm cơ sở, chứng cứ mà xử lý nghiêm chủ cơ sở nuôi CDT cố tình gây ô nhiễm môi trường.
Có thể bạn quan tâm
Gần đây, Sở KH-CN triển khai nhiều mô hình, dự án nhằm khôi phục thương hiệu, tìm hướng đi bền vững cho cây tiêu và sản phẩm tiêu Tiên Phước (Quảng Nam) trên thị trường.
Việc chăm sóc, khai thác vườn cây cao su (CS) chưa hợp lý đã làm ảnh hưởng nhiều đến tuổi thọ, năng suất vườn cây. Để cho vườn cây phát triển ổn định, người trồng CS Bình Dương cần phải tiếp tục được tập huấn để sản xuất hiệu quả hơn.
Những năm qua, thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, các hội, đoàn thể ở xã Phụ Khánh (huyện Hạ Hoà, Phú Thọ) đã vận động, định hướng cho nông dân thực hiện nhiều mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, trong đó, mô hình trồng mít Thái Lan siêu sớm được Trạm khuyến nông huyện Hạ Hoà đã tổ chức thực hiện đã đạt kết quả và đang được nhân rộng, mang lại thu nhập cao cho bà con nông dân.
Theo UBND huyện Cát Hải (Hải Phòng), tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản 10 tháng đạt 7.400 tấn; cả năm ước đạt 9.000 tấn, trong đó: khai thác thuỷ sản ước đạt 3.700 tấn, bằng 100% kế hoạch; nuôi trồng thuỷ sản ước đạt 5.300 tấn, bằng 100% kế hoạch.
Hiện nay, giá cá điêu hồng nuôi bè nằm ở mức 36.000 - 37.000 đồng/kg, giảm 3.000 đồng/kg so với nửa tháng trước và giảm gần 8.000 đồng/kg so với mức giá kỷ lục 44.000 đồng/kg được xác lập vào cuối tháng 7 vừa qua. Với giá cá hiện nay, người nuôi cá điêu hồng vẫn có lãi 30 - 35 triệu đồng/bè, nhưng họ ngại thả giống do giá cá liên tục giảm trong vòng 3 tháng trở lại đây.