Không Nên Tẩy Chay Sản Phẩm Gia Cầm
Thời gian gần đây, giá gia cầm, nhất là gà, vịt liên tục giảm do người tiêu dùng lo sợ dịch cúm gia cầm. Tình trạng này lại khiến người chăn nuôi thua lỗ và không dám đầu tư tái đàn.
“Chết” oan vì thông tin dịch cúm
“Chết dập, chết dụi hết rồi cô ơi, không chỉ gà chết, vịt chết mà nông dân cũng khốn khổ với dịch và những ảnh hưởng “ăn theo” của dịch cúm!” - ông Nguyễn Mẫn, chủ trại nuôi gà tại huyện Trảng Bom (Đồng Nai) nói như khóc với phóng viên NTNN sáng 24.2.
Ông Mẫn cho biết, từ trước Tết Nguyên đán, thời tiết trở lạnh, chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm lớn nên đàn gà hơn 2.000 con vừa mới thả của gia đình không phát triển tốt. Sau tết, thông tin dịch cúm gia cầm lan rộng càng làm cho gia đình thêm phần hoang mang, lo sợ. “Đã vậy, số gà tới kỳ xuất bán dịp rằm tháng Giêng do ảnh hưởng của cúm nên thương lái không mua, phải nuôi tiếp, tốn thức ăn nước uống mà gà thì không thể lớn thêm nữa!” - ông Mẫn nói.
Ông Nguyễn Kim Đoán – Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cũng là một hộ chăn nuôi lớn tại huyện Thống Nhất (Đồng Nai) thì cho rằng, gà, vịt ở thủ phủ chăn nuôi Đồng Nai đang “chết oan” vì thông tin dịch cúm lan rộng. Cụ thể, nhiều trại nuôi vịt công nghiệp tại các huyện trên địa bàn tỉnh đã phải giam hàng lại, không bán được hoặc vịt bị chết do bệnh cúm dẫn tới thiệt hại nặng. Trại nhỏ thì lỗ 300 – 400 triệu đồng, trại lớn thì ít nhất 600 – 700 triệu đồng.
“Nhiều người cứ nghĩ con vịt chỉ có nuôi theo phương pháp chạy đồng ở các tỉnh miền Tây sông nước, nhưng thật ra, mô hình nuôi vịt thịt theo hướng công nghiệp đã phát triển mạnh ở Đồng Nai. Do đó, khi có dịch cúm, vịt dù rất khỏe mạnh, đã được tiêm phòng đầy đủ vẫn không tiêu thụ được” - ông Đoán cho biết.
Ghi nhận của phóng viên NTNN trong ngày hôm qua cho thấy, hiện tại, giá gà lông màu tại Đồng Nai đang ở mức 27.000 – 28.000 đồng/kg, thấp hơn 10.000 đồng/kg so với giá thành. Giá gà lông trắng ở mức 34.000 – 35.000 đồng/kg, trong khi giá vịt thịt bán ra cũng thấp hơn giá thành 5.000 – 7.000 đồng/kg.
Ông Đỗ Thọ - chủ trang trại gà ở xã Tam Vinh, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam, cho biết, những ngày gần đây giá gà rớt thê thảm. Trước tết, giá gà nuôi bán ra 70.000 - 72.000 đồng/kg, nay chỉ còn 58.000 - 60.000 đồng/kg. Nếu giá gà tiếp tục rớt như vậy, người chăn nuôi sẽ thua lỗ nặng.
“Mặc dù Quảng Nam chưa có dịch cúm gia cầm nhưng thông tin về dịch từ các tỉnh đã ảnh hưởng đến già gà ở đây. Gà đủ trọng lượng là chúng tôi xuất bán ngay, không dám để nuôi vì sợ giá rớt, thu không đủ bù tiền thức ăn” - ông Thọ nói.
Tại Đà Nẵng, mặc dù địa phương này chưa có dịch cúm gia cầm nhưng lượng tiêu thụ gia cầm những ngày này cũng giảm rõ rệt. “Tại chợ Miếu Bông ở huyện Hòa Vang - nơi cung cấp 60% lượng gia cầm cho thị trường Đà Nẵng, hơn 10 ngày lại đây lượng hàng từ các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định... đổ về đã giảm mạnh” - ông Đặng Quang Tịch, Tổ quản lý chợ Miếu Bông thông tin.
Còn theo ông Cao Văn Thái - Chi cục trưởng Chi cục Thú y Đà Nẵng, bình thường thành phố tiêu thụ khoảng 4.000-5000 con gia cầm một ngày. Tuy nhiên, những ngày này sức tiêu thụ của thị trường giảm 50%.
Càng nuôi càng lỗ
Thông tin từ Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho biết, tổng đàn gia súc, gia cầm năm nay đều giảm, một trong những nguyên nhân là do thị trường “lạnh”, giá cả liên tục ở mức thấp, khiến người chăn nuôi ái ngại không dám vào đàn. Ông Tống Đức Du – Trưởng phòng NNPTNT huyện Bình Lục (Hà Nam) cho biết, huyện có khoảng 173.000 con lợn, 450.000 con gà và 250.000 con ngan, vịt. Số lượng này đều giảm khoảng 20 – 25% so với năm ngoái. Theo ông Du, nguyên nhân giảm đàn là vì người chăn nuôi đang phải trải qua một thời gian khá dài thua lỗ (2 tháng – PV), nên chỉ nuôi cầm chừng, không dám tái đàn.
Đặc biệt, trong những ngày gần đây do ảnh hưởng của thông tin từ dịch cúm gia cầm H5N1 và H7N9, nên giá gia cầm ở hầu hết các tỉnh đều sụt giảm đáng kể. Ông Nguyễn Văn Thông ở xã Bình Dương (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) đang nuôi 6.000 con gà thịt cho biết, hiện giá gà công nghiệp dao động từ 28.000 – 32.000 đồng/kg; gà nửa công nghiệp, nửa thả chuồng 48.000 – 50.000 đồng/kg; còn gà ta khoảng 58.000 – 65.000 đồng/kg. “Giá các loại gà đều giảm từ 10.000 – 20.000 đồng/kg, nếu tính ra người chăn nuôi lỗ khoảng 8.000 – 15.000 đồng/kg gà” – ông Thông cho biết.
Còn theo bà Nguyễn Thị Soạn (thị trấn Lập Thạch, Vĩnh Phúc) đang nuôi 4.000 gà thịt, mặc dù trên địa bàn chưa xuất hiện ổ dịch nào, nhưng thông tin dịch, cũng như sức mua giảm khiến giá gà trên địa bàn cũng giảm rất mạnh. “Nếu cứ đà này càng nuôi nhiều càng lỗ. Rất may tôi đã bán được nửa đàn từ trước tết, chứ không cũng lỗ cả trăm triệu đồng” – bà Soạn cho hay.
Có thể bạn quan tâm
Vụ lúa hè thu được xem là vụ lúa sản xuất chính trong năm, thời tiết tương đối thuận lợi, chi phí đầu tư sản xuất thấp, hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp, bà con nên gieo sạ đúng theo hướng dẫn lịch thời vụ và cơ cấu nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thời tiết và các loại sâu bệnh gây ra. Đặc biệt, tránh thu hoạch lúa vào tháng 9 - thời điểm mưa nhiều, khó bảo quản và tiêu thụ lúa như các năm trước đây.
Vụ sản xuất Đông Xuân (ĐX) năm 2013-2014, huyện Tuy Phước triển khai thực hiện 24 cánh đồng mẫu lớn (CĐML) sản xuất lúa với tổng diện tích 1.120 ha, trong đó có gần 600 ha liên kết sản xuất lúa giống, năng suất đạt 80,3 tạ/ha, tăng 8,8 tạ/ha so với năng suất bình quân chung. 100% số hộ tham gia liên kết sản xuất lúa giống trên CĐML đều thu lợi nhuận khá.
Tàu bằng gỗ, kết cấu theo kiểu tàu cá Thái Lan, tổng vốn đầu tư 4,5 tỷ đồng, chiều dài 25 m, rộng 6 m, cao 3,7 m, lắp 2 máy đẩy tổng công suất 1.150 sức ngựa, tải trọng 300 tấn.
Trên đường đưa tôi tới thăm nhà ông Minh, ông Nguyễn Đăng Hoa - Chủ tịch Hội ND phường Hương Long, bảo: “Chịu khó như ông Minh chỉ có giàu thêm, chứ không thể nghèo đi”.
Yên Bái có tiềm năng về phát triển thủy sản với trên 23.000ha đầm, hồ, đặc biệt hồ Thác Bà có diện tích mặt nước trên 19.000ha là điều kiện thuận lợi cho nuôi trồng thủy sản. Đảm bảo nguồn cá bổ sung cho các hồ sẽ vừa tái tạo nguồn thủy sản cho các hồ vừa tạo công ăn việc làm cho ngư dân.