Không Kịp Thu Hoạch, Nông Dân Đắng Lòng Vì Mưa Bão

Theo thống kê ban đầu, tính đến thời điểm này, bão số 2 đã làm 8 người chết và mất tích, 81 người bị thương. Điều đáng nói, cơn bão xuất hiện đúng vào lúc nhiều địa phương ở miền Bắc nông dân đang xuống đồng thu hoạch…
Sau cơn mưa đêm ngày 24/6 đến rạng sáng ngày 25/6 nhiều cánh đồng lúa ở tỉnh Thanh Hóa bị ngập trắng đồng. Tại huyện Tĩnh Gia, thời điểm này bà con đang xuống đồng thu hoạch lúa vụ chiêm. Do bão số 02 đến nhanh, kéo theo lượng mưa lớn, nhiều nông dân trong huyện không kịp thu hoạch dẫn đến hàng trăm hécta lúa bị úng ngập và có nguy cơ mất trắng.
Sáng nay (25/6), chúng tôi có mặt tại cánh đồng lúa xã Hải Ninh (Tĩnh Gia, Thanh Hóa) xót xa khi chứng kiến cảnh hàng chục héc ta lúa vàng ươm, đang chuẩn bị thu hoạch bị nước vùi lấp. Anh Lê Công Thọ, người dân ở thôn Hạnh Phúc (xã Hải Ninh) ngậm ngùi cho biết: “Tôi không nghĩ là mưa lớn như vậy, dự định là hôm nay thu hoạch nhưng ai ngờ gặp bão, ngập hết. Nếu trong ngày hôm nay không thu hoạch kịp thì toàn bộ ruộng lúa 2 sào (1 sào = 360 m2 -PV) của gia đình tôi bị mọc mầm…”.
Đang vật lộn với đám ruộng lúa bị chìm nghỉm trong nước, chị Lê Thị Thắm nói với lên: “Gia đình tôi phải nhờ cả anh em xuống đây gặt giúp không thì hỏng hết. Dù lúa đã bị ngâm nước, rụng hạt nhưng cũng phải cố vớt vát thu hoạch cho xong vụ này”.
Không chỉ cây lúa, hàng chục hécta vừng, lạc ở xã Hải Ninh cũng có nguy cơ mất trắng. Cũng do thu hoạch không kịp nên hơn 01 sào (1 sào = 360m2) lạc của gia đình ông Lê Vũ Hải bị chìm ngỉm trong nước. Khoảng 9h sáng nay, khi chúng tôi có mặt tại chân ruộng, gia đình ông Hải đang vội vã thu hoạch. Giơ một bụi lạc vừa nhổ lên, ông cho biết: “Củ lạc khi ngập nước sẽ bị nứt nẻ, nảy mầm. Anh xem đây, cứ trung bình một bụi lạc đã có 4 - 5 củ bị nứt, nảy mầm thì năng suất sẽ không còn bao nhiêu. Trận mưa vừa rồi đã làm chúng tôi thiệt hại rất lớn”.
Ông Lê Hồng Diêu, trưởng thôn Hồng Kỳ cho biết: “Suốt đêm qua cán bộ chúng tôi thường xuyên túc trực, canh gác các cửa cống thủy lợi, tuy nhiên lượng mưa quá lớn nên chúng tôi không kịp trở tay. Do không kịp thu hoạch nên còn khoảng 60% diện tích lúa trong thôn chưa kịp thu hoạch, chiếm khoảng 55ha. Ngoài lúa, còn 2ha và 40ha vừng cũng bị chìm trong nước. Hiện nay, chúng tôi đang đẩy mạnh công tác vận động người dân thu hoạch hết lúa, hoa màu để tránh đợt mưa tiếp theo. Ngoài lúa, còn một lượng lớn lúa giống tương đương đương trên 500 sào (1 sào = 360 m2-PV) lúa hiện đã ngâm, ủ, nếu trong vòng 02 ngày nữa thời tiết vẫn tiếp tục mưa thì toàn bộ số giống sẽ bị hỏng”.
Nói về nguyên nhân khiến phần lớn lúa và hoa màu bị ngập sau mưa, ông Diêu bức xúc: “Trước khi mưa đến, chúng tôi nhận được chỉ thị của cấp trên là đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân thu hoạch trước bão nhưng do mấy ngày nay trong xã mất điện liên tục. Để thông báo cho người dân biết chỉ thị chúng tôi vẫn dùng hệ thống truyền thanh của xã và loa thôn nhưng mất điện nên không thể làm được gì. Một nguyên nhân khác là do vụ chiêm năm nay chậm hơn so với các năm trước, người dân lại chủ quan, không đẩy mạnh thu hoạch khiến mưa đến mà phần lúa và hoa màu đang ở ngoài đồng”.
Tại huyện miền núi Như Thanh (Thanh Hoá), bà con nông dân đã cơ bản cắt xong diện tích lúa của mình và đang trong thời gian phơi phóng. Tuy nhiên cơn mưa lớn xảy ra trong 2 ngày qua khiến cho một số thôn trên địa bàn xã Phú Nhuận ngập trong nước, nhiều người chăn nuôi thuỷ sản được một phen khiếp vía, nhiều nhà mất trắng vì nước tràn ao khiến cá đi hết. Ông Nguyễn Văn Ba ở thôn Thanh Sơn buồn rầu cho biết: “Do bờ ao thấp, lượng mưa 02 ngày nay quá lớn nên toàn bộ cá trong ao đã bị trôi ra sông gần hết. Tôi lại mới thả gần 30 triệu tiền cá giống xuống ao, giờ không biết xoay xở thế nào để mua lại cá giống”.
Ngược lại tâm trạng buồn bực của nhiều hộ gia đình bị tràn cá ở ao hồ, nhiều hộ cũng vui ra mặt vì nước xuống đồng sẽ tạo điều kiện cho việc cày bừa, xuống đồng sớm. Ông Nguyễn Văn Phúc ở đội 1, thôn Thanh Sơn (xã Phú Nhuận) cho biết: "Mấy hôm trước khi chưa gặt xong, nghe thông báo có bão, người dân chúng tôi ai cũng lo. Nhưng bây giờ thì quá vui, nhờ có cơn mưa này mà chúng tôi rất yên tâm để xuống đồng"
Có thể bạn quan tâm

Đến nay, huyện Bắc Hà (Lào Cai) đã có hơn 586 ha chè, trong đó có hơn 400 ha chè kinh doanh, cho sản lượng trung bình gần 700 tấn, giá búp tươi bình quân đạt 6.500 đồng/kg.

Đến ngày 27/8/2013, bà con nông dân xã Đông Hải (Trà Vinh) đã bước vào thu hoạch bắp giống đợt 1, với sản lượng 65 tấn. Anh Huỳnh Thanh Hải, ấp Hồ Thùng trồng 1 hécta bắp giống cho biết: thời tiết vụ này khá thuận lợi nên cây bắp giống phát triển tốt, năng suất bình quân khoảng 7 đến 8 tấn/hécta, cao hơn vụ trước khoảng 1 tấn đến 1,5 tấn/hécta.

Hương Sơn (Hà Tĩnh) từ xưa đến nay vốn là quê hương của đặc sản cam bù nổi tiếng. Xuất phát từ Sơn Bằng, cây cam bù đã được người dân nhiều xã nghiên cứu, đầu tư và phát triển thành những mô hình kinh tế cho thu nhập ổn định. Tuy nhiên, những đặc tính phát triển và sinh trưởng của cam bù cùng bệnh vàng lá xanh gân... đã và đang khiến nhiều hộ trồng cam lo lắng...

Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) vừa triển khai mô hình trồng thanh long ruột đỏ quy mô 1 ha tại xã Phong Vân.

Chính quyền địa phương, các hộ trồng bắp ở xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai) và Công ty TNHH Pioneer Hi-Bred Việt Nam vừa thống nhất mức bồi thường thiệt hại cho 10 hộ sử dụng giống bắp 30T60 để trồng vụ hè-thu 2013 bị thiệt hại.