Làm Giàu Từ Trồng Lan

Mấy năm trở lại đây, do tốc độ đô thị hóa, diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn quận Hà Đông ngày càng giảm dần nên nhiều hội viên nông dân chuyển sang mô hình trồng hoa lan, đem lại thu nhập cao.
Nói đến trồng lan ở Hà Đông, không thể không nhắc tới vườn lan của ông Đặng Như Thưởng, tổ dân số 2, phường Yên Nghĩa. Với diện tích 1.000m², từ năm 2007, ông Thưởng đã đầu tư trên 300 triệu đồng để xây dựng hệ thống giàn treo, giàn phun nước cho hàng nghìn chậu lan, giò lan Đai Châu (tên dân dã là Tai Trâu), Quế, Tam Bảo Sắc, Hoàng Nhạn, Sóc, Cáo… mỗi năm ông Thưởng thu về hàng trăm triệu đồng. Riêng năm 2011, ông thu gần 400 triệu đồng tiền lan. "Thị trường tiêu thụ lan tương đối thuận lợi, thương lái thường tìm về đến tận nhà, mua cả vườn lan" - ông Thưởng cho biết.
Từ một vài hộ, đến nay phong trào trồng lan đã lan ra nhiều xã, phường của quận Hà Đông như Phú Lãm, Biên Giang, Văn Quán… Điều đáng nói là trồng lan tận dụng được diện tích sân vườn với nhiều quy mô khác nhau. Tận dụng mảnh vườn trước nhà, ông Vũ Hồng Doanh, một cựu chiến binh ở tổ 1, phường Phú Lãm cũng gây dựng được vườn lan hơn 500m² với gần 1.000 giò lan lớn nhỏ. Ông Doanh chia sẻ, phong lan bán được quanh năm, mỗi giò lan cả giá thể gỗ bán thấp nhất cũng được 200.000 - 500.000 đồng, giò đẹp có giá 5 - 7 triệu đồng. Trồng lan vừa để chơi cảnh, vừa làm kinh tế, mỗi năm ông Doanh cũng thu bình quân 50 - 60 triệu đồng.
Theo Hội Nông dân quận Hà Đông, hiện toàn quận chỉ còn hơn 1.200ha đất nông nghiệp trong khi số người trực tiếp sống bằng nông nghiệp chiếm khoảng 45% dân số. Bà Đỗ Thị Năm, Phó Chủ tịch Hội Nông dân quận Hà Đông cho biết, cùng với các ngành nghề dịch vụ, buôn bán, việc phát triển các mô hình trồng rau an toàn, hoa, cây cảnh, trong đó có hoa lan sẽ tạo việc làm, tăng thu nhập cho người nông dân. Đến nay, trên địa bàn quận Hà Đông đã có hàng trăm hộ dân phát triển mô hình trồng lan. Hội Hoa lan Hà Đông cũng ra đời thu hút trên 100 hội viên tham gia.
Tuy nhiên, theo những hộ trồng lan, mô hình này đòi hỏi vốn đầu tư lớn để xây dựng hệ thống giàn treo. Cùng với đó, cây lan yêu cầu kỹ thuật chăm sóc cầu kỳ, nhất là về ánh sáng, độ ẩm. Do đó, để nhân rộng mô hình trồng lan, cần có sự hỗ trợ về vốn và tập huấn kỹ thuật cho các hộ nông dân. Đặc biệt, tại các vùng ven đô có thể kết hợp trồng lan với cây ăn quả, trong đó tận dụng các cây ăn quả như nhãn, bưởi để treo lan. Cách làm này giúp giảm chi phí đầu tư giàn treo, tăng hiệu quả kinh tế cho người nông dân.
Có thể bạn quan tâm

Gần đây, nhiều hộ nuôi tôm chân trắng tại xã Vạn Hưng (huyện Vạn Ninh - Khánh Hòa) đã xuất bán tôm sớm hơn dự định. Tôm chỉ mới được thả nuôi hơn 2 tháng, kích cỡ hơn 140 con/kg đã được xuất bán với giá 83.000 đồng/kg. Nguyên nhân là do người dân lo ngại thời tiết nắng nóng kéo dài, trong khi nguồn nước dẫn vào đìa nuôi tôm thiếu và bị ô nhiễm, tôm rất dễ bị dịch bệnh.

Từ đầu tháng 8-2012 đến nay, dịch bệnh heo tai xanh đã xuất hiện rải rác tại một số quận, huyện trên địa bàn TP Cần Thơ. Các ngành chức năng thành phố đã và đang áp dụng các biện pháp phòng chống dịch hiệu quả, dập tắt và không để dịch heo tai xanh lây lan ra diện rộng...

Trong khi người nuôi heo và gia cầm lại gặp khó khăn thì người nuôi bò ở Phú Yên thu lãi lớn vì giá thịt bò đang ở mức cao, thị trường tiêu thụ rộng. Những hộ nuôi bò ở các địa phương đang đầu tư phát triển đàn.

Sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết số 06/2013/NQ-HÐND ngày 26.7.2013 của HÐND tỉnh về chính sách hỗ trợ kiên cố hóa kênh mương (KCHKM), kênh mương nội đồng (KMNÐ) giai đoạn 2013-2015, hệ thống cơ sở hạ tầng thủy lợi trên địa bàn tỉnh ta từng bước được hoàn thiện, phục vụ sản xuất nông nghiệp (SXNN) có hiệu quả hơn. Tuy nhiên so với yêu cầu, tiến độ thực hiện KCHKM vẫn còn chậm do vốn đầu tư thấp.

Những năm qua, nông dân xã Yên Đồng (Yên Mô - Ninh Bình) đã chuyển đổi từ chân ruộng trũng cấy lúa kém hiệu quả sang mô hình lúa - cá nhằm khai thác diện tích mặt nước trên ruộng, tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên, giảm bớt chi phí đầu tư, nâng cao thu nhập.