Không có kênh, 17ha đất sản xuất có nguy cơ bỏ hoang

Đã có hơn chục năm gắn bó với cây mía nên ông Trần Văn Lệ, ngụ đội 5, thôn Phước Đức xem nó như cái nghiệp của mình. Giờ đành phải bỏ ruộng mía cũng là điều bất đắc dĩ ông phải làm.
Ông Lệ cho hay, trước đây 17ha ruộng xứ đồng Bờ An Cây Dừng có thể trồng được cả lúa nhờ nguồn nước ở Hố Cau, ngay dưới chân núi Vàng chảy về tưới mát cho đồng ruộng. Nhưng năm 1999, sau trận lũ lịch sử, những khối đất đá trên núi Vàng sạt lở vùi lấp nguồn nước duy nhất của xứ đồng.
Trồng lúa không được, người dân chuyển qua trồng mía. “Tuy nhiên, nguồn nước khan hiếm nên mặc dù ngày nào cũng có mặt ngoài đồng chăm sóc, nhưng mía ở đây năng suất cao nhất cũng chỉ đạt 3 tấn/sào. Như nhà tôi, năm nay chỉ đạt 2 tấn/sào”, ông Lệ nói.
Cuộc sống của gia đình bà Huỳnh Thị Chương chỉ nhờ vào 3 sào ruộng nhưng cũng giống như ông Lệ, bà Chương không tiếp tục xuống giống vụ mía mới bởi theo bà, năng suất mía 2 tấn/sào, với giá mía như hiện tại gia đình bà không tránh khỏi thua lỗ.
Bà Chương nhẩm tính: “Mấy năm trước giá mía cao, tiền nhân công cũng thấp, bỏ công chăm sóc thì có thể bù lại phần năng suất, lời được chút ít hoặc cũng huề vốn. Nhưng năm nay thì tiền thuê nhân công từ 360-380 ngàn đồng/tấn nhưng vẫn không có người để thuê.
Chúng tôi phải nhờ người quen trên Ba Tơ thuê giúp người xuống dưới này làm. Rồi tiền công trung chuyển là 90 ngàn đồng/tấn, tiền phân, tiền xới đất, công chăm sóc… trong khi giá mía hiện tại là 850 ngàn đồng/tấn, vậy hỏi sao không lỗ”.
Ông Đoàn Thanh Minh, Chủ nhiệm HTX Đức Vĩnh cho biết, mong muốn của bà con hiện nay là được chuyển đổi cây trồng, nhưng trồng cây gì cũng cần phải có nước tưới. Trước đây, HTX cũng đã tiến hành đào kênh để cứu mía cho bà con nhưng ngặt nỗi là kênh đất nên cứ có trận mưa lớn là đất sạt lở, kênh bị vùi lấp. Một năm đào đi đào lại phải vài lần. Mỗi lần lại thuê máy xúc, nhân công tiêu tốn hết sáu, bảy chục triệu nên HTX không kham nổi.
Nguyện vọng của bà con thôn Phước Đức bao năm nay là có được con kênh bê tông kiên cố, nối liền từ tuyến mương cánh bắc hồ Mạch Điểu đến xứ đồng Bờ An Cây Dừng. Với chiều dài 1,5km, tuyến kênh sẽ giải quyết được nguồn nước tưới cho cả cánh đồng 17ha.
Nếu được như vậy, với chất đất hiện tại, bà con không chỉ trồng được cây mía mà còn có thể trồng được lúa vào vụ đông xuân, trồng đậu phộng vào vụ hè thu. “Trong những cuộc tiếp xúc cử tri, tôi cũng đã kiến nghị vấn đề này lên HĐND huyện, tỉnh. Hy vọng nguyện vọng của bà con thôn Phước Đức sẽ sớm được các cấp xem xét, hỗ trợ”, ông Đoàn Thanh Minh bày tỏ.
Có thể bạn quan tâm

Nông dân trồng chanh tại nhiều tỉnh, thành ĐBSCL đang rất lo lắng khi giá chanh trái đã giảm hơn 20.000 đồng/kg so với thời điểm những tháng đầu năm 2015 và đang có mức giá rất thấp.

Vùng na dai Chi Lăng (Lạng Sơn) có hơn 1.200 ha, với sản lượng năm nay ước đạt hơn 8 nghìn tấn. Hàng năm, cây na bắt đầu cho thu hoạch từ tháng 7 đến hết tháng 9. Tại các xã: Quang Lang, Chi Lăng, thị trấn Chi Lăng, Mai Sao... nhiều hộ dân trồng từ 0,5 - 3 ha, cây na đem lại giá trị kinh tế cao, đạt hơn 75 triệu đồng/ha, là cây chủ lực xóa đói, giảm nghèo cho bà con các dân tộc nơi đây.
Với sự năng động, nhạy bén của bà con nông dân, những năm gần đây xã Liên Nghĩa, Văn Giang (Hưng Yên) nổi tiếng với nghề ươm các loại giống cây ăn quả. Cây giống Liên Nghĩa theo chân thương lái đến mọi miền đất nước mang lại thu nhập cao cho người dân địa phương.

Từ nguồn vốn sự nghiệp khoa học và công nghệ (KHCN) của tỉnh Bến Tre , trong năm 2015, huyện Châu Thành đã triển khai mô hình trồng chuối già Nam Mỹ nuôi cấy mô tại ấp Phước Thành, xã An Phước. An Phước là xã thuần nông, đời sống kinh tế chủ yếu dựa vào trồng lúa và dừa. Do hiệu quả kinh tế từ các loại cây trồng này không cao, cần có hướng mới trong việc chuyển đổi giống cây trồng, tăng cường sự hỗ trợ về vốn đầu tư và kỹ thuật cho nông dân phù hợp với địa phương.

Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit), trước đây Trung Quốc(TQ) luôn dẫn đầu về hàng rau quả nhập khẩu vào Việt Nam (VN) nhưng sáutháng đầu năm nay vị trí này đã đổi chủ.