Không Có Chuyện Vải Thiều Được Mùa, Rớt Giá
Bước vào chính vụ vải thiều, có thông tin cho rằng vải thiều năm nay lại “được mùa, rớt giá”. Thực tế cho thấy vải giá thấp chỉ chiếm phần nhỏ, tập trung tại một số vùng không có thế mạnh về cây trồng này.
Chất lượng kém vẫn mạo nhận vải Lục Ngạn
Tại một số chợ cóc, khu công nghiệp (KCN) có thời điểm giá vải chỉ từ 4 đến 5 nghìn đồng/kg, thậm chí nhiều lúc còn 2,5 nghìn đồng/kg khiến thông tin vải thiều Lục Ngạn rớt giá lan truyền. Ngày 21-6, có mặt tại KCN Đình Trám, Song Khê - Nội Hoàng, Quang Châu (Việt Yên), chúng tôi ghi nhận hàng chục ô tô, xe máy bán vải thiều thu hút khá đông khách. Quả vải nhỏ, chùm thưa, mã xấu song vẫn được người bán quảng cáo là vải thiều Lục Ngạn, giá từ 10-12 nghìn đồng/kg.
Thấy chúng tôi thắc mắc giá đắt hơn mọi hôm, chị Trần Thị Minh Khương, ở khu 2 thị trấn Bích Động (Việt Yên), chủ một điểm bán vải thiều đon đả cho biết: "Giá rẻ chỉ có cách đây hơn một tuần. Vải đó của các hộ ở những xã lân cận KCN chủ yếu trồng vài cây trong vườn, năm nay được mùa, cây nào cũng trĩu cành, ăn không hết họ đem bán.
Những ngày hái vải cũng là thời điểm các hộ phải gặt lúa chiêm xuân. Không có thời gian thu hoạch, vận chuyển, vải lại xấu nên người dân bán rẻ, được đồng nào hay đồng đấy. Nay hết loại vải đó rồi, chúng tôi buôn vải Lục Ngạn, Lục Nam nên không có giá đó nữa”.
Chị Thân Thị Hằng, thôn Quyết Tiến, xã Tiền Phong (Yên Dũng), một tiểu thương bán hoa quả tại KCN Song Khê - Nội Hoàng bật mí, nói là vải thiều Lục Ngạn nhưng thực chất các thương lái đều thu gom vải tại các huyện Sơn Động, Lạng Giang, Yên Thế với giá rẻ...
Đây là loại vải ít được người dân đầu tư chăm sóc, lại trồng gần rừng nên quả nhỏ, bị chàm, nám. Giá tại vườn chỉ từ 2 đến 4 nghìn đồng/kg, bán đến tay người tiêu dùng với giá từ 5 đến 6 nghìn đồng/kg để hợp túi tiền công nhân tại KCN.
Sáng 22-6, tại khu vực trước cổng chợ Vôi (Lạng Giang) chúng tôi thấy, dù trời đổ mưa to nhưng việc mua, bán vải thiều vẫn diễn ra tấp nập. Vải được bày bán có nhiều loại, giá cao nhất là 12 nghìn đồng, thấp nhất là 3 nghìn đồng/kg.
Khảo sát tại các huyện Sơn Động, Yên Thế cũng có tình trạng tương tự, vì phần diện tích trồng vải kém hiệu quả, không được chăm bón, nhiều hộ đã chuyển đổi sang trồng cây khác, chỉ để lại vài cây, ăn không hết mới đem bán. Hoặc có vườn do chất đất không hợp với quả vải, đầu tư ít, quả nhỏ nên khó bán được giá cao.
Vải đẹp, ngon luôn được giá
Tìm hiểu thực tế tại Lục Ngạn cho thấy, vải thiều có nhiều loại khác nhau, theo đó có nhiều mức giá. Vải loại 3 mã xấu, quả không đều song hương vị vẫn rất ngon được thu mua với giá từ 6 đến 9 nghìn đồng/kg, tiêu thụ tại các tỉnh lân cận như: Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Thái Nguyên…
Vải loại 2 có giá bán từ 10 đến 14 nghìn đồng/kg được tiêu thụ mạnh tại một số tỉnh phía Nam như: TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… Vải loại 1 chủ yếu được thương nhân Trung Quốc thu mua với giá cao hơn hẳn từ 16 đến 20 nghìn đồng/kg để xuất khẩu sang Trung Quốc.
Tuy giá vải thiều lên, xuống theo ngày nhưng riêng với vải thiều VietGAP ở Lục Ngạn giá luôn ổn định ở mức cao. Ông Nguyễn Đức Sơn, thôn Hiệp Tân, xã Hồng Giang (Lục Ngạn) cho hay: "Với 130 cây vải thiều, vụ này gia đình tôi thu hơn 5 tấn quả. Chăm sóc theo quy trình VietGAP nên vải nhà tôi năm nào cũng được mùa, dễ bán, nhiều khi thương lái đến tận vườn thu mua. Hiện tôi đang bán giá bình quân 18 nghìn đồng/kg, chủ yếu là cho các điểm cân của thương nhân Trung Quốc”.
Được biết, xã Hồng Giang có hơn 700 ha trồng vải thiều, trong đó có khoảng 450 ha được chăm sóc theo quy trình VietGAP. Vì vải thiều VietGAP quả to đều, cùi dày, hạt nhỏ, màu quả đỏ đẹp, vị ngọt dịu không chát nên tiêu thụ thuận lợi, giá luôn ở mức từ 16 đến 20 nghìn đồng/kg.
Tại huyện Lục Nam, vải đẹp cũng đang được giá. Anh Tạ Văn Cương, thôn Đồng Dinh, xã Tiên Nha (Lục Nam) cho biết: "Mấy ngày đầu thu hoạch vải thiều chính vụ giá chỉ từ 6 đến 7 nghìn đồng/kg nhưng từ ngày 21-6 đến nay giá lên 11 nghìn đồng/kg. Tranh thủ lúc được giá, tôi đang huy động người hái, trong ngày bán được khoảng 7, 8 tạ. Chỉ mong giá vải ổn định đến cuối vụ vì gia đình vẫn còn hơn 10 tấn quả”.
Theo quan sát của phóng viên, tuy ở ngoài vùng VietGAP song do người dân đầu tư chăm sóc, vải vụ này ở Lục Ngạn, Lục Nam chất lượng cũng tương đối tốt, độ đồng đều quả cao, mã đẹp, giá dao động từ 6 đến 13 nghìn đồng/kg tuỳ loại.
"Khi mua tôi chọn những sọt quả đỏ đều, vỏ không bị vệt chàm, nám hay sâu cuống, ăn thử có vị ngọt dịu sẽ trả giá cao. Hiện mỗi ngày điểm cân của tôi thu mua từ 30 đến 40 tấn vải thiều với giá bình quân 17 nghìn đồng/kg" - Ông Trương Chính Hào, thương nhân Trung Quốc đặt điểm cân tại phố Kép, xã Hồng Giang (Lục Ngạn).
Có thể bạn quan tâm
Thời tiết diễn biến thất thường là nguyên nhân khiến cho hàng loạt đầm nuôi tôm công nghiệp vùng Hoàng Mai, Quỳnh Lưu (Nghệ An) bị chết ngay từ đầu vụ thả. Hàng trăm hộ nuôi tôm ở các địa phương này đang đối mặt với nguy cơ trắng tay do dịch bệnh. Nếu không thực hiện tốt các biện pháp ngăn chặn một cách đồng bộ, dịch bệnh có thể lây lan trên diện rộng...
Nhằm tránh nạn tranh giành khai thác nghêu giống mỗi khi vào mùa, ngành chức năng địa phương đã hợp nhất 16 HTX hiện hữu thành 1 HTX nuôi nghêu Đất Mũi. HTX mới này chịu trách nhiệm quản lý, khai thác bãi nghêu rộng 3.000ha; trong đó, khoảng 600ha là vùng nuôi nghêu thương phẩm, diện tích còn lại để khai thác nghêu going.
Nhiều hộ chăn nuôi heo trên địa bàn tỉnh Phú Yên đang áp dụng kỹ thuật phối trộn thức ăn từ các nguồn phụ phẩm nông nghiệp thay vì mua thức ăn tổng hợp. Điều này giúp giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị Nguyễn Văn Bài cho biết, vụ đông xuân năm nay sản xuất lúa ở tỉnh Quảng Trị được mùa nhất từ trước đến nay. Năng suất bình quân đạt hơn 55 tạ/ha, tăng 2-3 tạ/ha so với vụ đông xuân năm trước.
Nhiều bà con nông dân ở các vùng ven sông đang hớn hở vì bội thu từ khoai môn (hay còn gọi là khoai sáp). Một sào khoai môn có thể cho thu nhập tới 20 triệu đồng.