Khôi Phục Và Phát Triển Cây Trồng Chủ Lực Ở Tân Liên
Hồ tiêu là một trong những loại cây chủ lực xóa đói giảm nghèo ở xã Tân Liên, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị). Tuy nhiên, khoảng từ năm 2009-2012 vì lý do cây bị bệnh chết nhanh, giá cả không ổn định nên nhiều người dân tạm ngừng trồng tiêu, chuyển sang trồng các loại cây khác.
Năm 2013, nhờ sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành chuyên môn và chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền, vận động, hướng dẫn kỹ thuật trồng và phòng trừ sâu bệnh trên cây hồ tiêu, nhiều người dân ở Tân Liên tiếp tục cải tạo, trồng mới loại cây này và kết quả ban đầu mang lại khá cao.
Được sự quan tâm của Dự án Phát triển nông nghiệp bền vững tỉnh Quảng Trị (do tổ chức Roots of Peace (ROP) tại Việt Nam tài trợ), từ đầu năm 2013 đến nay, UBND xã Tân Liên đã chỉ đạo, triển khai cho nhân dân khôi phục vườn tiêu hiện có và ươm giống tiêu để trồng mới thêm.
Tính đến thời điểm này, xã đã tiến hành cấp 6.500 bầu tiêu giống cho 213 hộ dân trên địa bàn. Bên cạnh đó, UBND xã khuyến khích các hộ dân tham gia thành lập câu lạc bộ (CLB) chăm sóc vườn tiêu. Tháng 11/2013, CLB chăm sóc vườn tiêu ra mắt có 24 hộ/7 thôn tham gia, tổng diện tích vườn tiêu các hộ hiện có để chăm sóc hơn 10 ha, bình quân mỗi hộ có 70 choái trụ sống/500 m2, cây đang phát triển tốt, hộ cao nhất có khoảng 1,5 ha (cả vườn tiêu lâu năm và trồng mới).
Đa số người dân tham các CLB rất phấn khởi và đặt niềm tin lâu dài đối với hiệu quả mang lại từ cây hồ tiêu. Giữa năm 2014, xã khuyến khích bà con thành lập thêm CLB trồng mới vườn tiêu, có 22 hộ/7 thôn tham gia với diện tích khởi đầu trồng mới 1,2 ha.
Trước khi ra mắt, CLB trồng mới vườn tiêu được chuyên gia nông nghiệp tỉnh tập huấn kỹ thuật 2 đợt trồng mới cây hồ tiêu; kỹ thuật qua từng giai đoạn trồng như: chăm sóc, phun bón lá; xử lý bệnh, bón phân…; khảo sát chọn hộ tham gia trồng và được hỗ trợ 50% vốn (do tổ chức ROP hỗ trợ) để trồng mới tiêu.
Theo chân chị Trần Thị Thanh Thúy, cán bộ nông nghiệp xã Tân Liên, chúng tôi đến thăm những vườn tiêu xanh tốt của thành viên các CLB chăm sóc vườn tiêu và trồng mới vườn tiêu.
Là người thường xuyên về tận các hộ theo dõi, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh cho cây hồ tiêu nên chị Thúy rất gần gũi với bà con nông dân địa phương. Mô hình vườn tiêu của gia đình ông Nguyễn Khoái, thôn Tâm Hiệp luôn được chọn làm điểm để bà con trong xã đến tham quan học hỏi.
Ông là một trong những người đi đầu và duy trì tốt việc trồng tiêu trong xã. Bên cạnh đó, ông cũng là người rất nhiệt tình trong các hoạt động ở địa phương nên được bà con tín nhiệm bầu làm chủ nhiệm CLB chăm sóc vườn tiêu. Với 0,7 ha cây hồ tiêu 9 năm tuổi, hàng năm, gia đình ông Khoái thu nhập khá cao sau khi thu hoạch từ loại cây này.
Ông Khoái cho biết: “Từ khi tham gia CLB chăm sóc vườn tiêu tôi thấy chất lượng cây trong vườn khác hẳn. Nhờ được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc tiêu, áp dụng đúng các biện pháp canh tác sinh học, vườn tiêu của thành viên CLB ít bị sâu bệnh và sinh trưởng tốt. Đặc biệt, bản thân chúng tôi có thể tự xử lý nhanh các loại bệnh thường gặp ở cây.
Năm 2013, gia đình tôi thu hoạch được 1,2 tấn tiêu hạt khô và xuất bán với giá tiêu khá cao 170.000 đồng/kg. Năm nay, tiêu trong vườn nhà và các vườn của thành viên CLB ra hoa nhiều, hy vọng một mùa tiêu bội thu lại đến với chúng tôi”. Các thành viên CLB khác cũng tham gia chăm sóc vườn tiêu hiệu quả như: Nguyễn Công Văn, Trương Đình Khuynh, Dương Thanh Hùng, Bùi Thiên Định (thôn Duy Hòa); Võ Duy Nhất, Võ Văn Trí (thôn Đại Thủy)…
Chị Trần Thị Thanh Thúy cho biết: “Tân Liên là vùng đất đỏ ba dan, rất phù hợp cho việc trồng tiêu. Tuy nhiên, do thời tiết nơi đây thường không ổn định, nếu không biết cách chăm sóc cây sẽ dễ bị bệnh.
Vì thế, chúng tôi luôn khuyến cáo bà con cần thực hiện các biện pháp kỹ thuật canh tác bền vững cây hồ tiêu, phù hợp với điều kiện khí hậu, thời tiết, đất đai. Bên cạnh đó, bám sát vườn tiêu để phát hiện và xử lý kịp thời dấu hiệu xảy ra bệnh ở cây, tránh để cây bị bệnh và chết hàng loạt gây thiệt hại lớn như những năm trước.
Hiện đa số bà con tham gia các CLB chăm sóc và trồng mới vườn tiêu yên tâm hơn khi họ được hỗ trợ các điều kiện trong quá trình ươm giống, trồng và chăm sóc vườn tiêu. Quá trình trồng tiêu, các thành viên CLB tổ chức sinh hoạt 1 tháng/lần và thường xuyên đến thăm vườn tiêu của nhau để trao đổi kinh nghiệm phát triển vườn tiêu hiệu quả.”
Thời gian từ 3-4 năm về trước, toàn xã Tân Liên có hơn 50 ha hồ tiêu. Tuy nhiên, người dân Tân Liên buộc phải bỏ bê không chăm sóc vườn tiêu do bị dịch bệnh chết nhanh, vườn cây già cỗi, chất lượng hạt kém và giá quá thấp nên họ chuyển sang trồng cà phê.
Từ năm 2013 đến nay, nhờ sự định hướng đúng đắn và khuyến khích nông dân tái canh, trồng mới vườn tiêu của chính quyền địa phương, bà con nơi đây lại có động lực chăm sóc và trồng mới cây hồ tiêu với quyết tâm cao trong việc bám vườn, mở rộng diện tích loại cây này. Đến nay, toàn xã đã khôi phục và trồng mới tiêu với tổng diện tích 20 ha, dự kiến đến cuối năm 2014, bà con sẽ phát triển thêm khoảng 5-10 ha.
Ông Phan Đình Miên, Chủ tịch UBND xã Tân Liên cho biết: “Hoạt động của các CLB chăm sóc và trồng mới vườn tiêu trong thời gian qua được đánh giá có chiều hướng phát triển tốt. Hiệu quả bước đầu từ các mô hình này đã góp phần giúp người dân yên tâm hơn trong việc lựa chọn loại cây trồng chủ lực xóa đói giảm nghèo bền vững.
Tham gia sinh hoạt tại các CLB này, bà con được học cách trồng mới tiêu bài bản hơn, thường xuyên gặp gỡ nhau để trao đổi kinh nghiệm trồng, chăm sóc tiêu như thế nào cho hiệu quả lâu dài.
Thời gian tới, chính quyền xã tiếp tục định hướng, giúp người dân chú trọng phát triển các loại cây trồng chủ lực, đặc biệt trong đó duy trì và phát triển tốt cây hồ tiêu và cà phê. Qua đó, góp phần thúc đẩy phong trào xây dựng nông thôn mới ở một xã miền núi”.
Có thể bạn quan tâm
Dù tỷ lệ thiệt hại đến tuần đầu tháng 9 vẫn còn ở mức 28,8%, nhưng vụ nuôi tôm nước lợ 2013 của tỉnh Sóc Trăng đã và đang diễn biến khá thuận lợi, khi phần lớn diện tích thu hoạch không chỉ đạt năng suất, mà giá bán cũng luôn ở mức cao. Dù vụ tôm 2013 chưa kết thúc nhưng nỗi lo cho vụ tôm 2014 đã hiện hữu, với không ít vấn đề đặt ra cho ngành chức năng và chính quyền địa phương.
Gần 3 năm qua, ngư dân đảo Hòn Chuối (thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) đã thử nghiệm và thành công bước đầu với mô hình nuôi cá bớp lồng bè. Hiệu quả từ mô hình này đã và đang giúp cho cư dân đảo Hòn Chuối có thêm nguồn thu đáng kể, cải thiện cuộc sống…
Lần đầu tiên Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Phú Yên phối hợp với Công ty Syngenta tổ chức trồng lúa theo mô hình GroMore (giải pháp tích hợp cây lúa giúp cải thiện năng suất và thu nhập cho người nông dân). Mô hình này bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế.
Hệ thống quan sát tàu cá, vùng đánh bắt và nguồn lợi thủy sản bằng công nghệ vệ tinh Movimar được xem là thiết bị liên lạc hiện đại nhất hỗ trợ tàu cá hành nghề trên biển. Tuy nhiên, sau một thời gian đi vào sử dụng, ngư dân không mấy mặn mà vì cho rằng nó không phát huy tác dụng như mong đợi.
Sau nhiều vụ thả nuôi sò trên đầm Thủy Triều, nhiều ngư dân ở tổ dân phố Hoà Dò 4, phường Cam Phúc Bắc, TP Cam Ranh (Khánh Hòa) thắng lớn. Dẫn chúng tôi tham quan mô hình nuôi sò, ngư dân Lê Văn Hoàng cho biết: “Mặc dù bà con nơi đây không được chuyển giao kỹ thuật nuôi thả sò, nhưng cứ mày mò, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau nên vụ nào cũng lãi”.