Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Khoa Học Công Nghệ Là Then Chốt Trong Tái Cơ Cấu Nông Nghiệp

Khoa Học Công Nghệ Là Then Chốt Trong Tái Cơ Cấu Nông Nghiệp
Ngày đăng: 08/12/2014

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát nhấn mạnh, trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam ngày một hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới, KHCN chính là khâu then chốt thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu nông nghiệp.

Hơn 500 đại biểu là các nhà khoa học, nhà quản lí và DN ngồi chật kín hội trường Trung tâm Hội nghị Quốc tế tham dự Hội thảo Khoa học công nghệ gắn với tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng NTM do Bộ NN-PTNT và Bộ KHCN đồng tổ chức ngày 6/12 tại Hà Nội cho thấy sức hút của khoa học công nghệ (KHCN) với phát triển nông nghiệp hiện rất lớn.

KHÔNG THỂ KHÁC ĐƯỢC

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát nhấn mạnh, trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam ngày một hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới, KHCN chính là khâu then chốt thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu nông nghiệp. Bởi dù đạt được một số thành tựu nhất định, song nhìn chung trình độ KHCN trong nông nghiệp của ta còn yếu, sự tham gia của DN vẫn rất hạn chế. Vì vậy, không còn con đường nào khác tốt hơn để thay đổi, phát triển nông nghiệp bằng việc ứng dụng tiến bộ KHCN.

Theo báo cáo của Bộ KHCN, tổng kinh phí đầu tư cho nhiệm vụ KHCN cấp nhà nước do Bộ KHCN quản lí trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn giai đoạn 2008-2013 là 2.143 tỷ đồng (chiếm 30%). Kinh phí sự nghiệp cấp riêng cho Bộ NN-PTNT trong giai đoạn này là gần 4.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 13% tổng kinh phí sự nghiệp KHCN của cả nước. Bình quân, trong 3 năm gần đây, mỗi năm Bộ NN-PTNT được cấp khoảng 700 tỷ đồng, trong đó hoạt động chi cho lương, bộ máy đã chiếm từ 32-44%.

Từ năm 2011 đến nay, ngành NN-PTNT đã đạt được một số kết quả nổi bật trong nhiệm vụ KHCN. Trong lĩnh vực trồng trọt đã công nhận được 48 giống lúa mới giúp tăng 10-15% năng suất. Về ngô, 26 giống mới cũng đã được công nhận, rất nhiều giống có khả năng chịu hạn, sâu bệnh, năng suất có thể lên tới 10 tấn/ha, tương đương các giống ngô nhập nội. Bên cạnh đó, một loạt giống cây công nghiệp như điều, cà phê, hồ tiêu, cao su, ca cao, chè có năng suất vượt trội so với các nước trên thế giới.

Tính đến hết năm 2013, có 47 giống cây trồng được tạo ra bằng ngân sách nhà nước được chuyển nhượng cho DN, trong đó có 39 giống lúa, 4 giống ngô, 1 giống đỗ tương, 1 giống lạc, 1 giống thanh long và 1 giống khoai tây. Cùng với trồng trọt, trong lĩnh vực công nghệ sinh học, chăn nuôi, thú y, lâm nghiệp, thủy sản, công nghệ chế biến, bảo quản và sau thu hoạch, thủy lợi cũng đạt được một số thành tựu nhất định.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: “Tất cả những kiến nghị về cơ chế, chính sách, đất đai, vốn liếng suy cho cùng vẫn tập trung lại ở khâu thị trường. Bây giờ DN hợp tác với viện, với trung tâm, với trường ĐH không ai cấm. Xây nhà, thuê người, mở viện… đều không sao.

Nói chung, cái gì pháp luật không cấm mà thị trường cần các đơn vị cứ mạnh dạn làm. Nhưng chúng ta phải đặt quyết tâm làm, cái gì khó mình làm thử, trên tinh thần cầu thị, ngay như 19 tiêu chí trong xây dựng NTM, nếu tiêu chí nào không phù hợp Bộ NN-PTNT nên mạnh dạn sửa sớm.

Không dám nhận là cường quốc về nông nghiệp, song tương lai mươi, mười lăm năm nữa Việt Nam chúng ta phải phấn đấu trở thành nước có thứ hạng trên thế giới về nông nghiệp công nghệ cao”.

Nhưng, so với đòi hỏi của thực tế, việc ứng dụng KHCN trong nông nghiệp vẫn chưa đáp ứng kịp nhu cầu phát triển, các công trình, đề tài nghiên cứu nặng tính xin cho, nể nang và bị phụ thuộc quá lớn vào kế hoạch, nhiều nghiên cứu ra được thực tế đã bị lạc hậu. Đặc biệt, thời gian qua, các nghiên cứu quá tập trung vào nâng cao năng suất và thâm canh khiến giá trị, chất lượng bị tụt hậu khá xa so với các nước trong khu vực. Chính vì vậy, để phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng NTM, cần phải thay đổi tầm nhìn, chiến lược và cả tư duy dành cho KHCN.

DN ĐÓNG VAI TRÒ QUYẾT ĐỊNH

Hầu hết các ý kiến tham luận của chuyên gia, nhà quản lí và thành quả lớn về KHCN được tổng kết tại Hội thảo đều ghi đậm dấu ấn của DN như: Cty CP BVTV An Giang, Tập đoàn TH, Cty CP Thủy sản Việt - Úc, Cty CP GCT Trung ương, Thái Bình…

Các đại biểu cho rằng, phải mở biên tối đa, tạo điều kiện thuận lợi nhất để DN tham gia sâu rộng hơn nữa vào lĩnh vực nghiên cứu khoa học phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp.

Hiện, theo kết quả điều tra của Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ (Bộ KHCN) trên 1.500 DN có hoạt động KHCN thì có tới 350 DN có tiềm năng phát triển thành DN KHCN, nhưng trong số đó chỉ có 28 DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp (chiếm 8%). Như vậy, để được hưởng các chế độ ưu đãi, hỗ trợ nhà nước đối với các DN KHCN hay DN nông nghiệp ứng dụng CNC thì DN nông nghiệp chiếm tỉ lệ vô cùng thấp.

Ông Trần Mạnh Báo - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Cty CP Tổng công ty GCT Thái Bình (TSC) chia sẻ: Có được thành công như ngày hôm nay TSC phải có chiến lược, kế hoạch đầu tư dài hơi cho KHCN chứ không phải muốn là làm được ngay. Như giống lúa có diện tích gieo trồng thuộc tốp đầu cả nước hiện nay là BC15 thì cách đây cả chục năm, TSC đã mạnh dạn mua bản quyền để về nhân giống, chọn tạo phát triển nó lên vì nhận thấy tiềm năng.

Từ thực tế tại DN mình, ông Trần Mạnh Báo cho rằng, nghiên cứu phải dựa trên nhu cầu thực tế bởi thị trường quyết định tất cả. Tư duy, thói quen nghiên cứu khoa học theo kế hoạch, đề tài, dự án đã quá lạc hậu, DN giờ không đủ thời gian, công sức và kiên nhẫn để tiếp cận các nguồn vốn, ngân sách dành cho KHCN bởi thủ tục mất quá nhiều thời gian (theo thống kê của các nhà khoa học mất khoảng 30% tổng thời gian dành cho lo thủ tục, hóa đơn).

Ông Báo kiến nghị cần phải xã hội hóa công tác nghiên cứu một cách thật sự minh bạch. Thứ hai là các chính sách, tài chính đối với các DN KHCN phải thật cụ thể, rõ ràng, nếu có thể giao khoán theo kết quả nghiên cứu chứ không phải kiểm tra giám sát từng cân giống, dảnh mạ như hiện nay. Và cuối cùng cần phải có cơ chế hỗ trợ đặc thù cho nghiên cứu KHCN trong nông nghiệp vì là nghiên cứu ngoài trời nên độ rủi ro bởi thời tiết và thiên tai rất lớn.

Bộ trưởng Bộ KHCN Nguyễn Quân: “Chúng tôi rất vui mừng khi thấy Bộ NN-PTNT và ngành nông nghiệp rất quan tâm tới việc ứng dụng KHCN vào nâng cao năng suất, chất lượng. Bản thân Bộ KHCN chúng tôi cũng phải tự tái cơ cấu mình để phục vụ khoa học nói chung và nông nghiệp nói riêng được tốt hơn.

Hiện, Bộ KHCN đã cơ bản hoàn thành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan tới Luật KHCN. Hy vọng, khi những cơ chế chính sách mới này chính thức có hiệu lực sẽ là một khoán 10 mới trong lĩnh vực KHCN".

Còn theo chia sẻ của bà Thái Hương - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn TH, chính nhờ áp dụng KHCN mà TH đã hình thành nên một ngành công nghiệp chăn nuôi bò sữa. Bà Hương cho biết, từ trước tới nay nông dân gần như đứng ngoài cuộc bởi công nghệ của TH quá hiện đại. Nhưng sắp tới, Tập đoàn TH sẽ bắt đầu đưa người nông dân tham gia vào chuỗi SX nông nghiệp của mình thông qua việc trồng một số loại cỏ chất lượng cao được nhập nội để cung cấp cho trại bò của TH với thu nhập cao gấp trồng lúa cả chục lần.

Là DN đầu tư “khủng” cho nghiên cứu SX giống, thức ăn, quy trình nuôi tôm, Tổng Giám đốc Cty CP Thủy sản Việt - Úc phân tích: Nhờ ứng dụng KHCN mà chỉ với diện tích nuôi tôm 50 ha đơn vị tạo ra sản lượng tôm đạt tới 2.000 tấn/năm. Qua đó mới thấy, đầu tư cho KHCN trong nông nghiệp dù rất tốn kém nhưng hiệu quả đem lại vô cùng to lớn.

Là địa phương tiên phong trong ứng dụng tiến bộ KHCN vào SXNN, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, ông Phạm S cho rằng, các nước phát triển họ ứng dụng KHCN từ cách đây hàng thập kỷ nên đã kịch trần về năng suất và sản lượng.

Tuy nhiên, với nước ta do nguồn lực đầu tư còn hạn chế nên bây giờ nếu áp dụng triệt để KHCN vào SXNN sẽ tạo ra một cuộc cách mạng và Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành cường quốc về nông nghiệp. Ông Phạm S chia sẻ, Lâm Đồng xác định mục tiêu trong tương lai sẽ là trung tâm cung cấp rau cho khu vực Đông Nam Á, trung tâm SX trà O long có năng suất cao nhất thế giới, trung tâm NNCNC, trung tâm cá nước lạnh, trung tâm cây dược liệu…

Sau khi dành cả một ngày nghe các DN, đơn vị báo cáo, tâm sự, kiến nghị các cơ chế, chính sách dành cho nghiên cứu KHCN, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh, đây chính là thời cơ cho nền nông nghiệp của Việt Nam.

Phó Thủ tướng yêu cầu sau Hội thảo này Bộ NN-PTNT và Bộ KHCN tập hợp lại tất cả những kiến nghị, vướng mắc từ phía DN, địa phương, để có những tháo gỡ mang tính cách mạng cho lĩnh vực nghiên cứu KHCN. Nếu chính sách vướng ở tầm cao, đích thân Phó Thủ tướng và 2 Bộ trưởng sẽ đưa ra Chính phủ xin cơ chế thực hiện thí điểm.

Nguồn bài viết: http://nongnghiep.vn/khoa-hoc-cong-nghe-la-then-chot-trong-tai-co-cau-nong-nghiep-post135681.html


Có thể bạn quan tâm

Nuôi Cá Trắm Đen Bằng Thức Ăn Công Nghiệp Mô Hình Nhiều Triển Vọng Nuôi Cá Trắm Đen Bằng Thức Ăn Công Nghiệp Mô Hình Nhiều Triển Vọng

Trong các loại cá nước ngọt, cá trắm đen được xếp là một trong những loại cá quý nhất bởi hàm lượng dinh dưỡng cao. Hiện nay, ngoài phương pháp nuôi truyền thống bằng nguồn thức ăn tự nhiên, nhiều địa phương đã chuyển sang nuôi cá trắm đen theo hình thức công nghiệp như một hướng đi mới mang lại hiệu quả cao.

31/12/2014
Bắc Ninh Cung Ứng 80.000 Con Cá Lưu Qua Đông Năm 2014 Bắc Ninh Cung Ứng 80.000 Con Cá Lưu Qua Đông Năm 2014

Vào mỗi mùa thả cá giống, số lượng cá cung cấp trên thị trường có rất nhiều chủng loại, kích cỡ và có nguồn gốc từ rất nhiều cơ sở cung ứng khác nhau. Do vậy, việc quản lý được chất lượng, kích cỡ cá giống là không hề dễ.

31/12/2014
Đồng Nai Dồi Dào Heo, Gà Bán Tết Đồng Nai Dồi Dào Heo, Gà Bán Tết

Trung bình trang trại xuất khoảng 1.500 con heo giống/tháng, tăng khoảng 30% so với năm ngoái nhưng vẫn không kịp đáp ứng nhu cầu người mua. Hiện đã qua thời điểm tăng đàn phục vụ cho thị trường tết, nhưng danh sách người đặt chờ mua con giống vẫn khá nhiều”.

31/12/2014
Sử Dụng Tinh Phân Ly Giới Tính: Hiệu Quả Kinh Tế Cao Trong Chăn Nuôi Sử Dụng Tinh Phân Ly Giới Tính: Hiệu Quả Kinh Tế Cao Trong Chăn Nuôi

Phối tinh phân ly giới tính cho bò sữa đã được nhiều nước như Mỹ, Hà Lan, Úc… và các nước châu Á như Indonesia, Nhật Bản, Thái Lan và Trung Quốc ứng dụng có hiệu quả. Hiện nay, ở các nước tiến tiến với các trang trại lớn đã sử dụng 100 % tinh phân ly giới tính nên chất lượng đàn bò rất cao.

31/12/2014
Quảng Ngãi Tăng Cường Bảo Vệ Đàn Trâu, Bò Trong Mùa Đông Quảng Ngãi Tăng Cường Bảo Vệ Đàn Trâu, Bò Trong Mùa Đông

Cuối năm, những cơn gió mùa đông bắc thổi về, trời trở lạnh, nhất là ban đêm và sáng sớm, nhiệt độ ở vùng miền núi của tỉnh Quảng Ngãi xuống dưới 180C. Trước tình hình đó, nông dân tại các huyện miền núi Ba Tơ, Sơn Tây đang tập trung phòng chống đói, rét cho trâu, bò.

31/12/2014