Khi Lộc Biển Vơi Dần…
Nếu như những năm trước đây, chỉ cần ra cách bờ chưa đầy một hải lý, ngư dân ven biển Mộ Đức (Quảng Ngãi) đã có thể cào được cả tấn ốc gạo. Thì năm nay, mọi người phải đi thuyền vào tận Đức Phổ và tỉnh Bình Định mới tìm được sản vật này của biển…
Đìu hiu mùa ốc
Tầm tháng giêng đến tháng 3, khi vừa ăn Tết xong, ngư dân các xã bãi ngang ven biển Mộ Đức lại hối hả bắt tay vào việc thu hoạch ốc gạo. Vì ốc gạo theo sóng biển dạt vào gần bờ nên ngư dân chỉ cần lặn xuống cào mang ốc lên. Không tốn nhiều chi phí, nhưng bình quân mỗi thuyền thu về từ 8 - 10 bao ốc, tương đương với 3 - 5 triệu đồng. Vì vậy, cứ đến mùa ốc gạo là bà con ngư dân lại đổ xô đi khai thác lộc biển để kiếm thêm tiền trang trải cuộc sống.
Thế nhưng, vài năm trở lại đây, khi bà con ngư dân đổ xô khai thác ốc gạo bằng vợt sắt và quần thảo ngày đêm, khiến loại ốc này ngày càng cạn kiệt. Năm nay, dù đang là giữa mùa, nhưng ốc gạo dọc bãi ngang Mộ Đức còn quá nhỏ so với yêu cầu của thương lái, khiến ngư dân hành nghề cào ốc phải tất tả giong thuyền tìm ốc lớn.
Hối hả trở về sau nhiều giờ cào ốc gạo tận Phổ Khánh (Đức Phổ), ngư dân Trần Tiền Phương ở Đức Minh (Mộ Đức) cho biết: “Mấy anh em đã cào thử từ Cửa Đại vào tới Mộ Đức, nhưng ốc năm nay nhỏ quá nên phải chạy vô Đức Phổ mới có ốc lớn. Ốc nhỏ quá thì bạn hàng họ chê, không mua”.
Năm nay, ốc gạo không còn dồi dào như mọi năm, chất lượng lại thấp. Nếu như ốc có kích thước lớn, giá mỗi bao dao động từ 500 - 600 nghìn đồng/bao, thì ốc gạo loại nhỏ mà ngư dân cào ngay tại vùng biển Mộ Đức chỉ có giá từ 350 - 400 nghìn đồng/bao. Đấy là chưa kể trường hợp thương lái chỉ lựa chọn ốc có kích thước đạt yêu cầu, chứ không chịu lấy ốc quá nhỏ. Vì thế, dù “lộc biển” nằm cạnh bờ, nhưng ngư dân Đức Minh đành đi lưới ghẹ, lưới cá, thay vì tập trung cào ốc.
Bấp bênh đầu ra
Không còn “hút hàng” như trước đây, năm nay thương lái thu mua ốc gạo theo kiểu nhỏ giọt. Nhiều đợt, thương lái dừng lại cả tuần, không thu mua nên ngư dân cũng chỉ chờ. “ Năm ngoái, khoảng giữa tháng giêng là đã đi cào ốc. Riêng năm nay, tới đầu tháng 2 mà chúng tôi vẫn chưa đi làm. Chừng nào các mối mua hàng ngoài Đà Nẵng gọi điện thì mình mới làm. Nếu không, cào xong chỉ có nước bỏ, vì không biết bán cho ai”, ngư dân Nguyễn Bút phân trần.
Không còn cào ốc sát bờ biển Mộ Đức, ngư dân phải lặn lội dò ốc ở các vùng biển lân cận để tìm ốc lớn nên phí tổn cũng vì thế mà cao hơn hẳn. Trung bình mỗi phiên biển, một thuyền tiêu tốn 300 - 400 nghìn đồng tiền nhiên liệu, cao hơn từ 2 - 3 lần so với trước đây.
Chi phí cao dần, đầu ra lại bấp bênh và phụ thuộc hẳn vào thương lái khiến ngư dân dù muốn cũng chẳng thể khai thác nhiều hơn đơn đặt hàng. “Cào ốc tưởng là đơn giản nhưng rất nặng nhọc nên anh em chúng tôi thường đi từ 3 - 4 người để dễ phân chia công việc. Nhưng nếu gặp bữa nhiều người cùng trúng ốc, thương lái lấy có 5 bao ốc thì coi như tiền thu vào không bù đủ công sức bỏ ra”.
Nguồn sản vật ngày càng cạn kiệt khiến đời sống của ngư dân bãi ngang trở nên khó khăn hơn. Qua rồi thời điểm chỉ cần qua khỏi con sóng là “hốt” được bạc triệu, như lời các ngư dân vẫn thường nói. Bởi dù là lộc, nhưng nếu không được bảo vệ mà chỉ biết khai thác theo kiểu tận thu, thì đến lúc cũng phải mất đi…
Có thể bạn quan tâm
Ngoài quýt, ông Tứ còn trồng xen canh, đa cây để có nguồn thu nhập ổn định. Hiện nay, vườn cây ăn quả của gia đình ông có khoảng 800 cây quýt đường, 130 trụ tiêu, 200 cây chôm chôm thái và 600 cây na. Tất cả các loại cây năm nay đều đã cho thu hoạch. Sau khi trừ các khoản chi phí, gia đình ông thu lãi gần 400 triệu đồng/năm.
Đến nay đàn vịt của gia đình ông Huân đã lên đến hơn 200 con, mỗi ngày thu được khoảng 200 quả trứng. Với giá bán sỉ, trừ chi phí gia đình ông thu về khoảng 600.000 đồng/ngày.
Đài Truyền hình ABC của Australia vừa phát phóng sự về hoạt động nuôi trồng thủy sản trong nước và nhu cầu rất lớn đối với loại mặt hàng này, trong đó đánh giá tích cực về thủy sản nhập khẩu từ Việt Nam.
Trong những năm gần đây, để cải tạo các diện tích cà phê già cỗi, người trồng cà phê trên địa bàn huyện Đắk Mil đã thực hiện “trẻ hóa” vườn cây bằng cách áp dụng kỹ thuật ghép chồi.
Chúng tôi lo ngại những quy định mới trong Luật Nông nghiệp 2014 của Hoa Kỳ có thể ảnh hưởng tiêu cực đến ngành nuôi trồng, chế biến thủy sản của Việt Nam cũng như người tiêu dùng Hoa Kỳ