Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Khi Lộc Biển Vơi Dần…

Khi Lộc Biển Vơi Dần…
Publish date: Tuesday. March 25th, 2014

Nếu như những năm trước đây, chỉ cần ra cách bờ chưa đầy một hải lý, ngư dân ven biển Mộ Đức (Quảng Ngãi) đã có thể cào được cả tấn ốc gạo. Thì năm nay, mọi người phải đi thuyền vào tận Đức Phổ và tỉnh Bình Định mới tìm được sản vật này của biển…

Đìu hiu mùa ốc

Tầm tháng giêng đến tháng 3, khi vừa ăn Tết xong, ngư dân các xã bãi ngang ven biển Mộ Đức lại hối hả bắt tay vào việc thu hoạch ốc gạo. Vì ốc gạo theo sóng biển dạt vào gần bờ nên ngư dân chỉ cần lặn xuống cào mang ốc lên. Không tốn nhiều chi phí, nhưng bình quân mỗi thuyền thu về từ 8 - 10 bao ốc, tương đương với 3 - 5 triệu đồng. Vì vậy, cứ đến mùa ốc gạo là bà con ngư dân lại đổ xô đi khai thác lộc biển để kiếm thêm tiền trang trải cuộc sống.

Thế nhưng, vài năm trở lại đây, khi bà con ngư dân đổ xô khai thác ốc gạo bằng vợt sắt và quần thảo ngày đêm, khiến loại ốc này ngày càng cạn kiệt. Năm nay, dù đang là giữa mùa, nhưng ốc gạo dọc bãi ngang Mộ Đức còn quá nhỏ so với yêu cầu của thương lái, khiến ngư dân hành nghề cào ốc phải tất tả giong thuyền tìm ốc lớn.

Hối hả trở về sau nhiều giờ cào ốc gạo tận Phổ Khánh (Đức Phổ), ngư dân Trần Tiền Phương ở Đức Minh (Mộ Đức) cho biết: “Mấy anh em đã cào thử từ Cửa Đại vào tới Mộ Đức, nhưng ốc năm nay nhỏ quá nên phải chạy vô Đức Phổ mới có ốc lớn. Ốc nhỏ quá thì bạn hàng họ chê, không mua”.

Năm nay, ốc gạo không còn dồi dào như mọi năm, chất lượng lại thấp. Nếu như ốc có kích thước lớn, giá mỗi bao dao động từ 500 - 600 nghìn đồng/bao, thì ốc gạo loại nhỏ mà ngư dân cào ngay tại vùng biển Mộ Đức chỉ có giá từ 350 - 400 nghìn đồng/bao. Đấy là chưa kể trường hợp thương lái chỉ lựa chọn ốc có kích thước đạt yêu cầu, chứ không chịu lấy ốc quá nhỏ. Vì thế, dù “lộc biển” nằm cạnh bờ, nhưng ngư dân Đức Minh đành đi lưới ghẹ, lưới cá, thay vì tập trung cào ốc.

Bấp bênh đầu ra

Không còn “hút hàng” như trước đây, năm nay thương lái thu mua ốc gạo theo kiểu nhỏ giọt. Nhiều đợt, thương lái dừng lại cả tuần, không thu mua nên ngư dân cũng chỉ chờ. “ Năm ngoái, khoảng giữa tháng giêng là đã đi cào ốc. Riêng năm nay, tới đầu tháng 2 mà chúng tôi vẫn chưa đi làm. Chừng nào các mối mua hàng ngoài Đà Nẵng gọi điện thì mình mới làm. Nếu không, cào xong chỉ có nước bỏ, vì không biết bán cho ai”, ngư dân Nguyễn Bút phân trần.

Không còn cào ốc sát bờ biển Mộ Đức, ngư dân phải lặn lội dò ốc ở các vùng biển lân cận để tìm ốc lớn nên phí tổn cũng vì thế mà cao hơn hẳn. Trung bình mỗi phiên biển, một thuyền tiêu tốn 300 - 400 nghìn đồng tiền nhiên liệu, cao hơn từ 2 - 3 lần so với trước đây.

Chi phí cao dần, đầu ra lại bấp bênh và phụ thuộc hẳn vào thương lái khiến ngư dân dù muốn cũng chẳng thể khai thác nhiều hơn đơn đặt hàng. “Cào ốc tưởng là đơn giản nhưng rất nặng nhọc nên anh em chúng tôi thường đi từ 3 - 4 người để dễ phân chia công việc. Nhưng nếu gặp bữa nhiều người cùng trúng ốc, thương lái lấy có 5 bao ốc thì coi như tiền thu vào không bù đủ công sức bỏ ra”.

Nguồn sản vật ngày càng cạn kiệt khiến đời sống của ngư dân bãi ngang trở nên khó khăn hơn. Qua rồi thời điểm chỉ cần qua khỏi con sóng là “hốt” được bạc triệu, như lời các ngư dân vẫn thường nói. Bởi dù là lộc, nhưng nếu không được bảo vệ mà chỉ biết khai thác theo kiểu tận thu, thì đến lúc cũng phải mất đi…


Related news

Công Bố Giá Thu Mua Mía Nguyên Liệu Công Bố Giá Thu Mua Mía Nguyên Liệu

Tại hội nghị, nhà máy đã công bố chính sách thu mua mía nguyên liệu vụ ép 2014-2015. Công ty có chính sách trợ giá cho người trồng mía vùng gần là 50 ngàn đồng/tấn, cùng với mức trợ giá thu hoạch 10 ngàn đồng/tấn, tính ra giá mía thu mua thực tế tại ruộng vùng gần nhà máy là 895 ngàn đồng/tấn và các vùng khác là 845 ngàn đồng/tấn.

Monday. November 17th, 2014
200 Hộ Đăng Ký Vào Câu Lạc Bộ Trồng Mía Năng Suất Đạt 200 Tấn/ha/năm 200 Hộ Đăng Ký Vào Câu Lạc Bộ Trồng Mía Năng Suất Đạt 200 Tấn/ha/năm

Đến thời điểm này, Bộ phận khuyến nông thuộc Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco) đã tiến hành chấm rẫy mía được 130 hộ dân đăng ký vào Câu lạc bộ trồng mía đạt năng suất 200 tấn/ha/năm, chủ yếu trên địa bàn huyện Phụng Hiệp và TX.Ngã Bảy.

Monday. November 17th, 2014
Triển Vọng Nghề Trồng Nấm Ở Tiên Du Triển Vọng Nghề Trồng Nấm Ở Tiên Du

Áp dụng có hiệu quả những tiến bộ khoa học – kỹ thuật, đồng thời tận dụng được rơm, rạ sau thu hoạch mùa vụ. Hiện nay, nghề trồng nấm ở xã Việt Đoàn, huyện Tiên Du đang được nhân rộng và giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông thôn, góp phần từng bước giảm nghèo có hiệu quả trên địa bàn huyện.

Monday. November 17th, 2014
Rau Xanh Đắt Từ Vùng Trồng Rau Rau Xanh Đắt Từ Vùng Trồng Rau

Cuối tháng 10 và đầu tháng 11/2014, Hà Nội đón nhận vài đợt không khí lạnh. Cùng với gió lạnh là mưa kéo dài nhiều ngày. Độ ẩm ngoài trời của Hà Nội cũng vì thế mà giữ ở mức cao, có nhiều ngày độ ẩm ở mức trên 90%. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến rau xanh tại các vùng sản xuất của Hà Nội bị chết hàng loạt.

Monday. November 17th, 2014
Hướng Phát Triển Bền Vững Cho Trái Cây Dak Lak Hướng Phát Triển Bền Vững Cho Trái Cây Dak Lak

Những năm gần đây, nông dân nhiều địa phương đã trồng xen hoặc chuyển đổi vườn tạp, vườn cà phê kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn quả chất lượng cao như bơ sáp, sầu riêng cơm vàng hạt lép, chôm chôm... theo hướng sản xuất hàng hóa. Trong đó phải kể đến huyện Krông Pak, trồng nhiều loại cây ăn trái cho giá trị cao như sầu riêng, bơ, mít, vải…

Monday. November 17th, 2014