Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nghề Săn Tôm Nhí

Nghề Săn Tôm Nhí
Ngày đăng: 28/01/2015

Nghề đánh bắt tôm nhí (tôm hùm con) từ lâu nay được biết đến là một trong những nghề có thu nhập "khủng" của ngư dân vùng biển. Song, để có nguồn thu nhập đó là điều không đơn giản. Có đi, nghe và thấy mới hiểu được những những khó khăn của ngư dân trong những đêm trắng mưu sinh trên biển "săn lộc trời"!

Những người đi ngược sóng

Cuối năm, mùa sóng dữ cũng lúc những ngư dân hành nghề đánh bắt tôm nhí ở Tịnh Kỳ (T.P Quảng Ngãi), Bình Châu (Bình Sơn), Phổ Quang (Đức Phổ) vào mùa đánh bắt tôm nhí. Điều khá đặc biệt, nếu như các nghề đánh bắt hải sản trên biển khác, mùa biển động, ngư dân nghỉ ngơi tu sửa lại tàu thuyền thì nghề này mùa này mới vào vụ đánh bắt chính.
Sáng sớm một ngày trung tuần tháng 1, chúng tôi có dịp về xã Tịnh Kỳ - một trong những địa phương có số lượng ngư dân và tàu thuyền hành nghề đánh bắt tôm nhí thuộc loại đông nhất tỉnh. Mặc dù, thời điểm này thời tiết không thuận lợi do ảnh hưởng của không khí lạnh, thế nhưng không khí ở vùng biển Tịnh Kỳ khá nhộn nhịp. Suốt vùng biển dọc theo ven bờ kéo dài hàng km dày đặc lưới mành đánh bắt tôm nhí. Thuyền, thúng đánh bắt tôm nhí ra vào tấp nập.
Cho tàu cập bến với chiến lợi phẩm là hơn 50 con tôm nhí vừa mới đánh bắt được trong đêm qua, ngư dân Huỳnh Văn Chính ở thôn An Kỳ cùng 2 ngư dân trên tàu rất phấn khởi. "So với cùng thời điểm này năm trước, năm nay, tôm xuất hiện nhiều. Một đêm, bình quân mỗi tàu đánh bắt cũng được khoảng 30 - 80 con nên hầu như ngư dân nào hành nghề đánh bắt tôm nhí cũng có nguồn thu nhập khá" - ông Chính cho biết.
Theo các ngư dân, toàn bộ số tôm nhí ngư dân đánh bắt sẽ được các thương lái thu mua, sau đó vận chuyển vào các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa bán lại cho các hộ nuôi tôm. Hiện tại tôm nhí được thu mua với giá từ 230 - 270.000 đồng/con, giảm khoảng 100.000 đồng/con so với đầu vụ. Dù giá giảm, song với lượng tôm nhí xuất hiện nhiều nên thu nhập của các ngư dân hành nghề đánh bắt tôm vẫn vào thuộc loại "đỉnh" so với các nghề đánh bắt hải sản khác vào thời điểm này.
Chị Hạnh - một thương lái thu mua tôm nhí ở Tịnh Kỳ tiết lộ, ở xã Tịnh Kỳ có 4 - 5 điểm thu mua tôm nhí. Bình quân một ngày chỉ riêng điểm thu mua của chị thu mua từ 500 - 700 con tôm nhí. Thậm chí có thời điểm thu mua cả ngàn con. Nhiều tàu hành nghề tôm nhí, sau một đêm đánh bắt thu nhập hàng chục triệu đồng ở đây là chuyện bình thường.
Song để có được nguồn thu nhập đó cũng không phải là điều dễ dàng. Lão ngư Ngô Thanh Bình (55 tuổi) ở thôn An Vĩnh chia sẻ: Mùa tôm nhí bắt đầu từ đầu vào khoảng tháng 10 âm lịch đến tháng 3 năm sau. Đây thường là lúc biển động, ngư dân ra biển rất cực nhưng do thời điểm này tôm nhí tập trung nhiều nên hầu như ngư dân đều ra biển khai thác.
Do vậy, dù nghề đánh bắt tôm nhí chỉ làm gần bờ ven gành đá, xa lắm cũng chỉ cách bờ từ 2 – 3 hải lý trở lại nhưng cũng rất nguy hiểm. "Nghề săn bắt tôm hùm giống cũng là thử thách với ngư dân. Ra biển có những lúc mưa to, gió lớn, sóng cao, lại đánh bắt chủ yếu vào ban đêm nên nếu không cẩn trọng, tàu thuyền khai thác tôm nhí dễ bị sóng đánh va vào đá hoặc bị đánh chìm xuống dòng nước lạnh giữa biển đêm" - ông Bình cho hay.
Phần lớn ngư dân gắn bó với nghề khai thác tôm nhí phải quen với việc lấy đêm làm ngày, nếu không có sức khỏe, không quen việc thì khó bề bám trụ với nghề vì mùa tôm kéo dài nhiều tháng liền. Tuy nhiên, với hầu hết các ngư dân hành nghề đánh bắt tôm nhí, việc đón một cái tết có no ấm hay không là phụ thuộc vào những đêm mưu sinh trên biển.
Mánh khóe của "thợ săn"
Dựa vào tập tính sinh sống của tôm nhí thường xuất hiện ở bãi rạn, gành đá... mà ngư dân có các phương thức khai thác khác nhau. Hiện nay, trong ngư dân có ba hình thức đánh bắt chủ yếu là chong mành, bẫy nhử và lặn bắt. Trong đó, hình thức đánh bắt chong mành được đánh giá là hiệu quả nhất.
Việc đánh tôm nhí bằng lưới mành thường bắt đầu từ khoảng 15 giờ. Sau khi thả lưới xong đến tối thì chong đèn điện để dụ tôm nhí đến và cứ 2 - 3 giờ là kéo lưới 1 lần để kiểm tra. Việc đánh bắt kết thúc vào khoảng 4 - 5 giờ sáng hôm sau.
Nhưng không phải hễ dưới biển có nhiều tôm là ai thả lưới cũng đánh bắt được nhiều. Để việc đánh bắt mang lại hiệu quả cao cùng với yếu tố thời tiết, sự may mắn thì còn phải cần đến độ nhạy cảm về ngư trường của người “cầm chịch” để tìm những địa điểm giăng thả mành. Và địa điểm được ví là "vàng" của nghề tôm nhí chính là vùng nước xoáy ở các dãy rạng, mà ngư dân Tịnh Kỳ gọi là "miệng lưới".
Theo các ngư dân chuyên nghiệp, sở dĩ có vùng xoáy là do các tảng đá ngầm lớn nằm chắn ngang đường các dòng chảy tạo ra. Tại các vị trí này tôm nhí sẽ bị nước cuộn và dồn về 1 chỗ. Vì vậy nếu đặt lưới ở những nơi này chỉ bắt được nhiều hay ít chứ khó trở về tay không được. Nhiều năm qua, gần như 100% trường hợp thu nhập "khủng" từ tôm nhí đều rơi vào số tàu thả mành ở những vị trí này.
Chính vì mang lại hiệu quả đánh bắt như vậy, cho nên vào mỗi mùa đánh bắt tôm nhí, để giành được những vị trí "ngon" này là một cuộc cạnh tranh không kém phần gây cấn giữa các ngư dân. "Bắt đầu vào mùa tôm nhí, việc đầu tiên là đưa tàu đi rong ruổi để tìm điểm các "miệng lưới" rồi neo đậu xí phần và trấn giữ 24/24. Bởi lẽ, nếu đưa tàu đi nơi khác, sẽ có tàu khác đến chiếm ngay" - ngư dân Ngô Thanh Bình cho biết.
Song mùa đánh bắt tôm nhí kéo dài trong nhiều tháng, và không phải lúc nào biển cũng lặng và hiền hòa, để cho một tàu thuyền của ai đó mãi chiếm giữ dành làm của riêng. Thế nên mới có chuyện, khi trời mưa bão lớn, tàu nhổ neo khỏi vị trí "vàng" vào bờ tránh bão, khi trời yên trở lại, ngư dân đưa tàu ra vị trí cũ thì đã có tàu khác nhanh chân hơn trấn giữ, đành chấp nhận tìm khu vực khai thác khác kém "ngon" hơn.
Với kinh nghiệm của những ngư dân, ngoài việc chọn được vị trí hứa hẹn, ngư dân phải chọn được hướng gió và định hướng được con nước để mành lưới giăng đúng hướng di chuyển của tôm. Những chiếc neo phải “buộc” được con tàu đứng vào đúng vị trí trung tâm của mành lưới để có thể đón được tôm cả 2 bên mành, không để tôm lọt ra ngoài vùng mành kiểm soát.
Xung quanh việc cạnh tranh các điểm "miệng lưới", điều khá thú vị là hầu như các tàu khi chiếm và khai thác tôm nhí ở "miệng lưới" đều rất dè chừng khi nói về thu nhập thật của tàu mình. Bởi lẽ, theo lý giải của các ngư dân, mặc dù ai cũng biết những khu vực ấy đánh bắt rất hiệu quả, song các tàu giấu vì sợ các tàu khác biết được sẽ đến chiếm giữ nếu chẳng may trong điều kiện bất khả kháng phải đưa tàu vào bờ.
Tôm hùm là một trong những loài hải sản quý và có giá trị kinh tế cao. Trong những năm trở lại đây, nghề nuôi tôm hùm phát triển ở nhiều nơi. Do vậy, nghề “săn” tôm nhí cũng đã đem lợi nhuận lớn cho nhiều hộ ngư dân ở Quảng Ngãi.
Hiện chưa thể cho tôm hùm sinh sản trong môi trường nhân tạo được. Nguồn giống phục vụ nghề nuôi tôm hùm thịt vẫn từ lấy từ tôm hùm con trong môi trường tự nhiên. Song, vấn đề quản lý thế nào, khai thác thế nào cho hợp lý để vừa đảm bảo lợi ích kinh tế vừa bảo vệ, tái tạo nguồn lợi tôm hùm trong mùa sinh sản hiện một vấn đề cấp thiết được đặt ra cho các cấp, ngành chức năng.


Có thể bạn quan tâm

Nhà Máy Mía Đường Cà Mau Hoạt Động Trở Lại Nhà Máy Mía Đường Cà Mau Hoạt Động Trở Lại

Ông Trịnh Thanh Chiều, một hộ dân trồng mía tại ấp 8, xã Trí Lực (huyện Thới Bình) cho biết: Giá mía đã tăng lên 100đ/kg so với mấy ngày trước, hiện cân tại vườn với giá 620đ/kg, người dân bớt lo lắng.

19/11/2014
Cá Tra Có Sớm Thoát “Cục Nước Đá”? Cá Tra Có Sớm Thoát “Cục Nước Đá”?

Thông tư của Bộ NN-PTNT hướng dẫn, từ ngày 1/1/2015, thực hiện quy định về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm cá tra theo Nghị định 36. Hơn 6 tháng cuối năm 2014 là “lộ trình” cho các DN bán hết hàng tồn kho, sau đó sản phẩm cá tra chế biến muốn xuất khẩu phải thoát khỏi “cục nước đá”. Nếu kiểm tra phát hiện “cục nước đá” sẽ bị buộc chế biến lại hoặc tiêu hủy, cơ sở chế biến có thể bị đình chỉ sản xuất. Tất cả nhằm lấy lại uy tín chất lượng cho cá tra, từng bước xây dựng thương hiệu cá tra Việt Nam.

19/11/2014
Đài Loan Bịa Đặt Thông Tin Chè Việt Nam Trồng Trên Đất Nhiễm Dioxin Đài Loan Bịa Đặt Thông Tin Chè Việt Nam Trồng Trên Đất Nhiễm Dioxin

Chiều 18/11, Phó GĐ Sở Tài nguyên và Môi trường Lâm Đồng Lương Văn Ngự khẳng định: “Trong rất nhiều báo cáo đánh giá tác động môi trường trong những năm qua của Sở đều không thể hiện nội dung vùng đất trồng chè của tỉnh Lâm Đồng có tàn dư của chất độc dioxin.

19/11/2014
Bạc Liêu Xử Phạt 63 Triệu Đồng Đối Với 16 Trường Hợp Nhập Tôm Giống Vào Tỉnh Trái Phép Bạc Liêu Xử Phạt 63 Triệu Đồng Đối Với 16 Trường Hợp Nhập Tôm Giống Vào Tỉnh Trái Phép

Mới đây, Chi cục Thú y tỉnh phối hợp với đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh tổ chức kiểm tra 20 xe nhập tôm giống vào tỉnh và 10 cơ sở sản xuất tôm giống trên địa bàn tỉnh.

19/11/2014
Cá Nuôi Chết Nhiều Do Nước Thải Trên Ruộng Cá Nuôi Chết Nhiều Do Nước Thải Trên Ruộng

Để chuẩn bị xuống giống vụ đông xuân, nông dân sử dụng nhiều loại thuốc BVTV để diệt ốc, diệt cỏ… sau đó xả thẳng xuống sông. Lượng nước nhiễm độc cùng các mầm bệnh khiến cá nuôi tại các làng bè trong tỉnh chết hàng loạt.

19/11/2014