Khánh Sơn (Khánh Hòa) Cân Nhắc Với Cây Tiêu

Hiện nay, hồ tiêu tại Khánh Sơn (Khánh Hòa) đang được mùa, được giá. Người dân đang có xu hướng phá bỏ các diện tích sản xuất kém hiệu quả để trồng tiêu. Tuy nhiên, việc chuyển đổi ồ ạt có thể tiềm ẩn những hậu quả khác…
Tiêu được giá, phá đất làm thêm
Lâu nay, hồ tiêu không nằm trong danh mục quy hoạch phát triển cây trồng của Khánh Sơn. Song hiện nay Khánh Sơn đã có khoảng 42ha hồ tiêu, chủ yếu là do người dân trồng tự phát. Vốn đầu tư ban đầu để trồng tiêu khá lớn, khoảng 60 - 70 triệu đồng/sào, sau khoảng 3 - 4 năm mới cho thu hoạch. Nhưng bù lại, lãi ròng rất lớn nếu được giá.
Hiện nay vì giá tiêu tăng cao nên nhiều người dân có thu nhập cao. Ông Đinh Văn Thục (thị trấn Tô Hạp) trồng 2 sào tiêu từ năm 2000 cho biết, 14 năm qua, đã có thời điểm giá tiêu xuống còn 18.000 đồng/kg, nông dân trắng tay. Song 4 năm trở lại đây, giá tiêu tăng liên tục từ 130.000 đến 150.000 đồng/kg, có khi lên 180.000 đồng/kg.
Ông Thục vui mừng: “Mấy năm nay, giá tiêu ổn định, mỗi năm gia đình tôi thu khoảng 130 - 140 triệu đồng. Trừ chi phí, lãi hơn 120 triệu đồng. Hiện tôi đang đúc trụ trồng tiêu để thay diện tích sầu riêng”.
Ông Phạm Hữu Cầu (thôn Chi Chay, xã Sơn Trung) cho biết: “Năm ngoái, tôi chỉ trồng 1 sào, lãi được 70 triệu đồng. Năm nay, tôi tăng diện tích thêm 1,5 sào, thu hoạch chắc khoảng 130 triệu. So với nhiều loại cây trồng khác, tiêu hiệu quả hơn nhiều nên tôi định phá vườn mít nghệ để trồng hồ tiêu”.
Trước việc tiêu được giá, nhiều người dân có xu hướng chuyển đổi các loại cây trồng khác sang trồng tiêu. Theo ông Lê Anh Quang, cán bộ khuyến nông xã Sơn Bình, bên cạnh những hộ tự bỏ vốn đầu tư, nhiều hộ tại Sơn Bình, Sơn Trung, Ba Cụm Bắc đã đăng ký cây giống.
Chưa nắm vững kỹ thuật
Người dân thấy lợi thì làm, nhưng để tránh hiện tượng “được mùa mất giá” cũng như phát triển cây tiêu một cách bền vững, Nhà nước hẳn sẽ phải có định hướng. Song trước mắt, điều mà người dân cần là kiến thức về cây trồng này vì tiêu không dễ trồng, nhiều sâu bệnh. Việc phát triển tiêu ồ ạt mà chưa nắm vững kỹ thuật sẽ khiến nông dân thiệt hại nặng. Chẳng hạn ở Sơn Bình, nhiều diện tích hồ tiêu bị nhiễm bệnh chết chậm do thối rễ.
Bà Lê Thị Thu Hiền (thôn Chi Chay, xã Sơn Trung) cho biết: “Tôi trồng tiêu từ năm 2009 nhưng đến giờ cũng không biết làm gì khi tiêu rụng lá, quả non hay bị sâu bệnh, chết dần. Tôi rất mong được hướng dẫn quy trình canh tác, cách phòng tránh sâu bệnh, được phổ biến khoa học kỹ thuật về loại cây này”. Còn vườn tiêu của nhà ông Lê Văn Nho (thôn Liên Hòa, xã Sơn Bình), từ năm 2013, cây bị thối rễ, thân và lá khô dần, đến nay thì mất trắng vì không biết cách chăm sóc.
Theo ông Tô Thái Nê, Trạm trưởng Trạm Bảo vệ thực vật huyện, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do bón quá nhiều phân và không áp dụng đúng quy trình kỹ thuật chăm sóc sau thu hoạch. Ngoài ra, việc tái canh trên diện tích tiêu bị sâu bệnh mà không xử lý mầm bệnh cũng mang lại nhiều rủi ro.
Cần tính toán kỹ
Trước xu thế “nhà nhà trồng hồ tiêu” này, ông Nguyễn Minh Thành, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện cho biết: “Thời gian tới, Trạm sẽ tập huấn, hướng dẫn về quy trình kỹ thuật canh tác cây tiêu. Đồng thời, Trạm sẽ lai tạo tiêu rừng Amazon với tiêu địa phương để tạo ra nguồn giống đảm bảo chất lượng, hạn chế hiện tượng chết chậm, giúp người nông dân yên tâm sản xuất”.
Đề cập việc người dân muốn phá bỏ các cây trồng khác để trồng hồ tiêu, ông Thành khuyến cáo: “Hồ tiêu là loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, song rủi ro cũng không ít. Người dân cần tính toán kỹ, không nên ồ ạt đầu tư phát triển diện tích trồng tiêu quá gấp, quá nhiều nhằm hạn chế rủi ro”.
Có thể bạn quan tâm

Cá chim vây vàng là đối tượng nuôi mới, đang được phát triển ở các tỉnh Nam Trung bộ, cho hiệu quả kinh tế cao. Tại Khánh Hòa, bà con nuôi thử cả trong ao đất lẫn lồng bè.

Cùng lúc thực hiện kiểm nghiệm tại Quảng Ngãi, Cục Bảo vệ Thực vật còn thử nghiệm tại Hà Nội và TP HCM. Tại Quảng Ngãi, diện tích được thử nghiệm trên 1.000 mét vuông, được thực hiện trên 3 loại thuốc kích thích, trong đó có một loại thuốc có trong danh mục được phép sử dụng của Bộ NN-PTNT, 2 loại thuốc ngoài danh mục có xuất xứ từ Trung Quốc là GA3 và 920; thuốc có trong danh mục sử dụng là thuốc An Khang do Cty TNHH Trường Thịnh, tỉnh Lạng Sơn sản xuất.

Cho đến gần đây, tôm chân trắng phục vụ cho các nhà hàng sushi băng chuyền bình dân và trong các món ăn Trung Quốc chủ yếu được NK từ Thái Lan. Tuy nhiên, mùa thu năm nay, một số chuỗi siêu thị Nhật Bản đã bắt đầu kinh doanh các sản phẩm của Ấn Độ do lợi thế về kích cỡ và giá

Cam sành là một trong những cây ăn trái chủ lực, thế mạnh của huyện Cầu Kè (Trà Vinh). Do lợi nhuận khá cao từ cây cam sành, các hộ nông dân đã ồ ạt trồng cây cam sành. Việc phát triển cây cam sành một cách tự phát, sử dụng những giống cây trôi nổi, không theo quy hoạch đã làm cho dịch bệnh tràn lan, có nguy cơ sẽ xóa sổ cây cam sành trong vài năm tới. Do đó các ngành nông nghiệp tỉnh cùng các nhà khoa học và nông dân đang tìm giải pháp để khôi phục và phát triển cây cam sành.

Tính đến ngày 15/4 đã có hơn 40 ngàn hecta nhiễm, trong đó có 17 ngàn hecta nhiễm nặng, khoảng 43 ngàn ha cần được phun thuốc phòng trừ. Các địa phương bị nặng nhất là Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình và Ninh Bình. Sâu cuốn lá nhỏ chủ yếu xuất hiện trên những ruộng cấy sớm, phát triển xanh tốt.